Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh An Huy, Trung Quốc

[MINH HUỆ 07-11-2023] Cụ ông Vương Học Bân 86 tuổi ở thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy đã bị kết án bí mật 2,5 năm tù vào năm 2014, sau vụ bắt giữ năm 2012 vì tu luyện Pháp Luân Công. Bởi trại tạm giam địa phương từ chối tiếp nhận ông Vương Học Bân do tuổi cao, nên tòa án cho phép ông về nhà và nói vụ án của ông đã kết thúc.

Tuy nhiên, đến tháng 9 năm 2017, cảnh sát lại bắt giam ông trở lại khi ông đang trong quá trình hồi phục sau ca phẫu thuật. Ông Vương bị buộc phải chấp hành toàn bộ án tù với thời hạn 2,5 năm (trừ 112 ngày ông bị tạm giam vào năm 2012).

Dưới đây là lời kể của ông Vương.

* * *

Tên tôi là Vương Học Bân. Năm nay tôi 86 tuổi. Tôi sinh ra ở thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1962, tôi làm việc tại Nhà máy Máy kéo Phụ Dương ở vị trí kỹ thuật viên xưởng đúc. Với thành tích làm việc xuất sắc, tôi nhanh chóng được thăng chức làm quản lý phân xưởng và sau đó là lãnh đạo nhà máy.

Sức khỏe được cải thiện sau khi tu luyện Pháp Luân Công

Do lịch làm việc dày đặc, môi trường làm việc kém và tiếp xúc với các chất độc hại, tôi đã mắc nhiều căn bệnh và không thể tiếp tục làm việc được nữa. Tôi xin nghỉ hưu vào năm 1995, ở tuổi 58. Tôi đã tìm kiếm nhiều phương pháp điều trị, nhưng thay vì có chút cải thiện, tôi lại mắc thêm nhiều vấn đề khác, bao gồm mất ngủ kéo dài, thấp khớp, tê cứng vai, các vấn đề về cổ và biến dạng khớp. Tôi phải dùng thuốc giảm đau hàng ngày.

Một hôm, tôi chia sẻ với đứa con trai thứ hai của tôi rằng tôi đã mất hết hy vọng vào cuộc sống. Con tôi rất buồn khi nghe điều đó. Vài ngày sau, con trai nói với tôi rằng sức khỏe của các hiệu trưởng của hai trường tiểu học địa phương đã cải thiện rất nhiều sau khi họ bắt đầu học luyện Pháp Luân Công và khuyên tôi tập thử xem sao. Tôi hiếu kỳ và tìm một điểm luyện công ở địa phương.

Sau khi luyện công được vài ngày, tôi ngủ ngon hơn nhiều và không cần dùng thuốc ngủ nữa. Tôi thấy tràn đầy hy vọng và mỗi ngày đều đi tới điểm luyện công. Sau vài tháng, tất cả mọi triệu chứng của tôi đều biến mất. Như vậy sau nhiều năm, tôi lại được tận hưởng cảm giác hạnh phúc của một thân thể vô bệnh.

Vợ tôi là bác sỹ. Bà ấy đã từng phải phẫu thuật để điều trị chứng thoát vị đĩa đệm thắt lưng và nằm liệt giường trong 4 tháng kế tiếp. Sau đó, mặc dù bà ấy đã đỡ hơn nhưng lại bị ngã, điều này khiến tình trạng thoát vị đĩa đệm của bà ấy càng tồi tệ hơn. Việc điều trị sau đó có giúp giảm nhẹ các triệu chứng, nhưng sức khỏe của bà ấy quá yếu để có thể làm việc, và cuối cùng, bà ấy phải xin nghỉ hưu ở tuổi 48. Để hỗ trợ gia đình, bà ấy đã mở một phòng khám gia đình ở gần nhà chúng tôi, nhưng không lâu sau đó bà ấy lại bị mắc hội chứng Parkinson và buộc phải đóng cửa phòng khám.

Tháng 8 năm 1998, sau khi chứng kiến sự cải thiện sức khỏe của tôi sau khi học luyện Pháp Luân Công, bà ấy cũng bước vào tu luyện và nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Giờ đây khi đã ở tuổi 85, bà ấy vẫn rất khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng.

Khi sức khỏe tốt lên, vợ tôi mở cửa phòng khám trở lại, nhưng không phải vì để kiếm tiền mà là cống hiến cho cộng đồng. Bà ấy tính phí khám chữa bệnh rất thấp và đôi khi còn điều trị miễn phí cho bệnh nhân. Tôi dọn dẹp đường phố và sửa chữa đường xá trong khu dân cư. Mọi người đều biết chúng tôi có sức khỏe tốt hơn và trở thành người tốt hơn nhờ tu luyện Pháp Luân Công. Tất cả đều ủng hộ chúng tôi và cộng đồng khu phố không sách nhiễu chúng tôi bất chấp cuộc bức hại đang diễn ra. Vào năm 2011, đài truyền hình địa phương thậm chí còn phỏng vấn tôi về những việc tốt mà tôi đã làm, đồng thời còn giới thiệu tôi trong một chương trình 2 ngày.

