Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 17-08-2023] Ngày 14 tháng 8 năm 2023, ông Kỳ Anh Tuấn (63 tuổi) ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông đã bị xét xử vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại kể từ tháng 7 năm 1999. Ông không được phép tự bào chữa cho quyền tự do tín ngưỡng theo hiến pháp của mình.

Ông Kỳ bị bắt tại nhà vào ngày 19 tháng 6 năm 2023. Cảnh sát phụ trách bắt giữ ông thuộc Đồn Công an Trương Gia Oa đã cố gắng đưa ông vào Trại tạm giam Số 6 thành phố Tế Nam, nhưng không thành vì ông có các triệu chứng nghiêm trọng. Ông bị quản thúc tại gia ngay sau khi được thả.

Ngày 25 tháng 6, cảnh sát đã chuyển hồ sơ vụ án của ông Kỳ tới Viện Kiểm sát quận Lai Vu và 4 ngày sau tòa đã chuyển hồ sơ đến ​​Tòa án quận Lai Vu.

Ngày 24 tháng 7, ông Kỳ nhận được cuộc gọi từ luật sư do tòa chỉ định cho biết ông sẽ bị đưa ra xét xử vào ngày 31 tháng 7. Tuy nhiên phiên tòa sau đó đã bị hoãn tới ngày 14 tháng 8.

Trong phiên tòa, ông Kỳ đã từ chối luật sư do tòa chỉ định vì người này được tòa chỉ đạo phải nhận tội thay ông. Ông bác bỏ cáo buộc của công tố viên rằng ông “lợi dụng một tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật” (một cái cớ tiêu chuẩn được dùng để buộc tội và bỏ tù các học viên Pháp Luân Công). Ông nhấn mạnh rằng không có luật nào ở Trung Quốc hình sự hóa Pháp Luân Công hay coi đây là một “tà giáo”. Ông yêu cầu công tố viên đưa ra trước tòa cái gọi là bằng chứng truy tố để đối chất, nhưng thẩm phán đã bác bỏ đề nghị của ông ấy.

Khi ông Kỳ đang bào chữa cho mình thì công tố viên đã hét lên: “Kỳ Anh Tuấn đang quảng bá Pháp Luân Công!” Sau đó, thẩm phán tịch thu văn bản bào chữa của ông Kỳ rồi hỏi: “Bị cáo còn gì để nói không?” Ông Kỳ trả lời rằng ông vẫn còn rất nhiều điều muốn nói về việc ông bị buộc tội oan sai chỉ vì thực hành quyền tự do tín ngưỡng theo hiến pháp. Sau đó, thẩm phán yêu cầu ông Kỳ viết ra bất cứ điều gì ông định nói và sau đó đưa trực tiếp hoặc bưu điện bản bào chữa đó cho ông ta.

Ông Kỳ vẫn đang bị quản thúc tại gia và chờ phán quyết.

Trước lần bức hại mới nhất này, ông và vợ mình đã nhiều lần bị nhắm đến vì giữ vững đức tin của mình trong suốt 24 năm qua. Ông Kỳ từng bị kết án 3 năm lao động cưỡng bức vào năm 2000 và bị tra tấn dã man trong trại giam. Con gái ông bị kết án 3 năm lao động cưỡng bức vào năm 2005 sau khi được luật sư nhân quyền ông Cao Trí Thịnh phỏng vấn. Hồi đó cô mới 19 tuổi. Mẹ cô bị kết án 2,5 năm tù sau khi bị bắt vào năm 2019.

Tu luyện Pháp Luân Công

Ông Kỳ từng mắc vô số bệnh tật và sống vật lộn với những cơn đau và vô vọng. Khi bệnh thoái hóa đốt sống cổ (sự hao mòn của đĩa đệm cột sống do tuổi tác) phát ra nghiêm trọng nhất, nó đã chèn ép dây thần kinh thị giác của ông ấy và gây ra các vấn đề về mắt. Ông gắng sức mới mở mắt được. Với căn bệnh viêm dạ dày mãn tính, ông không thể ăn uống đồ lạnh; đau dạ dày, bụng ông ấy chướng lên và bị tiêu chảy. Mũi của ông luôn bị nghẹt do viêm xoang và ông phải thở bằng miệng khiến ông bị đau đầu. Bệnh viêm họng (viêm màng nhầy ở phần giữa cổ họng) cũng khiến ông vô cùng thống khổ.

