Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc
[MINH HUỆ 20-07-2023] Một phụ nữ 60 tuổi ở thị trấn Ma Lan, huyện Bình Độ, tỉnh Sơn Đông, đang bị giam giữ, trước đó bà đã bị bắt cóc vào ngày 3 tháng 7 năm 2023 vì đức tin vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm và thân đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp kể từ tháng 7 năm 1999.
Luật sư của bà Khương Thải Phong đã đến thăm bà tại trại tạm giam số 2 thành phố Thanh Đảo vào ngày 14 tháng 7 và nói rằng bà có tinh thần rất tốt, vẫn cười vui vẻ. Nhưng bà Khương đã nghẹn ngào rơi lệ khi nhắc đến 7 học viên Pháp Luân Công khác cũng bị bắt cóc tại nhà của bà khi đến thăm bà. Cảnh sát đã bí mật theo dõi nhà bà Khương trong vòng ba tuần trước khi thực hiện vụ bắt cóc cả nhóm học viên.
“Chúng tôi không hề xấu hổ về bà ấy!”
Khi một số người dân địa phương chỉ trích bà Khương vì bị bắt, chị dâu của bà đã bảo vệ bà và nói rằng: “Bà ấy chỉ đơn giản là tập Pháp Luân Công để trở thành một người tốt. Bà ấy không ăn cắp hay lấy trộm bất cứ thứ gì của ai. Bà ấy bị bắt chỉ vì đức tin của mình. Chúng tôi không cảm thấy xấu hổ chút nào về bà ấy!”
Bà Khương từng là người cứng đầu, hay áp đảo người khác và không thể chịu đựng được bất kỳ lời chỉ trích nào. Sau khi tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998, bà đã trở nên điềm tĩnh và quan tâm đến người khác hơn. Chồng bà ra ngoài làm công, hơn nữa ông ấy gặp khó khăn trong việc đi lại, nên bà phải đảm đương mọi việc nhà cũng như công việc đồng áng.
Chồng bà khâm phục khả năng chịu đựng gian khổ của bà và cũng tự hào rằng Pháp Luân Công đã giúp bà cải biến trở thành một người tốt hơn. Ông ấy nhớ lại: “Năm 2017, chúng tôi thuê một nhà thầu lát sàn cho chúng tôi với giá 5.300 nhân dân tệ. Sau khi việc này hoàn thành, nhà thầu đề nghị chỉ tính phí 5.000 nhân dân tệ, có lẽ để khiến chúng tôi hài lòng và lấy chỗ đi lại, nhưng vợ tôi nhất quyết trả tiền theo mức giá thỏa thuận ban đầu. Bà ấy nói rằng nhà thầu kiếm tiền cũng không dễ dàng nên chúng tôi cần quan tâm đến cậu ấy.”
Bà Khương đã nhờ luật sư nói với chồng và các con đừng lo lắng cho mình. Gia đình bà đang mong ngóng ngày bà được trở về nhà.
Vụ bắt cóc tập thể xuất phát từ việc cảnh sát săn lùng một vị khách
Một nhóm những người bạn, tất cả đều là học viên Pháp Luân Công, đã tụ tập tại nhà bà Khương vào ngày 3 tháng 7 năm 2023. Ông Hác Kinh Minh là người đến cuối cùng. Ngay khi ông ấy tới, khoảng hai chục cảnh sát không biết từ đâu đến đã xông vào nhà bà Khương.
Công an đã bắt giữ ông Hác và còng tay ông. Họ cũng bắt giữ bà Khương và tất cả những vị khách khác của bà.
Theo cảnh sát, họ đã bí mật theo dõi nhà bà Khương suốt ba tuần để chờ bắt ông Hác.
Ông Hác Kinh Minh, 58 tuổi, nguyên là giám đốc Đài Quan sát Khí tượng Không quân Bạch Thị Dịch ở Trùng Khánh. Ông là thiếu tá, tiểu đoàn phó của tiểu đoàn chủ lực. Ông bị kết án bảy năm rưỡi sau khi bị bắt cóc vào tháng 3 năm 2011 vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Sau đó, ông đã chuyển đến sống ở tỉnh Sơn Đông sau khi được trả tự do.
Hiện chưa rõ nguyên nhân khiến cảnh sát truy lùng ông Hác. Ông đang bị giam giữ tại trại tạm giam huyện Bình Độ sau lần bị bắt gần nhất.
