Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 07-10-2023] Giữa tháng 5 năm 2023, bà Lý Ái Bình (còn gọi là Lý Tiểu Hồng) ở thành phố Kinh Sơn, tỉnh Hồ Bắc đã làm đơn xin cấp hộ chiếu nhưng bị công an thành phố từ chối. Sau này, bà được cho hay bà nằm trong danh sách đen các học viên Pháp Luân Công bị cấm đi ra nước ngoài. Do đó, bà không thể tìm kiếm phương pháp trị liệu y tế tốt hơn ở nước ngoài cho người con trai 25 tuổi bị tàn tật do bệnh lao xương (tình trạng bệnh lao lan ra ngoài phổi và ảnh hưởng đến các khớp).

Trong cuộc bức hại kéo dài 24 năm qua, bà Lý (51 tuổi) và chồng bà, ông Chu Thanh (khoảng 53 tuổi) đã nhiều lần bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công. Vào thời điểm Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, con trai Chu Minh Huệ của họ chỉ mới 1 tuổi. Trong 8 năm đầu đời, cha của cậu (ông Chu) hiếm khi ở nhà. Thay vào đó, ông bị chính quyền giam giữ phi pháp tại nhiều cơ sở khác nhau vì tu luyện Pháp Luân Công, hoặc phải xa nhà đi trốn để tránh bị bắt giữ. Vì Minh Huệ không gặp cha mình trong nhiều năm, nên cậu lo rằng cha sẽ có thể không nhận ra mình nữa. Lúc cả cha mẹ đều bị giam giữ, cậu đã òa khóc với bà nội khi nhìn thấy những đứa trẻ khác được ở cùng với cha mẹ của họ: “Con muốn có cha và mẹ. Có thể mua cha mẹ cho con được không?”

Ông Chu, một giáo viên vật lý trung học xuất sắc, bị sa thải sau khi bị kết án 4 năm tù vào năm 2004. Bà Lý và con trai Minh Huệ của họ phải đi bộ 16 tiếng đường núi để đến nhà tù, nhưng mỗi khi mang theo hy vọng tràn đầy đến nhà tù, thì điều chờ đợi họ luôn là việc từ chối yêu cầu thăm thân. Con trai ông thường mang theo món đồ chơi yêu thích nhất của mình và nói: “Con sẽ chơi nó với cha”. Đôi khi Minh Huệ không muốn rời khỏi nhà tù, và chờ đợi bên ngoài nhà tù trong hai hoặc ba giờ đồng hồ, cho dù đó là vào một ngày mùa hè nóng nực hay mùa đông tuyết rơi với hy vọng lính canh thay đổi suy nghĩ. Khi cậu tuyệt vọng kêu lên: “Cha ơi, cha…”, lính canh tiến đến và đuổi hai mẹ con đi.

Một hôm, trên đường từ nhà tù về nhà thì bà Lý bị một chiếc xe tải lớn đâm trúng. Bà bị gãy xương và đứt gân kheo chân. Mặc dù tránh được việc phải cắt bỏ chân, nhưng bà không thể làm việc được nữa. Không có thu nhập, bà phải nhờ đến sự giúp đỡ của người thân để trang trải cuộc sống.

Sau khi ông Chu được ra tù vào năm 2008 và đoàn tụ với vợ con, họ lại buộc phải dọn đi nơi khác vì cảnh sát liên tục sách nhiễu và gây áp lực buộc chủ nhà trọ đuổi họ đi. Sau đó, gia đình họ chuyển đến thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu (cách Kinh Sơn khoảng 965 km) và có một cuộc sống tương đối yên bình trong vài năm. Ông Chu đã mở một trung tâm gia sư và có thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, năm 2013, cảnh sát thành phố Kinh Sơn tìm ra ông, và đến Quý Dương. Họ phối hợp với cảnh sát thành phố Quý Dương để đóng cửa trung tâm gia sư của ông. Ông tìm được việc làm tại một trường tư thục, nhưng bị cảnh sát thành phố Quý Dương sách nhiễu. Gia đình ông một lần nữa phải chuyển đi, nhưng họ vẫn ở tại tỉnh Quý Châu.

Con trai ông được chẩn đoán mắc bệnh lao xương vào khoảng năm 2019, khi cậu ấy khoảng 21 tuổi. Tình trạng trở nên nghiêm trọng đến mức cậu ấy khó thở và đi lại khó khăn. Cậu không được điều trị thích hợp vì gia đình liên tục phải chuyển đi.

Giữa năm 2020, cuối cùng cha mẹ cậu quyết định quay về thành phố Kinh Sơn, tỉnh Hồ Bắc. Tuy nhiên, cả gia đình không ở cùng nhau, vì ông Chu và bà Lý không muốn con trai họ phải sống lưu lạc với căn bệnh nghiêm trọng. Cha mẹ của bà Lý đề nghị để họ giúp chăm sóc cho Minh Huệ. Chàng trai trẻ bị liệt không lâu sau khi trở về Kinh Sơn và phải trải qua một ca đại phẫu cột sống. Cậu đã suýt tử vong trong ca phẫu thuật.

