Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 11-08-2023]

Tên: Lý Tương Liên (李相莲)
Giới tính: Nữ
Tuổi: 68
Thành phố: Giai Mộc Tư
Tỉnh: Hắc Long Giang
Nghề nghiệp: Giúp việc
Ngày mất: Ngày 2 tháng 9 năm 2021
Ngày xảy ra vụ bắt giữ cuối cùng:Ngày 11 tháng 10 năm 2020
Nơi giam giữ cuối cùng: Đồn Công an An Khánh

780d08f33085eccba91a8eb9cc700a5c.jpg

 Lý Tương Liên

Bà lý Tương Liên (68 tuổi, ngụ tại thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang) đã qua đời vào ngày 2 tháng 9 năm 2021, chưa đầy 1 năm sau vụ bắt giữ cuối cùng vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Vài ngày trước khi bà Lý qua đời, cảnh sát địa phương vẫn sách nhiễu bà và gia đình, ra lệnh cho bà phải chụp ảnh mình để xác nhận rằng bà vẫn đang ở nhà và không đi ra ngoài để phơi bày cuộc bức hại.

“Người chị Pháp Luân Công”

Bà Lý bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997 và kể từ đó bà luôn có sức khỏe tốt. Bà cũng trở nên vui vẻ và độ lượng hơn. Bà không bao giờ ngần ngại hỗ trợ bất cứ ai đang cần giúp đỡ.

Bà làm công việc dọn dẹp thuê để kiếm sống và không bao giờ đòi phải được trả lương cao hơn hoặc khối lượng công việc nhẹ hơn. Các đồng nghiệp của bà rất thích được làm cùng nhóm với bà khi làm công việc dọn dẹp. Họ trìu mến gọi bà là “người chị Pháp Luân Công” của họ. Khách hàng của bà thường khen bà dọn dẹp tốt hơn so với nhiều người trẻ tuổi hơn bà.

Năm vụ bắt giữ

Ở mỗi nơi bà Lý tới, bà đều nói với mọi người về vẻ đẹp của Pháp Luân Công và sự phi pháp của cuộc bức hại. Bà cũng mua thẻ điện thoại để gọi điện giúp nâng cao nhận thức về cuộc bức hại trong công chúng. Việc làm đơn thuần này của bà lại khiến bà 5 lần bị bắt giữ và 2 lần bị cưỡng bức lao động trong nhiều năm.

15 ngày tạm giam sau vụ bắt giữ đầu tiên vào tháng 5 năm 2000

Tháng 5 năm 2000, bà Lý đã đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công, nhưng đã bị bắt tại Nhà ga Xe lửa Bắc Kinh ngay khi vừa tới đó. Họ đã đưa bà đến Văn phòng liên lạc của Chính quyền Thành phố Giai Mộc Tư ở Bắc Kinh. Tại đó, một số cảnh sát đã khám xét và tịch thu sách về Pháp Luân Công cùng 300 Nhân dân tệ tiền mặt của bà. Sau đó, họ đã trả lại cuốn sách và tiền sau khi bà kêu gọi họ không tham gia vào cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công.

Sau khi bị áp giải trở lại Giai Mộc Tư, bà bị giam ở trong một Trại tạm giam đường sắt 15 ngày và bị tống tiền 1.000 Nhân dân tệ.

2 năm lao động cưỡng bức sau vụ bắt giữ thứ 2 vào tháng 11 năm 2002

Bà Lý bị bắt vào tháng 11 năm 2002 sau khi có người trình báo bà phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Bà bị đưa đến một trại tạm giam và bị nhốt ở đó hơn 1 tháng. Vì không từ bỏ đức tin của mình, bà bị đưa vào Trại Cai nghiện Ma túy Tỉnh Hắc Long Giang để chấp hành 2 năm lao động cưỡng bức.

Bà Lý liên tục bị áp lực phải từ bỏ đức tin của mình. Vì bà từ chối viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, lính canh đe dọa sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của con trai bà. Họ cũng xúi giục các tù nhân khác lăng mạ bà. Cuối cùng, bà Lý đã đành phải chấp thuận và viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công trái với ý muốn của mình. Sau đó, bà cảm thấy vô cùng hối hận.

