Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại hải ngoại

[MINH HUỆ 11-06-2023] Nhìn lại trạng thái tu luyện của bản thân trong một năm qua, tôi vừa vui vì tâm tính được đề cao và minh tỏ được Pháp lý, vừa tiếc nuối vì những việc hồ đồ, không được như ý. Với sự cảm khái, tôi xin chia sẻ lại sự ảo diệu của nội hàm ẩn chứa trong tu luyện mà tôi cảm ngộ được qua những thăng trầm của bản thân, trong đó không điều gì là không ẩn chứa sự coi sóc, chỉ bảo, dẫn dắt từ bi của Sư tôn.

Truy cầu lợi ích cá nhân khiến người ta không khỏi lo lắng

Sư phụ giảng:

“Như mọi người đã biết, [khi đã] đạt đến tầng La Hán, [thì] gặp sự việc gì cũng không để trong tâm, hết thảy những sự việc nơi người thường đều hoàn toàn không để tâm, đều là vui vẻ thoải mái; chịu thiệt thòi lớn đến mấy, vẫn cứ vui vẻ thoải mái.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Tôi rất muốn có được nội tâm vững chắc vô song như vậy, một trạng thái mà không gì động được tới tâm tôi. Nhưng tiếc là, trong hiện thực, tâm tôi lại thường động theo người nào đó hay sự việc nào đó xảy ra, chẳng hạn như: đồng tu chồng tôi hầu như ngày nào cũng chơi game trên máy tính và điện thoại di động, và sau rất nhiều lần giúp anh ấy nhận thức ra sự nguy hại này từ Pháp lý mà anh ấy vẫn đâu đóng đó, tôi liền cảm thấy lo lắng, tức giận; trong công việc và học tập, khi chờ người khác đánh giá kết quả công việc của mình, hoặc khi gặp giáo viên để thảo luận, tôi đều sẽ thấp thỏm bất an trong tâm; khi có người thường xuyên ba hoa tâng bốc bản thân hay chê bai người khác trước mặt tôi, tôi liền sinh ra chán ghét.

Sau khi hướng nội, tôi phát hiện ra rằng những cảm xúc phụ diện này xuất hiện đa phần đều bắt nguồn từ chấp trước vào lợi ích cá nhân của tôi, gồm cả chấp trước vào biểu hiện đúng sai của sự việc, kỳ vọng vào tương lai, danh tiếng tốt, v.v. Tôi mong mỏi có được, rồi lo không đạt được, mà khi không đạt được thì sẽ tức giận, oán hận. Đôi khi, tôi cảm thấy mình là người hay lo được mất, vì chấp trước vào những lợi ích cá nhân này mà tôi thường thấy bất an, không có cảm giác an toàn.

Trong xã hội hiện tại, do chịu ảnh hưởng của vô thần luận và tiến hóa luận, một cách không tự biết, con người sẽ truy cầu này khác, muốn có được những thứ tốt hơn nữa, tôi nghĩ đó là để tạo cho bản thân một loại cảm giác an toàn. Đương nhiên, cảm giác an toàn ấy không nhất định là liên quan đến sinh tử, đối với mỗi người, thứ mang lại cảm giác an toàn cho họ lại khác nhau. Đối với một đứa trẻ, chỉ cần một món đồ chơi nào đó thôi cũng sẽ mang lại cho nó cảm giác an toàn, nhưng đối với người lớn, được giàu có mới là cảm thấy an toàn. Tôi nghĩ cảm giác an toàn mà mọi người truy cầu ấy đều thuộc về lợi ích cá nhân, là động lực thúc đẩy bản thân tiến về phía trước và không ngừng hướng ngoại tìm. Bởi những lợi ích cá nhân này đều là những thứ có được từ bên ngoài, không chỉ là có được gì đó một cách khách quan, mà cả khi bạn được đánh giá tốt một cách chủ quan, nhưng thực chất, đó đều là thứ bên ngoài. Tuy nhìn thì như có được gì đó nhưng thực chất, nó đến từ người khác. Trên bề mặt, bạn có được nó từ trong tay người khác hoặc từ miệng người khác, còn trong hiện thực, bạn cần phải đến chỗ của người khác mới có được.

Như vậy sẽ tạo thành việc hướng ngoại cầu: danh của tôi đòi hỏi tôi phải đi nhào nặn; lợi ích của tôi đòi hỏi tôi phải đi tranh đoạt; tình của tôi đòi hỏi tôi phải đi đầu tư, trong quá trình truy cầu ấy sẽ có một loại cảm giác bất định, cũng chính là cảm giác bất an, lo mình nỗ lực không đủ hoặc có thiếu sót gì mà dẫn đến kết quả không mong muốn, cho nên tôi làm gì cũng cẩn thận đến từng li từng tí, lại thêm cảm giác lo lắng cực độ nữa.

