Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 28-07-2023] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1998 và được đề xuất làm người điều phối vào năm 2000. Ngoài một năm rưỡi bị bức hại trong trại cưỡng bức lao động, tôi vẫn luôn đảm nhận vai trò của một người điều phối. Công việc này đối mặt với đủ mọi loại thăng trầm nhưng cho dù có chuyện gì xảy ra thì tôi vẫn có thể xoay sở vượt qua từng ma nạn. Nhờ sự bảo hộ của Sư phụ Lý (Nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp) và sự trợ giúp từ các đồng tu, tôi đã buông bỏ được nhiều chấp trước và đặt bản thân vào một vị thế mà cho phép tôi đối đãi với công việc điều phối như trách nhiệm dẫn dắt tốt các học viên xung quanh mình.
Phối hợp như một “chỉnh thể” để cứu độ chúng sinh
Kể từ năm 2000, một vài đồng tu và tôi muốn đề xuất với các học viên địa phương hình thành một “chỉnh thể”. Nhiều đồng tu vẫn ở trong tình trạng mất phương hướng và không biết phải làm gì sau khi cuộc bức hại bắt đầu. Vài đồng tu từ những thành phố khác đã đến để chia sẻ về các vấn đề trong tu luyện cũng như cách chứng thực Pháp trong tình hình lúc bấy giờ. Nhờ sự gia trì của Sư phụ và sự giúp đỡ của các đồng tu từ nơi khác đến, chúng tôi nhanh chóng hình thành một “chỉnh thể” và ai nấy đều ôm giữ chính niệm trong tâm.
Các đồng tu từ thành phố khác đã cung cấp cho chúng tôi rất nhiều tài liệu giảng chân tướng và chúng tôi sẽ ra ngoài vào ban đêm để phân phát chúng. Chúng tôi chia ra thành nhiều nhóm đi đến nhiều thôn khác nhau và phát tài liệu cho hàng nghìn hộ gia đình. Những con đường từ các thôn làng dẫn đến thành phố là rất hạn chế và bị hư hại nghiêm trọng. Mặc dù trên đường có nhiều lỗ hổng, các đồng tu vẫn có thể vượt qua một cách suôn sẻ vào ban đêm như thể bay lướt trong gió vậy. Chúng tôi ai nấy đều kinh ngạc.
Ngoài việc phát tài liệu, chúng tôi còn treo băng rôn. Tôi sẽ in ra cái khuôn mẫu, mua vải màu đỏ, vàng và xanh dương, sau đó in và dán các từ ngữ lên tấm băng rôn với sự giúp đỡ của các đồng tu khác. Sau khi những tấm băng rôn khô rồi, chúng tôi sẽ luồn các thanh kim loại vào bên trên và bên dưới của chúng, rồi dùng dây buộc chúng lại. Một bên sẽ phải nặng hơn để giữ cho tấm băng rôn mở ra. Trên đường đi, chúng tôi treo băng rôn lên những cái cây và những cột đèn đường một cách nhanh chóng và chuẩn xác, để người dân có thể nhìn thấy chúng trên phố, trong công viên, dọc bờ sông và ở các lối vào đồn công an. Cảnh tượng thật tráng lệ. Người ta nói rằng: “Các học viên Pháp Luân Đại Pháp thật là tuyệt vời. Cứ như thể họ lái máy bay để treo những băng rôn này vậy.”
Chúng tôi theo sát tiến trình Chính Pháp của Sư phụ. Chúng tôi bắt đầu bằng việc phát tài liệu giảng chân tướng, giảng chân tướng trực diện, sử dụng điện thoại di động để người dân biết về Đại Pháp. Tôi cũng tự thành lập một điểm sản xuất tài liệu với sự giúp đỡ của các đồng tu từ thành phố khác và giúp các đồng tu thành lập điểm sản xuất tài liệu của họ, để cho khắp nơi đều có điểm sản xuất tài liệu. Ngoài ra, chúng tôi đã kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), kẻ đã phát động cuộc bức hại. Các đồng tu đều đặn làm ba việc cần thiết đề người dân biết chân tướng về Đại Pháp. Cả quá trình dường như trôi qua trong nháy mắt nhưng mọi thứ chỉ khả thi nhờ sự giúp đỡ của Sư phụ.
