Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 03-07-2023] Gần đây có thông tin xác thực rằng người phụ nữ 64 tuổi ở thành phố An Đạt, tỉnh Hắc Long Giang đã bị kết án 5 năm tù vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân và tâm đã bị ĐCSTQ bức hại kể từ tháng 7 năm 1999. Chồng bà cũng bị kết án 4,5 năm tù vì tìm kiếm tự do cho bà.
Ngày 30 tháng 7 năm 2022, bà Vu Diễm Hoa (còn được gọi là Vu Hiểu Hoa) bị bắt vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Vài ngày sau, chồng bà cũng bị bắt khi đang đi thăm người cha 94 tuổi của mình ở huyện Tuy Lăng, vì nỗ lực tìm cách trả tự do cho bà. Không rõ ông ấy có tu luyện Pháp Luân Công hay không.
Khi bị giam giữ tại Trại tạm giam thành phố An Đạt, chồng của bà Vu đã bị tra tấn và sức khỏe của ông nhanh chóng giảm sút. Sau 35 ngày kể từ vụ bắt giữ, ông được tại ngoại và bị quản thúc tại gia vì chân ông bị sưng phù.
Tình trạng của ông tiếp tục xấu đi và ông đã phải đến điều trị tại nhiều bệnh viện khác nhau ở thành phố Đại Khánh và thành phố Cáp Nhĩ Tân. Ông ấy bị chẩn đoán mắc nhiều căn bệnh, bao gồm bệnh thận mãn tính, tiểu đường loại II, các vấn đề về tim, tăng axit uric máu (nồng độ axit uric trong máu tăng cao), giảm albumin máu (nồng độ albumin, một loại protein trong máu thấp), tăng lipid máu (mức độ cao của lipid, chẳng hạn như cholesterol và chất béo trung tính, trong máu), cường cận giáp (tuyến cận giáp hoạt động quá mức) và xơ cứng cầu thận dạng nốt do tiểu đường (bệnh thận tiến triển do bệnh lý mao mạch ở cầu thận).
Bất chấp tình trạng sức khỏe yếu của ông, chính quyền vẫn tống giam ông trở lại sau khi tuyên án. Đã có thời điểm vợ ông được bảo lãnh tại ngoại, nhưng cũng bị bắt giam trở lại.
Trước bản án gần nhất này bà Vu đã vô số lần bị bắt và từng 3 lần lãnh án lao động cưỡng bức (thời hạn mỗi bản án là 2 năm).
Bức hại trong quá khứ
Trước khi nghỉ hưu, bà Vu kinh doanh một cửa hàng bán gia vị tại chợ nông sản địa phương. Tháng 7 năm 1998, sau khi tu luyện Pháp Luân Công, bà cố gắng sống theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của pháp môn. Khi tâm tính đề cao lên, bà nhận ra rằng mình nên chăm sóc bố mẹ chồng tốt hơn, vì vậy, bà đã mời họ đến sống cùng gia đình mình.
Ngày 20 tháng 7 năm 1999, ngày chính quyền cộng sản Trung Quốc chính thức phát động chiến dịch bức hại Pháp Luân Công trên toàn quốc, bà Vu đã đến văn phòng kháng cáo cấp tỉnh ở thủ phủ Cáp Nhĩ Tân để kháng nghị cho Pháp Luân Công. Bà bị bắt và đưa đến một trường tiểu học ở thành phố Song Thành. Người của Công an thành phố An Đạt sau đó đã áp giải bà đi và giam bà trong Đồn Công an địa phương Tân Hưng 1 đêm.
Tháng 8 năm 1999, cảnh sát Triệu Bồi Trụ của Đồn Công an Tân Hưng đã lừa bà Vu đến văn phòng của ông ta. Bà nghĩ rằng mình chỉ đến để nói chuyện một lát, thế nhưng sau đó bà bị giam giữ hành chính 15 ngày vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, theo lệnh của cảnh sát trưởng Vương Quân của Công an thành phố An Đạt.
Giữa tháng 10 năm 1999, bà Vu đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Bà bị cảnh sát quận Thông Châu (Bắc Kinh) bắt giữ. Sau khi bị áp giải trở lại An Đạt, cảnh sát trưởng Vương Quân đã ra quyết định phạt bà 2 năm lao động cưỡng bức tại Trại Lao động Song Hà ở Tề Tề Cáp Nhĩ, tỉnh Hắc Long Giang. Bà phải đóng gói thuốc trừ sâu cực độc hại mà không được cung cấp bất kỳ dụng cụ bảo hộ nào. Bà đã chứng kiến một học viên Pháp Luân Công khác bị tra tấn đến mức suy sụp tinh thần.
Ngày 5 tháng 1 năm 2000, các cảnh sát Công an Tân Hưng đã bắt giữ bà Vu sau khi phát hiện dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo” phun bằng sơn của bà ở trên tường của đồn cảnh sát.
Năm 2001, bà Vu lại đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn. Bà bị giam tại trại tạm giam thành phố An Đạt trước khi bị kết án 2 năm lao động cưỡng bức và một lần nữa thụ án ở trong Trại Lao động Song Hà.
Vụ bắt giữ tiếp theo của bà Vu xảy ra vào khoảng cuối tháng 2 năm 2004, khi bà bị bắt cùng với các học viên bà Quách Chí Vân và ông Kim Trung Ba. Sau đó cả ba người họ bị đưa đến trại tạm giam thành phố An Đạt.
Ngày 12 tháng 11 năm 2007, 5 cảnh sát đã bắt bà Vu sau khi nhận được tin báo rằng bà đang nói với người dân về Pháp Luân Công. Họ đánh đập và giam giữ bà (không rõ trong bao lâu).
Ngày 7 tháng 6 năm 2009, bà Vu bị Đồn Công an thị trấn Vạn Bảo Sơn bắt giữ. Đến ngày 18 tháng 6 năm đó, họ kết án bà 2 năm lao động cưỡng bức. Trong thời gian thụ án tại Trung tâm Phục hồi chức năng thành phố Cáp Nhĩ Tân, bà Vu và 11 học viên khác đã bị tra tấn bằng nhiều hình thức khác nhau, bao gồm treo người lên và sốc điện bằng dùi cui điện. Bà Lưu Thục Linh bị tra tấn đến chết vào ngày 3 tháng 7 năm 2010. Huyết áp tâm thu của bà Vu tăng vọt lên 240 mmHg (trong khi mức bình thường là 120 mmHg) và bà được thả vào ngày 3 tháng 11 năm 2010.
Trong khi chấp hành bản án lao động cưỡng bức thứ 3, mẹ chồng bà đã qua đời. Chồng bà không thể chăm sóc cha của anh ấy vì phải làm việc toàn thời gian, vì vậy, ông đành phải gửi ông cụ về quê nhà ở huyện Tuy Lăng để nhờ người thân chăm sóc.
Ngày 25 tháng 3 năm 2016, bà Vu và một học viên khác, bà Cao Phượng Lâm, đã bị bắt sau khi bị báo cảnh sát vì nói với người dân về Pháp Luân Công. Họ bị giam trong tại Trại tạm giữ Thành phố An Đạt trong mười ngày.
Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/7/3/462589.html
Bàn tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/7/8/210217.html
Đăng ngày 10-08-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.