Kết án oan sai

Ngày 27 tháng 5 năm 2012, tôi nghe tin cảnh sát đã bắt giữ một học viên mà tôi quen biết là cô Lưu Thúy. Chồng cô ấy đã ngoại tình rồi ly hôn cô ấy. Sau đó, cô ấy và 2 con gái chuyển đến sống với người cha góa vợ ngoài 80 tuổi của cô ấy ở huyện Qua Dương. Sau khi cô ấy bị bắt, tôi nghĩ mình nên đến thăm cha cô ấy để an ủi ông cụ.

Ngay khi vừa rời khỏi nhà cô Lưu, tôi đã bị cảnh sát đẩy từ phía sau và đưa lên xe cảnh sát. Họ đưa tôi tới Đồn Công an Huyện Qua Dương, cách Phụ Dương khoảng 145 km. Họ khám người tôi và tịch thu toàn bộ số tiền tôi mang theo. Vào lúc 9 giờ tối, họ đưa tôi đến trại tạm giam Huyện Qua Dương. Lính canh từ chối tiếp nhận tôi do tuổi tác cao, nên cảnh sát phải đưa tôi trở lại đồn công an và tôi bị giữ ở đó qua đêm.

Tôi chất vấn cảnh sát tại sao lại bắt tôi khi tôi chỉ tới Qua Dương vì việc riêng. Một cảnh sát tên Giả Túc Đào nói rằng ông ta đã làm cảnh sát trưởng được 8 năm nhưng chưa thể bắt giữ được một học viên Pháp Luân Công nào. Khi biết tôi là bạn của cô Lưu, ông ta đã bắt tôi và cố làm lớn chuyện.

Ngày hôm sau, với sự chấp thuận của cảnh sát trưởng, trại tạm giam Huyện Qua Dương đồng ý giam giữ tôi 30 ngày. Vì tôi từ chối ký tên vào biên bản tạm giam, cảnh sát dọa sẽ bỏ đói tôi.

Tôi viết đơn khiếu nại cảnh sát trưởng và đưa nó cho Giả. Anh ta hỏi tôi: “Cảnh sát trưởng của chúng tôi là thường ủy của Huyện ủy. Sao ông lại dám tố cáo ông ấy?”

Bảy ngày sau, tôi bị chuyển đến trại tạm giam Thành phố Bạc Châu. (Bạc Châu quản lý huyện Qua Dương.) Do điều kiện sinh hoạt tồi tàn và bị lính canh ngược đãi, tôi đã 2 lần rơi vào tình trạng nguy kịch và đích thân giám đốc trại tạm giam đã chấp thuận thả tôi để điều trị y tế. Tôi trở về nhà vào ngày 16 tháng 9 năm 2012.

Tôi nghe vợ tôi kể lại rằng vào ngày 28 tháng 5, tức 1 ngày sau khi tôi bị bắt, Trưởng Đội An ninh Nội địa huyện Qua Dương Thôi Đào và hàng chục cảnh sát đã đột nhập vào nhà chúng tôi. Họ tịch thu các sách Pháp Luân Công, 20.000 Nhân dân tệ tiền mặt và thẻ ngân hàng liên kết với tài khoản lương hưu của chúng tôi. Vợ chồng tôi đã 2 lần liên lạc với họ để yêu cầu trả lại số tiền mặt và thẻ ngân hàng đó, nhưng không có kết quả. Tôi đã suýt bị bắt khi đi tới Đồn Công an Bạc Châu để nộp đơn khiếu nại.

Đầu năm 2014, thẩm phán chủ tọa họ Triệu của Tòa án Huyện Qua Dương đã đi cùng với người con trai thứ hai của tôi đến nhà tôi và thông báo tôi sẽ phải sớm ra hầu tòa. Ông ta nói tòa án đã chỉ định luật sư bào chữa cho tôi, nhưng không có luật sư nào liên lạc với tôi hết.

Sáu học viên khác đã bị đưa ra xét xử cùng với tôi. Mỗi người chúng tôi chỉ được phép có 1 thành viên trong gia đình tham dự phiên xét xử. Trong phiên xét xử kéo dài 1 tiếng đồng hồ, thẩm phán Triệu không cho phép chúng tôi tự bào chữa cho mình, mà chỉ có thể trả lời “có” hoặc “không” cho các câu hỏi của họ. Ba ngày sau phiên tòa, tôi đã viết bản bào chữa và nộp cho thẩm phán Triệu. Khi tôi thúc giục ông ta tuân thủ luật pháp và chủ trì công đạo cho tôi và các học viên khác, ông ta nói: “Giang Trạch Dân (cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản đã ra lệnh bức hại) là Chủ tịch nước. Ai dám chống lại mệnh lệnh bức hại Pháp Luân Công của ông ta?”