Nhiều cơ quan tham gia vào vụ bắt giữ tập thể
Theo các nhân chứng, khoảng 20 chiếc ô tô tư nhân đã xếp hàng dài trên ba con đường chính dẫn đến nhà bà Khương vào ngày xảy ra vụ bắt cóc tập thể. Khoảng hai giờ chiều hôm đó, có người nhìn thấy một chiếc ô tô tư nhân đậu ở phía Đông nhà bà Khương. Hai chiếc xe nữa xuất hiện sau đó hai giờ.
Khi cảnh sát đột kích vào nhà bà Khương, một viên cảnh sát cao và gầy đã lớn tiếng mắng chửi và yêu cầu bà lấy ra các tài liệu và vật dụng liên quan đến Pháp Luân Công. Bà không phối hợp với yêu cầu này vì đó là tài sản hợp pháp của bà và họ không được phép tịch thu chúng. Trong khi kiểm kê các món đồ tịch thu được, một cảnh sát ở thị trấn Ma Lan đã hỏi bà lấy tài liệu thông tin Pháp Luân Công ở đâu. Bà từ chối trả lời và nói: “Tôi chỉ muốn trở thành một người tốt, và tôi sẽ luôn cố gắng trở thành một người tốt! Cảm giác được làm người tốt thật tuyệt vời!”
Cảnh sát cũng lấy được video giám sát từ hàng xóm của bà Khương. Một cảnh sát thậm chí còn khoe rằng họ biết mọi hành động của bà và gia đình. Cậu ấy cho bà xem điện thoại của mình, trong đó ghi chính xác thời điểm chồng bà rời nhà vào sáng hôm đó và lúc đó ba học viên đã đến.
Chồng của bà Khương sau đó đã trở về nhà, ông yêu cầu được biết danh tính của cảnh sát. Họ cho biết họ đến từ đồn cảnh sát Hương Điếm, đồn cảnh sát thị trấn Ma Lan, đồn cảnh sát đường Thái Sơn, đồn cảnh sát Đông Các, Phòng An ninh nội địa huyện Bình Độ và Đội điều tra tội phạm huyện Bình Độ. Chỉ có ba cảnh sát xưng tên: Ông Dương, trưởng đồn cảnh sát thị trấn Ma Lan, ông Lưu Kiệt của Phòng An ninh nội địa huyện Bình Độ, và một viên cảnh sát họ Vạn.
Cảnh sát đã xuất trình phù hiệu của họ một cách qua loa trước khi rời đi và ép chồng bà Khương ký tên vào lệnh khám xét.
Ngoài ông Hác, bà Mã Mỹ Quyên và bà Trương Hồng Diễm cũng nằm trong số những vị khách bị bắt giữ. Bà Khương và bà Trương trước hết bị đưa đến Đội điều tra hình sự huyện Bình Độ. Sau đó bà Khương bị chuyển đến Đồn cảnh sát thị trấn Ma Lan và bà Trương bị đưa đến Đồn cảnh sát Minh Thôn.
Bị chuyển đến trại tạm giam số 2 thành phố Thanh Đảo
Sáng ngày 5 tháng 7, đồn cảnh sát thị trấn Ma Lan gọi cho chồng bà Khương và bảo ông mang quần áo và thực phẩm đến trại tạm giam số 2 thành phố Thanh Đảo (nằm ở làng Phổ Đông, quận Tức Mặc, thành phố Thanh Đảo), nơi bà sẽ bị chuyển tới vào ngày hôm đó.
Buổi chiều, cảnh sát lại gọi điện và bảo chồng bà Khương đến đồn cảnh sát để ký giấy thông báo tạm giam. Ông ấy đến và được thông báo rằng vợ ông bị bắt vì “tổ chức và dùng tổ chức tà giáo để chống phá việc thực thi pháp luật”, vốn thường được Đảng Cộng sản Trung Quốc dùng để chụp mũ và bỏ tù các học viên Pháp Luân Công.
Bà Khương và bà Trương bị chuyển đến trại tạm giam vài giờ sau đó. Tính đến ngày 14 tháng 7, cảnh sát đã thẩm vấn bà Khương hai lần tại trại tạm giam và ký tên bà vào biên bản thẩm vấn trái với mong muốn của bà.
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/7/20/463193.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/7/25/210469.html
Đăng ngày 05-10-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.