Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 22-07-2023] Khi các đồng tu giao lưu chia sẻ, họ thường nói về việc học Pháp với tâm thanh tịnh. Tôi nhận thức rằng, việc có thể tĩnh tâm học Pháp hay không và lúc đả tọa có thể nhập định hay không đều có cùng một đạo lý, đó là vấn đề về tâm thanh tịnh, cũng là biểu hiện của công lực. Quá trình từ tâm bất tĩnh cho đến khi đạt được tĩnh tâm học Pháp và quá trình thực tu trong cuộc sống hàng ngày gần như là giống nhau, đều là không ngừng phát hiện những chấp trước và quan niệm người thường, từ đó tống khứ chúng.

Tuy nhiên, trong lúc học Pháp mà gặp phải các vấn đề khiến khó có thể tĩnh tâm, nhiều học viên chỉ coi đó là can nhiễu mà không cố gắng tìm ra nguyên nhân gốc rễ. Kỳ thực, việc tìm ra nguyên nhân tại sao không thể tĩnh tâm sẽ mang lại cho người tu luyện những cơ hội quý giá để đề cao tâm tính.

Dưới đây tôi sẽ thảo luận về một số vấn đề mà tôi thường gặp khi học Pháp.

Phân tâm khi học Pháp

Nhiều đồng tu xung quanh tôi gặp vấn đề này khi học Pháp, và tôi cũng vậy. Đó là học Pháp thường bị phân tâm, sau khi cố gắng tập trung chỉ được trong chốc lát rồi lại phân tâm.

Tình huống này thường có hai nguyên nhân. Đầu tiên là bận tâm đến những điều vụn vặt trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như “Sau khi học Pháp mình sẽ làm những việc gì trong nhà? Mình nên làm thế nào? Làm trong bao lâu?” Tôi thường kéo tâm trí mình trở lại nhiều lần, nhưng những tạp niệm vẫn cứ tái diễn. Chấp trước vào cuộc sống đời thường đang cản trở và can nhiễu tôi. Để chống lại sự phân tâm, tôi tự hỏi: “Mình thực sự muốn điều gì, học Pháp đề cao tâm tính hay cuộc sống nơi người thường đây?” Ngay khi tự hỏi bản thân điều này, tâm trí tôi sẽ trầm tĩnh lại, mặc dù vậy tạp niệm vẫn cứ xuất hiện. Tôi coi đây là cơ hội để tăng cường chính niệm và đề cao tâm tính của mình. Khi tâm tính của tôi ngày càng đề cao, những tạp niệm cũng dần giảm bớt.

Nguyên nhân thứ hai là tôi có tâm thái không đúng đắn khi học Pháp. Tôi coi học Pháp là một nhiệm vụ phải làm chứ không phải là học Pháp để đắc Pháp. Ngay khi nhận ra điều này, tôi đã chú ý hơn đến việc học Pháp, học Pháp với một tâm trí tập trung, chân thành và tĩnh lặng, từ đó vấn đề nhanh chóng được giải quyết. Nhiều học viên chỉ cố gắng tập trung mà không đi tìm nguyên nhân của vấn đề, do đó đã bỏ lỡ cơ hội để đề cao.

Những chấp trước ẩn giấu

Trong lúc học Pháp, đôi khi tôi nhớ lại những trải nghiệm trong quá khứ, chúng thường khiến tôi đắm chìm trong đó rất lâu. Xong lại có lúc, tôi tưởng tượng ra điều gì đó chưa bao giờ xảy đến với mình. Khi tôi cố dừng những suy nghĩ này lại, chúng vẫn tiếp tục nổi lên.

Ban đầu tôi chỉ đơn giản coi những suy nghĩ miên man này là can nhiễu, vì chúng khiến tâm trí tôi mất tập trung vào việc học Pháp. Sau khi chuyện đó xảy ra vài lần, tôi nhận thức ra rằng chính những chấp trước ẩn giấu của tôi mới là nguyên nhân gây ra những suy nghĩ xao nhãng này.

Tôi ngẫm lại những trải nghiệm trong quá khứ hoặc hình ảnh được tái hiện lại trong đầu để xem liệu chúng có phải là điểm hóa về những gì tôi cần cải thiện hay liệu tôi đã làm sai điều gì hay không. Tôi cẩn thận phân tích chúng theo tiêu chuẩn của người tu luyện. Một số hình ảnh khiến tôi khó chịu và tức giận, một số khiến tôi liên tưởng đến những người mà tôi không ưa. Thông qua quá trình này, nhiều chấp trước đã được phơi bày. Khi những hình ảnh này lại hiện lên trong tâm trí tôi khi học Pháp, tôi đã tận dụng chúng như cơ hội để phát hiện thêm nhiều chấp trước.

Buồn ngủ khi học Pháp

Có một thời gian tôi cảm thấy buồn ngủ khi vừa bắt đầu đọc Pháp, đến nỗi chỉ cần nhắm mắt lại là tôi sẽ ngủ được ngay. Tôi đã không nhận ra rằng đó là sự can nhiễu của ma ngủ. Mỗi khi cảm thấy buồn ngủ, tôi liền chợp mắt một lát rồi lại thức dậy tiếp tục học Pháp. Tuy nhiên, tôi không thể học Pháp được nhiều như tôi mong muốn.

Sau một thời gian, tôi nhận thấy đọc Pháp theo cách này là một sự bất kính. Tôi cần phải học Pháp đủ mỗi ngày, và phải đọc Pháp nhập tâm, vì vậy tôi đã sử dụng nhiều cách khác nhau để chống lại “cơn buồn ngủ,” như thoa dầu lên mặt, rửa mặt bằng nước lạnh, v.v.