Có một hôm, tôi nghĩ sao mình lại cho rằng thế giới này có lắm cảm giác bất định như vậy, thế giới này rốt cuộc có đúng là vô định đến vậy sao? Rõ ràng là Pháp lý đã chỉ cho chúng ta rằng hết thảy đều có quan hệ nhân duyên, đều được định trước, sự vận động của vũ trụ là có quy luật, hết thảy sự phát triển của xã hội nhân loại cũng đều được định trước, đều là Thần đã an bài tốt hết thảy rồi. Hơn nữa, hết thảy mọi thứ của tôi đều do Sư phụ an bài, vì hiện tại tôi đang ở trong mê, rất nhiều sự việc tôi hoàn toàn không biết, cũng không nhìn thấy được, nhưng Sư phụ nhìn thấy được, hết thảy an bài của Sư phụ, mỗi từng bước đối với chúng ta đều là tốt nhất. Tôi hoàn toàn không cần phải lo lắng, e sợ gì, không cần phải có cảm giác bất an này, cũng không cần truy cầu lợi ích cá nhân nào từ bên ngoài để được an tâm, mà thay vào đó là một loại cảm giác hết sức tự tại, vững vàng.

Buông bỏ được mất, đúng sai và những quan niệm hiện đại biến dị

Những lợi ích cá nhân mà tôi truy cầu nhiều lắm. Chẳng hạn, trước đây, tôi truy cầu thành tích học tập tốt, truy cầu thứ hạng, phần thưởng. Sau này, khi xem một tiết mục Thần Vận, bài thơ “Quan họa nhập cảnh” đã tác động rất lớn đến tôi, tựa như tôi cũng diễn trong tiết mục đó vậy. Trong tranh người thư sinh chỉ viết ba câu đầu:

Thiếu niên chí mãn hoài
Sùng thượng đống lương tài
Vinh danh quy cố lý

(Quan Họa Nhập Cảnh, Hồng Ngâm V)

Tạm dịch

Thiếu niên đầy hoài bão chí hướng
Tôn sùng nhân tài trụ cột
Vinh danh trở về cố hương

(Xem bức họa nhập vào cảnh, Hồng Ngâm V)

Câu cuối cùng bị bỏ trống, tựa như lý ở thế gian chỉ có thể giảng đến bước này, một cá nhân công thành danh toại, vinh quy về cố hương, xét về ý nghĩa trong thế tục thì cá nhân này được coi là có tiền đồ, xuất sắc hơn người. Sau đó, một phụ nữ xem tranh khi xem bức tranh này, đã tiến nhập vào khung cảnh đó và thêm câu cuối cùng:

“Thử sinh vi hà lai”

Tạm dịch:

Đời này vì sao mà đến

(Xem bức họa nhập vào cảnh, Hồng Ngâm V)

Lập tức mọi người bỗng nhiên sáng tỏ ra. Nếu như nói, 20 năm qua, tôi đều thực hành ba câu đầu của bài thơ và coi đó là mục tiêu trong đời, thì câu cuối thực sự đã giáng cho tôi một chiếc chùy nặng và mở ra một lối suy nghĩ khác, tôi cũng phát hiện rằng nếu cứ theo lối nghĩ trước kia, thì dường như tôi đang theo đuổi kết cục nào đó, nhưng về thực chất cái kết đó là không có gốc rễ.

Sau này, tôi cũng có thể sẽ theo đuổi những thứ không cần thiết khác, chẳng hạn như tôi sẽ chú trọng đến trang điểm, trang phục, tôi cũng sẽ theo đuổi quá mức với việc giảm cân và làm trắng da, … dần dần, tôi đã liễu giải được logic của những sản phẩm thời thượng này. Tôi còn biết nhiều thứ trong đó là hành vi quan niệm hiện đại biến dị. Một mặt, những khái niệm mà họ tuyên truyền là lợi dụng hiệu ứng ngôi sao hoặc mong muốn nâng cao giai tầng xã hội của người thường mà dựng lên một số quan niệm về thẩm mỹ, rồi lại lợi dụng truyền thông để thổi phồng trào lưu, khiến mọi người đổ xô vào đó. Nhưng thường thì những quan niệm thẩm mỹ được cổ xúy này không nhất định là thực sự đẹp, hoặc không nhất định là phù hợp với đại đa số vóc dáng và ngoại hình của mọi người, như vậy mới khiến mọi người ảo tưởng rằng cái gì hiếm thì quý, từ đó khiến họ dù có phải đi ngược lại với điều kiện sinh lý hoặc thói quen của bản thân, cũng phải theo đuổi một trạng thái hoàn toàn không phù hợp với mình, hơn nữa còn muốn dùng việc đó để thỏa mãn cái tâm hư vinh của bản thân, hoặc dùng phương thức đơn giản nhất này để nâng cao giai tầng xã hội, cho rằng ít nhất thì xem ra là có thể cải biến được.

