Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc

[MINH HUỆ 29-09-2023] Ngày 28 tháng 8 năm 2023, 2 người phụ nữ ở thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô đã bị kết án tù vì đức tin chung của họ vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Bà Chu Vân Hà (​​61 tuổi) và bà Lâm Phượng Anh (71 tuổi) bị bắt vào ngày 5 tháng 10 năm 2022, sau đó bị xét xử vào ngày 7 tháng 6 năm 2023. Bà Chu bị kết án 1 năm và phạt tiền 2.000 nhân dân tệ. Hiện bà đang kháng cáo lên Tòa án Trung cấp thành phố Hoài An. Bà Lâm bị kết án 6 tháng tù và phạt tiền 1.000 nhân dân tệ.

Thẩm phán buộc tội bà Lâm là người tái phạm tội vì trước đó bà từng bị kết án oan sai 3 năm tù vào tháng 8 năm 2008, cũng vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công. Trong khi bà bị cầm tù, cảnh sát liên tục sách nhiễu chồng bà là ông Đái Minh Hiên, cũng là một học viên Pháp Luân Công. Áp lực to lớn đã khiến sức khỏe của ông suy kiệt và ông qua đời vào ngày 15 tháng 3 năm 2012, ở tuổi 68.

Bà Chu cũng mất chồng là ông Tạ Như Hiền vì cuộc bức hại. Ngày 5 tháng 10 năm 2022, ông Tạ bị bắt dù ông không tu luyện Pháp Luân Công. Ông bị giam 1 tháng trước khi được tại ngoại. Sức khỏe của ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong thời gian bị giam giữ và không thể hồi phục. Ông qua đời vào ngày 13 tháng 2 năm 2023, ở tuổi 67.

Những vụ bắt giữ

Khoảng 3 giờ chiều ngày 5 tháng 10 năm 2022, khi bà Chu đến gặp bà Lâm thì bị 2 cảnh sát mặc thường phục đang theo dõi bà Lâm bắt giữ ngay khi cánh cửa nhà bà Lâm vừa mở ra. Sau đó nhiều cảnh sát khác bất ngờ ập vào nhà bà Lâm. Không ai trong số họ xuất trình thẻ cảnh sát, hoặc giải thích lý do cho sự hiện diện của họ.

Sau này, 2 học viên mới biết cảnh sát đã theo dõi họ gần 2 tháng trước vụ bắt giữ. Cảnh sát nghi ngờ bà Lâm đã phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công vào ngày 14 tháng 8 năm 2022 và cáo buộc bà Chu sản xuất những tài liệu đó.

Ngay sau đó, 8 cảnh sát khác đến để cùng lục soát nhà bà Lâm. Họ tịch thu các sách Pháp Luân Công, thẻ nhớ và các tài sản có giá trị khác của bà Lâm trước khi đưa bà và bà Chu đến Trung tâm Xử lý Vụ án Khu Phát triển Kinh tế thành phố Hoài An.

Trong lúc cảnh sát lục soát nhà bà Lâm, một nhóm hơn 10 cảnh sát khác đã mở cửa nhà bà Chu bằng chìa khóa mà họ tự ý lấy từ túi xách của bà. Họ yêu cầu ông Tạ chồng bà ngồi yên trên ghế trường kỷ và lục soát nơi này trong 3 tiếng. Họ tịch thu các sách Pháp Luân Công, máy in, giấy photocopy, tai nghe, máy tính, ổ đĩa flash, thẻ nhớ, máy nghe nhạc, điện thoại di động, xe đạp điện và các bộ định tuyến.

Một cảnh sát còn định lấy một cọc tiền mặt, nhưng ông Tạ kịp thời ngăn anh ta lại.

Khoảng 8 giờ tối, ông Tạ bị đưa đến Trung tâm Xử lý Vụ án Khu Phát triển Kinh tế.

Ngày 8 tháng 10 năm 2022, cảnh sát phụ trách vụ án là Vương Tử Diệp thuộc Đồn Công an đường Hải Khẩu đã thông báo cho người thân của bà Lâm, bà Chu và ông Tạ đến để đưa quần áo cho họ vì họ đã bị chuyển đến Trại tạm giam thành phố Hoài An.

Sức khỏe của ông Tạ vốn luôn tốt, nhưng sau 1 tháng bị giam giữ, ông đã trở nên tiều tụy và qua đời 3 tháng sau đó.