Tôi tiếp tục làm điều này trong ba đến bốn ngày, nhưng nó không giúp ích gì. Thay vào đó tôi trở nên buồn ngủ và buồn nôn. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ một niệm: “Không gì có thể ngăn cản ta học Pháp hàng ngày. Ta phải học Pháp với tâm thanh tịnh, học Pháp đắc Pháp.”

Có lần khi thoa dầu lên mặt, tôi thấy ngứa mắt nên đã đi rửa mặt bằng nước lạnh rồi tiếp tục chăm chỉ đọc sách. Sau khi đọc được vài dòng, thì con ma ngủ xuất hiện trước mặt tôi. Nó cúi chào tôi một cách cung kính và nói: “Tôi bội phục bạn.” Sau đó nó bước lùi lại cho đến khi cách tôi một khoảng rồi mới xoay người rời đi. Đây là một cách rời đi rất lịch sự trong thời cổ đại.

Từ đó trở đi, tôi không bao giờ cảm thấy buồn ngủ khi học Pháp nữa. Nếu có buồn ngủ trước khi đọc, thì ngay khi tôi cầm cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Đại Pháp lên, tôi lập tức cảm thấy sảng khoái.

Tôi tin rằng khi gặp vấn đề trong tu luyện, chúng ta không nên chỉ đơn giản coi đó là can nhiễu. Can nhiễu xảy ra đều có lý do. Chúng ma luyện chúng ta và cho chúng ta cơ hội đề cao trong tu luyện.

Quan niệm con người gây chướng ngại

Khi mang theo quan niệm con người mà học Pháp, chúng sẽ che phủ và khiến chúng ta không thể ngộ được nội hàm của Pháp. Một lần, khi đang đọc Pháp, một quan niệm mà tôi có từ khi còn nhỏ đã xuất hiện trong đầu tôi: “Giá trị của sinh mệnh không phải xét theo lớn hay nhỏ, tự mình làm được tốt nhất mới là giá trị lớn nhất của sinh mệnh.” Ngay khi niệm này xuất hiện, nó đã hình thành sự gián cách giữa tôi và Pháp và chiếm cứ tâm trí tôi. Vì vậy, tôi không thể thấy được nội hàm của Pháp.

Tôi giật mình và nhận ra rằng quan niệm này đang cản trở tôi đắc Pháp. Khi tôi ý thức ra điều này, sự gián cách giữa tôi và Pháp biến mất và nội hàm của Pháp lại triển hiện.

Một số học viên xung quanh tôi đọc Pháp mỗi ngày, nhưng khi gặp vấn đề, họ vẫn giải quyết tình huống dựa trên kinh nghiệm và nhân niệm của bản thân. Họ không những không nhận ra vấn đề của mình mà thậm chí còn chia sẻ với các học viên khác về cách giải quyết này, rằng: “Khi gặp vấn đề, nếu bạn không biết cách giải quyết dựa trên Pháp, bạn có thể sử dụng các cách của con người để giải quyết vì đạo lý của con người cũng do Pháp tạo ra. Khi bạn hành động theo lý của người thường, bạn cũng đang hành động theo các Pháp lý. Như vậy cũng là phù hợp với Pháp.”

Khi lần đầu tiên nghe thấy điều này, tôi cảm thấy nó có phần đúng. Nhưng khi suy nghĩ kỹ hơn, tôi đã nhận thức ra vấn đề: “Nếu một người chiểu theo lý của người thường thì họ sẽ luôn là người thường.”

Khi những học viên này được hỏi liệu hành động tại nơi làm việc của họ có phù hợp với Pháp hay không, họ sẽ nói: “Công việc là công việc, cuộc sống là cuộc sống và tu luyện là tu luyện. Đừng trộn lẫn chúng.”

Dùng nhân niệm để học Pháp, thì có học tới học lui vẫn chỉ là người thường. Những người như vậy dù đứng trong hàng ngũ đệ tử Đại Pháp, nhưng họ không chiểu theo Pháp. Khi chúng ta học Pháp, chúng ta phải chú ý loại bỏ những quan niệm con người. Chỉ bằng cách học Pháp với tâm chân thành và thanh tịnh, chúng ta mới có thể dần dần loại bỏ được những quan niệm của mình.

Lời kết

Tĩnh tâm học Pháp là trạng thái mà chúng ta cần có. Tuy nhiên, là người tu luyện, chúng ta vẫn có những chấp trước và quan niệm cần được phơi bày và loại bỏ, cũng như nhiều vấn đề khác nhau cần được giải quyết. Chúng ta vẫn gặp phải can nhiễu, và điều đó sẽ mang đến cho chúng ta cơ hội đề cao. Chúng ta nên chú ý tìm ra nguyên nhân đằng sau sự can nhiễu và không bỏ lỡ cơ hội đề cao khi Pháp chỉ ra những chấp trước của chúng ta.

Để bước đi thật tốt trên chặng đường tu luyện cuối cùng, chúng ta phải kiên trì học Pháp mỗi ngày, học Pháp đắc Pháp, đồng hóa với Pháp và dung luyện trong Pháp. Sư phụ đã vớt chúng ta khỏi địa ngục. Tôi cảm thấy, xuất phát điểm tu luyện của chúng ta vốn không có nhiều sự khác biệt. Nhưng cách chúng ta chú tâm học Pháp và đồng hóa với Pháp đã dẫn đến những trạng thái tu luyện khác nhau.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/7/22/463105.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/10/26/212633.html

Đăng ngày 09-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share