Bài viết của Tiểu Mai, đệ tử Đại Pháp tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 04-11-2023] Tại đây, tôi muốn viết ra tâm đắc thể hội trong thời gian gần đây khi nhóm học Pháp của chúng tôi cùng nhau học thuộc Pháp và thực tu để cùng giao lưu với các đồng tu.

1. Mong muốn học thuộc Pháp

Tôi bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp đã hơn 20 năm và tôi luôn có nguyện vọng muốn học thuộc Chuyển Pháp Luân. Đây là cuốn sách chỉ đạo chúng ta luyện Đại Pháp, là thiên Pháp, nên nếu chúng ta có thể thuộc được thì tốt biết mấy.

Sư phụ giảng:

“Tôi chỉ là nói về ý tứ này, nói rằng những điều tốt đến thế thì vì sao chúng ta không học thuộc đi? Mọi thời mọi khắc yêu cầu chúng ta có thể làm người tốt nơi người thường, có thể đề cao, chư vị thuộc rồi thì chẳng phải còn tốt hơn sao? Mọi thời mọi lúc đều có đối chiếu. Như vậy là khởi phát làn sóng học thuộc sách.” (Kiến nghị tại Hội nghị Phụ đạo viên Pháp Luân Đại Pháp Bắc Kinh [1994])

“Hiện nay ở Trường Xuân khả năng có trên vạn người đang học thuộc sách, hình thức họ học Pháp bây giờ có tình huống thế nào? Chính là ngồi xuống bắt đầu học, không cần sách, họ từ đầu bắt đầu đọc thuộc sách, dừng lại, và người khác tiếp tục đọc thuộc, không sai một chút nào, đọc thuộc tiếp không sai một chữ nào.” (Kiến nghị tại Hội nghị Phụ đạo viên Pháp Luân Đại Pháp Bắc Kinh [1994])

Tôi bắt đầu học thuộc Pháp từ hơn 10 năm trước, rồi chưa được bao lâu, tôi lại không kiên trì được nữa, cảm thấy học thuộc Pháp quá chậm, lại không nhớ được nên đã bỏ cuộc. Rồi tôi lại bắt đầu học thuộc lại, cứ vài lần như vậy và đều không thể kiên trì tiếp tục. Tôi muốn tìm một đồng tu để học thuộc Pháp cùng tôi nhưng các đồng tu xung quanh đều muốn tự học thuộc Pháp ở nhà. Tôi đã nghĩ rất nhiều cách nhưng đều không được.

Khi tôi có mong muốn học thuộc Pháp, Sư phụ đã giúp tôi. Một hôm, đột nhiên tôi muốn học thuộc Pháp ngay trong nhóm học Pháp của chúng tôi, cũng chính là biến nhóm học Pháp thành nhóm học thuộc Pháp. Khi tôi vừa chia sẻ với các đồng tu thì mọi người đều đồng ý. Vậy là chúng tôi cùng nhau thảo luận xem sẽ học thuộc thế nào.

Vậy là tháng 10 năm 2022, nhóm học thuộc Pháp của chúng tôi bắt đầu thành lập, tổng cộng có năm người, trong đó có hai người hơn 50 tuổi, hai người hơn 60 tuổi và một người là đồng tu lâu năm đã hơn 80 tuổi. Chúng tôi quy định mỗi tuần sẽ học thuộc bảy trang (tức là mỗi ngày học một trang), khi đến nhóm, mỗi người sẽ đọc thuộc bảy trang đó một lượt, nếu đọc sai thì sẽ chỉnh lại, nếu chưa thuộc được thì có thể nhìn sách đọc.

2. Học thuộc Pháp và thực tu

Điều tôi không ngờ tới là nhóm học thuộc Pháp của chúng tôi có năm người thì trong đó có hai đồng tu gần như tuần nào cũng có thể thuộc được bảy trang, hơn nữa giọng đọc bình hòa, tựa như đang đọc sách vậy, không sai một chữ nào, không sót chữ cũng không thêm chữ, khiến chúng tôi rất kính nể. Tôi vô cùng biết ơn Sư phụ đã an bài hoàn cảnh tu luyện cho tôi, để tôi thấy được khoảng cách giữa bản thân so với các đồng tu.