Bởi không thể lần ra ông Chu và bà Lý, nên tháng 6 năm 2021, cảnh sát Quý Dương đã đi tới tỉnh Hồ Bắc để sách nhiễu Minh Huệ trong khi cậu ấy vẫn đang nằm liệt giường và hồi phục sau ca phẫu thuật. Cảnh sát rời đi lúc 10 giờ đêm, khiến ông của cậu mất ngủ vào đêm đó. Ngày hôm sau, ông bị té ngã và phải ngồi xe lăn. Tuy nhiên, cảnh sát Quý Dương vẫn tiếp tục gọi điện và sách nhiễu hai ông cháu.

Do bị cảnh sát sách nhiễu và áp lực không ngừng, Minh Huệ không thể bình phục hoàn toàn sau ca phẫu thuật. Lưng của cậu bị đau khi cố duỗi thẳng và không thể đứng lâu hơn 20 phút mỗi lần. Mẹ cậu muốn đưa cậu ra nước ngoài để tìm phương pháp trị liệu tốt hơn, nhưng bà không xin được hộ chiếu.

(Thông tin chi tiết về khổ nạn của gia đình được liệt kê trong hai báo cáo liên quan bên dưới).

Tu luyện Pháp Luân Công

Bà Lý sinh ra trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa (1966-1976). Cha của bà bị gắn mác “cánh hữu” và mẹ của bà phải chịu rất nhiều áp lực khi đang mang thai bà. Bà Lý bị thiếu cân nghiêm trọng khi sinh và bác sỹ không mấy khả quan về khả năng sống sót của bà. Bà đã sống sót nhưng lại bị thiếu máu, cảm lạnh mãn tính và một loạt bệnh khác. Bà yếu đến nỗi chỉ đi lại cũng đã khó nhọc. Bà từng suýt mất mạng sau một cơn bạo bệnh. Sau đó bà phải nghỉ học.

Ngay sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, bà Lý đã hồi phục sức khỏe. Bà vô cùng thán phục Pháp lý uyên thâm Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công và cảm thấy cuối cùng đã tìm được một điều thực sự thâm sâu.

Bà Lý trở nên tốt bụng và chu đáo hơn tại chỗ làm lẫn ở nhà. Có một phòng tắm công cộng đối diện với Cửa hàng Bách hóa thành phố Kinh Sơn, nơi bà làm việc. Không có người trông coi và dọn dẹp phòng tắm, nhưng nó lại có nhu cầu sử dụng cao vì nằm ở khu vực trung tâm thành phố với nhiều người qua lại. Nhận thấy tình trạng này, bà Lý tự mua dụng cụ và dọn dẹp phòng tắm.

Vào buổi sáng, nhiều đồng nghiệp của bà Lý ăn sáng sau khi cửa hàng bách hóa mở cửa. Họ đổ thức ăn thừa vào bồn rửa trong kho chứa đồ của cửa hàng. Bồn rửa nhanh chóng bị tắc và bốc mùi và bà Lý tự mình lau chùi bồn rửa.

Bà Lý và ông Chu cũng không ngần ngại hỗ trợ tài chính cho bố mẹ và 3 người anh trai của ông. Một năm nọ, 2 người anh trai không có tiền đóng học phí cho con, và bà Lý chi trả toàn bộ chi phí (tương đương với tổng tháng lương của hai vợ chồng) khi bà biết được cảnh túng quẫn của họ. Trong nhiều tháng, các anh của ông Chu cùng vợ con họ đều ăn tại nhà bà Lý mỗi ngày. Việc nuôi ăn nhiều người như vậy rất tốn kém, nhưng bà Lý không hề than phiền. Thay vào đó, bà dùng số tiền hồi môn mà cha mẹ tặng để trang trải các chi phí phát sinh.

Theo phong tục ở Trung Quốc, con trai chu cấp tài chính cho cha mẹ già. Tuy vậy, các anh trai của ông Chu không gửi tiền cho cha mẹ, ngay cả khi tình hình tài chính của họ được cải thiện. Ông Chu và bà Lý vẫn tiếp tục hỗ trợ cha mẹ ông, ngay cả sau khi họ bị mất việc do cuộc bức hại. Khi hai vợ chồng sống ở thành phố Quý Dương, họ mời mẹ, chị gái và một anh trai của ông Chu đi du lịch ở Quý Dương. Họ chi trả toàn bộ tiền vé máy bay, phòng ở cũng như vé tham quan các điểm du lịch. Sau chuyến đi, người anh trai ấy của ông bắt đầu hỗ trợ tài chính cho cha mẹ mình.

Mẹ chồng bà Lý từng kể với bà rằng những người họ hàng đều ghen tỵ với ông Chu và nói ông thật may mắn khi có được một người vợ tu luyện Pháp Luân Công – một người vợ chu đáo và rộng lượng.

Bài liên quan:

Một gia đình không có thu nhập ổn định và phải di chuyển từ nơi này đến nơi khác để tránh bị bức hại vì đức tin của họ

Một giáo viên xuất sắc bị buộc thôi việc vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/10/7/466849.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/10/10/212424.html

Đăng ngày 25-10-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share