Bài của phóng viên Minh Huệ tại Bắc Kinh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 09-10-2023] Một cư dân Bắc Kinh đang bị giam trong Trại giam quận Thuận Nghĩa kể từ khi bị bắt vào ngày 14 tháng 9 năm 2023. Bà bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm bị cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Người cha già ngoài 80 tuổi của bà Cao Duy Bình đã chứng kiến việc cảnh sát của Đồn Công an Nhân Hòa bắt giữ con gái ông tại nhà riêng của ông. Sức khỏe của ông cụ vốn không tốt và bà Cao thường xuyên đến chăm sóc cho ông. Ông cụ suy sụp vì con gái bị bắt giữ và bị mất cảm giác thèm ăn.
Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, vẫn chưa có thông tin gì về tình hình hiện tại của bà Cao.
Bà Cao Duy Bình
Bức hại trong quá khứ
Bà Cao (58 tuổi) từng là biên tập viên của Phòng Nghiên cứu của Trung tâm Thông tin Trung Quốc, thuộc Văn phòng Đối ngoại của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Năm 1994, bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công và chứng đau lưng cũng như bệnh phụ khoa của bà nhanh chóng biến mất. Bà cố gắng sống chiểu theo Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công và nổi tiếng trong đơn vị công tác vì lòng tốt của mình.
Sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, bà Cao đã nhiều lần bị bắt giữ. Bà từng phải thụ án 2 lần trong trại lao động với tổng thời gian 3 năm và 2 lần ngồi tù với tổng thời gian 7 năm.
Trong khi bị giam giữ, bà Cao bị biệt giam, cấm ngủ, tẩy não, chửi rủa và cưỡng bức lao động không công trong nhiều tiếng đồng hồ. Vì bà không từ bỏ Pháp Luân Công, lính canh trại lao động và nhà tù sử dụng nhiều phương pháp tra tấn khác nhau đối với bà, bao gồm sốc điện, bức thực, cưỡng chế dùng thuốc độc, bắt ngồi xổm và đứng lên nhiều lần, và ngồi xổm bằng đầu ngón chân trên tuyết trong khi mặc quần áo mỏng.
Bà Cao bị mất trí nhớ tạm thời và rơi vào trạng thái mê sảng do bị tra tấn. Bà cũng thường xuyên bị lấy mẫu máu, khiến bà nghi ngờ là để tìm nội tạng phù hợp phục vụ tội ác mổ cướp nội tạng của chính quyền cộng sản.
Hai bản án lao động
Tháng 6 năm 2000, bà Cao bị triệu tập đến phòng bảo vệ của công ty và lập tức bị 3 cảnh sát mặc thường phục bắt giữ. Sau đó, bà biết họ là người của Đội An ninh Nội địa. Họ kiểm tra lý lịch gia đình 3 đời của bà và theo dõi các cuộc điện thoại của bà. Gia đình bà phải chịu áp lực rất lớn. Cuối năm 2000, bà bị kết án 1 năm lao động cưỡng bức và một án lao động 2 năm khác vì dán tài liệu thông tin về Pháp Luân Công ở nơi công cộng vào tháng 8 năm 2001.
Tháng 9 năm 2003, 1 tháng sau khi được thả, bà Cao bị cắt chức và bị phân làm ca đêm ở xưởng in. Bà chỉ nhận được nhận 1.000 nhân dân tệ tiền lương mỗi tháng và bị cắt mọi khoản phúc lợi khác. Cơ quan của bà và Phòng 610 địa phương cố gắng đưa bà đến một phiên tẩy não vào tháng 5 năm 2004. Bà từ chối và buộc phải rời nhà đi trốn. Sau đó, cơ quan sa thải bà vì không thấy bà đi làm.
Hai án tù
Tháng 7 năm 2009, bà Cao lại bị bắt tại nhà trọ ở quận Triều Dương, Bắc Kinh. Sau đó, bà bị kết án 3 năm tù và bị chuyển đến Nhà tù Nữ Bắc Kinh vào đầu năm 2010.
Ngày 9 tháng 2 năm 2017, bà Cao bị mất tích. Gia đình nghi ngờ bà lại bị bắt giữ và đã đi tới một số trại tạm giam địa phương để tìm kiếm. Cuối cùng, họ đã tìm thấy bà ở trong trại tạm giam quận Đông Thành.
Đầu tháng 8 năm 2017, Viện Kiểm sát quận Đông Thành truy tố bà Cao và Tòa án quận Đông Thành kết án bà 4 năm tù cùng khoản tiền phạt 8.000 nhân dân tệ vào ngày 29 tháng 12 năm 2017. Bà đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Số 2 thành phố Bắc Kinh, nhưng nhận được phán quyết giữ nguyên bản án của tòa sơ thẩm. Tháng 5 năm 2018, bà Cao bị chuyển đến Nhà tù Nữ thành phố Bắc Kinh.
Bài liên quan:
Bắc Kinh: Học viên Cao Duy Bình bị kết án phi pháp bốn năm tù
Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/10/5/466787.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/10/9/212416.html
Đăng ngày 24-10-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.