Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 08-10-2023] Một người đàn ông 41 đang chấp hành án tù 7 năm oan sai vì tu luyện Pháp Luân Công đã bị tra tấn đến mức biến dạng. Em gái của ông Trần Địch Tài đã đệ đơn khiếu nại giám thị nhà tù lên nhiều cơ quan chính quyền khác nhau. Những nỗ lực kiên trì của bà đã thu được kết quả tích cực. Ông Trần cho biết lính canh tù đã ngừng đánh đập ông và bắt đầu cung cấp cho ông đủ thức ăn.

Gia đình được vào thăm lần đầu sau 4 năm

Ngày 3 tháng 7 năm 2019, ông Trần, một cư dân huyện Dương Tân, thành phố Hoàng Thạch, tỉnh Hồ Bắc, đã bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện đã bị ĐCSTQ bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Ngày 22 tháng 9 năm 2020, ông bị kết án 7 năm tù và phạt tiền 30.000 Nhân dân tệ. Ông đã kháng cáo bản án nhưng bị bác bỏ vài tháng sau đó, vào ngày 4 tháng 12. Ông bị đưa vào Khu 7 của Nhà tù Phạm Gia Đài (1 trong 10 nhà tù thuộc hệ thống Nhà tù Sa Dương ở huyện Sa Dương, thành phố Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc).

Em gái của ông Trần là bà Mai (hóa danh) đã nhiều lần yêu cầu được vào thăm ông, nhưng luôn bị từ chối. Bà cũng đến nhà tù nhiều lần, nhưng đều bị đuổi ra. Giữa tháng 7 năm 2023, bà gọi điện cho cơ quan giám sát nhà tù, Cục Quản lý Hệ thống Nhà tù Sa Dương và cuối cùng, bà đã được phép thăm anh trai mình vào ngày 24 tháng 7 năm 2023.

Ngày hôm đó, bà Mai và cha bà đã di chuyển 4 tiếng đồng hồ để tới nhà tù gặp ông Trần. Họ rất đau lòng khi thấy ông Trần trông hốc hác và da dẻ tái nhợt. Mái tóc đen dày trước đây của ông giờ chỉ còn lác đác vài sợi màu vàng. Gò má của ông nhô cao, và họ không thể nhận ra ông.

Ông Trần nói với giọng yếu ớt rằng ông phải thức dậy lúc 5 giờ mỗi sáng để lao động cưỡng bức suốt cả ngày cho đến khoảng 10 giờ tối. Trong khi các tù nhân khác được phép ngủ sau giờ làm việc, ông phải chịu nhiều hình thức tra tấn khác nhau vì không từ bỏ Pháp Luân Công: nhẹ thì là bị phạt đứng nghiêm cho đến 1 hoặc 2 giờ sáng; nặng thì bị đánh đập tàn bạo trong nhà vệ sinh, nơi không có camera giám sát. Ông bị mất 4 chiếc răng hàm do bị đánh đập liên tục. Toàn thân ông cũng bị tổn thương nặng nề.

Với việc chỉ được ngủ chưa đến 3 tiếng mỗi đêm và chỉ được cung cấp một lượng thức ăn ít ỏi mỗi ngày, ông Trần, một người đàn ông vốn khỏe mạnh và nặng khoảng 90kg, đã nhanh chóng sụt gần một nửa trọng lượng cơ thể. Đầu óc ông có lúc bị mơ màng do thiếu ngủ trầm trọng.

Người em gái khiếu nại giám thị

Trong chuyến thăm thân ngày 24 tháng 7 năm 2023, bà Mai yêu cầu người lính canh giám sát chuyến thăm thân, cùng ủy ban kiểm tra kỷ luật của nhà tù điều tra hành vi ngược đãi đối với anh trai bà.

Hai ngày sau, một người tự xưng là đến từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Thành phố Kinh Môn phụ trách Nhà tù Phạm Gia Đài đã gọi điện cho bà Mai, cho biết họ sẽ điều tra vụ việc.

