Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 22-10-2023] Một cư dân 83 tuổi ở huyện Kê Đông, tỉnh Hắc Long Giang đã bị đình chỉ lương hưu kể từ tháng 1 năm 2020, chỉ vài tháng sau khi ông phải thụ án 2 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả thân lẫn tâm bị ĐCSTQ bức hại từ tháng 7 năm 1999.
Phòng Nguồn Nhân lực và An sinh Xã hội huyện Kê Đông (PNNLASXH) đã đình chỉ lương hưu của ông Nhậm Thủ Chí nhằm ép ông phải trả lại số tiền phúc lợi hưu trí mà ông đã lĩnh trong thời gian ngồi tù 2 năm (từ tháng 5 năm 2017 đến tháng 5 năm 2019), tổng cộng là 149.796,48 nhân dân tệ (6.241,52 nhân dân tệ/1 tháng x 24 tháng). Do ông từ chối tuân thủ, nên tháng 9 năm 2021, PNNLASXH đã đưa ra thông báo yêu cầu ông trả lại số tiền ít hơn, là 137.313,44 nhân dân tệ.
Ông Nhậm vẫn từ chối trả lại, bởi lẽ lương hưu là tài sản hợp pháp của ông. Sau đó, vào tháng 2 năm 2023, PNNLASXH đã đệ đơn kiện ông và còn gán con trai ông là tòng phạm. Con trai ông đã bị gài để có một thỏa thuận với PNNLASXH mà ông không hề hay biết, và một phần nội dung của thỏa thuận là giữ lại tiền trong tài khoản lương hưu của vợ ông để trả “khoản lương hưu đang nợ” của ông.
Ông Nhậm đệ đơn kiện PNNLASXH, nhưng bị bác bỏ. Ông được thông báo vụ việc đã đóng lại và ông chỉ có thể nộp đơn đề nghị xem xét lại vụ việc của mình. Ông thực hiện như vậy, nhưng tòa án địa phương không chấp nhận đề nghị của ông, mà thay vào đó, họ cho đóng băng tài khoản lương hưu của vợ ông vào tháng 8 năm 2023.
Thậm chí chỉ dựa theo tính toán của PNNLASXH, phần lương hưu bị đình chỉ từ tháng 1 năm 2020 đến tháng 7 năm 2023 là 268.385,36 nhân dân tệ (=6.241,52 nhân dân tệ/1 tháng x 43 tháng, không tính đến việc điều chỉnh lương hưu theo mức tăng của sinh hoạt phí), lẽ ra thừa đủ để trả 149.796,48 nhân dân tệ mà ngay từ đầu họ đã cố gắng đòi từ ông Nhậm hoàn lại. Thế nhưng họ vẫn gây áp lực buộc tòa án đóng băng tài khoản lương hưu của vợ ông.
Ông Nhậm nghi ngờ chỉ có một lời giải thích duy nhất, đó là PNNLASXH và tòa án đang tiếp tục vắt kiệt tài chính của ông chỉ vì ông kiên định vào Pháp Luân Công.
Chi tiết về vụ đình chỉ lương hưu của ông Nhậm
Ông Nhậm là một nhân viên đã về hưu của Phòng Đào tạo từ xa của Trường Kỹ thuật dành cho người trưởng thành huyện Kê Đông ở tỉnh Hắc Long Giang. Ông được ra tù vào tháng 5 năm 2019, nhưng PNNLASXH đã đình chỉ lương hưu của ông vào tháng 1 năm 2020. Ông đã nhiều lần yêu cầu phục hồi lương hưu cho mình, nhưng PNNLASXH, Phòng Khiếu nại huyện Kê Đông và Ủy ban Chính trị và Pháp luật huyện Kê Đông đều phớt lờ ông.