Phiên tòa xét xử

Ngày 7 tháng 6 năm 2023, Tòa án huyện Liên Thủy tổ chức một phiên tòa xét xử với thẩm phán Phó Lễ Bân là chủ tọa phiên tòa, công tố viên gồm Dương Hải Kiệu và Dương Vũ. Luật sư của bà Chu và bà Lâm đã bào chữa vô tội cho họ. Những người con của họ, với tư cách là người bào chữa không phải luật sư, cũng biện hộ vô tội cho họ.

Trong phiên tòa kéo dài 10 tiếng, bà Chu vẫn đứng mà từ chối ngồi vào ghế của bị cáo vì bà không phạm pháp. Bà Lâm cũng phủ nhận việc vi phạm pháp luật và ngồi ở ghế bênh cạnh thay vì ngồi vào ghế bị cáo.

Cả bà Lâm và bà Chu đều bị buộc tội vi phạm Điều 300 của Luật Hình sự, trong đó quy định rằng bất kỳ ai lợi dụng một tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật đều phải bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất của pháp luật. Luật sư của các học viên chỉ ra rằng cơ quan lập pháp của Trung Quốc, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, chưa từng ban hành bất kỳ luật nào hình sự hóa Pháp Luân Công hoặc gán nhãn cho pháp môn này là tà giáo. ‌

Hai công tố viên viện dẫn một “Giải thích pháp luật” về Điều 300 của Luật Hình sự do Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ban hành vào tháng 11 năm 1999 để làm cơ sở pháp lý. Giải thích này nhận định rằng bất kỳ ai thực hành hoặc quảng bá Pháp Luân Công đều phải bị truy tố ở mức tối đa có thể.

Các luật sư chỉ ra một giải thích thay thế cho phiên bản năm 1999 đã có hiệu lực vào ngày 1 tháng 2 năm 2017, trong đó không đề cập đến Pháp Luân Công và trong đó cũng nhấn mạnh bất kỳ cáo trạng nào chống lại bất kỳ ai tham gia vào một tổ chức tà giáo đều phải có cơ sở pháp lý vững chắc. Vì không có điều luật được ban hành nào ở Trung Quốc coi Pháp Luân Công là tà giáo, nên các cáo buộc chống lại 2 học viên dựa theo giải thích trên đều thiếu cơ sở pháp lý.

Công tố viên cũng viện dẫn 2 thông cáo do Tổng cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốc ban hành vào tháng 7 năm 1999 để làm cơ sở pháp lý cho việc cấm xuất bản sách Pháp Luân Công. Luật sư chỉ ra vào năm 2011, nhà nước đã ban hành văn bản bãi bỏ lệnh cấm trên và việc các học viên sở hữu sách Pháp Luân Công là hoàn toàn hợp pháp. Vì vậy, tài liệu Pháp Luân Công bị tịch thu từ nhà của 2 học viên không nên được sử dụng làm bằng chứng được chấp nhận trong phiên tòa xét xử họ.

Trong phiên xét xử, cả luật sư và thân nhân bào chữa không phải luật sư của các học viên cũng chỉ ra những vi phạm thủ tục pháp lý của cảnh sát và kiểm sát viên.

‌Cảnh sát vi phạm thủ tục pháp lý

Hồ sơ của cảnh sát nêu rõ bà Lâm bị nghi ngờ phát tán tài liệu Pháp Luân Công vào ngày 14 tháng 8 năm 2022. Tuy nhiên, không có video giám sát và hình ảnh nào chứng minh là bà đã làm điều này. Hơn nữa, họ thậm chí còn không đưa ra những tài liệu mà bà đã phát tán theo như cáo buộc. Vì vậy, ngay từ đầu, cảnh sát đã thiếu lý do chính đáng để khởi tố vụ án hình sự chống lại bà Lâm.

Trong cuộc đột kích vào nhà của bà Lâm và bà Chu, cảnh sát không xuất trình thẻ cảnh sát hoặc lệnh khám xét. Sáu cảnh sát khám xét nhà bà Chu không mặc đồng phục. Luật sư và người bào chữa không phải là luật sư không được phép xem cảnh quay ghi lại từ camera của cảnh sát về cuộc đột kích và cuộc thẩm vấn hai bà.

Biên bản tịch thu của công an không ghi rõ cụ thể là tang vật gì bị tịch thu và số lượng bị tịch thu là bao nhiêu theo quy định của pháp luật. Thay vào đó, cảnh sát đề cập đến quyết định thu giữ được đưa ra sau cuộc đột kích để biện minh cho việc tịch thu tài sản cá nhân của bà Chu và bà Lâm. Cảnh sát trích dẫn quyết định thu giữ làm bằng chứng cho thấy họ đã tìm thấy “tài liệu phi pháp” từ nhà của 2 học viên, nhưng không gắn kèm ảnh chụp các vật phẩm bị tịch thu theo yêu cầu của pháp luật.