Mùa hè năm 1998, ông Kỳ nhận được một cuốn sách Chuyển Pháp Luân (gồm cách bài giảng chính của Pháp Luân Công). Cuốn sách giúp ông hiểu được ý nghĩa của cuộc sống và tầm quan trọng của việc trở thành một người tốt. Khi ông tiếp tục đọc sách, các bệnh tật của ông cũng lần lượt biến mất. Chỉ trong 3 tuần, ông đã hoàn toàn khỏe mạnh và cũng học được cách hòa đồng với mọi người.

Ông Kỳ và vợ, bà Trần Liên Mai, mở cửa hiệu kinh doanh buôn bán giày, mũ và quần áo tại Trung tâm mua sắm Quan Tự ở thành phố Lai Vu vào tháng 6 năm 1999. Bà Trần rất ngạc nhiên khi chồng mình có thể tập trung vào công việc kinh doanh của gia đình, vì trước đây ông ít khi đoái hoài đến gia đình. Bà hỏi điều gì đã làm ông thay đổi như vậy.

Ông Kỳ nói với bà về Pháp Luân Công và bà Trần cũng bắt đầu tu luyện vào tháng 7 năm 1999. Bà nhanh chóng cảm thấy thư thái và tâm trạng phấn chấn hơn. Vài tuần sau, chính quyền cộng sản bắt đầu bức hại Pháp Luân Công. Từng có những trải nghiệm tích cực khi tu luyện, cả hai vợ chồng ông Kỳ không bao giờ dao động đức tin của mình. Họ đã liên tục bị bức hại trong hơn hai thập kỷ tiếp theo.

Người chồng 2 lần bị bắt vào năm 2000 và bị phạt 3 năm lao động cưỡng bức

Vụ bắt giữ đầu tiên vào tháng 3 năm 2000

Ngày 15 tháng 3 năm 2000, ông Kỳ và bà Trần đã mang theo đứa con trai 5 tuổi của họ đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Cô con gái 14 tuổi của họ được giao cho một người họ hàng chăm sóc. Ông Kỳ bị bắt ngay khi gia đình họ đến Bắc Kinh. Ông ấy bị giam trong một chiếc lồng sắt ở Đồn công an Tiền Môn trong hơn 3 tiếng, trước khi được Trương Thân Xuân đón từ Văn phòng liên lạc Công an thành phố Lai Vu ở Bắc Kinh.

Trương đã nhốt ông Kỳ trong văn phòng của mình hơn 20 giờ, trong thời gian đó ông ta đã đánh đập ông Kỳ tàn bạo đến nỗi tai ông Kỳ bị ù đi một thời gian dài sau đó. Trương cũng tịch thu hơn 200 nhân dân tệ tiền mặt mà ông Kỳ mang theo.

Trương cũng còng tay ông Kỳ cùng với một học viên Pháp Luân Công khác trong nhà vệ sinh trong hơn 10 tiếng.

Ông Kỳ bị chuyển đến một địa điểm khác ở Bắc Kinh vào ngày 20 tháng 4 năm 2000. Ông bị lột trần truồng và khám xét cơ thể. Toàn bộ đồ đạc cá nhân của ông mang theo đều bị tịch thu. Không có giường và ông phải ngủ trên sàn xi măng. Ngày hôm sau, ông bị chuyển đến trại tạm giam quận Hải Điến ở Bắc Kinh. Ông ấy bị bức thực vì đã tuyệt thực để phản đối bức hại. Lính canh nhét một ống truyền thức ăn vào bụng ông qua lỗ mũi. Cái ống dính đầy máu khi nó được kéo ra.

Mười ngày sau, cảnh sát Liễu Thanh của Công an thành phố Lai Vu đến đón và đưa ông về. Sau đó ông bị giam tại trại tạm giam thành phố Lai Vu trong 1 tháng.

Vụ bắt giữ lần thứ hai vào tháng 6 năm 2000, sau đó là bản án 3 năm lao động cưỡng bức

Ông Kỳ tập các bài công pháp của Pháp Luân Công tại một công viên ở thành phố Lai Vu vào ngày 9 tháng 6 năm 2000 và bị cảnh sát Liễu Thanh và Điền Ngọc Cương bắt giữ. Ngày hôm sau họ đưa ông đến Trại Lao động Số 2 tỉnh Sơn Đông để thụ án 3 năm.

