Bài viết của Lý Tĩnh Phi và Cảnh Như Ngọc
[MINH HUỆ 23-08-2023] Đầu năm 2006, cô Annie (bí danh), nhân viên Bệnh viện Thẩm Dương, tiết lộ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cho phép thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công khi họ vẫn còn sống. Chồng cũ của cô (một bác sỹ) đã lấy khoảng 2.000 giác mạc từ mắt của các học viên Pháp Luân Công. Cùng năm đó, ông Peter (bí danh) đã tiết lộ thông tin nội bộ với The Epoch Times rằng ĐCSTQ có một trại tập trung bí mật dành cho các học viên Pháp Luân Công ở Tô Gia Đồn thuộc thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh.
Tại thời điểm đó, nhiều người đã nghi vấn về điều này. Họ thấy không thể tưởng tượng được lại có người có thể lấy thận, gan và giác mạc của người còn đang sống vì như vậy quá tàn nhẫn. Tuy nhiên, số lời khai của nhân chứng và các báo cáo độc lập xuất hiện ngày càng nhiều. Hơn 2.000 bản ghi âm đã tiết lộ rằng tội ác này do cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân khởi xướng. Dưới sự chỉ đạo của ĐCSTQ, quân đội, nhà tù, tòa án và bệnh viện ở Trung Quốc đã tạo ra một chuỗi cung ứng nội tạng bí mật và đen tối.
Tháng 7 năm 2006, luật sư nhân quyền người Canada David Matas và nguyên Ngoại trưởng (Châu Á Thái Bình Dương), ông David Kilgour, đã công bố một báo cáo tiết lộ các học viên Pháp Luân Công đã bị sát hại để lấy nội tạng như thế nào. Họ gọi đây là “hình thức tà ác mới trên hành tinh này.” Trong quá trình điều tra, ông Matas và ông Kilgour đã thu thập thêm nhiều bằng chứng, đến năm 2009, họ đã xuất bản cuốn sách “Thu hoạch đẫm máu: Thu hoạch nội tạng từ học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc” (Bloody Harvest: Organ Harvesting of Falun Gong Practitioners in China).
Ngày 13 tháng 6 năm 2016, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Nghị quyết 343 để kêu gọi ĐCSTQ ngừng ngay việc thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác. Nghị quyết cũng yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra đáng tin cậy, minh bạch và độc lập về vấn đề này.
Dưới sự lãnh đạo của Ngài Geoffrey Nice KC (Cố vấn của Vua nước Anh), Tòa án Luận tội Trung Quốc (China Tribunal) đã điều tra về vấn đề này mấy tháng liền, và đã tuyên bố vào ngày 17 tháng 6 năm 2019 rằng “nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã diễn ra nhiều năm qua trên quy mô lớn ở khắp Trung Quốc, và các học viên Pháp Luân Công là một nguồn nội tạng trong đó – và có lẽ là nguồn chính… Việc phạm tội ác chống lại loài người đối với Pháp Luân Công… đã được chứng minh là không còn gì để nghi ngờ gì nữa…”
Ngày 1 tháng 3 năm 2020, Tòa án Luận tội Trung Quốc đã công bố toàn bộ phán quyết. Tài liệu này gồm 160 trang văn bản và hơn 300 trang lời khai của các nhân chứng. Ngài Nice KC đã tuyên bố rằng từ khi phán quyết được công bố, chưa có một ai nghi vấn về các chi tiết của nó.
Cộng đồng quốc tế ngày càng chú ý đến tội ác thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ. Nhiều quốc gia đã thông qua luật ngăn chặn công dân nước mình sang Trung Quốc để cấy ghép nội tạng bất hợp pháp. Một số luật cũng xử phạt những cá nhân dính líu đến nạn thu hoạch nội tạng, dưới những hình thức như thu hồi hộ chiếu, phong tỏa tài sản, và phạt tù lên đến 20 năm cùng khoản tiền phạt 1 triệu đô la.
Tây Ban Nha
Ngày 11 tháng 11 năm 2008, ông Oscar Garay người Tây Ban Nha đã đến Thiên Tân để cấy ghép nội tạng bất hợp pháp. Thủ tục này mất 20 ngày và tốn 130.000 USD. Năm 2010, khi ông Garay kể về chuyến đi của mình, dư luận mới biết lá gan mà ông nhận được có nguồn gốc bất hợp pháp.
