Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 08-11-2023] Ngày 1 tháng 11 năm 2023, 2 người phụ nữ ở thành phố Long Khẩu, tỉnh Sơn Đông đã bị tòa án xét xử vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Sáng sớm ngày hôm đó, gia đình bà Trần Quế Phương và bà Tiêu Lân Huệ đã đi tới Tòa án Thành phố Long Khẩu với mong muốn được nhìn thấy hai học viên, vì họ đã bị cấm thăm thân dưới mọi hình thức kể từ khi bị bắt hơn 5 tháng trước.

Tuy nhiên, 2 người phụ nữ lại không có mặt trong phòng xử án. Sau đó, gia đình của họ nghe thấy chủ tọa nói vào micro. Hóa ra ông ta đang tiến hành một phiên xét xử kết hợp, theo đó bà Trần và bà Tiêu tham dự trực tuyến từ phòng bên cạnh, còn những người khác trực tiếp tham dự ở phòng xử án chính.

Công tố viên Vương Phi cáo buộc bà Tiêu “phạm tội nhiều lần”, vì trước đây bà từng bị kết án lao động cưỡng bức 2 lần vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà Tiêu bác bỏ cáo buộc, cho rằng bà không nên bị bức hại chỉ vì thực hiện quyền tự do tín ngưỡng vốn được hiến pháp bảo vệ. Như vậy, việc kết án lao động cưỡng bức ngay từ đầu vốn đã là phi pháp.

Bà Trần làm chứng chống lại cảnh sát vì lừa dối bà. Họ hứa sẽ đưa bà về nhà sau khi kiểm tra sức khỏe vào ngày bà bị bắt, nhưng họ lại nuốt lời và đưa bà vào Trại tạm giam Thành phố Yên Đài ngay sau khi kiểm tra tại bệnh viện. Bà cho biết bà đã trở nên khỏe mạnh sau khi tu luyện Pháp Luân Công từ hơn 20 năm trước, nhưng bà bị huyết áp cao và đau nửa đầu sau khi bị ngược đãi trong trại tạm giam hơn 5 tháng. Lính canh bắt bà phải uống một số loại thuốc đáng ngờ (không rõ là thuốc gì) mỗi ngày.

Bà Trần và luật sư của bà cũng phản đối hình thức tổ chức của phiên xét xử này. Họ chất vấn chủ tọa phiên tòa tại sao lại đưa bà và bà Tiêu vào một phòng khác, trong khi họ đã được đưa đến tòa án và không mắc bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào.

Bà Trần cũng cho biết bà được thông báo một thẩm phán khác là chủ tọa phiên tòa và bà không được thông báo trước về việc thay đổi chủ tọa theo như yêu cầu của pháp luật.

Thẩm phán không giải quyết những thắc mắc của bà và cho kết thúc phiên xét xử sau nửa tiếng đồng hồ.

Bà Trần và bà Tiêu bị đưa trở lại trại tạm giam Thành phố Yên Đài sau phiên xét xử.

Một phần của vụ bắt giữ tập thể vào ngày 9 tháng 5 năm 2023

Bà Trần và bà Tiêu là 2 trong số 23 cư dân Long Khẩu (21 học viên Pháp Luân Công và 2 người trong gia đình họ) bị bắt vào khoảng 5 giờ sáng ngày 9 tháng 5 năm 2023. Ngày hôm đó, hơn 100 cảnh sát từ 8 đồn công an ở thành phố Long Khẩu được huy động để tiến hành vụ bắt giữ quy mô lớn này. Cảnh sát lừa các học viên ra mở cửa bằng cách mạo xưng là nhân viên ủy ban dân phố hoặc là hàng xóm ở tầng dưới có trần nhà bị rỉ nước.

Được biết Đội An ninh Nội địa Thành phố Long Khẩu là cơ quan chỉ đạo cuộc truy bắt này.

Trong khi hầu hết các học viên bị bắt đều được trả tự do vô điều kiện, thì bà Trần Quế Phương, bà Cát Lệ Quyên và bà Tiêu Lân Huệ vẫn bị giam ở trong trại tạm giam Thành phố Yên Đài; ông Vương Chu Lâm ở trong trại tạm giam Thành phố Long Khẩu; ông Tôn Quảng Quân và bà Vương Phong Mai bị quản thúc tại gia; và bà Ngô Tĩnh Côn được bảo lãnh tại ngoại.

