Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 19-08-2023] Hầu hết các học viên có thể nhận ra tâm tật đố của bản thân khi họ cho rằng người khác làm tốt hơn họ ở một số khía cạnh nhất định, chẳng hạn như ngoại hình đẹp hơn hoặc có công việc danh giá hay địa vị xã hội.
Là người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tất cả chúng ta đều nhận thức được nguyên lý rằng đời người được quyết định bởi nghiệp và đức mà họ mang theo. Vì vậy, chúng ta thường dễ cảnh tỉnh khi nảy sinh tâm tật đố như vậy. Tuy nhiên, tôi nhận ra một loại tâm tật đố khác nảy sinh khi coi thường những người mà tôi cho là kém hơn mình.
Ví dụ, tại nơi làm việc, căng tin của chúng tôi cung cấp bữa trưa tự chọn miễn phí. Tôi thấy một số đồng nghiệp mang món tráng miệng và bánh ngọt về nhà. Tôi luôn coi thường họ vì đã làm việc đó và nghĩ rằng tâm tính của họ thấp và họ quá tham lam.
Nhưng sau khi hướng nội, tôi nhận ra tâm tật đố của mình. Lý do tôi không mang đồ ăn về nhà là vì tôi đang cố gắng chiểu theo nguyên lý của Đại Pháp để trở thành một người tốt. Nhưng khi họ mang “đồ ăn miễn phí” về nhà do không bị “kiềm chế” bởi Pháp lý tôi cảm thấy như bị thua thiệt. Tôi ước gì các nhân viên của căng tin có thể tới và ngăn họ làm điều đó. Tâm tật đố của tôi đã lẫn với tâm chấp trước vào lợi cá nhân và đồ ăn.
Khi một số đồng nghiệp được thăng tiến do có quan hệ với những lãnh đạo hoặc khi họ chuyển sang những vị trí có khối lượng công việc nhẹ nhàng, tôi cũng coi thường họ. Mặc dù khối lượng công việc nhẹ hơn của họ không ảnh hưởng đến công việc của tôi nhưng tôi vẫn nghĩ họ lười biếng và không có khát vọng làm tốt hơn.
Đôi khi tôi phàn nàn về một số lãnh đạo có năng lực kém và cảm thấy họ không xứng đáng ở vị trí đó. Tuy nhiên, điều thực sự đang diễn ra trong tâm tôi là tôi tật đố với họ vì họ đã có được vị trí mà không cần phải làm việc chăm chỉ. Trong tâm, tôi tự hỏi tại sao những người kém cỏi như vậy lại có thể có một cuộc sống dễ dàng như thế.
Sư phụ đã giảng:
“Tôi giảng [Pháp] lý này cho mọi người, [Pháp] lý mà người thường không thể nhận thức ra được: chư vị thấy rằng mình làm gì cũng được, [nhưng] mệnh của chư vị không có [nó]; anh ta làm gì cũng không nên, [nhưng] mệnh của anh ta có [nó] (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)
Tôi nhớ lại một câu chuyện đã từng đọc. Một ngày, một người tiều phu và một người chăn cừu gặp nhau trong rừng. Họ rất thích bầu bạn với nhau và dành cả ngày để nói chuyện. Vào lúc chạng vạng tối, người chăn cừu trở về nhà cùng đàn gia súc no nê, nhưng người tiều phu thấy mình trắng tay và chẳng có gì trong ngày hôm đó.
Tôi nhận ra rằng khi chúng ta bị mắc kẹt trong tâm tật đố của mình, chúng ta đang lãng phí thời gian quý giá của mình giống như người tiều phu. Chúng ta đang đi đường vòng mà không thăng tiến trong tu luyện.
Tâm tật đố là một vật chất có thật, trói buộc chúng ta như một sợi dây và đẩy chúng ta xuống ngang hàng với người thường. Tâm tật đố của chúng ta càng mạnh thì thân thể chúng ta càng nặng nề và càng khó vượt qua khỏi Tam Giới.
Đôi khi tôi cũng nhận ra các đồng tu tật đố với nhau. Đây không phải là điều chúng ta nên làm. Nó không giống như chúng ta đang cạnh tranh với nhau để thăng tiến về phía trước. Sư phụ Lý muốn mỗi người chúng ta tu luyện tinh tấn và đạt viên mãn trong tương lai. Chúng ta nên hỗ trợ lẫn nhau và giúp nhau đề cao nhanh hơn.
Sư phụ đã giảng cho chúng ta một cách rõ ràng:
“Có một quy định, rằng trong tu luyện nếu người ta không vứt bỏ được tâm tật đố thì không đắc chính quả, tuyệt đối không đắc chính quả.” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)
Tôi hy vọng tất cả chúng ta đều có thể nhận thức được biểu hiện của tâm tật đố và tự mình để tâm đến nó.
Ghi chú của Ban Biên tập: Bài viết này thể hiện nhận thức cá nhân của tác giả ở trạng thái tu luyện hiện tại, xin chia sẻ cùng quý đồng tu để chúng ta “Tỉ học tỉ tu” (Thực tu, Hồng Ngâm).
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/8/19/463696.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/9/1/211107.html
Đăng ngày 22-09-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.