Từ đó, chính phủ Tây Ban Nha và giới truyền thông mới bắt đầu chú ý. Một luật cấy ghép nội tạng đã được sửa đổi vào năm 2010 nhằm cấm công dân Tây Ban Nha nhận cấy ghép nội tạng bất hợp pháp. Bất cứ ai vi phạm luật này sẽ phải chịu hậu quả trước pháp luật.
Ngoài ra, bất kỳ ai tham gia, ủng hộ hoặc tổ chức cấy ghép bất hợp pháp sẽ phải chịu án tù từ 3 đến 12 năm. Thứ hai, người nào nhận nội tạng khi biết nó có nguồn gốc bất hợp pháp thì sẽ bị kiện. Thứ ba, bất kỳ tổ chức nào dính líu đến cấy ghép nội tạng bất hợp pháp hoặc buôn bán nội tạng đều sẽ bị trừng phạt, từ các hiệp hội, công ty, đến bệnh viện.
Hoa Kỳ
Ngày 27 tháng 3 năm 2023, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật lưỡng đảng (với tỷ lệ 413 phiếu thuận, 2 phiếu nghịch) nhằm phản đối nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng dưới sự hậu thuẫn của chính quyền Trung Quốc. Đạo luật Ngăn chặn Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng 2023, còn được gọi là H.R.1154, là dự luật đầu tiên được thông qua với tỷ lệ đa số của cả hai đảng nhằm truy cứu trách nhiệm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì những tội ác này.
Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ
H.R.1154 – Đạo luật Chấm dứt nạn Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng năm 2023 được thông qua vào ngày 27 tháng 3.
Dự luật có đoạn: “Tổng thống phải trình lên Quốc hội danh sách những người tiếp tay cho (1) nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng, hoặc (2) nạn buôn bán người để thu hoạch nội tạng. Với mỗi người có tên trong danh sách này, Tổng thống phải áp dụng các biện pháp trừng phạt phong tỏa tài sản và cấm thị thực.”
Ngoài ra, “Bộ Ngoại giao có thể từ chối hoặc thu hồi hộ chiếu của người đã bị kết án là tội phạm liên bang do cố ý chuyển giao bất kỳ bộ phận cơ thể người nào để xem xét sử dụng cho hoạt động cấy ghép ở người nếu người đó (1) bị phạt tù hoặc được thả ra dưới diện quản thúc sau khi bị kết án như vậy, và (2) sử dụng hộ chiếu hoặc vượt biên giới quốc tế khi phạm tội đó.”
Hơn nữa, Đạo luật này còn áp đặt cho các tội như: 1) hình phạt dân sự bao gồm phạt tiền lên tới 250.000 đô la và 2) hình phạt hình sự bao gồm phạt tiền lên tới 1 triệu đô la và phạt tù không quá 20 năm đối với những tội như vậy.
Đạo luật này được soạn thảo bởi Hạ nghị sỹ Chris Smith (Đảng Cộng hòa) kiêm đồng Chủ tịch Ủy ban Điều hành-Quốc hội về Trung Quốc (CECC). Ông nói: “Những tội ác chống lại loài người này thật ngoài sức tưởng tượng.”
“Các nhóm dân tộc là mục tiêu của nạn thu hoạch hàng loạt như người Duy Ngô Nhĩ – đang phải chịu đựng nạn diệt chủng đang diễn ra của Tập Cận Bình – và các học viên Pháp Luân Công tập thiền và các bài tập ôn hòa – có sức khỏe đặc biệt tốt – khiến nội tạng của họ rất được ưa chuộng.”
Ông Tom Cotton, Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa, và ông Chris Coons, Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ, đã cùng cùng mười mấy thượng nghị sỹ khác đề xuất dự luật của Thượng viện.
Liên minh Châu Âu
Ngày 12 tháng 12 năm 2013, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết để “bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các báo cáo dai dẳng và đáng tin cậy về hoạt động thu hoạch nội tạng có hệ thống ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dưới sự hậu thuẫn của chính quyền nhắm vào các tù nhân lương tâm mà không có sự đồng thuận của họ, trong đó có một số lượng lớn các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù vì tín ngưỡng của họ, cũng như thành viên của các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số khác.” Nghị quyết kêu gọi ĐCSTQ lập tức trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm, đồng thời kiến nghị tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng và minh bạch về những hành vi vô đạo đức này.
