Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-09-2023] Đồng tu Anna là đồng nghiệp của tôi. Trước khi tôi bước vào tu luyện, mối quan hệ của chúng tôi đã rất tốt. Sau khi chúng tôi bắt đầu tu luyện, chúng tôi thậm chí như người một nhà, đặc biệt là sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999. Ngoài việc học Pháp và chia sẻ thể ngộ tu luyện hai lần mỗi tuần, chúng tôi còn cùng nhau chứng thực Pháp, giúp đỡ và hỗ trợ nhau vượt qua gian khó.

Tuy nhiên, trong hai năm qua, không biết bắt đầu từ khi nào, giữa chúng tôi đã xuất hiện gián cách. Chúng tôi không còn hòa hợp và thân thiết như trước. Không còn sự hòa ái, sự tin tưởng và quan tâm lẫn nhau giữa chúng tôi lại càng ít hơn. Mặc dù chúng tôi vẫn học Pháp cùng nhau, nhưng chúng tôi ngày càng ít giao lưu chia sẻ, thậm chí là không chia sẻ gì. Mỗi khi chúng tôi học xong, tôi thường rời đi ngay bởi vì tôi không muốn nghe chị ấy “lải nhải.” Tôi cũng không muốn thấy thái độ và biểu hiện thiếu thiện chí của chị ấy. Tôi từng nghĩ nếu không phải là Sư phụ yêu cầu chúng ta học Pháp nhóm, thì tôi dứt khoát sẽ không đến nhà chị ấy nữa.

Điều tôi không thích nhất ở đồng tu Anna là chị ấy muốn biết mọi thứ, nên lần nào chúng tôi gặp nhau, đầu tiên chị ấy sẽ hỏi rằng ai đó đang làm gì, người nào đó đang ở đâu, nếu tôi đi học Pháp ở điểm học Pháp khác thì hỏi ở đó có bao nhiêu người, v.v. Bởi vì chị ấy nhiều tuổi hơn tôi, nên mặc dù rất không ưa cái cách mà chị ấy hỏi, tôi vẫn gắng gượng trả lời chị ấy cho phải phép. Thỉnh thoảng, tôi cũng gián tiếp nhắc nhở chị ấy không nên hỏi những câu như vậy, thay vào đó, chúng tôi nên tranh thủ thời gian để học Pháp. Nhưng lần tiếp theo gặp nhau, chị ấy lại vẫn hỏi những câu hỏi đó. Tôi thực sự không biết phải làm sao, và cảm thấy bất lực.

Sư phụ giảng:

“Hễ có vấn đề hãy hướng nội mà tìm, đó là chỗ khác biệt căn bản giữa đệ tử Đại Pháp và người thường.” (Gửi trạm phụ đạo Đại Pháp tỉnh Sơn Đông, Tinh Tân Yếu Chỉ)

Pháp của Sư phụ giảng về hướng nội khi gặp mâu thuẫn đã thức tỉnh tôi, bấy lâu nay tôi đã luôn trách cứ đồng tu. Đó chẳng phải là hướng ngoại sao? Là người tu luyện, tại sao tôi không truy xét bản thân? Khi chị ấy thích hỏi han các việc, chẳng phải đó là chấp trước thích xen vào việc của người khác sao? Vậy chị ấy đang giúp tôi loại bỏ chấp trước nào đây?

Chẳng phải tôi cũng thích xen vào việc của người khác sao? Khi hướng nội tìm, tôi phát hiện ra rằng mình cũng tò mò và thích xen vào việc của người khác. Tất nhiên, chấp trước này không biểu hiện khi tôi ở cùng với các đồng tu, nhưng khi tôi tiếp xúc với những người khác, đặc biệt là với người nhà, thì tôi hay thích xen vào việc của họ.

Chẳng hạn, tôi thường chủ động hỏi chồng về người, sự việc trong bộ phận của anh ấy: người này người kia thế nào? Chuyện này ra sao rồi? Chuyện kia thì sao… Đôi khi chồng tôi không nói hoặc bực bội nói với tôi, tôi không chịu để yên, tôi sẽ nài nỉ anh ấy nói cho tôi biết, hoặc tôi trách anh ấy có thái độ nọ kia. Có khi chồng tôi nói rằng tôi tò mò tọc mạch nhưng tôi không thừa nhận. Thỉnh thoảng, tôi còn cãi lại anh. Thấy rằng ngộ tính của tôi kém và bị hãm trong Văn hóa Đảng không thể tự thoát ra được, Sư phụ đã thông qua hành vi của đồng tu Anna để tôi nhận ra chấp trước mạnh mẽ của mình. Nhưng tôi mãi không ngộ ra, tôi đã để vấn đề kéo dài lâu như vậy, và hết lần này đến lần khác bỏ lỡ những cơ hội Sư phụ an bài cho tôi. Tôi cảm thấy thật hổ thẹn.

