Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 20-10-2023] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1996. Sư phụ Lý, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, đã giảng:

“Khi người thường phát sinh các chủng quan hệ xã hội giữa người với người, vì lợi ích cá nhân mà làm điều xấu, mắc nợ [người ta], nên phải chịu [khổ] để bồi thường.” (Bài giảng thứ Hai, Chuyển Pháp Luân)

Gần đây, khi đọc thuộc lòng đoạn Pháp này, tôi đã liên tưởng đến một sự việc trong quá khứ.

Tỉnh ngộ từ việc mất tiền không phải của mình

Một ngày sau khi đắc Pháp, cấp trên đã giao cho tôi một nhiệm vụ, yêu cầu tôi và hai đồng nghiệp đến một trường đại học ở thành phố nọ để giảng dạy một khóa học đặc biệt. Ba người chúng tôi, mỗi người lấy ra một số kết quả từ lĩnh vực nghiên cứu của mình để đưa vào bài giảng. Thời gian giảng dạy kéo dài trong ba ngày liên tục. Mọi việc diễn ra rất tốt đẹp và nhà trường hết sức hài lòng. Họ đặc biệt ấn tượng với phong cách giảng dạy của tôi. Có lẽ là do tôi đã sử dụng công nghệ trình chiếu tiên tiến hơn một chút vào thời điểm đó để trình bày dữ liệu một cách trực quan, đồng thời tôi giảng dạy khá thoải mái và thường tương tác với người học.

Vài tháng sau, Trường Đại học lại mời tôi đến giảng cùng loạt bài đó, điểm khác biệt là lần này họ chỉ mời đích danh tôi. Ban đầu, tôi cảm thấy hơi lưỡng lự vì chưa quen với lĩnh vực nghiên cứu của hai đồng nghiệp kia. Tuy nhiên, vì cấp trên đã đồng ý với đề nghị của trường nên tôi đành phải đến gặp hai đồng nghiệp đó. May mắn thay, chúng tôi vốn có mối quan hệ tốt trong công việc và họ đã ân cần cung cấp tài liệu cho tôi .

Sau khi nghiên cứu và tổng hợp, tôi bắt tay vào soạn bài giảng mới. Mọi chuyện diễn ra thành công tốt đẹp. Trường Đại học tiếp đón tôi rất chu đáo, họ lo cho tôi bữa ăn, chỗ ở, phương tiện đi lại; sau khi giảng, tôi còn được nhận một khoản tiền 500 Nhân dân tệ, đây quả thực là một số tiền đáng kể vào thời điểm đó.

Trở lại nơi làm việc với tâm trạng mãn nguyện và tự hào, tôi định chia số tiền nhận được cho hai người đồng nghiệp. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc giữa được và mất, tôi cảm thấy tuy rằng sử dụng tài liệu mà họ cung cấp, nhưng tôi đã phải bỏ ra rất nhiều công sức để tìm hiểu và biên soạn, nhờ vậy bài giảng mới thành công, tôi không đáng nhận được khoản thù lao này sao? Cuối cùng, tôi quyết định giữ lại toàn bộ số tiền cho riêng mình. Mặc dù cảm thấy hơi áy náy, nhưng vài ngày sau, tôi đã không nghĩ đến chuyện này nữa. Vào thời điểm đó, vì mới bắt đầu tu luyện nên nhận thức của tôi còn nông cạn và tôi không đặt tiêu chuẩn tâm tính cao cho bản thân.

Một ngày Chủ nhật sau đó không lâu, tôi đi mua sắm trên con phố thương mại chính của thành phố. Tôi thường bận đến nỗi không có thời gian mua sắm, nhưng lần đó tôi đã cố gắng bớt chút thời gian và mang theo khá nhiều tiền mặt. Sau khi mua hai đôi giày, tôi nhận ra một chiếc ví của mình đã biến mất.

Thực tế là, tôi đã mang theo hơn 700 Nhân dân tệ và cất trong hai chiếc ví. Chiếc ví có bảy tờ 100 Nhân dân tệ tôi nhét vào túi trong của quần áo. Chiếc ví còn lại đựng tiền lẻ tôi bỏ vào túi bên ngoài để dễ dàng lấy ra. Khi trả tiền giày, tôi lấy 200 Nhân dân tệ trong ví tiền lớn ra, thanh toán hết hơn 100 tệ, số tiền thừa còn lại tôi bỏ vào ví bên ngoài. Nhưng sau đó tôi phát hiện chỉ thấy chiếc ví đựng tiền lẻ mà không thấy chiếc ví đựng những tờ tiền lớn đâu. Tôi quay lại con đường mình đã đi và tìm kiếm xung quanh quầy giày đã mua nhưng không thấy. Cảm thấy chán nản, tôi không mua sắm nữa và đi thẳng về nhà.

