Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Nhật Bản
[MINH HUỆ 26-07-2023] Ngày 25 tháng 7 năm 2023, Triển lãm Áp phích “Chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ” đã khai mạc tại Bảo tàng Nghệ thuật Thành phố Higashi-hiroshima ở tỉnh Hiroshima, Nhật Bản. Triển lãm do Mạng lưới Ngăn chặn Nạn Diệt chủng trong Y khoa (SMG) – Hội Cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc tổ chức nhằm phơi bày nạn thu hoạch nội tạng sống của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ các học viên Pháp Luân Đại Pháp. Các ủy viên hội đồng lập pháp và hạ nghị sỹ (Quốc hội) đã tham dự và phát biểu khai mạc tại sự kiện. Họ nói họ hy vọng nhiều người sẽ biết và cùng phối hợp để chấm dứt những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng này.
Triển lãm Áp phích Chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ đã khai mạc tại Bảo tàng Nghệ thuật Thành phố Higashi-hiroshima ở tỉnh Hiroshima, Nhật Bản vào ngày 25 tháng 7 năm 2023
Nghị sỹ Ishibashi Rintarou (trái), Nghị sỹ Tỉnh Hiroshima, ông Takehara Tetsu (giữa) và Nghị sỹ Thành phố Higashi-hiroshima, ông Ochiumi Naoya (phải) phát biểu tại lễ khai mạc
Các chức sắc lên án tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ
Tại lễ khai mạc, ông Ishibashi Rintaro, Hạ nghị sỹ của Quốc hội, cũng là phó ủy viên Hội đồng Địa phương Toàn Nhật Bản của Mạng lưới SMG, đã phát biểu khai mạc với tư cách là nhà tài trợ triển lãm.
Ông Ishibashi nói rằng, mục đích của buổi triển lãm áp phích này là để ngăn chặn tội ác thu hoạch và ghép tạng đang diễn ra ở Trung Quốc. Ông cho biết nạn nhân chính là các học viên Pháp Luân Đại Pháp, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và các nhóm khác. ĐCSTQ đối xử với họ như tội phạm, và thu hoạch nội tạng của họ khi họ còn sống.
Ông Ishibashi nói: “SMG chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép điều đó xảy ra. “Nhưng vấn đề hiện nay là mặc dù các vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ đã trở thành vấn đề quan ngại lớn, nhưng ở Nhật Bản, nhiều người vẫn chưa có cơ hội hiểu rõ. Triển lãm áp phích này có vai trò nền tảng giúp nhiều người Nhật hiểu được sự thật về nạn thu hoạch nội tạng sống (của ĐCSTQ).”
Ông cho biết một mục đích nữa là hối thúc chính phủ Nhật Bản ban hành luật về cấy ghép tạng ở nước ngoài càng sớm càng tốt. Việc nâng cao nhận thức về vấn đề này trong cộng đồng y tế và Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi cũng rất quan trọng.
Ông Takehara Tetsu, Ủy viên Hội đồng Tỉnh Hiroshima, nói trong bài phát biểu của mình rằng ông sẽ lan tỏa sự thật này tới mọi người. “Sau khi xem các tác phẩm nghệ thuật này, lòng tôi trĩu nặng và càng ý thức được trách nhiệm to lớn của mình. Tôi nghĩ đây là cơ hội để tôi nhận ra sức nặng của trách nhiệm của bản thân, và tôi cảm nhận được điều này qua các tác phẩm hôm nay”, ông Takehara nói.
Ông Ochiumi Naoya, Ủy viên Hội đồng Thành phố Higashi-hiroshima, cho biết trong bài phát biểu của mình rằng ông đã bị sốc khi nhìn thấy hình ảnh vết thương được thể hiện bằng biểu tượng đồng tiền trên áp phích: “Là một người Nhật Bản, tôi không biết gì về nạn này (ĐCSTQ thu hoạch nội tạng từ học viên Pháp Luân Đại Pháp còn sống). Tôi hy vọng thông qua triển lãm áp phích, sẽ có nhiều người hơn nữa biết đến tội ác này.”
