Bài viết của một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 10-07-2023] Tôi là một giáo viên đã nghỉ hưu. Tôi đã dùng tên thật của mình để kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào năm 2015. ĐCSTQ đã chuẩn bị ba cái gọi là “lớp học” cho tôi, thực chất là những buổi tẩy não. Mục đích là buộc tôi phải từ bỏ đức tin của mình, nhưng họ đã thất bại.

Trước khi lớp tẩy não diễn ra, một số vị lãnh đạo nhà trường đã đến nhà tôi hai lần. Lần đầu tiên có hai hiệu trưởng đến. Một người nói với tôi: “Nhìn chị thật khỏe mạnh, thần sắc cũng rất tốt.” Lúc đó tôi 68 tuổi.

Tôi nói với họ rằng sức khỏe của tôi đã được cải thiện nhờ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. “Trước đây tôi mắc đủ loại bệnh tật, còn bây giờ tôi thực sự khỏe mạnh,” tôi nói. “Tôi không phải uống hay tiêm bất kỳ loại thuốc nào trong suốt 20 năm qua.” Sau khi chúng tôi nói chuyện một lúc, họ đã rời đi.

Lần thứ hai, có người từ ủy ban trường học tới nhà tôi. Sau khi ngồi xuống, điều đầu tiên cậu ấy hỏi là tôi còn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp không. Tôi trả lời chắc nịch rằng: “Vẫn luyện! Pháp môn tuyệt vời đến như vậy, tại sao tôi lại không tu luyện chứ?” Cậu ấy có vẻ sốc khi nghe điều này. Tôi tiếp tục nói về việc sức khỏe của tôi đã cải thiện như thế nào sau khi tu luyện Đại Pháp. Tôi nói với cậu ấy rằng Pháp môn này có tác dụng kỳ diệu trong việc chữa bệnh và giữ gìn sức khỏe, và điều quan trọng nhất của việc tu luyện là tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn và trở thành một người tốt. Tôi nói với cậu ấy rằng vụ “tự thiêu” ở Quảng trường Thiên An Môn đã được dàn dựng và chỉ ra một số điểm nghi vấn. Cậu ấy không nói thêm được điều gì. Trước khi rời đi, cậu ấy nói: “Lần sau cháu sẽ cho bác xem một số tài liệu của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc.” Cậu ấy cho rằng tài liệu này là cơ sở để xác định Pháp Luân Công là tà giáo, nhưng trên thực tế, trong văn bản này hoàn toàn không đề cập đến Pháp Luân Công.

Một ngày vào tháng 10 năm 2016, ủy ban trường học đột nhiên gọi cho tôi và nói: “phòng 610 của quận sẽ đến trường để nói chuyện với chị vào sáng mai.” (thực tế là muốn làm lớp tẩy não cho tôi) Tôi nói với họ rằng tôi phải chăm sóc cha mẹ già và không có thời gian dành cho họ. Tôi hơi lo lắng, không biết hậu quả sẽ ra sao.

Sau khi tôi chia sẻ với một đồng tu về điều này, cô ấy đề nghị tôi đến nhà con tôi để trốn một thời gian. Tôi nghĩ đến lời của Sư phụ:

“Nhĩ hữu phạ — Tha tựu trảo
Niệm nhất chính — Ác tựu khoa…” (Phạ XáHồng Ngâm II)

Tôi đã quyết định không đi đâu cả. Tôi sẽ học Pháp nhiều hơn và dùng chính niệm để đối mặt với họ.

Tôi kiên trì học Pháp mỗi ngày. Tôi liên tục chép cuốn Hồng Ngâm IV của Sư phụ Lý (nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp) và nghe các bài chia sẻ kinh nghiệm của các học viên trên trang web Minh Huệ. Đồng thời, cũng chuẩn bị những gì mình sẽ nói với các nhân viên Phòng 610. Đến lúc ấy, tôi đã có Pháp trong tâm. Tôi không hề sợ hãi, tâm lý rất thản đãng.

Trong buổi tẩy não, tôi ăn mặc chỉnh tề một chút để tạo ấn tượng tốt với tư cách là một đệ tử Đại Pháp. Chồng tôi đã động viên: “Đừng sợ nhé, chúng ta là những người tốt, đường đường chính chính. Tôi sẽ ở nhà đợi mình.” Tôi bảo ông ấy đừng lo lắng. Tôi sẽ không ký bất cứ điều gì và sẽ trở về nhà an toàn.

