Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 12-07-2023] Một cư dân 70 tuổi ở thành phố Du Thụ, tỉnh Cát Lâm, đã bị kết án phi pháp bốn năm tù vì treo một tấm áp phích Pháp Luân Đại Pháp ở gần một bệnh viện. Pháp Luân Đại Pháp, hay còn gọi là Pháp Luân Công, là một môn tu luyện cả thân và tâm đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Ông Mã Trường Thanh bị bắt cóc vào khoảng ngày 10 tháng 8 năm 2022, sau khi cảnh sát, thông qua camera giám sát của Bệnh viện Trung y thành phố Du Thụ, đã nhìn thấy ông treo tấm áp phích. Cùng ngày, ông bị đưa đến một trại tạm giam ở thành phố Trường Xuân gần đó. Con gái của ông, vốn đang mắc chứng động kinh và không thể tự chăm sóc bản thân, đã bị đưa đến một trung tâm dưỡng lão. Năm 2023, ông bị tòa án thành phố Đức Huệ, tỉnh Cát Lâm kết án phi pháp bốn năm. Ông đã bị cưỡng bức đưa đến nhà tù thành phố Cát Lâm.

Tóm tắt về trường hợp bức hại

Ông Mã Trường Thanh là nhân viên đã nghỉ hưu thuộc bộ phận bảo trì đường bộ thành phố Du Thụ. Tháng 10 năm 1981 trong khi bê vật nặng tại nơi làm việc, ông đã bị chấn thương cột sống . Kể từ đó ông phải đeo nẹp ở lưng để tránh bị liệt nửa người. Một cánh tay của ông không thể nhấc lên được. Sau khi bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào tháng 5 năm 1996, ông không cần phải đeo nẹp ở lưng nữa, cánh tay của ông cũng đã vận động bình thường trở lại. Môn tu luyện này đã giúp ông khỏe mạnh và có một gia đình hạnh phúc.

Trong suốt 24 năm kể từ khi ĐCSTQ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, ông Mã Trường Thanh đã bị bắt cóc và giam giữ phi pháp nhiều lần. Ông đã phải thụ án hai năm tù vì trong nhà có các vật phẩm Pháp Luân Đại Pháp. Vợ ông, bà Mục Xuân Ba, tổ trưởng tổ dân phố và cũng là một học viên Pháp Luân Công, đã qua đời vào năm 2012 do bị bức hại. Từ nhỏ, con gái của họ bị động kinh và tình trạng của cháu ngày càng tồi tệ hơn trong những năm qua do bị tổn thương khi thấy cha mẹ bị bức hại.

Dưới đây là chi tiết về những bức hại mà gia đình ông phải chịu đựng.

Bị bắt và bị phạt vì lên tiếng cho Pháp Luân Đại Pháp

Gia đình ba người của ông Mã quyết định đến Bắc Kinh vào ngày 18 tháng 1 năm 2000 để lên tiếng cho Pháp Luân Công. Hôm đó, cảnh sát đã chặn họ ở thành phố Trường Xuân gần nơi họ sống. Cô con gái được trả tự do còn hai vợ chồng bị giam ở trại tạm giam thành phố Du Thụ trong 46 ngày. Họ đã phải trả tiền thức ăn và nộp tiền phạt, tổng cộng lên tới hơn 4.300 nhân dân tệ.

Người vợ qua đời

Một vài nhân viên của Đội An ninh Nội địa thuộc Sở cảnh sát thành phố Du Thụ đã đột nhập vào nhà ông Mã vào ngày 15 tháng 11 năm 2010. Họ không xưng danh tính hay xuất trình bất kỳ giấy tờ pháp lý nào, tiến hành lục soát căn nhà và tịch thu các sách Pháp Luân Đại Pháp cùng 33.516 nhân dân tệ tiền mặt của vợ chồng ông Ma.

Sau khi ông Mã bị bắt giam, con gái ông vô cùng sợ hãi và đã lên cơn co giật bốn lần vào ngày hôm đó. Vợ ông, bà Mục Xuân Ba cũng lo lắng cho tình trạng của con và sự an toàn của chồng.

Ông Mã đã bị giam giữ phi pháp trong vòng 11 ngày. Cảnh sát đã tìm cách đưa ông vào trại lao động cưỡng bức Triều Dương Câu nhưng trại lao động đã từ chối tiếp nhận vì lý do sức khỏe của ông. Sau khi được trả tự do, ông đã đến văn phòng của Đội An ninh Nội địa thành phố Du Thụ yêu cầu cảnh sát trả lại 33.516 nhân dân tệ mà họ đã thu của ông. Cảnh sát chỉ trả lại cho ông 24.000 nhân dân tệ.

Ông Mã Trường Thanh là trụ cột của gia đình, sau khi ông bị bắt cóc, mọi việc trong nhà đều bị đảo loạn. Trải qua một phen sợ hãi, bị cảnh sát lấy mất tiền, không cách nào lấy lại được, bà Mục Xuân Ba đã bị giáng một đòn nặng nề, bà đã bị xuất huyết não và hôn mê vào tháng 12 năm 2010. Chi phí điều trị của bà lên tới 50.000 nhân dân tệ.