Bà Trần bị buộc phải sống xa nhà để tránh bị bắt. Cảnh sát Liễu thậm chí còn đến trường của cậu con trai 5 tuổi của bà để dọa nạt cậu bé nhằm tìm kiếm tung tích của bà Trần. Cậu bé vô cùng sợ hãi và bị tổn thương sâu sắc.

Các giám đốc trại lao động là Tôn Đức Ngân và Tân Tú Trung cùng với chính ủy Vương Gia Vĩnh, đã ra lệnh cho lính canh Triệu Vĩnh Minh dùng mọi biện pháp có thể để khiến các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ từ bỏ đức tin của họ. Triệu đã dẫn hơn 12 tù nhân lực lưỡng tới để sốc điện các học viên kiên định bằng dùi cui điện có điện áp cao (đôi khi lên tới 300.000 vôn). Kết quả là môi của một số học viên trở nên sưng tấy.

Ông Kỳ bị sốc điện toàn thân bằng 8 dùi cui điện 150.000 vôn cùng một lúc. Cảm giác như có một lực rất mạnh đập xuống đầu ông và tim ông đập thình thịch. Cơ thể ông co giật mất kiểm soát. Căn phòng tràn ngập mùi thịt khét. Khi trở về phòng giam, ông nhìn thấy những vết bỏng khắp cơ thể. Hơn mười ngày sau, lớp vảy bong ra khi ông thay quần áo vào ban đêm.

Trong một cuộc tra tấn khác, ông Kỳ phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ, cứng (chỉ rộng 10 cm) trong hơn 10 giờ (từ 4 giờ 30 sáng đến 12 giờ trưa) mỗi ngày. Ngoài việc ăn uống, ông không được phép tham gia bất kỳ hoạt động nào khác, kể cả nói chuyện với người khác hoặc sử dụng nhà vệ sinh. Ngay cả khi lính canh cho ông đi vệ sinh, họ vẫn cố tình trì hoãn cả tiếng đồng hồ hoặc thậm chí lâu hơn trước khi chấp thuận yêu cầu sử dụng nhà vệ sinh của ông. Họ chỉ cho ông ấy đi 4 phút mỗi lần. Đôi khi ông ấy bị gọi quay lại thậm chí trước khi ông ấy kịp đến nhà vệ sinh. Nếu ông ấy không quay lại đủ nhanh, các tù nhân sẽ dùng một chiếc bàn chải dính đầy phân chọc vào mông của ông. Hậu quả dẫn đến ông ấy đại tiểu tiện không tự chủ.

Mông của ông Kỳ bị mưng mủ và chảy máu sau khi ngồi trên ghế suốt nhiều giờ liên tục. Vết thương đã đóng vảy nhưng lại bong ra và mưng mủ trở lại. Ông chỉ được phép ngủ 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Ngoài việc tra tấn ông như đã đề cập đến ở trên, lính canh còn phát liên tục các video phỉ báng Pháp Luân Công và cưỡng chế ông phải xem chúng.

Trong suốt thời gian ông Kỳ bị giam giữ, bất cứ khi nào lính canh cho rằng ông không tuân lệnh, họ sẽ sốc điện ông bằng dùi cui điện hoặc buộc ông phải đứng hàng giờ liền. Hậu quả là chân và bàn chân của ông ấy bị sưng tấy.

Hai vụ bắt giữ vào năm 2005

Cảnh sát Lưu và cấp trên của anh ta là Hàn Khắc Phong (phó cục trưởng Cục công an thành phố Lai Vu) dẫn theo một nhóm đặc vụ và bắt giữ ông Kỳ vào ngày 30 tháng 9 năm 2005.

Một cảnh sát đã dùng còng tay kéo lê ông Kỳ trên mặt đất hơn 200 mét. Còng tay cứa sâu vào cổ tay ông ấy, một mảng da lớn bị tróc ra khỏi vai ông. Máu thấm đẫm phía trước áo sơ mi của ông ấy.

Khi cảnh sát đưa ông đến một trại tạm giam địa phương, lính canh đã không điều trị vết thương cho ông. Vết thương của ông mưng mủ và chảy dịch mủ. Những tù nhân khác không dám nhìn vết thương của ông. Vết hằn trên cổ tay ông do bị còng không mờ đi trong 3 năm.