Khi đến nơi, tôi bắt tay từng người như gặp gỡ bạn bè. Lãnh đạo nhà trường giới thiệu khách đến thăm tôi. Hai người từ Phòng 610, một người từ phòng giáo dục quận, một người từ phòng hành chính, và hai người là quản lý trường học. Có tổng cộng sáu người tất cả.

Một cán bộ Phòng 610 ngồi đối diện tôi nói: “Lãnh đạo trường này đã cam kết rằng tất cả đều không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Hãy thực hiện cam kết này.”

Người cán bộ còn lại của Phòng 610 nói với giọng rất khó chịu: “Chị đã đệ đơn khiếu nại Giang Trạch Dân. Sao chị có thể kiện Chủ tịch nước chứ?” Tôi lờ đi như thể không nghe thấy gì. Cậu ấy lẩm bẩm thành tiếng: “Tại sao bà ấy không coi trọng việc này nhỉ?” Bây giờ nghĩ lại, lẽ ra tôi nên nói cho họ biết Giang đã phạm những tội gì; rằng kiện Giang là quyền hiến định của chúng tôi; chúng tôi không làm gì sai và không vi phạm pháp luật. Nhưng tôi đã không làm vậy và cảm thấy rất tiếc.

Tôi nhìn người cán bộ Phòng 610 đối diện và kể cho mọi người trong phòng về những thay đổi tích cực về sức khỏe mà tôi đã trải qua sau khi học Đại Pháp. “Trước đây tôi đã mắc nhiều bệnh khác nhau. Chứng tăng sản cột sống cổ nặng đến mức toàn thân tôi tê liệt, tim tôi không ổn, huyết áp cao và phải dùng thuốc hạ huyết áp.

“Khi huyết áp của tôi trở lại bình thường sau khi tập các bài công pháp của Đại Pháp chỉ một tuần, tôi đã nghĩ rằng môn tu luyện này thật kỳ diệu. Tôi ném tất cả số thuốc có trong ngăn kéo vào thùng rác. Tôi hét lên rằng từ nay trở đi tôi sẽ không bao giờ dính đến thuốc nữa. Tay chân tôi không còn tê nữa và tôi có thể ngủ ngon vào ban đêm. Tôi cảm thấy nhanh nhẹn và mạnh mẽ. Tôi đã tu luyện hơn 20 năm và không phải dùng đến bất kỳ loại thuốc nào.”

Tôi hơi xúc động nhưng họ vẫn im lặng lắng nghe và không ai ngắt lời tôi.

Một cán bộ Phòng 610 đã đứng dậy và yêu cầu lãnh đạo nhà trường đi ra ngoài cùng mình. Một lúc sau họ quay lại nhưng không nói họ đã bàn bạc những gì. Sau đó, lãnh đạo nhà trường nói với tôi rằng cán bộ Phòng 610 muốn ông ấy khai trừ tôi ra khỏi ĐCSTQ, nhưng lãnh đạo nhà trường đã trả lời rằng tôi không còn là đảng viên nữa.

Cán bộ Phòng 610 nói với tôi với giọng đe dọa: “Bốn học viên Pháp Luân Đại Pháp ở quận chúng tôi đã đệ đơn khiếu nại Giang. Có người bị khai trừ khỏi Đảng, có người bị sa thải, có người bị viện kiểm sát buộc tội. Nếu chị không từ bỏ tu luyện Đại Pháp, trường của chị sẽ bị loại khỏi danh sách thi đua cuối năm, các giáo viên sẽ không nhận được tiền thưởng và họ sẽ hận chị đấy.”

Tôi không động tâm, nghĩ rằng đó không phải lỗi của tôi. Khi rời đi, cậu ấy nói: “Lần sau chúng tôi sẽ tìm một giáo viên cấp hai đã được ‘chuyển hóa’ để thuyết phục chị.”

Sau khi trở về nhà, tôi tự nhủ: “Tôi sẽ không gặp người ‘đã chuyển hóa’ đó.” Nhưng nghĩ lại, người này cũng từng là một đồng tu, nên tôi nghĩ rằng tôi nên tận dụng cơ hội này để giúp đỡ cô ấy.

Trong lần tẩy não thứ hai, họ đã sắp xếp để người này nói chuyện riêng với tôi. Chúng tôi ngồi gần nhau. Câu đầu tiên của tôi trong cuộc trò chuyện là: “Cô đã bị ‘chuyển hóa’ như thế nào vậy? Vẻ mặt của cô ấy không vui chút nào.”