Đến Quảng trường Thiên An Môn để chứng thực Pháp
Ngày 20 tháng 11 năm 2001, 36 học viên người phương Tây đến từ 20 quốc gia đã có mặt trên Quảng trường Thiên An Môn và căng một tấm băng rôn có in trên đó ba chữ Chân-Thiện-Nhẫn, yêu cầu ĐCSTQ chấm dứt cuộc bức hại các học viên Đại Pháp. Hành động này khiến tôi nhận ra sự cách biệt về tầng thứ giữa các học viên đó và tôi.
Các học viên người phương Tây đã đến Thiên An Môn để chứng thực Pháp nhưng những học viên Đại Pháp người Trung Quốc chúng ta lại không đến đó để đòi công lý cho Sư phụ và Đại Pháp. Tôi cảm thấy tội lỗi vì không làm điều đó. Vì thế, tôi nghĩ rằng mình phải đến Thiên An Môn để chứng thực Pháp. Tôi đã tìm đến hai đồng tu để thảo luận về những suy nghĩ của mình.
Một đêm nọ, tôi mơ thấy một người đàn ông mặc trang phục quân đội. Ông ấy cưỡi một con phượng hoàng và tiếp cận tôi, sau đó trao cho tôi thứ gì đó rồi rời đi. Sau khi tỉnh dậy, tôi nghĩ rằng thứ đó là một con dấu. Tôi hiểu rằng Sư phụ đang điểm hóa cho tôi làm một tấm băng rôn chân tướng Pháp Luân Đại Pháp để chứng thực Pháp trên Quảng trường Thiên An Môn. Vì vậy, tôi bắt đầu viết ra các từ ngữ và làm chúng thành khuôn. Sau đó, tôi mua vải màu vàng để làm các tấm băng rôn “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và “Chân Thiện Nhẫn hảo”. Một khi chuẩn bị xong, chúng tôi đã thống nhất được một ngày để đến Thiên An Môn.
Đó là ngày tôi không phải đi làm – một ngày Chủ Nhật năm 2002. Tôi thức dậy vào buổi sáng và quyết định đến Thiên An Môn sớm để có thể về sớm. Tôi không nói với gia đình về việc này và trở về trong ngày. Tôi đi một chuyến xe đò đường dài đến Bắc Kinh cùng với hai đồng tu khác. Tôi không thể kìm nén được niềm vui trào dâng từ sâu thẳm trong tim mình. Tôi quả là rất may mắn. Tôi thường bị say xe dữ dội đến nỗi nôn mửa và chóng mặt sau khi đi xe một thời gian ngắn, tuy nhiên tôi không hề cảm thấy khó chịu trong suốt chuyến đi này.
Sau khi đến Quảng trường Thiên An Môn, chúng tôi nhận thấy có nhiều cảnh sát mặc thường phục ở khắp nơi. Một nữ cảnh sát mặc thường phục liên tục bám theo chúng tôi. Chúng tôi mỉm cười với cô ấy và phát chính niệm để thanh trừ những nhân tố và sinh mệnh tà ác đang thao túng cô ấy ở những không gian khác. Sau khoảng 10 phút, cảm thấy không còn nhân tố tà ác nào nữa, vì thế chúng tôi đi bộ về phía đông của cột cờ trên Quảng trường. Một đoàn khách du lịch tình cờ đi ngang qua, vì thế ba người chúng tôi lấy các tấm băng rôn ra, giơ chúng cao lên quá đầu chúng tôi và hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo,” “Pháp Luân Đại Pháp là chính Pháp,” “Hãy trả lại sự trong sạch cho Sư phụ chúng tôi”. Tôi vừa hô lớn vừa khóc. Sau khi hô xong, chúng tôi treo những tấm băng rôn trên lan can đằng sau chúng tôi và rời khỏi Quảng trường thông qua lối ra ở phía đông. Trong khi rời đi, tôi nghe thấy ai đó nói ở phía sau: “Pháp Luân Đại Pháp quả thực là tuyệt vời.”