Mặt khác, nó sẽ khiến con người ta cảm giác rằng dung mạo thế nào của mình không hợp với xu thế thì là xấu, từ đó sinh ra tâm lý muốn che đậy cái xấu, còn có các loại chuyên gia thời thượng hướng dẫn bạn cách che khuyết điểm. Tôi nghĩ sở dĩ chúng có thể bị gọi là hành vi quan niệm hiện đại biến dị là bởi mục đích sống, động cơ làm việc, suy nghĩ cực đoan, hành vi bừa bãi, chạy theo đám đông và những phương thức vô đạo đức sinh ra từ những quan niệm này hoàn toàn trái ngược với các lý niệm truyền thống. Dần dần, tôi suy ngẫm đôi chút về phương diện này, và quyết định cũng cần buông tay phần nào, theo đó mà tâm thái cũng trở lên nhẹ nhõm hơn, cứ thuận theo tình huống mà làm. Có điều kiện thế nào thì tôi tối ưu hóa và tận dụng thế ấy, chứ không còn nghĩ đến chạy theo những thứ viển vông, hư vô không phù hợp với bản thân, hoặc không chân chính cải biến bản thân từ bên trong mà chỉ dùng biện pháp che giấu để truy cầu những thứ kích thích cảm quan trên bề mặt.

Tất nhiên, khi truy cầu về phương diện thanh danh và bản sự cá nhân, tôi cũng có nhận thức mới. Nếu tất cả những người thực sự có năng lực, có bản sự đều có thể có được danh tiếng tương xứng thì khái niệm “thầm lặng vô danh” sẽ không tồn tại.

Về chuyện làm thế nào để nhìn nhận một sự việc là đúng hay sai, một sự việc xảy ra trước đó cũng có một chút tác dụng dẫn dắt đối với tôi: Một lần, tôi hẹn mấy đồng tu lên mạng học Pháp và chia sẻ. Tôi và đồng A lên mạng trước nên nói chuyện với nhau, cô ấy vô tình hỏi tôi có thấy âm thanh micro của cô ấy nhỏ lắm không, bởi vì trước đây, micro của cô ấy có vấn đề. Tôi nói với cô ấy rằng âm thanh micro của cô ấy không nhỏ, tôi nghe rất rõ. Sau đó, các đồng tu khác lần lượt lên mạng, sau khi mọi người đều nói, đến lượt đồng tu A nói thì tôi thấy âm thanh của cô ấy nhỏ hơn nhiều so với mọi người. Đúng vậy, tôi không chỉnh âm, đồng tu A cũng không chỉnh, chỉ là hoàn cảnh xung quanh đã thay đổi, đối tượng tham chiếu dùng để so sánh đã thay đổi, mà cảm thụ và miêu tả về cùng một sự việc đã thay đổi lớn như vậy. Điều này khiến tôi thực sự cảm nhận được tính cục hạn khách quan trong nhận thức và đánh giá của con người đối với sự việc. Vậy nên rất nhiều lúc, tôi quả thực không cần quá chú ý đến một số đánh giá mà người khác đưa ra trong các điều kiện hoàn cảnh cục hạn khác nhau, cũng không cần phải chấp trước vào sự phải trái, đúng sai của sự việc nào đó.