Tháng 4 năm 2021, Chính quyền huyện Kê Đông đã tổ chức một cuộc họp với sự tham dự của PNNLASXH, phòng tài chính, phòng giáo dục, phòng dân sự, phòng tư pháp, Ủy ban kiểm tra và Giám sát Kỷ luật và Phòng Tổ chức của Huyện ủy.
Trong cuộc họp, phía chính quyền nhận định việc PNNLASXH đình chỉ lương hưu của ông Nhậm là có căn cứ, dựa trên “Chính sách 69” do cơ quan giám sát của nó ở cấp Trung ương ban hành. Chính sách này cấm những người về hưu lĩnh lương hưu trong thời gian ngồi tù, nhưng cho phép họ nhận một số khoản trợ cấp sau thời gian chấp hành án. Do đó, những người tham dự cuộc họp cũng quyết định để cho ông Nhậm được lĩnh một khoản trợ cấp hàng tháng là 604 nhân dân tệ.
Tháng 9 năm 2021, PNNLASXH ban hành quyết định thu hồi số tiền lương hưu trị giá 137.313,44 nhân dân tệ đã phát cho ông Nhậm trong khoảng thời gian từ tháng 3 năm 2018 đến tháng 12 năm 2019, bao gồm một phần trong thời gian ông chấp hành bản án 2 năm (từ tháng 5 năm 2017 đến tháng 5 năm 2019) và 7 tháng sau khi ông được ra tù. Không rõ tại sao thời hạn 22 tháng không bao gồm toàn bộ thời hạn tù của ông, khi cơ quan này đang cố gắng thực hiện chính sách nói trên. Họ yêu cầu ông phải trả lại số tiền này trong vòng 10 ngày.
Ông Nhậm từ chối tuân thủ, vì lương hưu là tài sản hợp pháp của ông và không có luật nào ở Trung Quốc tước phúc lợi hưu trí của những người về hưu.
Ngày 10 tháng 2 năm 2023, PNNLASXH đã đệ đơn kiện dân sự chống lại ông Nhậm lên Tòa án huyện Kê Đông. Con trai của ông Nhậm bị coi là tòng phạm, vì theo cơ quan này, ông ấy đã sử dụng tiền lương hưu của cha mình. Không có bằng chứng nào để hỗ trợ cho cáo buộc đó.
Ông Nhậm được thông báo về phiên tòa vào ngày 16 tháng 2 năm 2023, nhưng phiên tòa bị hủy vào phút chót. Sau đó, ông không biết bất kỳ một thông tin cập nhật nào nữa.
Đến ngày 14 tháng 3, ông kiểm tra trang web của tòa án và thấy tình trạng vụ án của ông là “đã kết thúc”. Ông gọi điện đến tòa án và được biết con trai ông đã thu xếp xong với PNNLASXH mà ông không hề hay biết. PNNLASXH đồng ý không coi con trai của ông Nhậm là tòng phạm với điều kiện là tòa án sẽ thu hồi tiền từ tài khoản lương hưu của vợ ông Nhậm, bà Lý Kim Huệ.
PNNLASXH truy lùng bà Lý với lý do bà là người quản lý tài khoản lương hưu của ông Nhậm trong thời gian ông bị giam giữ. Trên biên bản thỏa thuận có ghi tên của hòa giải viên Lý Minh Sơn.
Sau đó, ông Nhậm đệ đơn kiện PNNLASXH vì đã đình chỉ lương hưu của ông và vi phạm Hiến pháp, Luật Lao động, Luật Lập pháp và Luật Bảo hiểm Xã hội. Tòa án huyện Kê Đông từ chối nhận đơn kiện của ông và cho biết vụ án đã kết thúc và báo cáo lên Tòa án Cấp cao tỉnh. Vì vậy, lựa chọn pháp lý duy nhất của ông là nộp đơn yêu cầu xem xét lại vụ án.