Mặc dù mất tám giờ đồng hồ để đến Bắc Kinh và quay về trên cùng một chuyến xe đò, cả quá trình diễn ra suôn sẻ nhờ sự bảo hộ của Sư phụ. Sau khi về nhà, tôi chia sẻ suy nghĩ của mình với các đồng tu khác về tầm quan trọng của việc chứng thực Pháp ở Thiên An Môn, khích lệ họ đến đó đòi công lý cho Sư phụ để không có bất kỳ hối tiếc nào về sau.
Trong một khoảng thời gian ngắn, hầu hết các đồng tu trong thành phố chúng tôi và những thôn làng xung quanh đã đến Quảng trường Thiên An Môn để giơ băng rôn Đại Pháp và chứng thực Pháp, đòi lại công lý cho Sư phụ. Ngoại trừ hai đến ba đồng tu đến đó với thái độ “phòng khi tôi không quay về được” và bị đưa đến đồn công an và bị giam giữ 2 ngày, số còn lại đã trở về an toàn. Các đồng tu đều có những cảm nhận sâu sắc về trải nghiệm này và vô cùng tự hào khi kể về nó. Thậm chí đến ngày nay, họ vẫn rất hào hứng khi nhớ lại trải nghiệm này của bản thân.
Ngăn chặn tổn thất
Tôi lập một nhóm nhỏ cùng với hai đồng tu Gia và Bình để phát tài liệu và giảng chân tướng trực diện ở các thôn xóm và khu chợ.
Sau khi nói chuyện với người dân ở khu chợ, tôi quay lại điểm hẹn để gặp Bình và nhìn thấy xe đạp điện của Gia ở đó. Tôi tưởng rằng cô ấy có lẽ đến trễ nên tôi về trở nhà mà không đợi cô ấy. Chỉ tới chiều hôm đó, tôi mới biết tin rằng cô ấy đã bị hai cảnh sát mặc thường phục bắt giữ. Bình nhắc tôi nhớ rằng Gia sống một mình và trong nhà cô ấy có sách Đại Pháp, các băng hình giảng Pháp của Sư phụ, một máy tính, ba máy in, tài liệu chân tướng, tiền chân tướng và những thứ khác nữa. Tôi không thể để những thứ ấy rơi vào tay cảnh sát được.
Vì chúng tôi có chìa khóa nhà của Gia, tôi nhờ Trần về nhà để lấy xe ba bánh của cô ấy. Cùng với Trần, Bình và Đan, một đồng tu đến từ cùng khu vực với Gia, bốn người chúng tôi đã di chuyển hết mọi thứ ra khỏi nhà của Gia.
Với chìa khóa xe mà chúng tôi tìm thấy ở nhà của Gia, chúng tôi đã chạy xe điện của Gia từ khu chợ về vào sáng hôm sau và quay trở lại nhà của cô ấy một lần nữa để đảm bảo không bỏ sót thứ gì.
Không lâu sau khi chúng tôi rời đi, các cảnh sát thuộc cục an ninh nội địa tìm đến. Dưới sự bảo hộ của Sư phụ, chúng tôi đã di chuyển toàn bộ vật dụng mà không xảy ra thất thoát gì.
Phơi bày ĐCSTQ và ngăn chặn hành vi tà ác của chúng
Sau khi biết về sự bức hại đối với các đồng tu, chúng tôi đã cố gắng phơi bày nó trên mạng sớm nhất có thể. Cùng lúc đó, chúng tôi phát tài liệu hoặc dán biểu ngữ có chứa thông tin vụ bức hại trong sự việc đó.