Ông Tạ chồng của bà Chu đã chứng kiến ​​cuộc đột kích của cảnh sát. Ông bị bắt mà không có lý do chính đáng, dẫn đến cái chết oan ức của ông.

Để buộc tội bà Lâm và bà Chu đã cấu kết chặt chẽ với nhau để sản xuất và phân phát tài liệu Pháp Luân Công, cảnh sát còn thu thập mẫu DNA của cả hai người phụ nữ này vào ngày họ bị bắt. Sau đó, cảnh sát cáo buộc rằng các tài liệu Pháp Luân Công mà bà Chu mang theo khi đến thăm bà Lâm có chứa DNA của bà Lâm. Tuy nhiên, tài liệu của bà Chu bị tịch thu ngay khi bà bước vào nhà bà Lâm. Nói cách khác, bà Lâm chưa bao giờ có cơ hội chạm tay vào các tài liệu đó, huống hồ là để lại DNA của mình trên đó.

Cảnh sát cũng nêu trong một báo cáo ngày 10 tháng 10 năm 2022: “DNA của bà Chu Vân Hà được tìm thấy trên một số tài liệu mà bà Lâm Phượng Anh đưa”, và kết luận bà Chu đã làm tài liệu để cho bà Lâm phân phát. Tuy nhiên, kết quả DNA lại được đưa ra vào ngày 31 tháng 10 năm 2022. Làm sao cảnh sát có thể đưa ra kết luận trước cả vài tuần so với thời điểm có kết quả DNA?

Công tố viên vi phạm thủ tục pháp lý

Sau khi bị thẩm vấn trong lúc bị giam giữ, ông Tạ được chọn làm nhân chứng truy tố mà ông không hề hay biết. Trong phiên xét xử diễn ra 4 tháng sau khi ông qua đời, công tố viên đã đọc “lời khai chống lại vợ ông“ của ông.

Công tố viên cũng liệt kê 5 nhân chứng sẽ làm chứng chống lại bà Lâm, nhưng không có nhân chứng nào xuất hiện trước tòa để tiến hành đối chất theo yêu cầu của pháp luật. Công tố viên không giải thích lý do vắng mặt, mà chỉ đọc “lời khai” của họ, trong đó mô tả cách họ nhìn thấy bà Lâm phân phát tài liệu Pháp Luân Công ở một số nơi nhất định. Không có video, hình ảnh hoặc bằng chứng nào hỗ trợ cho lời khai.

Các sách và tài liệu Pháp Luân Công bị tịch thu từ nhà của bà Lâm và bà Chu cũng được coi là bằng chứng truy tố. Tuy nhiên, công tố viên không đưa ra bất kỳ vật chứng nào trước tòa. Luật sư và những người bào chữa không phải luật sư đều lập luận những cuốn sách và tài liệu này là tài sản hợp pháp của thân chủ họ và không gây tổn hại cho bất kỳ cá nhân nào nói riêng hay xã hội nào nói chung, huống hồ là phá hoại việc thực thi pháp luật. Họ đề xuất công tố viên đưa những quyển sách, tài liệu đó ra trước tòa để xem phần nội dung nào trong đó vi phạm pháp luật. Thẩm phán bác yêu cầu này và chỉ hỏi rằng liệu bà Lâm và bà Chu có sở hữu những vật phẩm đó hay không.

Công tố viên đưa ra “chứng nhận giám định” từ Công an thành phố Hoài An, trong đó tuyên bố các sách và tài liệu Pháp Luân Công bị tịch thu là vật phẩm tuyên truyền bất hợp pháp. Chứng nhận không hiển thị tên của cá nhân thực hiện thẩm định. Quan trọng hơn cả, cơ quan thực thi pháp luật không có thẩm quyền giám định bằng chứng truy tố, mà chỉ có cơ quan pháp y bên thứ ba độc lập mới có đủ thẩm quyền để kiểm tra và giám định bằng chứng truy tố.

Luật sư và người bào chữa không phải luật sư nhấn mạnh việc công tố viên không điều tra hành vi vi phạm thủ tục pháp lý của cảnh sát ngay từ đầu, đồng nghĩa là công tố viên phạm tội tắc trách khi truy tố 2 học viên mà không có bằng chứng hoặc cơ sở pháp lý.

Bài liên quan bằng tiếng Anh:

Disabled Older Man from Huai’an, Jiangsu Province Dies after Thirteen Years of Persecution

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/9/29/466449.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/10/4/212345.html

Đăng ngày 16-10-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share