Giữa tháng 8 năm 2023, bà Mai gọi điện đến nhà tù, yêu cầu được nói chuyện với anh trai mình. Ngày hôm sau, ông Trần được phép nói chuyện điện thoại với em gái trong 10 phút. Ông nói với giọng yếu ớt rằng hôm đó ông không lao động cưỡng bức vì cảm thấy không khỏe. Bà Mai rất lo lắng cho anh mình.

Vài tuần sau, bà lại gọi điện cho nhà tù và yêu cầu được nói chuyện với anh trai, nhưng bị từ chối.

Ngày 2 tháng 9 năm 2023, bà Mai gửi đơn khiếu nại giám thị Nhà tù Trang Quảng Lăng và đề nghị xem xét lại vụ án của anh trai bà tới các cơ quan: Viện Kiểm sát Thành phố Kinh Môn, Ủy ban Giám sát Thành phố Kinh Môn, Ủy ban Thành phố Kinh Môn, Cục Quản lý Hệ thống Nhà tù Sa Dương, Viện Kiểm sát Tỉnh Hồ Bắc, Cục Tư pháp Tỉnh Hồ Bắc, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Tỉnh Hồ Bắc, Ủy ban Kiểm sát Tỉnh Hồ Bắc, Ủy ban Tỉnh Hồ Bắc, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Nhân dân Tỉnh Hồ Bắc, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Văn phòng Quốc vụ viện, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.

Khoảng 5 giờ 30 phút chiều ngày 13 tháng 9, Phạm Tuấn Nho (một viên chức của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Thành phố Kinh Môn), giám đốc Trần của Cục Quản lý Hệ thống Nhà tù Sa Dương và một người đàn ông khoảng ngoài 50 tuổi đến gặp bà Mai tại Tòa nhà Phục vụ Công tác quản lý nhà nước quận Hoàng Thạch Cảng ở thành phố Hoàng Thạch.

Bà Mai phàn nàn với họ về việc Nhà tù Phạm Gia Đài vi phạm pháp luật, bởi lẽ, mặc dù bà đã có tất cả giấy tờ cần thiết nhưng nhà tù này vẫn nhiều lần từ chối yêu cầu vào thăm anh trai của bà trong 4 năm đầu ông ấy bị giam giữ. Bà yêu cầu họ ra lệnh cho nhà tù cho bà xem tất cả video giám sát liên quan đến anh trai bà. Phạm cho biết các video chỉ được lưu giữ trong 1 tháng. Sau đó, bà đưa ra 3 điều kiện: thứ nhất là yêu cầu nhà tù ngừng đánh đập anh trai bà và cho phép ông gọi điện thoại hàng tháng cho bà; thứ hai là điều trị y tế cho anh trai bà vì ông ấy có một số triệu chứng viêm gan B; thứ ba là để anh trai bà được tạm tha y tế.

Cuộc gặp mặt kết thúc sau khoảng 20 phút.

Ngày hôm sau, Viện Kiểm sát Thành phố Kinh Môn gửi tin nhắn cho bà Mai, cho biết họ đã chuyển đơn khiếu nại và kiến nghị của bà tới Viện Kiểm sát khu vực Sa Dương ở thành phố Kinh Môn.

Khoảng 5 giờ chiều ngày 15 tháng 9, cảnh sát trưởng Lý của Công an Quận Dương Tân gọi điện cho bà Mai và yêu cầu gặp bà vì họ đã điều tra vụ án của anh trai bà. Họ yêu cầu bản sao đơn khiếu nại và kiến nghị của bà. Họ nói bà có thể gửi tài liệu cho họ qua WeChat (một nền tảng truyền thông xã hội phổ biến của Trung Quốc). Bà từ chối yêu cầu, vì nếu họ được giao nhiệm vụ điều tra vụ án thì lẽ ra cơ quan giám sát của họ phải chuyển những tài liệu đó cho họ.