Đồng tu Weng bị các cảnh sát an ninh nội địa bắt giữ tại văn phòng làm việc của mình. Mẹ anh ấy cũng là một học viên nhưng bà ấy không đồng ý cho chúng tôi phơi bày vụ bức hại đối với con trai bà vì sợ nó sẽ ảnh hưởng đến công việc của Weng. Vì vậy, bà ấy chỉ nhờ các học viên hỗ trợ phát chính niệm để gia trì cho anh ấy. Sau khi trao đổi thể ngộ với một vài người điều phối nữa, chúng tôi nhận thấy yêu cầu của mẹ Weng không phù hợp với Pháp. Phơi bày tà ác là ngăn chặn chúng và cứu độ chúng sinh. Vì vậy, chúng tôi bắt đầu làm các tờ dán có in chân tướng. Chúng tôi vừa làm xong vào đêm hôm đó thì Weng đã trở về! Chúng tôi vô cùng thán phục huyền năng của Đại Pháp và sức mạnh của việc phối hợp chỉnh thể.
Chỉnh lại trạng trái không đúng đắn
Mỗi khi các học viên bị bắt, một vài người sẽ sợ hãi và ngừng tham gia học Pháp nhóm, giảng chân tướng và phát tài liệu. Họ nói rằng họ sẽ đợi một thời gian để xem có chuyện gì xảy ra. Nhìn thấy những trạng thái tiêu cực của các đồng tu này, tôi lại trở nên lo lắng. Tuy nhiên, tôi không thể trách họ hoặc than phiền, vì điều đó sẽ chỉ làm gia tăng những suy nghĩ tiêu cực của họ. Chúng ta chỉ có thể nhìn vào điểm mạnh của họ, trao đổi thể ngộ dựa trên Pháp, khuyến khích họ bước ra, để họ học Pháp và phát chính niệm nhiều hơn.
Sư phụ giảng:
“Tôi không chỉ là dạy chư vị Đại Pháp, tác phong của tôi cũng là để lưu lại cho chư vị, ngữ khí, thiện tâm trong công tác, thêm vào đó là đạo lý có thể cải biến nhân tâm, chứ mệnh lệnh vĩnh viễn không thể!” (“Thanh tỉnh”, Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Khi chúng ta ôm giữ tâm từ bi mà chỉ ra khuyết điểm và những kết quả có thể xảy ra, họ sẽ thực sự minh bạch và có thể nhanh chóng cải thiện bản thân sau đó.
Buông bỏ chấp trước vào danh
Tôi luôn nghĩ rằng mình không có chấp trước vào danh. Tôi luôn chú ý đến lời nói và hành vi của mình để cố gắng thấu hiểu cảm nhận của người khác và suy xét nhiều hơn đến nhu cầu của họ. Tuy nhiên, khi các đồng tu nói với tôi rằng hễ ai đó mời tôi đến nhà họ, tôi luôn nghĩ rằng tôi đã làm gì đó sai và đồng tu kia sắp chỉ ra cho tôi, hoặc ai đó đã nói lời xấu về tôi.
Khi tôi đến các huyện khác để trao đổi kinh nghiệm tu luyện và nghe những đồng tu ở đó nói quá nhiều, tôi cảm thấy khó chịu trong tâm như thể họ có đôi chút lấn át tôi, cảm giác như họ là người áp đặt. Tôi nhận ra điều này là sai và được khơi dậy bởi tâm chấp trước vào danh. Tôi đã cố gắng kiềm chế những suy nghĩ này và loại bỏ chúng.
Khi tôi chia sẻ với các đồng tu khác, tôi lo lắng các đồng tu sẽ không tiếp thu lời tôi nói, vì vậy tôi trở nên cẩn trọng trong lời nói của mình. Tôi nhận ra rằng những suy nghĩ này không dựa trên Pháp. Là một người điều phối, miễn là suy nghĩ giúp đỡ người khác của tôi không mang theo chút tư tâm nào, các đồng tu sẽ có thể cảm nhận được.