Vài tháng sau phiên xét xử, tòa án triệu tập tôi đến tòa để tham dự phiên tòa kết án. Ba người học viên mà trước đó bị xét xử cùng tôi cũng có mặt tại đó. Cảnh sát Thôi Đào chở 4 người chúng tôi đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe, sau đó đưa chúng tôi quay trở lại tòa án và chúng tôi phải ngồi chờ. Đến 6 giờ chiều, thẩm phán Triệu đến và nói anh ta không có thẩm quyền gì trong vụ án của chúng tôi. Thay vào đó, Ủy ban Chính trị và Pháp luật (một cơ quan ngoài vòng pháp luật có nhiệm vụ giám sát cuộc bức hại) là cơ quan ra phán quyết.

Sau đó, cảnh sát Thôi và thẩm phán Triệu chở tôi và 3 học viên kia trên 2 chiếc xe hơi tới một trại tạm giam địa phương. Tôi đi cùng với Thôi. Khi đến nơi, tôi từ chối vào trong và giám đốc trại tạm giam cũng kiên quyết từ chối nhận tôi. Đến 11 giờ đêm, Thôi đưa tôi trở lại tòa án. Thẩm phán Triệu cũng quay trở lại và nói với tôi: “Vụ án của ông đã kết thúc”. Trước đó con trai tôi đã bị triệu tập đến tòa và ông ấy yêu cầu con trai tôi ký tên vào một giấy tờ nào đó, rồi tôi được phép trở về nhà.

Bị tống giam trở lại vào năm 2017

Trong 3 năm tiếp theo, tôi không nghe được bất kỳ tin tức gì từ tòa án. Nhưng đến ngày 27 tháng 9 năm 2017, ngay khi tôi vừa xuất viện và vẫn đang nằm liệt giường, cảnh sát đã đến giám sát tôi. Ba ngày sau, hơn 10 người từ đồn công an và Tòa án Huyện Qua Dương đã đi xe cứu thương đến nhà tôi. Họ nói họ sẽ đưa tôi tới bệnh viện để khám sức khỏe. Vợ tôi yêu cầu được đi cùng nhưng họ không cho. Họ khiêng tôi lên cáng và đưa đi. Khi đến nơi thì họ thông báo tôi bị bắt giữ chính thức. Lúc này tôi nhận ra mình đã bị đưa đến Nhà tù Túc Châu, thay vì bệnh viện.

Ngày hôm sau, tôi tìm gặp giám đốc nhà tù và hỏi ông ta chuyện gì đang xảy ra. Ông ta nói ông ta đích thân phụ trách trường hợp của tôi và tôi đã bị kết án 2,5 năm tù sau vụ bắt giữ ngày 27 tháng 5 năm 2012. Ông ta nói thêm tôi đã thụ án 112 ngày ở trong trại tạm giam (từ ngày 27 tháng 5 năm 2012 đến ngày 16 tháng 9 năm 2012), nên còn phải thụ án thêm 2 năm 2 tháng nữa.

Sau này gia đình nói với tôi rằng chính quyền đã từ chối tiết lộ tung tích của tôi sau khi tôi bị đưa đi bằng xe cứu thương. Gia đình tôi đã gọi hàng chục cuộc điện thoại đến các cơ quan khác nhau ở thành phố Phụ Dương, thành phố Bạc Châu và huyện Qua Dương, nhưng không ai nói với họ bất kỳ điều gì. Một tuần sau, một nhân viên của Cục An ninh Quốc gia đã gọi điện cho họ, nói rằng vì Đại hội Toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp được tổ chức từ ngày 18 đến ngày 24 tháng 10 năm 2017, nên họ bắt giam tất cả “nghi phạm tại ngoại”, trong đó có tôi.

Lương hưu vẫn bị đình chỉ

Sau khi được trả tự do vào ngày 4 tháng 12 năm 2019, tôi đi tới phòng bảo hiểm xã hội để yêu cầu khôi phục lương hưu của tôi đã bị đình chỉ trong thời gian tôi bị cầm tù. Họ yêu cầu được xem bản án của tôi. Khi tôi đến Tòa án Huyện Qua Dương để yêu cầu họ cung cấp bản sao của phán quyết, họ lại nói trước đó họ đã đưa cho tôi một bản rồi.

Tôi cũng đến trụ sở Công an Huyện Qua Dương và yêu cầu cảnh sát trả lại số tiền mặt mà họ đã tịch thu của tôi trong vụ bắt giữ năm 2012. Nhân viên an ninh ở bàn tiếp tân chặn tôi ở cổng và nói tôi không được phép gặp cảnh sát trưởng. Sau khi về nhà, tôi gọi điện cho cảnh sát trưởng nhưng không nhận được phản hồi gì từ họ.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/10/24/467433.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/7/212806.html

Đăng ngày 28-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share