Ngày 9 tháng 7 năm 2014, Ủy ban Bộ trưởng Châu Âu cũng đã thông qua Công ước Chống Buôn bán Nội tạng Người. Công ước này cấm buôn bán nội tạng bất hợp pháp xuyên quốc gia và yêu cầu các nước thành viên hành động để chấm dứt những tội ác này.
Công ước này có hiệu lực ở năm quốc gia đầu tiên phê chuẩn công ước vào ngày 1 tháng 3 năm 2018, gồm: Albania, Cộng hòa Séc, Malta, Cộng hòa Moldova và Na Uy. 17 quốc gia khác cũng đã ký kết công ước, trong đó có Bỉ, Hy Lạp , Ý, Ireland, và Latvia.
Tháng 4 năm 2019, Bỉ đã thông qua dự luật mới, trong đó quy định mọi hoạt động liên quan đến mua bán nội tạng người vì mục đích thương mại đều là phạm tội hình sự.
Vương quốc Anh
Dự luật Chăm sóc Y tế của Vương quốc Anh đã thành Đạo luật của Quốc hội vào tháng 4 năm 2022
Cuối tháng 4 năm 2022, Dự luật Chăm sóc và Sức khỏe đã trở thành Đạo luật của Quốc hội Vương quốc Anh. Trên cơ sở rủi ro về mặt đạo đức, đạo luật này cấm công dân Vương quốc Anh du lịch sang Trung Quốc hoặc các quốc gia khác mua nội tạng để cấy ghép. Đạo luật này cũng khép công dân Anh nào có liên quan đến buôn bán nội tạng vào tội hình sự.
Đạo luật này là phần mở rộng của luật pháp hiện hành của Vương quốc Anh. Ngoài cấm buôn bán nội tạng trong nước, đạo luật này còn bổ sung chi tiết về buôn bán nội tạng ở nước ngoài. Các hãng thông tấn Anh cho biết Đạo luật này là kết quả của những nỗ lực chung của các nghị sỹ quốc hội đang nỗ lực nhằm chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc.
Ý
Tháng 12 năm 2016, Quốc hội Ý đã thông qua một dự luật nhằm áp đặt hình phạt nghiêm khắc đối với bất cứ ai buôn bán nội tạng người. Luật này có hiệu lực vào ngày 7 tháng 1 năm 2017.
Theo luật, bất kỳ ai liên quan đến buôn bán, mua, lấy hoặc xử lý nội tạng từ người sống đều có khả năng bị kết án tù từ 3 đến 12 năm và phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 euro. Chuyên gia ý tế nếu dính líu vào hoạt động này thì sẽ bị cấm hành nghề suốt đời.
Canada
Dự luật S-223 (Đạo luật sửa đổi Bộ luật Hình sự và Đạo luật Bảo vệ Người nhập cư và Dân tị nạn [khỏi nạn buôn bán nội tạng người]) được nhất trí thông qua tại Quốc hội Canada vào ngày 14 tháng 12 năm 2022.
Ngày 14 tháng 12 năm 2022, Hạ viện Canada đã nhất trí thông qua Dự luật S-223 với 324 phiếu nhằm đấu tranh chống nạn thu hoạch và buôn bán nội tạng người bất hợp pháp. Dự luật này được coi là cơ sở pháp lý quan trọng để Canada chế áp nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng sống.
Dự luật S-223 ban đầu do Thượng nghị sỹ Salma Ataullahjan bảo trợ. Dự luật này đề xuất tăng cường quy định của Canada về buôn bán nội tạng người bằng cách sửa đổi Bộ luật Hình sự để lập ra các tội danh mới đối với hoạt động buôn bán nội tạng người và mở rộng quyền tài phán ra ngoài lãnh thổ đối với các tội danh mới này. Dự luật cũng đề xuất sửa đổi Đạo luật Bảo vệ Người nhập cư và Dân tị nạn để cấm cư dân thường trú hoặc công dân nước ngoài vào Canada nếu họ từng tham gia vào hoạt động mổ lấy nội tạng và buôn bán nội tạng mà không có sự đồng thuận minh bạch của người hiến tạng.
