Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Seoul, Hàn Quốc

[MINH HUỆ 28-10-2023] Khi tôi còn là chủ nhiệm Cục Giải quyết Dân sự tại Tòa án quận Nam Seoul, người đại diện của một tổ chức nhân quyền đã đưa một người phụ nữ đến văn phòng tôi. Người phụ nữ đó muốn đệ đơn tái xét xử nên đã đến tòa án để xem lại hồ sơ phán quyết của bà, vốn đã được xét xử trước đó. Bà có quyền xem hồ sơ ngay lúc đó nhưng một thư ký tòa án đã nói với bà rằng không thể tìm thấy hồ sơ và yêu cầu bà quay trở lại sau.

Sự trì hoãn này kéo dài khoảng một tháng. Người phụ nữ cho rằng tòa án không có ý định cho bà xem hồ sơ nên đã liên lạc với một tổ chức nhân quyền để tìm kiếm sự giúp đỡ.

Người đại diện của tổ chức nhân quyền đã lắng nghe câu chuyện của bà và biết rằng đây là lỗi của tòa án. Ông đã đặt một cuộc hẹn gặp tôi để thảo luận về vấn đề này. Viên thư ký tòa án được giao nhiệm vụ xử lý yêu cầu của người phụ nữ kia đã nói với tôi rằng cậu ấy đã tìm kiếm trong kho lưu trữ nhiều lần nhưng không thể tìm thấy hồ sơ của bà. Vì thế, tôi cùng với cậu thư ký đến kho lưu trữ để tìm kiếm lần nữa. Hóa ra, hồ sơ của bà đã vô tình bị hủy mất khi người chủ nhiệm cũ tiêu hủy những hồ sơ quá hạn.

Khi người phụ nữ và người đại diện tổ chức nhân quyền đến văn phòng tôi, tôi đã thừa nhận đó là lỗi của tòa án. Tôi nói rằng do nhân viên tòa án nhầm lẫn nên hồ sơ vụ án của bà ấy đã bị hủy mất cùng với những hồ sơ quá hạn.

Người đại diện tổ chức nhân quyền có vẻ kinh ngạc khi tôi thừa nhận tòa án đã mắc lỗi. Thái độ của ông thay đổi. Ông nói rằng đã từng thương thảo với vô số viên chức công vụ trong hơn 10 năm và họ lúc nào cũng tìm cớ bào chữa; rằng đây là lần đầu tiên ông gặp một người sẵn sàng thừa nhận họ hoặc tổ chức của họ đã phạm sai lầm. Ông khuyên người phụ nữ kia thông cảm và không làm sự việc căng thẳng thêm. Nhờ thái độ thừa nhận và lời xin lỗi của tôi, tâm trạng bà ấy đã dịu đi.

Người đại diện nói rằng ban đầu ông ấy dự tính tìm đến chủ tịch tòa án để yêu cầu viên chức nào có liên quan phải chịu trách nhiệm nếu tôi không thừa nhận lỗi lầm.

Là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, bất kể nghề nghiệp của tôi là gì, tôi không thể nói dối nên tôi chỉ đơn thuần nói ra sự thật. Điều này đã làm người đại diện tổ chức nhân quyền cảm động. Một vài ngày sau, tôi đã báo cáo sự việc này trong một cuộc họp với chủ tịch tòa án, các trưởng ban và các chủ nhiệm. Chủ tịch tòa án đã tuyên dương tôi vì xử lý tốt một vụ khiếu nại dân sự.

Nhờ chuyện xảy ra mà tôi trở nên thân thiết với người đại diện của tổ chức nhân quyền này. Khi tôi nói với ông về cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Pháp Luân Đại Pháp, ông rất tức giận và nói rằng trong tương lai nhất định sẽ tích cực hợp tác để lan tỏa chân tướng về Đại Pháp. Sau đó, khi chúng tôi mời ông tham gia vào các hoạt động của chúng tôi, ông đã có nhiều bài thuyết trình lên án ĐCSTQ và đại diện cho Liên minh điều tra cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc (CIPFG) của Hàn Quốc trong một hội nghị ở Đài Loan.

Khi họp mặt với những người đại diện đến từ nhiều quốc gia tại Đài Loan, ông nói rằng những gì ông làm cho Pháp Luân Công là hoạt động nhân quyền có ý nghĩa nhất trong cuộc đời. Ông từng là một tín đồ Thiên Chúa ngoan đạo và thậm chí có thể đọc thuộc những đoạn trích dẫn trong Kinh Thánh. Sau khi thất vọng với nhà thờ, ông đã không còn tin vào bất kỳ tôn giáo nào nữa. Sau này, khi gặp nhiều khó khăn, ông đã hỏi lời khuyên của tôi. Tôi đưa cho ông một quyển sách Chuyển Pháp Luân. Sau khi đọc xong, ông đã bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/10/28/467541.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/2/212736.html

Đăng ngày 06-12-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share