Sau khi ông Kỳ được thả ra, ông đã mở một lớp dạy kèm để giúp đỡ con cái của các học viên địa phương khác đã bị giam giữ hoặc buộc phải sống xa nhà. Cảnh sát Liễu Thanh phát hiện ra lớp học này và đột kích, tịch thu toàn bộ đồ dùng học tập. Sau đó, ông ta dẫn các cảnh sát khác thẩm vấn từng đứa trẻ và người chăm sóc chúng, đe dọa họ tiết lộ còn ai khác ngoài ông Kỳ tham gia điều hành lớp dạy kèm không.

Con gái bị kết án 3 năm lao động cưỡng bức vào năm 2005

Tháng 11 năm 2005, con gái của ông Kỳ, cô Kỳ Hâm (lúc đó khoảng 19 tuổi) đã được luật sư nhân quyền ông Cao Trí Thịnh phỏng vấn. Cô mô tả nỗi thống khổ của gia đình mình dưới thủ đoạn của chế độ cộng sản.

Hai kẻ Liễu Thanh và Hàn Khắc Phong đã bắt cóc cô Kỳ mà không báo cho cha mẹ cô biết. Họ không biết cô đã bị bắt trong vài ngày. Khi họ đến một trại tạm giam địa phương để gửi quần áo cho cô, họ mới hay tin cô bị đưa đến Trại Lao động Nữ Tế Nam để thụ án 3 năm.

Vợ bị kết án 2,5 năm tù sau khi bị bắt vào năm 2019

Ông Kỳ và bà Trần bị bắt tại nhà vào ngày 16 tháng 7 năm 2019, nhà và cửa hàng của họ bị lục soát. Cảnh sát đã tịch thu các sách Pháp Luân Công của họ và đưa họ đến trại tạm giam Đường sắt ở thành phố Tế Nam.

Cả hai vợ chồng đều bị chuyển đến trại tạm giam thành phố Lai Vu vào ngày 27 tháng 7 năm 2019. Lúc đó ông Kỳ bị bệnh nặng và không vượt qua được cuộc kiểm tra y tế bắt buộc được tiến hành tại Bệnh viện Trung tâm Lai Vu. Ông ấy được tại ngoại, còn bà Trần bị đưa vào trại tạm giam.

Viện Kiểm sát quận Lai Vu đã truy tố bà Trần và chuyển vụ án của bà tới Tòa án quận Lai Vu vào ngày 13 tháng 1 năm 2020.

Vào tháng 2 năm 2020, hai đứa con của bà đã gửi yêu cầu để bà được tại ngoại, nhưng Viện kiểm sát thành phố Tế Nam, cơ quan giám sát Viện Kiểm sát thành phố Lai Vu, đã phớt lờ yêu cầu của họ.

Tòa án thành phố Lai Vu đã xét xử bà Trần vào ngày 1 tháng 9 năm 2020 nhưng không cho phép người thân bào chữa cho bà đại diện cho bà trước tòa. Bà bị kết án 2,5 năm tù với mức phạt 5.000 nhân dân tệ vào ngày 24 tháng 11 năm 2020.

Ông Kỳ buộc phải sống xa nhà khi bà Trần bị kết án. Sau đó ông ấy trở về nhà vào khoảng ngày 1 tháng 7 năm 2021 và bị cảnh sát đang theo dõi camera giám sát phát hiện. Họ nhanh chóng ập đến và bủa vây tòa nhà chung cư của ông.

Ông Kỳ dùng dây để trèo xuống từ căn hộ ở tầng 4 của mình. Sợi dây bị đứt và ông ấy bị thương ở chân. Một người tốt bụng đã giúp đỡ ông trước khi cảnh sát đến.

Trong lúc giằng co, con trai ông đến nhưng không thể vào trong vì cảnh sát đã có mặt. Chàng trai lên án cảnh sát vì đã đàn áp một công dân tuân thủ pháp luật. Sau đó họ bắt đầu theo dõi anh ấy.

Bà Trần được thả vào ngày 15 tháng 1 năm 2022.

Bài liên quan bằng tiếng Hán:

屡遭中共迫害 济南市亓英俊面临非法庭审

Four Shandong Residents Sentenced for Their Faith

Bài liên quan:

Thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông: Tám học viên Pháp Luân Công bị bắt, ba người vẫn đang bị giam giữ

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/8/17/464274.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/8/22/210937.html

Đăng ngày 16-09-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share