Thông qua việc học thuộc Pháp, tôi đã tìm được rất nhiều nhân tâm, ví như tâm an dật, tâm ngại khó, tâm muốn tìm đường tắt, còn cả quan niệm người thường cho rằng đầu óc chậm chạp, v.v.. Rất nhiều nhân tâm. Đôi khi đến nhóm học thuộc Pháp mà tôi cảm thấy như đi kiểm tra vậy, đôi lúc thì cảm thấy như là vượt quan. Có lúc giữa các đồng tu còn sinh ra một chủng cảm giác hâm mộ những đồng tu học thuộc Pháp tốt.

Cảm giác việc đến nhóm học thuộc giống như một kỳ kiểm tra, vượt quan hay tâm tình hâm mộ đó, tất cả đều là niệm đầu bất chính, nhưng thông qua việc học thuộc Pháp nghiêm túc mà thần thánh nhường ấy, tất cả đã được quy chính. Mục đích của việc học thuộc Pháp là gì? Chính là mang chứa Pháp vào trong tâm, vào trong chủ nguyên thần của mình, để từ đó dùng Pháp chỉ đạo tu luyện, như vậy mới có thể phân rõ suy nghĩ của bản thân là chính hay không chính.

Việc tham gia nhóm học thuộc Pháp lần này, điều tôi cảm nhận được sâu sắc nhất chính là vô luận gặp phải khó khăn gì, dù bận rộn đến đâu, hay dù khi không thuộc được, tôi đều không mảy may suy nghĩ sẽ bỏ dở việc học thuộc Pháp, ý niệm đó chưa từng xuất hiện.

Trong quá trình học thuộc Pháp, tôi đã tìm ra những nhân tâm mà bản thân không dễ phát giác. Trước đây, tôi đã biết việc đọc Pháp ở nhóm học Pháp và việc tự đọc Pháp ở nhà là không giống nhau, khi đọc Pháp một mình có thể thấy được Pháp lý và đôi khi đọc không hiểu liền đọc lại một lượt. Còn ở nhóm học Pháp, tôi tự yêu cầu bản thân không được có tạp niệm, phải tĩnh tâm học, nhưng lại thấy được ít Pháp lý, khi đó tôi cũng không biết nguyên nhân tại sao. Nhưng hiện giờ tôi đã hiểu, chính là tôi có tâm sợ đọc sai chữ, tinh lực đặt vào việc làm sao để đọc không bị sai nên đương nhiên sẽ không nhìn ra các Pháp lý.

3. Học thuộc Pháp cần đặt công phu

Đồng tu trên 80 tuổi thường nói: đầu óc tôi chậm chạp rồi, tôi học thuộc hai giờ đồng hồ cũng không nhớ được. Tôi cũng vậy, đôi khi một câu Pháp tôi đọc thuộc hơn chục lần nhưng khi nghĩ lại nội dung mình vừa đọc thuộc là gì thì một chút cũng nghĩ không ra, cảm thấy không vào đầu được chút gì, như thể đầu óc không còn khe hở nào, không thể đả khai, không thể nhớ được gì, và tôi liền cho rằng đó là trạng thái không tốt nên dừng lại nghỉ một chút mà không hướng nội tìm, không nhận ra rằng cách nghĩ đó là không đúng. Sau này, tôi dần dần minh bạch được rằng chính là nghiệp lực tư tưởng đã ngăn trở không cho tôi học thuộc. Nếu như tôi kiên trì tiếp tục học thuộc thì nghiệp tư tưởng sẽ bị tiêu trừ.

Hiện giờ khi học thuộc Pháp, nếu không nhớ được, tôi liền nhẩm câu Pháp của Sư phụ:

“Nan Nhẫn năng Nhẫn, nan hành năng hành” (Bài giảng thứ chín – Chuyển Pháp Luân)

Đôi lúc tôi phát chính niệm để giải thể hết thảy các nhân tố tà ác và sinh mệnh tà ác can nhiễu việc học thuộc Pháp, rồi sau đó lại tiếp tục kiên trì học thuộc.