Người cựu học viên này đã bị đưa đến trại tạm giam vì cô ấy đã treo biểu ngữ. Lúc đầu chính niệm của cô ấy khá mạnh. Cảnh sát nói với cô: “Cô phải đến bệnh viện để chữa bệnh. Tại sao Sư phụ của cô không quan tâm đến cô?“ Lời nói đó đã đánh trúng vào tâm lý của cô ấy, vì cô ấy đã bị xuất huyết trong một thời gian dài và nghĩ rằng Sư phụ không quan tâm đến cô ấy nên đã đến bệnh viện.

Tôi cảm thấy tiếc cho cô ấy. Tôi đã nói với cô ấy rất nhiều điều về bản thân và Đại Pháp. Cô ấy không nói một lời nào để thuyết phục tôi từ bỏ Đại Pháp. Có cảm giác như tôi đang đóng vai chính vậy.

Tôi quay trở lại phòng chính và muốn giảng chân tướng cho những người ở đó, nhưng mỗi lần tôi muốn nói, lãnh đạo nhà trường đều ngăn cản tôi. Họ đã cam kết sẽ khiến tôi từ bỏ Đại Pháp. Họ biết rằng một khi mở miệng, tôi sẽ nói về chân tướng. Tôi thay đổi chủ đề và nói rằng sau khi đắc Pháp, tôi đã coi nhẹ tất cả những truy cầu danh lợi. Tôi đã từ bỏ tài sản thừa kế của mình và sống hòa thuận với anh chị em.

Khi tôi đề cập đến việc con rể tôi tìm thấy một chiếc iPhone và trả lại cho chủ nhân, người của phòng giáo dục huyện nhận xét: “Việc này có tác động tốt đến đạo đức xã hội.” Tôi nói với họ rằng khi tôi bị ô tô đâm, tôi cũng không cần phải đến bệnh viện và không yêu cầu tài xế bồi thường một xu. Tôi đã nói với người lái xe: “Đừng lo lắng. Tôi sẽ không khiến anh gặp rắc rối đâu.” Vị cán bộ Phòng 610, vốn trước đó đã đe dọa tôi, liền nói với vẻ xúc động: “Ngày nay người ta muốn lừa gạt người khác nhưng không tìm được cơ hội.” Một người khác nói thêm: “Đúng vậy!”

Vị cán bộ Phòng 610 ngồi đối diện tôi nói: “Nhiệm vụ của chúng tôi sẽ hoàn thành nếu chị nói rằng chị sẽ ngừng tu luyện.” Tôi vẫn kiên định với quan điểm của mình: Tôi sẽ tu luyện!

Một cán bộ Phòng 610 khác hỏi tôi liệu các con tôi có ủng hộ tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp không. Tôi trả lời: “Ai lại không muốn mẹ của mình có sức khỏe tốt chứ?”

Cậu ấy đồng ý. Vào cuối buổi gặp, cậu ấy nói: “Chúng tôi sẽ tìm một ‘chuyên gia chuyển hóa’ để làm việc với chị.”

“Các cậu đừng phí công phí sức nữa,” tôi đáp.

Trong buổi tẩy não thứ ba, vị “chuyên gia” này không đến mà thay vào đó là một người khoảng 40 tuổi. Cán bộ Phòng 610 giới thiệu cậu ấy là quan chức của thành phố. Tôi biết ngay rằng cậu ấy thuộc Phòng 610 của thành phố.

Tôi nghĩ: Mình đã không nói được điều mình muốn trong hai buổi vừa qua vì họ đã ngăn cản tôi. Lần này tôi sẽ không để mất cơ hội.

Người đàn ông này chỉ lặp lại những lời dối trá được truyền thông nhà nước tuyên truyền. Mặc cho lãnh đạo nhà trường ngăn cản, tôi vẫn ngắt lời anh ấy và nói: “Pháp Luân Đại Pháp là gì? Đó là Phật Pháp.” Tôi nói với cậu ấy tại sao Giang Trạch Dân lại bức hại Pháp Luân Đại Pháp. Lần này không ai ngăn cản tôi nữa. Cuối cùng tôi đã nghiêm nghị nói với họ: “‘Luật công chức’ quy định rõ ràng rằng những công chức cố tình làm trái mệnh lệnh của cấp trên đều phải chịu trách nhiệm.”

Cứ như vậy, lớp tẩy não đã bị giải thể. Lương hưu của tôi vẫn được thanh toán như thường lệ và trường vẫn được đánh giá là trường có thành tích xuất sắc. Bây giờ tôi đã hiểu sâu hơn về Pháp của Sư phụ:

“Đệ tử chính niệm túc
Sư hữu hồi thiên lực” (Sư đồ ânHồng Ngâm II)

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/7/10/462807.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/9/11/211269.html

Đăng ngày 02-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share