Israel
Năm 2008, Israel đưa ra luật nhằm bổ sung các hạn chế liên quan đến công dân của họ ra nước ngoài để lấy nội tạng bất hợp pháp dưới danh nghĩa “du lịch ghép tạng.” Đạo luật này cũng cấm các công ty bảo hiểm chi trả cho công dân sang Trung Quốc để du lịch ghép tạng.
Đài Loan
Quốc hội Đài Loan đã thông qua các nội dung sửa đổi mới đối với Đạo luật Cấy ghép Nội tạng Người hiện hành được ban hành vào ngày 12 tháng 6 năm 2015, từ đó đưa ra Luật Buôn bán Nội tạng (OTL) mới có ảnh hưởng sâu rộng. Với hành động lập pháp mang tính đột phá này, Đài Loan đã thông qua một trong những luật cấy ghép y tế rộng nhất trên thế giới.
Luật này nghiêm cấm mua, bán, và môi giới nội tạng và du lịch ghép tạng. Bộ Y tế hiện sẽ yêu cầu các tổ chức y tế lớn và các bác sỹ phải ghi lại quốc gia của mọi nguồn nội tạng cũng như thông tin về bệnh viện nước ngoài nơi bệnh nhân thực hiện cấy ghép nội tạng (kể cả số định danh của bác sỹ phẫu thuật) khi họ làm thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế sau phẫu thuật, sau khi về nước. Bệnh nhân cấy ghép nội tạng bất hợp pháp ở nước ngoài sẽ phải chịu mức án tối đa 5 năm tù và bị phạt 1,5 triệu Đài tệ. Bác sỹ tham gia vào việc môi giới nội tạng thì có thể bị hủy giấy phép hành nghề.
Các hành động lập pháp gần đây
Tháng 7 năm 2023, ông Kevin Lamoureux, Thư ký Quốc hội kiêm Nghị sỹ Quốc hội Canada thuộc Đảng Tự do ở Bắc Winnipeg, Manitoba, cho biết, chính phủ Canada cần phải tận dụng mọi cơ hội để kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại này.
Nhiều năm qua, ông Lamoureux đã chú ý đến nạn thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ và đã nỗ lực xây dựng luật để ngăn chặn hoạt động này. Ông cho biết hầu hết người dân Canada đều coi trọng vấn đề này: “Chứng kiến những người đang được duy trì mạng sống và nội tạng bị moi ra khỏi cơ thể họ, rồi bị bỏ mặc cho đến chết, thật là khủng khiếp. Là một người tin vào tầm quan trọng của nhân quyền, tôi thấy hoàn toàn không thể chấp nhận được.”
“Tôi nghĩ đó có lẽ là điều quan trọng nhất, bởi vì dù là Canada hay các quốc gia khác có cùng quan điểm, tôi tin rằng, cuối cùng thì áp lực từ các chính phủ, áp lực từ nội bộ các nơi như ở Trung Quốc, rồi nhất định sẽ giành chiến thắng”, ông nói.
Tháng 7 năm 2023, ông Tony Brunt, cựu Ủy viên Hội đồng Thành phố Wellington, New Zealand, cho biết: “ĐCSTQ đã tổ chức thu hoạch nội tạng và sát hại những người vô tội. Đây là một hành động tàn ác đến không sao hiểu nổi. Chính quyền ĐCSTQ là một chính quyền đã phạm tội ác chống lại loài người nghiêm trọng nhất kể từ vụ thảm sát dân Do Thái của Đức quốc xã trong Thế chiến Thứ hai, [nó] là một chính quyền hoạt động bên ngoài ranh giới của nền văn minh hành tinh chúng ta.”
“Những hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ đã rất phổ biến và tồn tại quá lâu. Chế độ độc tài mà ĐCSTQ áp đặt là mối đe dọa không chỉ đối với người dân Trung Quốc mà cả đối với các chuẩn mực văn minh và nhân quyền đã được xác lập của cộng đồng quốc tế”, ông nói.
Ông Brunt nói rằng ĐCSTQ là một tổ chức bất hợp pháp, và rằng các hành vi vi phạm nhân quyền, tra tấn, và giết người dưới sự dung túng của hệ thống tư pháp, cảnh sát và nhà tù, cũng như tội ác thu hoạch nội tạng và cấy ghép nội tạng cần phải được điều tra.
Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/8/23/464497.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/8/24/210986.html
Đăng ngày 05-09-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.