Ngày 10 tháng 6 năm 2023, ông Nhậm đệ đơn lên Tòa án huyện Kê Đông. Ông chỉ đích danh hòa giải viên Lý là bị đơn. Ông yêu cầu tòa án vô hiệu hóa kết quả hòa giải của Lý, bác bỏ vụ kiện dân sự của PNNLASXH chống lại ông [điều này có vẻ không cần thiết vì vụ kiện đã tự động bị bác bỏ khi con trai ông giải quyết với nguyên đơn] và ra lệnh cho PNNLASXH khôi phục lương hưu của ông và trả lại các khoản trợ cấp bị đình chỉ từ tháng 1 năm 2020 đến tháng 6 năm 2023, tổng cộng là 262.143,84 nhân dân tệ (= 42 tháng x 6241,52 nhân dân tệ/1 tháng).
Tuy nhiên, Tòa án huyện Kê Đông từ chối nhận kiến nghị của ông.
Ngày 28 tháng 6 năm 2023, một thẩm phán họ Kim từ Phòng Thi hành án của Tòa án huyện Kê Đông triệu tập ông Nhậm đến tòa và thông báo cho ông rằng tòa án sẽ bắt đầu khấu trừ tiền từ tài khoản lương hưu của vợ ông.
Ông Nhậm nhanh chóng đệ đơn yêu cầu dừng việc khấu trừ đó. Ông nhấn mạnh rằng lẽ ra ông không phải chịu án tù chỉ vì kiên định đức tin của mình, bởi vậy càng không nên bị đình chỉ lương hưu và liên lụy đến vợ. Ông cũng đưa ra hồ sơ bệnh án và hóa đơn y tế của vợ mình, để chứng minh bà đang phải cố gắng chi trả chi phí điều trị y tế cho vô số vấn đề sức khỏe của mình, bao gồm chứng huyết áp cao, nhồi máu não nhiều lần, tổn thương gan, xơ vữa động mạch vành, bệnh tim và bệnh xương nghiêm trọng, tăng sản ở khớp gối.
Tòa án làm ngơ ông Nhậm và vẫn đóng băng tài khoản lương hưu của vợ ông vào tháng 8 năm 2023. Ông gọi điện cho thẩm phán Kim và được thông báo tòa án quyết định trợ cấp một lần cho vợ ông 7.200 nhân dân tệ và số tiền còn lại của bà trong tài khoản lương hưu sẽ bị đóng băng để trả “nợ lương hưu” của ông. Vợ ông chỉ nhận được 1.500 nhân dân tệ tiền lương hưu mỗi tháng, nghĩa là bà chỉ nhận được 40% (7.200 nhân dân tệ) lương hưu hàng năm của mình (18.000 nhân dân tệ), 60% còn lại bị tòa án tịch thu.
Ông Nhậm lập luận rằng 7.200 nhân dân tệ chỉ đủ trang trải cuộc sống, không đảm bảo cho chi phí y tế, bao gồm cả một cuộc phẫu thuật thay khớp gối cho vợ ông. Ông yêu cầu được gặp Kim, nhưng ông ta viện nhiều lý do khác nhau để từ chối.
Sau đó, ông Nhậm gọi điện cho cấp trên của Kim là Lưu Kinh và đề nghị một cuộc gặp mặt. Lưu nói: “Tài khoản lương hưu của vợ ông bị đóng băng thì sao nào! Hãy để người phụ trách vụ án [ý nói là Kim] báo cáo với tôi”.
Sau đó, Kim trả lời cuộc gọi của ông Nhậm và cho biết PNNLASXH đang gây áp lực buộc ông ta phải đóng băng tài khoản lương hưu của vợ ông Nhậm. Rõ ràng là ông ta đang cố ý đẩy trách nhiệm sang PNNLASXH và nói rằng tòa án chỉ đơn giản là đang thực hiện theo quy định của nó mà thôi.
Bài liên quan:
Bài liên quan bằng tiếng Anh:
Educator Imprisoned for Two Years Following Eighth Arrest for His Belief
Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/10/22/467369.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/10/25/212630.html
Đăng ngày 12-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.