Ngày 25 tháng 8 năm nay, nhóm học Pháp của chúng tôi đã học thuộc xong lượt đầu tiên cuốn Chuyển Pháp Luân và tiếp tục bắt đầu học thuộc lượt thứ hai. Việc học thuộc Pháp khiến tâm tôi ngày càng tĩnh lại. Khi tĩnh lại lúc luyện bài công pháp thứ năm, tôi cảm nhận được sự mỹ diệu của việc luyện công. Đôi lúc tôi cũng ngủ ít hơn, thường là sau khi phát chính niệm vào lúc 12 giờ đêm, tôi vẫn muốn học thuộc Pháp từ một đến hai tiếng nữa, nhưng ban ngày tôi không cảm thấy buồn ngủ. Từ chỗ không thể nhớ đến chỗ có thể nhớ, rồi có thể thuộc được, mỗi quá trình đều cần phải đặt công phu.

Khi bắt đầu học thuộc Pháp, tôi luôn muốn tìm kiếm bí quyết, tìm phương pháp để muốn đi đường tắt thay vì đặt công phu vào cái tâm. Tôi còn ngộ được rằng việc học thuộc Pháp cũng cần kính Sư kính Pháp, bởi vì mỗi một chữ, mỗi một câu đều là thiên cơ, đều là Pháp trân quý mà Sư phụ từ bi truyền cấp cho chúng ta.

Sư Phụ giảng:

“Những ai đã khai [mở] thiên mục trong chúng ta đều thấy rằng, cuốn sách này nhìn là thấy ngũ quang thập sắc, lấp lánh ánh vàng kim, mỗi chữ đều là hình tượng Pháp thân của tôi.” (Bài giảng thứ chín – Chuyển Pháp Luân)

Chỉ có kính Sư kính Pháp, Pháp mới có thể tiến nhập và chứa đựng vào trong tâm.

Trong khi học thuộc Pháp, tôi thấy những cụm từ thường hay xuất hiện như “Mọi người đều biết” (Chuyển Pháp Luân) và “Tôi nói cho mọi người” (Chuyển Pháp Luân). Tôi nghĩ: Tại sao tôi lại không chú ý đến lời giảng đó của Sư phụ chứ? Hiện tại, tôi đã minh bạch được rằng: Bình thường tôi không nhập tâm khi đọc Pháp, cũng chưa ngộ ra ở phương diện này. Thông qua việc học thuộc Pháp, hiện tại tôi đã hiểu: Sư phụ đã nói cho mọi người biết, vậy nên tôi cần phải biết, phải ghi nhớ, như vậy mới có được lĩnh hội mới.

4. Trân quý cơ duyên

Một hôm, một đồng tu đến tìm tôi có chút việc, tôi nói: “Nhóm chúng tôi đang học thuộc Pháp. Chị cũng đến học thuộc Pháp cùng chúng tôi nhé.” Sau khi nghe nói chúng tôi học thuộc Pháp, cô ấy vô cùng xúc động nói: Trước đó tôi có nghe chị nói nhóm chị học thuộc Pháp, mới đó cảm thấy chưa lâu mà hôm nay đã thấy chỉ còn hai tuần nữa là các chị đã học thuộc xong một lượt cuốn Chuyển Pháp Luân rồi. Tôi ở nhà tự học thuộc, không có ước thúc, có việc là lại bị trễ nải. Tôi đến nhóm cùng học thuộc với các chị được không? Tôi nói: chúng tôi rất hoan nghênh.

Còn có một đồng tu khác cũng muốn đến nhóm chúng tôi học Pháp, trước đây tôi cũng nói với cô ấy rằng nhóm chúng tôi học thuộc Chuyển Pháp Luân, hy vọng cô ấy có thể đến. Lần này tôi nói: Nhóm chúng tôi học thuộc Pháp, chị đến học cùng nhé? Cô ấy nói: Tôi cũng sẽ học thuộc Pháp với các chị. Khi thấy các đồng tu học thuộc Pháp tốt như vậy, không sai một chữ, nhiều lần cô ấy đã không kìm được nước mắt, liên tục nói: tôi thật hối hận vì đến học muộn”.

Chúng ta cần phải học Pháp tốt, tu tốt bản thân, cứu nhiều người hơn nữa, hoàn thành sứ mệnh lịch sử đã giao phó cho chúng ta.

Có điều gì không phù hợp với Pháp, mong các đồng tu từ bi chỉ chính.

(Phụ trách biên tập: Vu Duyệt)

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/11/4/467793.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/1/3/214157.html

Đăng ngày 12-01-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share