Là một người điều phối, tôi cần phải phối hợp ăn ý với chỉnh thể. Tôi không giỏi hơn người khác hay có bất kỳ siêu năng lực nào. Chính là Sư phụ đã ban cho tôi trách nhiệm này và nghĩa vụ điều phối các học viên xung quanh tôi. Để có thể làm tốt vai trò một người điều phối, trước tiên tôi phải không có mong muốn trở nên giỏi giang hơn người khác. Một người điều phối không phải là một lãnh đạo. Anh ấy/cô ấy chỉ là người giúp các học viên tu luyện chiểu theo Pháp và tiến bước trên con đường tu luyện của mình với tín tâm trọn vẹn vào Sư phụ và Pháp. Không nên có bất kỳ mệnh lệnh nào. Chỉ khi các học viên mang nhận thức của một chỉnh thể thì sức mạnh của chỉnh thể mới trở nên to lớn. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể trợ Sư chính Pháp và cứu độ nhiều chúng sinh hơn nữa.
Tôi luôn hành động chiểu theo các bài giảng của Sư phụ, thế nên công việc điều phối trong vài năm gần đây hết sức thành công. Các đồng tu cũng rất giỏi phối hợp nên chỉnh thể môi trường tu luyện ở địa phương chúng tôi vẫn luôn tốt đẹp.
Trở thành một người điều phối đạt tiêu chuẩn
Việc tôi trở thành một người điều phối là nằm trong an bài của Sư phụ. Vì vậy, tôi trân quý cơ hội này và xem nó là một đặc ân. Qua nhiều năm, tôi đã thọ ích to lớn thông qua việc chia sẻ thể ngộ tu luyện với các đồng tu ở các khu vực khác nhau. Họ đã giúp tôi thêm tăng cường tín tâm vào Sư phụ và Pháp.
Tôi vẫn luôn đối đãi với công việc điều phối như là ưu tiên hàng đầu. Trong suốt hơn 20 năm làm người điều phối, đứng giữa hai đồng tu từng làm công tác điều phối cùng tôi, một người vì sợ hãi mà đã bước sang con đường sai lầm khiến anh không tu luyện nữa; người còn lại thì không còn tham gia vào công việc điều phối sau khi ra khỏi trại cưỡng bức lao động.
Trong số các đồng tu đã bước ra và trở thành người điều phối, một vài người đã bị bỏ tù, một vài người bị bức hại đến chết, một vài người đang trải qua nghiệp bệnh và vài người khác không còn bước ra nữa vì những lý do gia đình. Một đồng tu thậm chí từng nói rằng mọi thứ sẽ ổn định nếu chỉ có một người điều phối, tức là ám chỉ tôi.
Không từ ngữ nào có thể diễn tả được cảm giác trong tâm tôi khi biết được điều mà đồng tu này đã nói. Trong thoáng chốc, tôi nghĩ: nếu mình nghỉ thì sao? Ai sẽ quản lý công tác điều phối? Đây chính là an bài của Sư phụ! Chúng ta chỉ có thể sống hài hòa với nhau, phối hợp và làm cho tốt. Chỉ khi đó chúng ta mới không cô phụ lòng từ bi của Sư phụ. May thay, nhờ an bài của Sư phụ, một số đồng tu mới đã nhanh chóng san sẻ khối lượng công việc này.
Khi một học viên nọ bắt đầu độc tu vì lý do công việc và gia đình, tôi và một đồng tu khác đã đến chỗ cô ấy để cùng nhau học Pháp và phát chính niệm. Bất chấp điều này, cô ấy vẫn làm những gì mình thích và đối đãi lạnh nhạt với chúng tôi. Chúng tôi không có nhiều cơ hội để chia sẻ với cô ấy. Sau này, mẹ của đồng tu này, cũng là một học viên, đã qua đời vì nghiệp bệnh và cô ấy cũng đã trải qua một ma nạn lớn.
Các triệu chứng đột ngột của nghiệp bệnh đã gần như lấy đi sinh mệnh của cô ấy. Chỉ khi đó cô ấy mới thức tỉnh và vượt qua ma nạn. Chúng tôi đã mời cô ấy học Pháp và cùng nhau chia sẻ thể ngộ. Hai tháng sau, rốt cuộc cô ấy đã có thể giải thoát bản thân khỏi những ràng buộc để bước ra. Chúng tôi thực sự vui mừng cho cô ấy.
Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/7/28/462384.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/9/20/211406.html
Đăng ngày 13-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.