6b3235491469d756991b5908c2ba9ee7.jpg

Bà Mục Xuân Ba trong tình trạng hôn mê

Một năm sau, vào tháng 12 năm 2011, trong khi bà Mục Xuân Ba vẫn đang hôn mê, ông Mã đã quay lại đồn cảnh sát để yêu cầu cảnh sát trả lại 11.516 nhân dân tệ để chi trả viện phí cho vợ mình. Cảnh sát nói rằng họ đã nộp tiền cho chính phủ, nhưng từ chối cho ông xem biên lai. Do không đủ tiền nộp cho bệnh viện nên ông Ma đã phải đưa vợ về nhà.

Ở nhà, ông cho bà Mục ăn thức ăn lỏng qua một cái ống và hút dịch đờm của bà qua một vết rạch trên cổ họng. Sau đó, bà bị lở loét nghiêm trọng ở lưng, mông và chân. Bà đã qua đời một cách oan uổng vào ngày 29 tháng 3 năm 2012.

Bị tra tấn tại Trung tâm tẩy não

Chính quyền đã bắt ông Mã vào tháng 7 năm 2013 và giam giữ ông trong một trung tâm tẩy não trong vòng 15 ngày. Sau khi về nhà, ông bị đau dạ dày và đau ở vùng bụng dưới. Ông nằm liệt giường gần hai tuần liền và bị nôn liên tục. Ông nôn ra chất có màu đen. Tại bệnh viện, bác sĩ tiến hành nội soi dạ dày cho ông, và cho biết lớp niêm mạc bên trong dạ dày và ruột của ông đã mưng mủ và bị bong ra.

Ông Mã nghi ngờ rằng chính quyền đã bỏ thuốc độc vào thức ăn của ông tại trung tâm tẩy não. Một học viên khác mà ông biết, bà Thôi Chiêm Vân, vốn bị giam giữ ở cùng trung tâm tẩy não với ông, cũng đã bị bức thực bằng các loại thuốc không rõ nguồn gốc và bị các triệu chứng tương tự khi được trảm tự do và đã qua đời ngay sau đó.

Bị bắt tại ga xe lửa

Hai cảnh sát đã bắt cóc ông Mã tại ga xe lửa thành phố Trường Xuân vào ngày 14 tháng 10 năm 2017. Cảnh sát đã lục soát túi của ông và tìm thấy 10.178 nhân dân tệ tiền giấy có in thông tin phơi bày cuộc bức hại tàn bạo (do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, nhiều học viên Pháp Luân Công đã dùng các phương thức khác nhau để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, trong đó bao gồm in thông tin giảng chân tướng trên tiền giấy).

Tại đồn công an của ga xe lửa, ông Mã đã giảng chân tướng cho cảnh sát và nói với họ rằng nhờ tu luyện Đại Pháp, ông đã hồi phục chấn thương cột sống. Ông cũng nói với họ rằng mình có một cô con gái ở nhà cần được ông quan tâm chăm sóc. Cảnh sát đã đến nhà và xác minh câu chuyện ông kể. Họ đã trả tự do cho ông vào ngày hôm sau nhưng từ chối trả lại tiền mặt. Họ cũng gửi cho ông thông báo giám sát tại nhà và yêu cầu ông phải báo cáo với đồn cảnh sát bất cứ khi nào bị triệu tập.

Bị kết án phi pháp hai năm tù

Bảy tháng sau, vào ngày 7 tháng 5 năm 2018, ông Mã bị bắt trở lại. Cảnh sát đưa ông vào trại tạm giam số 2 thành phố Trường Xuân, và cho con gái ông tới tạm trú tại Trung tâm phúc lợi thành phố Du Thụ.

Tòa án đường sắt thành phố Trường Xuân đã xét xử ông vào ngày 25 tháng 5 năm 2018 và kết án ông hai năm tù cùng khoản tiền phạt 2.000 nhân dân tệ vào ngày 15 tháng 6. Ông đã nộp đơn kháng cáo, nhưng tòa án cấp cao hơn đã ra phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu.

Bị tra tấn không ngừng trong tù

Ông Mã bị còng tay và đưa đến nhà tù Công Chủ Lĩnh vào ngày 21 tháng 8 năm 2018, tại đây ông đã phải hứng chịu những đòn tra tấn không ngừng.

Bị bỏ đói

Ông Mã đã bị quản thúc đặc biệt trong 4 tháng. 2 tháng đầu, mỗi bữa ông chỉ được cho ăn một bát cháo loãng, có lúc không ăn nổi vì cháo quá mặn. Trong thời gian này cân nặng của ông giảm từ 54kg xuống còn 36kg.

Lính canh đã dùng hình phạt bỏ đói này để khiến ông mất hết ý chí. Trong một buổi khám sức khỏe vào tháng 9 năm 2018, ông Mã đã nói với bác sĩ rằng lính canh đã bỏ đói ông, sau đó ông đã phải chịu bức hại càng tàn bạo hơn.