Ngày 18 tháng 9, một lính canh tù của Khu 7 Nhà tù Phạm Gia Đài gọi điện cho bà Mai, cho biết họ đã thu một lá thư của một học viên Pháp Luân Công gửi cho anh trai bà. Sau khi xác minh địa chỉ của người gửi, bà Mai nhận ra đó chính là bức thư mà bà đã gửi. Bức thư bao gồm đơn khiếu nại giám thị và đề nghị xem xét lại vụ án của anh trai bà. Bà muốn anh trai bà biết về những gì bà đã làm để tìm kiếm công lý cho ông.

Bà Mai nói với người gọi điện: “Bức thư đó là của tôi. Tôi đề cập đến Pháp Luân Công, nhưng điều đó lẽ nào lại tự động biến tôi thành một học viên Pháp Luân Công à? Anh là ai?“ Người gọi từ chối tiết lộ danh tính.

Ngày hôm sau, bà Mai nhận được một tin nhắn từ Viện Kiểm sát khu vực Sa Dương, cho biết họ đã chuyển đơn khiếu nại của bà tới văn phòng liên lạc ở Nhà tù Phạm Gia Đài; Nguyên Kiến Quốc và Mao Ngọc Ích là những người phụ trách xử lý.

Ngày 23 tháng 9, bà Mai nhận được thư thông báo chính thức của văn phòng liên lạc, cho biết họ đang xem xét khiếu nại của bà.

Khoảng 5 giờ chiều ngày 26 tháng 9, Thạch Xuyên từ Ủy ban Chính trị và Pháp luật Quận Dương Tân, cảnh sát trưởng Lý từ Công an Quận Dương Tân và giám đốc Trần từ Cục Quản lý Hệ thống Nhà tù Sa Dương gọi điện cho bà Mai và yêu cầu gặp bà. Lần này bà đã đồng ý. Họ không xuất trình giấy tờ tùy thân trong cuộc họp.

Vài ngày sau, bà Mai gửi yêu cầu tạm tha y tế đến cho Phạm Tuấn Nho của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Thành phố Kinh Môn và Khu 7 Nhà tù Phạm Gia Đài.

Ngày 1 tháng 10, bà Mai gọi cho Phạm yêu cầu được nói chuyện với anh trai mình. Phạm gọi cho Khu 7, sau đó anh trai bà được nói chuyện với bà trong 10 phút. Lần này, giọng ông Trần tốt hơn nhiều và ông cho biết ông cảm thấy dễ chịu hơn vì có đủ thức ăn và ít bị đánh đập hơn.

Bà Mai kể với ông về đơn khiếu nại chống lại giám thị nhà tù và đề nghị xem xét lại vụ án, cũng như yêu cầu bảo lãnh y tế cho ông. Bà tiếp tục khuyến khích ông đứng lên bảo vệ chính mình và yêu cầu nhà tù để ông gọi điện cho bà mỗi tháng một lần.

Sau đó, bà nhắn tin cho Phạm để cảm ơn ông ta đã kết nối cuộc gọi để bà nói chuyện với anh trai mình. Tuy nhiên, Phạm đe dọa bà không được tiếp xúc với bất kỳ học viên Pháp Luân Công nào khác, nếu không bà sẽ phải gánh hậu quả.

Bài liên quan:

Người đàn ông 41 tuổi bị tra tấn đến mức không thể nhận ra được phép thăm thân lần đầu tiên sau 4 năm bị cầm tù

Người đàn ông 40 tuổi đang thụ án 7 năm tù gặp vấn đề về sức khoẻ, gia đình bị từ chối thăm thân

Người đàn ông Hồ Bắc bị kết án tù 7 năm sau khi bị anh rể báo chính quyền việc anh tu luyện Pháp Luân Công

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/10/8/466883.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/10/11/212445.html

Đăng ngày 25-10-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share