Bà bị thương nặng ở chân trong một vụ tai nạn và lính canh đã thông báo cho con trai bà gửi tiền để chữa trị cho bà. Bà nói: “Tôi chỉ có một đứa con trai, con tôi không có tiền. Hãy để tôi luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công và tôi sẽ sớm bình phục“. Lính canh đồng ý và bà đã có thể ra khỏi giường và đi lại chỉ sau 2 tuần luyện công.

Hàng ngày, bà Lý và các tù nhân khác cũng bị cưỡng bức lao động khổ sai không công, làm đũa và tăm dùng một lần. Đội trưởng Lưu Chúc Kiệt là người phụ trách phân xưởng. Ông ta đe dọa các học viên: “Công việc là có hạn ngạch. Ai hoàn thành thì được giảm án, còn không sẽ bị gia tăng kỳ hạn”.

Một số tù nhân được miễn lao động cưỡng bức và nhiệm vụ duy nhất của họ là giám sát các học viên Pháp Luân Công để đảm bảo rằng các học viên làm các công việc lao động được giao. Những tù nhân này cũng ra lệnh cho các học viên viết những lời phỉ báng Pháp Luân Công và Nhà sáng lập pháp môn. Khi các học viên từ chối, những tù nhân này đã đe dọa rằng họ sẽ bị gia tăng thời hạn chấp hành án.

1 năm và 7 ngày lao động cưỡng bức sau vụ bắt giữ thứ 3 vào năm 2007

Chính quyền cộng sản đã tăng cường bức hại các học viên Pháp Luân Công trên khắp Trung Quốc vào năm 2007, trước thềm Thế vận hội Mùa hè 2008. Bà Lý cũng là một mục tiêu bị nhắm đến. Đồn Cảnh sát An Khánh ở địa phương phái một cảnh sát theo dõi bà khắp nơi, kể cả khi bà làm công việc bán thời gian tại một siêu thị.

Một ngày nọ, đồn phó Tôn Văn Nghĩa và 3 cảnh sát đã lừa bà mở cửa bằng cách nói dối rằng họ đang kiểm tra đồng hồ nước của bà. Bà đã lên án hành vi dối trá của họ sau khi nhận ra họ là cảnh sát và từ chối mở khóa cửa các phòng ngủ của bà.

Sau đó đội phó Tôn gọi cảnh sát trưởng của ông ta rồi đá tung cửa phòng ngủ của bà. Mẹ của bà Lý khi đó đang ở cùng với bà và từng bị lên cơn đau tim sau khi chứng kiến hai vụ bắt giữ còn gái bà giờ đây lại vô cùng kinh hãi. Cảnh sát đã tịch thu các sách và tài liệu thông tin về Pháp Luân Công của bà Lý.

Hai học viên địa phương tình cờ đến thăm bà Lý vào lúc đó cũng bị bắt giữ. Ba người họ bị đưa đến Đồn Công an An Khánh và ở đó họ được bị yêu cầu cung cấp dấu vân tay. Tất cả họ đều từ chối tuân thủ. Đến tối, họ được đưa đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Sau đó, họ bị đưa đến một trại tạm giam địa phương và ở đó họ bị xích chân vào nhau. Tám ngày sau, họ bị chuyển đến Trại Lao động Tây Cách Mộc và mỗi người bị phạt 1 năm lao động cưỡng bức.

Tháng 3 năm 2008, lính canh trại lao động đã ra lệnh cho bà Lý và 3 học viên khác viết tuyên bố bôi nhọ Pháp Luân Công. Tất cả họ đều từ chối và đội trưởng Lưu Á Đông phạt mỗi người ngồi trên một chiếc ghế nhựa nhỏ bất động vài giờ mỗi ngày trong 2 tuần liên tiếp. Bốn học viên sau đó đã cởi bỏ đồng phục tù nhân của họ để phản kháng. Đội trưởng Lưu ra lệnh cho 2 lính canh đánh đập họ dã man trước khi biệt giam họ.