Tra tấn bằng dùi cui điện

Trưởng lính canh đã kéo ông Mã vào một căn biệt giam, tại đó có ba người khác đè ông xuống và dùng dùi cui điện với điện thế ở mức cao nhất để tra tấn ông. Dùi cui điện cứ 10 phút phải sạc điện một lần. Trong vòng 2 tiếng, các lính canh đã dùng hết 30 chiếc dùi cui điện. Cuối cùng khắp người ông Mã đầy những vết phồng rộp, loại thống khổ đó không thể mô tả hết bằng lời.

Trong vòng 24 tiếng sau đó, mặc dù rất khát nhưng ông không thể uống nước. Mỗi khi uống nước, những vết phồng lại càng nghiêm trọng hơn, ông sợ rằng nếu các vết phồng rộp bị vỡ ra, sẽ có thể bị nhiễm trùng.

Một ngày vào năm 2019, một tù nhân khác đã lấy đôi giày của ông Mã. Khi ông tìm cách lấy lại đôi giày, ba lính canh lại nói rằng ông đang gây sự. Họ đã đưa ông tới một căn phòng không có camera giám sát và dùng dùi cui điện để tra tấn ông.

Đánh đập và tra tấn

Sau thời gian bị bỏ đói, dạ dày của ông Mã đã bị tổn thương. Trong vòng 2 năm sau đó, ông thường xuyên bị đau dạ dày và đau vùng bụng dưới. Có những lần ông không thể nuốt được thức ăn và mỗi khi nằm xuống đều không thể thở được. Ông nghi ngờ lính canh đã hạ độc ông.

Một lần ông bị tiêu chảy và phải đi vệ sinh gấp. Ba lính canh ngăn ông lại và bắt ông phải nói chuyện tại văn phòng của họ. Ông buộc phải đi vệ sinh ở hành lang. Các lính canh nổi giận và đã đánh ông.

Một tù nhân hợp tác với nhà tù đã phỉ báng Pháp Luân Đại Pháp để khiến các học viên bị bỏ tù từ bỏ đức tin của họ. Ông Mã đã đề nghị người tù nhân đó dừng ngay hành động đó lại. Người này đã báo cáo với trưởng lính canh, khiến ông bị đánh đập rất dã man. Một lần khác, lính canh đã đẩy ông, khiến ông bị ngã và bị thương ở xương cụt. Sau đó ông bị đau nhói ở lưng dưới và không thể đi vệ sinh.

Ông Mã bị đau ngực và đau lưng vào tháng 2 năm 2019. Bác sĩ nhà tù nói rằng ông bị đau thắt vùng ngực. Khi ông nói với một lính canh rằng ông muốn đến bệnh viện, lính canh đã tát vào đầu và mặt ông hai chục cái, đồng thời cấm ông đội mũ vào mùa đông.

Bị đánh đập dã man, bị tát vào đầu và bị sốc điện bằng dùi cui điện cao thế khiến ông bị điếc cả hai tai và suy giảm một phần thị lực.

Bức hại về tài chính

Trong 24 năm bị bức hại, ông đã bị lục soát nhà, bị tịch thu tài sản và tiền mặt, và không được nhận lương hưu trong vòng hai năm. Tổng thiệt hại về tài chính mà ông đã phải chịu là 261.761 nhân dân tệ, bao gồm:

– Việc ông và vợ bị giam giữ vào tháng 1 năm 2000 đã khiến ông tiêu tốn 4.300 nhân dân tệ.
– Nhân viên văn phòng an ninh nội địa đã giữ lại 11.516 nhân dân tệ trong số 35.516 nhân dân tệ tịch thu từ nhà ông trong vụ bắt giữ ngày 15 tháng 11 năm 2010. Vợ ông bị đột quỵ là hệ lụy trực tiếp từ việc ông bị bắt, viện phí của bà lên tới 50.000 nhân dân tệ.
– Cảnh sát đường sắt ở thành phố Trường Xuân đã tịch thu 10.178 nhân dân tệ tiền mặt của ông vào ngày 14 tháng 10 năm 2017. Thẩm phán đã phạt ông 2.000 nhân dân tệ cùng với bản án hai năm tù.
– Hai năm ông ở tù, con gái ông bị đưa đi khỏi nhà, nhà ông đã bị trộm lấy cắp xe điện, TV và các tài sản khác trị giá hơn 70.000 nhân dân tệ.
– Cơ quan bảo hiểm xã hội đã đình chỉ lương hưu của ông trong hai năm, tổng số tiền lên tới 115.773 nhân dân tệ.

Các báo cáo liên quan:

Người đàn ông bị cảnh sát bắt giữ chỉ vì đức tin của mình, người con gái bị động kinh phải vào viện dưỡng lão

Cảnh sát thành phố Du Thụ đột nhập vào nhà ông Mã Trường Thanh và cướp tiền

Cảnh sát tại thành phố Cát Lâm đột nhập và bắt giữ người phi pháp, khiến người phụ nữ rơi vào tình trạng hôn mê

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/7/12/462893.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/7/24/210460.html

Đăng ngày 27-08-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share