Khi tôi nhận ra chấp trước này và nỗ lực để thay đổi, thì đồng tu Anna cũng thay đổi. Chị ấy không còn hỏi han về những người khác nữa. Tuy nhiên, khi tôi làm không tốt, hành vi thích xen vào việc người khác của chị ấy lại xuất hiện. Cuối cùng tôi ngộ rằng đó là cách mà Sư phụ giúp tôi nhìn thấy các vấn đề của mình. Con xin cảm tạ Sư tôn vì sự lao tâm của Ngài!

Tôi còn rất không ưa vẻ mặt gượng gạo và bất thiện của đồng tu Anna cũng như thái độ của chị ấy khi nói chuyện. Tôi là nhân viên văn phòng, và do đại dịch nên giờ làm của chúng tôi thường bị điều chỉnh. Do đó, thời gian tôi học Pháp với chị ấy cũng bị điều chỉnh theo. Mỗi lần tôi nhắc đến việc điều chỉnh thời gian học Pháp của chúng tôi, chị ấy lại bực mình và lớn tiếng nói: “Cô cứ nói lúc nào thì thành học lúc ấy!”

Bất cứ khi nào chị ấy như thế, tôi lại cảm thấy không thoải mái. Tôi thầm nghĩ, “Sao chị ấy lại có thái độ như thế nhỉ? Chị ấy không đi làm, học Pháp lúc nào chẳng được? Mình cũng có muổn đổi như thế đâu. Chẳng qua vì lịch làm việc nên mình mới phải đổi. Sao chị ấy không thể hiểu cho hoàn cảnh của mình chứ?”

Khi đồng tu Anna càng nổi cáu, tôi càng cảm thấy ủy khuất. Chúng tôi lại trải qua quãng thời gian tồi tệ. Thông qua hướng nội, đầu tiên tôi tìm thấy mình có tâm oán trách chị ấy: Tôi oán trách vì chị ấy đã không vui vẻ đáp ứng yêu cầu của tôi. Tiếp tục hướng nội, tôi phát hiện rằng mình thật ích kỷ. Tôi chỉ nghĩ đến sự thuận tiện cho mình, mà không nghĩ rằng thực ra việc tôi thường xuyên thay đổi thời gian học Pháp sẽ xáo trộn thời gian biểu của chị ấy. Tôi thực sự đã ảnh hưởng đến cuộc sống của đồng tu, nhưng tôi đã không hề xin lỗi mà trái lại, tôi còn oán trách rằng chị ấy đã không vui vẻ đáp ứng yêu cầu của tôi.

Ngẫm lại việc học Pháp của mình ở nhà đồng tu Anna trong những năm qua, tôi thường xuyên đến muộn. Sợ rằng sẽ không nghe thấy tiếng tôi gõ cửa, chị ấy đã luôn ngồi gần cửa chờ tôi. Còn khi tôi đến nhà chị ấy và gõ cửa, nếu chị ấy mở cửa hơi chậm, thì tôi liền than phiền và hỏi tại sao chị mãi mới mở cửa. Mà lúc đó là do chị ấy đang làm việc gì đó rất quan trọng.

Khi nhớ lại những việc này, tôi nhận ra rằng đồng tu Anna thật bao dung, luôn điều chỉnh để thích nghi với tôi nhưng tôi vẫn không thỏa mãn. Tôi thậm chí còn phê bình và trách móc chị. Tôi thật quá ích kỷ và cảm thấy rất xấu hổ.

Sau khi tìm ra tất cả những thiếu sót này, tôi đã nỗ lực để thay đổi bản thân. Tôi không còn đến học Pháp muộn nữa và cũng cố không thay đổi thời gian học Pháp nữa. Khi tôi đến nhà chị ấy và gõ cửa, nếu chị ấy không mở cửa ngay, tôi sẽ kiên nhẫn đợi và nghĩ rằng có thể lúc này chị đang bận việc gì đó nên không tiện để mở cửa ngay được.

Pháp của Sư phụ đã luôn nhắc nhở tôi. Giờ đây, nếu có bất kỳ sự không hài lòng nào giữa tôi và đồng tu Anna, tôi sẽ hướng nội một cách vô điều kiện và tuân theo yêu cầu của Sư phụ để quy chính bản thân. Dần dần, sự gián cách giữa tôi và chị ấy đã biến mất và chúng tôi có thể lại học Pháp và chia sẻ thể ngộ tu luyện với nhau như trước đây. Con xin cảm tạ Sư tôn vì sự cứu độ từ bi của Ngài.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/9/27/465871.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/3/212750.html

Đăng ngày 16-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share