Mỗi phòng biệt giam có hai chiếc vòng kim loại gắn vào tường. Bốn học viên luôn luôn bị còng tay vào những chiếc vòng đó. Họ cũng bị cấm ngủ và phải ăn uống và vệ sinh ngay trong các phòng biệt giam mà họ bị nhốt. Họ được thả khỏi phòng biệt giam sau 15 ngày bị nhốt ở đó.

Bà Lý vẫn kiên định với đức tin của mình và bị kéo dài thời hạn lao động cưỡng bức thêm 7 ngày. Bà được trả tự do vào cuối năm 2008.

5 ngày bị tạm giam sau khi bị bắt giữ lần thứ 4 vào năm 2014

Năm 2014, một đoàn kiểm tra cấp tỉnh đã đi khắp nơi trong tỉnh để thị sát các chính quyền địa phương. Khi đoàn này đang ở Cáp Nhĩ Tân (thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang), bà Lý đã đi tới đó để nộp đơn thỉnh nguyện tìm kiếm sự tự do cho Vương Yến Hân, một học viên ở Nông trường Kiến Tam Giang địa phương.

Tuy nhiên bà Lý không bao giờ có thể được gặp đoàn thanh tra này. Có ba trạm kiểm soát bên trong tòa nhà chính quyền tỉnh ở Cáp Nhĩ Tân. Lưu Trường Hà, một cảnh sát của Nông trường Kiến Tam Giang đang ở đó để bắt giữ các học viên địa phương đang kháng nghị cho bà Vương, đã chặn bà Lý tại một trong các trạm kiểm soát. Anh ta tìm thấy số căn cước của bà từ cơ sở dữ liệu của cảnh sát và gọi 6 cảnh sát đến khiêng bà ra khỏi tòa nhà.

Người ở Đồn Công an Văn Hóa ở Cáp Nhĩ Tân sau đó đã tới và đưa bà Lý đến văn phòng của họ để khám người bà. Họ đã thông báo cho văn phòng liên lạc chính quyền thành phố Giai Mộc Tư ở Cáp Nhĩ Tân bố trí một chiếc xe hơi đến để đưa bà trở lại Giai Mộc Tư. Sau khi bị đưa trở lại, bà nhìn thấy hơn 20 người, trong đó có một bí thư Đảng ủy địa phương, đang đợi bà ở Đồn Công an An Khánh.

Họ thẩm vấn bà trong hơn 3 tiếng đồng hồ, trước khi đưa bà đến một nhà giam địa phương để giam giữ trong 5 ngày.

Tử vong sau vụ bắt giữ thứ 5

Sáng ngày 11 tháng 10 năm 2020, bà Lý đã bị một số cảnh sát giữ lại ngay khi bà bước ra khỏi nhà để đi mua hàng tạp hóa. Họ nói họ là người của Đồn Công an An Khánh và đã theo dõi nhà bà từ 5 giờ sáng. Bà Lý từ chối đi với họ và ngồi sụp xuống đất. Cảnh sát đã gọi thêm một số cảnh sát tới. Tuy nhiên, họ không thể kéo bà đứng lên. Cuối cùng, ba cảnh sát đã khiêng bà vào chiếc xe tuần tra của họ.

Cảnh sát nhốt bà trong một căn phòng tối ở đồn công an. Họ tìm thấy chìa khóa trong túi của bà và tiến hành đột nhập vào nhà bà. Cảnh sát tịch thu các sách Pháp Luân Công, máy tính, điện thoại di động, tiền mặt và chảo vệ tinh của bà.

trại tạm giam địa phương đã từ chối tiếp nhận bà Lý sau khi sức khỏe bà không đạt trong lần kiểm tra bắt buộc. Cảnh sát đã nhốt bà tại đồn của họ qua đêm và thả bà sau khi gia đình bà bị ép phải nộp 10.000 Nhân dân tệ tiền bảo lãnh.

Áp lực tinh thần to lớn từ cuộc bức hại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà Lý. Cuối cùng, bà đã qua đời vào ngày 2 tháng 9 năm 2021.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/8/11/464062.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/8/12/210771.html

Đăng ngày 28-08-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share