Tháng 6 năm 2023, bà Trần, bà Cát, bà Tiêu và ông Vương bị bắt giữ chính thức, và vụ án của họ được đệ trình lên Viện Kiểm sát Thành phố Long Khẩu vào ngày 26 tháng 7. Họ bị truy tố sau đó vài tuần, và vụ án của họ được chuyển đến Tòa án Thành phố Long Khẩu vào ngày 21 tháng 8. Hiện họ đang phải đối mặt với xét xử chỉ vì thực hành tín ngưỡng của mình.

Khoảng tháng 9 năm 2023, vụ án của bà Tôn, bà Ngô và bà Vương được chuyển tới viện kiểm sát, và họ đang bị truy tố.

Các vụ án chống lại bà Trần, bà Cát, bà Tiêu và ông Vương

Ngày 14 tháng 6 năm 2023, người thân của bà Trần, bà Cát, bà Tiêu và ông Vương đều nhận được thông báo bắt giữ chính thức. Sau đó, họ đến Đội An ninh Nội địa Thành phố Long Khẩu để yêu cầu cảnh sát hủy bỏ lệnh này và tiết lộ tên, chức danh và thẻ nhân viên của tất cả cảnh sát tham gia vụ bắt giữ tập thể.

Các gia đình không nhận được phản hồi cho yêu cầu của họ. Mỗi lần họ đến đội an ninh nội địa, cảnh sát đều viện các lý do khác nhau để không giải quyết, hoặc gây khó dễ cho họ.

Sau đó, các gia đình gửi đơn khiếu nại lên Viện Kiểm sát Thành phố Long Khẩu và Công an Thành phố Long Khẩu, tố cáo những thủ phạm chính tại đội an ninh nội địa, bao gồm Lữ Binh (đội trưởng mới được bổ nhiệm), Vương Kỳ, Chiến Dục Nhẫm và Quách Phúc Đoài, vi phạm thủ tục pháp lý trong việc bắt giữ người thân của họ. Đội trưởng Lữ thậm chí còn phái đặc vụ đến quê của một số học viên để thu thập thông tin về lịch sử tu luyện Pháp Luân Công của họ nhằm cố gắng khép tội họ.

Sau khi biết về việc khiếu nại này, Vương, Chiến và Quách đe dọa các gia đình. Họ dùng nhiều thủ đoạn khác nhau, bao gồm ép buộc, lừa dối và hăm dọa hòng biến hàng xóm, bạn bè và đồng nghiệp của các học viên thành nhân chứng truy tố.

Quách thậm chí còn cảnh báo công tố viên Vương Phi (người phụ trách vụ án của 4 học viên) không tiếp nhận đơn khiếu nại. Do đó, Vương phớt lờ những yêu cầu thúc giục bà ta hủy bỏ vụ án và không truy tố các học viên của gia đình các học viên.

Vương cũng từ chối gặp mặt các gia đình, và không tiết lộ thông tin về vụ án của các học viên. Bà ta truy tố các học viên sau khi cảnh sát chuyển vụ án tới viện kiểm sát vào ngày 26 tháng 7. Các gia đình không biết việc người thân của họ bị truy tố, cho đến khi họ phát hiện hồ sơ được chuyển đến Tòa án Thành phố Long Khẩu vào ngày 21 tháng 8.

Ngày 1 tháng 11, bà Trần và bà Tiêu bị đưa ra xét xử. Tình trạng của bà Cát và ông Vương hiện vẫn đang được điều tra.

Bài liên quan:

Thành phố Long Khẩu, tỉnh Sơn Đông: 23 học viên bị bắt trong 1 ngày, 4 người đối mặt với xét xử và 3 người đối mặt với bản cáo trạng

Thành phố Long Khẩu, tỉnh Sơn Đông: 23 người bị bắt trong 1 ngày

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/11/4/467854.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/8/212830.html

Đăng ngày 30-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share