“Đây là giết người”
30 tác phẩm nghệ thuật được trưng bày là những thiết kế đoạt giải được chọn từ 1.049 tác phẩm dự thi từ 70 quốc gia. Thông qua các kỹ pháp và hình thức nghệ thuật, các tác phẩm đã cho mọi người thấy ĐCSTQ đã giết hại các học viên Pháp Luân Đại Pháp để lấy nội tạng của họ và thúc đẩy ngành công nghiệp thu hoạch nội tạng để thu về lợi nhuận khổng lồ. Những người đến xem triển lãm đã bị sốc khi biết về sự thật tàn bạo này.
Ông Yamada Manabu, Ủy viên Hội đồng Thành phố Higashi-hiroshima
Ông Yamada Manabu, Ủy viên Hội đồng Thành phố Higashi-hiroshima, đã đưa gia đình đến triển lãm vào ngày khai mạc. “Đây là một cơ hội hiếm có để hiểu tình hình thực tế ở Trung Quốc. Không thể tin được là người tốt bụng và vô tội lại bị đối xử tàn nhẫn như vậy”, ông nói. “Đây là giết người. Chúng ta phải cố gắng hết sức cho nhiều người biết hơn nữa.”
Bà Hayashi Tomiyo động viên các học viên tiếp tục nỗ lực
Bà Hayashi Tomiyo, cư dân Higashi-hiroshima, cho biết: “Xem những tác phẩm này khiến tôi không khỏi rùng mình. Thật kinh hoàng khi nghĩ rằng có thể có những người Nhật đã đặt mua nội tạng mà không hề biết được sự thật”. Bà nói: “Xin hãy duy trì hoạt động tốt đẹp này.”
Triển lãm được tổ chức ở khu vực Đông Hiroshima (Higashi-hiroshima) từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 7, sau đó lại tiếp tục ở Trung tâm Văn hóa phường Nishi ở Tây Hiroshima từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 8.
Bối cảnh: Pháp Luân Đại Pháp là gì và tại sao ĐCSTQ bức hại môn này?
Pháp Luân Đại Pháp (hay còn gọi là Pháp Luân Công) được Đại sư Lý Hồng Chí lần đầu truyền xuất ra công chúng vào năm 1992 tại thành phố Trường Xuân, Trung Quốc. Tới nay, môn tu luyện này đã truyền rộng đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Với nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn cùng năm bài công pháp nhẹ nhàng, môn tu luyện đã được hàng triệu người đón nhận và bước vào tu luyện, họ đều được trải nghiệm sự đề cao cả về sức khỏe lẫn tinh thần.
Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP), nhận thấy sự phát triển nhanh chóng của pháp môn tu luyện sẽ là mỗi đe dọa đối với hệ tư tưởng vô thần của ĐCSTQ và vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, ông ta đã ra lệnh diệt trừ môn tu luyện này.
Dưới dự chỉ đạo cá nhân của Giang, ĐCSTQ đã thành lập Phòng 610, một tổ chức an ninh ngoài vòng pháp luật có quyền kiểm soát hệ thống cảnh sát, tư pháp và có chức năng duy nhất là thực hiện cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp.
Minghui.org xác nhận cuộc bức hại đã dẫn tới cái chết của hàng nghìn học viên trong suốt 24 năm qua. Con số thực tế được cho là cao hơn nhiều. Vô số các học viên đã bị bỏ tù và tra tấn đến chết.
Có bằng chứng cụ thể cho thấy ĐCSTQ phê chuẩn việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên bị giam giữ, những người đã bị sát hại, để cung cấp cho ngành cấy ghép nội tạng Trung Quốc.
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/7/26/463443.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/8/8/210693.html
Đăng ngày 14-08-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.