Sau khi về nhà suy ngẫm lại, tôi cảm thấy rất kỳ lạ. Tôi luôn chặt chẽ và cẩn thận, từ bé đến lớn, hiếm khi tôi đánh mất thứ gì. Lần này không hiểu chuyện gì đã xảy ra? Hơn nữa, điều kỳ lạ là chiếc ví ở túi ngoài vẫn còn đó nhưng chiếc ví ở túi bên trong lại không còn.

Tôi đã mất đúng 500 Nhân dân tệ, không hơn, không kém. Trong tích tắc, tôi chợt hiểu ra rằng đó chính là 500 Nhân dân tệ mà tôi đã giữ hết cho riêng mình! Sự việc mất tiền này giống như một gậy bổng hát: Tôi giật mình tỉnh ngộ, cảm thấy cực kỳ hối hận và xấu hổ. Tôi đã chìm đắm trong sự tâng bốc, tự cảm thấy hơn người và ôm khư khư số tiền kiếm được-đây đúng là hành vi của một người thường! Tôi là một người tu luyện; Sư phụ dạy chúng ta xem nhẹ danh lợi. Chẳng nhẽ tôi không biết điều này sao!

Ngay cả trong người thường cũng có câu “quân tử ái tài thủ chi hữu đạo” nghĩa là người quân tử coi trọng của cải nhưng nhận của cải cũng cần có đạo lý. Tôi đã dùng công sức của người khác mà lại không trả thù lao cho họ; hành vi ấy nào khác chi đạo văn? Tôi đã tham lam khi chiếm đoạt công sức của người khác và còn chiếm đoạt của cải của họ nữa-thật đáng hổ thẹn! Tôi đã thực sự quá coi trọng danh lợi.

Tu khứ “vị tư”

Sau sự việc đó, tôi bắt đầu chú ý buông bỏ chấp trước vào danh lợi. Tôi nghĩ mình đang làm tốt, nhưng thực sự sau hơn 20 năm tu luyện, tôi nhận ra mình vẫn chưa hoàn toàn loại bỏ được chấp trước này và chỉ cần có cơ hội là nó bộc lộ ra ở các mức độ lớn nhỏ khác nhau.

Cách đây vài hôm, tôi đi siêu thị mua thực phẩm. Khi tôi đang chọn củ sen, thì một cô gái trẻ hỏi tôi cách chọn củ sen cho món salad. Tôi nói rằng những củ có đầu nhọn về phía trước sẽ giòn hơn, do vậy làm salad sẽ ngon hơn.

Vừa nói, tôi vừa bới tìm thì thấy một củ sen ngon có đầu nhọn. Tôi đưa cho cô ấy xem và nói rằng nó sẽ rất thích hợp để làm món salad. Lúc đó, trong đầu tôi lóe lên một ý nghĩ: “Mình nên đưa nó cho cô ấy; đó đúng là củ sen mà cô ấy cần.” Tuy nhiên, ngay lập tức một suy nghĩ khác xuất hiện, áp đảo ngay suy nghĩ trước đó: “Không được, mình đã mất rất nhiều thời gian mới tìm thấy củ sen này, mình cũng cần nó chứ.” Vì vậy, mặc dù biết cô gái trẻ có thể không dễ tìm được củ sen phù hợp nhưng tôi đã cho luôn củ sen tìm được vào túi nilon của mình rồi xoay người rời đi.

Về đến nhà, tôi nhận thấy mình đã sai và trong tâm vô cùng hối hận. Mỗi người chúng ta gặp, đặc biệt là những người chủ động bắt chuyện với chúng ta, nhất định có mối nhân duyên với chúng ta. Nhìn thì tưởng ngẫu nhiên nhưng kỳ thực đều có an bài. Giá như tôi đưa củ sen cho cô gái và giảng chân tướng cho cô ấy. Hoàn cảnh lúc đó rất thuận lợi, xung quanh không có ai, tiện nói chuyện và có lẽ cô gái đã được cứu. Nhưng chỉ vì chút lợi ích nhỏ cho bản thân mà tôi đã bỏ lỡ cơ hội cứu người. Điều này cũng không khác gì phạm tội.

Hướng nội tìm sâu hơn, tôi phát hiện ra rằng sau nhiều năm tu luyện tôi vẫn thường dùng nhân tâm để giải quyết vấn đề chứ không chiểu theo tiêu chuẩn của Pháp. Sư phụ dạy chúng ta phải nghĩ đến người khác trước, hành vi của tôi chẳng phải là còn cách quá xa yêu cầu của Sư phụ sao. Là một sinh mệnh mang theo đặc tính vị tư của cựu vũ trụ, chỉ bằng cách duy nhất là đồng hóa với Đại Pháp, tôi mới có thể thực sự thoát thai hoán cốt, triệt để loại bỏ ‘tư’ để trở thành bậc Giác Giả trong vũ trụ mới. Tôi phải kiên định tiến đến mục tiêu này, cho dù khoảng cách còn bao xa.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/10/20/467220.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/20/213000.html

Đăng ngày 06-12-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share