Buông bỏ lợi ích cá nhân, tâm cảnh thoáng đãng

Khi không còn cần dựa vào những lợi ích cá nhân trong hiện thực này để khiến bản thân cảm thấy vững vàng an tâm nữa, tôi mới thực sự bắt đầu bước đi trên con đường tu luyện phản bổn quy chân. Tôi cố gắng để cho đầu óc của mình suy nghĩ đơn giản và thuần khiết, nhưng khi đang chấp trước vào lợi ích cá nhân, bất tri bất giác tôi đã tích lũy rất nhiều suy nghĩ và quan niệm sai lầm. Ví như nói tôi quá chấp trước vào kết quả học tập và công tác, thì tính mục đích rất mạnh, động cơ làm việc chỉ là để vượt qua một kỳ sát hạch đánh giá nào đó. Hiển nhiên, tôi cũng không hiểu được từ đạo lý vì sao mình lại làm như vậy, chỉ giống như tuân thủ giới luật nào đó, nên tôi sẽ thúc ép bản thân làm những thứ mà tôi cho là nên làm, nhưng lại không tình nguyện hoặc không hứng thú. Vì quá chấp trước vào lợi ích trước mắt, tham vọng cao xa, nên tôi mới thấp thỏm sốt ruột, tâm không an lại được, làm việc lấy lệ, không hết mình. Vì lo được mất nên tôi cứ đang làm cái này lại nghĩ đến cái khác, mà lúc làm việc này thấy nhàm chán thì tôi lại nghĩ đến cái khác, điều này thường khiến tôi không thể tập trung chú ý, thành ra bị hỗn loạn, không đạt được trạng thái tốt đẹp.

Tôi vô cùng cảm tạ Sư tôn đã an bài để người nhà, bạn bè và đồng tu khởi tác dụng dẫn dắt rất lớn cho tôi về phương diện này. Từ góc độ người thường, họ đã khơi dậy hứng thú trong tôi để có thể làm những công việc này mà không cần phải thúc ép bản thân; dù sao thúc ép bản thân làm gì đó chỉ thích hợp trong ngắn hạn. Từ góc độ tu luyện, vạn sự vạn vật đều bao hàm đặc tính Chân-Thiện-Nhẫn, những nội dung công việc này cũng là thể hiện của Pháp ở tầng thấp nhất, chúng không nên là công cụ để tôi gặt hái lợi ích cá nhân mà là cơ hội để tôi chứng thực Pháp nơi người thường. Hết thảy mọi người và mọi việc gặp phải trong quá trình này đều là đối tượng đang chờ được cứu, không được vì chấp trước vào lợi ích cá nhân mà khiến bản thân đối lập với những thứ đó, giữa tôi và việc học tập hay công việc nên là mối quan hệ tương hỗ phối hợp, cùng đề cao, cùng thăng hoa. Loại lực lượng này mới có thể bền vững và trường tồn mãi.

Trong quá trình làm việc, nếu cơ điểm của tôi là vì lợi ích cá nhân thì không thể tránh khỏi sẽ sinh ra những tâm tình phụ diện như lo lắng, bất an, oán hận, tự mãn v.v., cũng giống như trong không gian tương ứng nào đó sẽ sản sinh những vật chất phụ diện, âm ám, những thứ vật chất này sợ tiếp xúc với ánh sáng nên bề ngoài cảm thấy không tự tin, không thể đường đường chính chính, hổ thẹn với lòng mình. Mà nếu như tôi không có tâm vị tư, hoàn toàn là vị tha thì tôi nghĩ mình nhất định có được tâm cảnh không có gì phải thẹn với lòng mình, điều này giúp tôi có lý giải càng rõ hơn về “Phật quang phổ chiếu, lễ nghĩa viên minh” (Chuyển Pháp Luân).

Lời kết

Không thể phủ nhận rằng việc thu hoạch lợi ích cá nhân quả thực sẽ mang lại chút khoái cảm cho con người ở một mức độ nào đó, nhưng xét cho cùng, cảm giác thỏa mãn này chỉ tồn tại chốc lát, còn những vật chất phụ diện sinh ra trong quá trình đó khiến con người thống khổ, chịu áp lực, và gánh nặng tâm lý lớn rất khó loại bỏ. Ngược lại, xem nhẹ niềm sung sướng khi có được những lợi ích cá nhân này mới là lâu dài mà thản đãng. Vì vậy, tôi bắt đầu chú ý không để mình bị chấp trước vào lợi ích cá nhân nữa, bắt đầu tận hưởng những điều kiện vốn có của mình, không để dư luận hay lời nói, hành động của người khác dẫn động mà truy cầu bất cứ điều gì bên ngoài. Khi có suy nghĩ độc lập và lý trí, biết mình cần gì và không cần gì, không chạy theo đám đông, không cưỡng cầu mà thuận theo tình huống mà làm thì bề mặt con người dường như cũng cởi bỏ được gông cùm, nhẹ nhõm, tự tại.

Trên đây là một chút cảm ngộ của bản thân về việc xem nhẹ lợi ích cá nhân, nếu có điều gì không phù hợp với Pháp, mong các đồng tu chỉ chính.

Con xin cảm tạ Sư tôn! Cảm ơn các đồng tu!

Hợp thập!

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/6/11/461824.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/6/21/209975.html

Đăng ngày 10-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share