Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 01-07-2023] Bà Cao Cẩm Thục, một giáo sư đại học về hưu ở thành phố Tuy Hoá, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị cắt lương hưu từ tháng 2 năm 2019, khi bà bắt đầu chấp hành bản án oan sai 1 năm tù vì đức tin vào Pháp Luân Công. Hai vợ chồng bà đã phải chật vật để sinh hoạt dựa vào khoản lương hưu ít ỏi của ông trong hơn 4 năm qua.

Mọi việc trở nên khó khăn hơn sau khi bà Cao bị một xe hơi đâm trúng vào tháng 5 năm 2022 và chồng bà phải nhập viện vì mắc một căn bệnh 6 tháng sau đó. Tuy nhiên, chính quyền đã từ chối khôi phục phúc lợi hưu trí của bà.

Trang Minghui.org đã báo cáo nhiều học viên Pháp Luân Công bị từ chối chi trả lương hưu ngay trong thời gian bị cầm tù hoặc bị yêu cầu phải trả lại lương hưu mà họ đã lính trong thời gian thụ án. Trường hợp của bà Cao là nghiêm trọng nhất, bởi lẽ cục an sinh xã hội địa phương vẫn tiếp tục không chi trả lương hưu cho bà trong thời gian dài, dù họ đã thu về đủ số tiền mà bà đã nhận trong thời gian thụ án. Với các trường hợp khác, lương hưu thường được khôi phục lại sau khi các học viên đó trả lại số tiền lương mà họ đã lĩnh trong thời gian bị cầm tù.

Bắt giữ, kết án và treo lương hưu

Bà Cao (khoảng 60 tuổi) là người dân tộc Triều Tiên. Bà bị bắt vào ngày 10 tháng 10 năm 2018 và bị kết án 1 năm tù và phạt tiền 5.000 nhân dân tệ vào tháng 5 năm 2019. Bà phải chấp hành án tù từ tháng 2 năm 2019 đến tháng 2 năm 2020.

Khi được trả tự do vào ngày 16 tháng 2 năm 2020, bà mới hay chồng bà đã bị lừa trả lại 48.660 nhân dân tệ tiền lương hưu của bà– số tiền hưu trí mà bà được chi trả từ tháng 2 đến tháng 9 năm 2019. Cục an sinh xã hội địa phương nơi bà cư trú (tên đầy đủ: Cục Nguồn nhân lực và An sinh Xã hội Thành phố Tuy Hoá) sau đó đã hoàn toàn ngừng chi trả lương hưu cho bà từ tháng 10 năm 2019.

Chính quyền đình chỉ lương hưu của bà mà không đưa bất kỳ một thông báo bằng văn bản nào. Cục an sinh xã hội chỉ tuyên bố miệng với chồng bà rằng bà không đủ điều kiện nhận bất kỳ khoản phúc lợi hưu trí nào vì bà bị kết án tù.

Cuộc chiến khó khăn để khôi phục lương hưu

Bà Cao từng là phó giáo sư của Đại học Tuy Hoá trước khi về hưu. Bà và trường đại học đều đóng góp vào khoản hưu trí của bà. Ngay khi biết lương hưu bị treo, bà đã nói chuyện với cấp trên trước kia của bà tại trường đại học.

Người cấp trên này đồng tình rằng cục an sinh xã hội không nên cắt lương hưu của bà chỉ vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công. Ông đã cùng bà đến cục an sinh xã hội. Giám đốc Lý Hồng Nham của phòng phúc lợi hưu trí của cục an sinh xã hội là người đã tiếp họ.

Lý trích dẫn Tài liệu 68 và 69 do Bộ Nguồn nhân lực và An sinh Xã hội ban hành làm cơ sở cho việc cắt lương hưu của bà Cao. Tuy nhiên ông ta không cho bà xem tài liệu đó mà nhắc lại rằng các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù vì đức tin của họ phải bị cắt lương hưu trong thời gian họ thụ án và hơn thế nữa.

Bà Cao lập luận rằng Hiến pháp Trung Quốc, luật bảo hiểm xã hội và luật lao động đều bảo vệ phúc lợi hưu trí mà người lao động làm việc vất vả kiếm được và nó không nên bị bất kỳ cá nhân hay cơ quan chính quyền nào tước đoạt trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Những người về hưu thụ án tù vẫn nên được nhận lương hưu và chỉ dừng nhận khi đã qua đời. Tài liệu 68 và 69 mà Lý đưa ra không phải là luật được ban hành và không thể chi phối việc giải ngân trợ cấp hưu trí. Ngoài ra, những tài liệu này vốn bản thân nó đã trực tiếp vi phạm hiến pháp, luật bảo hiểm xã hội và luật lao động.

Bà Cao chỉ ra rằng các cục an sinh xã hội trên khắp Trung Quốc chỉ là những đơn vị nhận nhiệm vụ uỷ thác thu thập các khoản đóng góp hưu trí, đầu tư vào các khoản đóng góp và cấp phát phúc lợi hưu trí. Như vậy, cục an sinh xã hội địa phương của bà không có quyền tùy tiện cắt các khoản phúc lợi hưu trí của bà.

Lý đề nghị chi trả một phần lương hưu cho bà Cao nhưng bà đã từ chối và kiên quyết phải được nhận đủ 100% lương hưu hợp pháp của mình. Lý nói rằng cách duy nhất để khôi phục 100% lương hưu cho bà là toà án mà trước đó kết án bà phải đưa ra văn bản tuyên bố rằng bản án của bà là oan sai.

Bà Cao nói rằng không thể cung cấp vản bản để chứng minh như vậy khi cuộc bức hại Pháp Luân Công đang diễn ra. Sau đó lãnh đạo của bà đã nói chuyện riêng với Lý và Lý vẫn khăng khăng rằng họ chỉ có thể chi trả khoản trợ cấp cho bà 1.000 nhân dân tệ một tháng. Bà Cao nói với giám sát rằng bà từ chối chấp nhận phương án giải quyết bất công này.

Bà Cao và người giám sát lại gặp Lý vào tháng 5 năm 2021. Lý lập lại rằng việc khôi phục hoàn toàn lương hưu của bà là điều không thể. Bà Cao sau đó đã đưa cho Lý một lá thư của một số chuyên gia pháp luật giải thích về sự phi pháp của việc cắt lương hưu. Lý đã nhận bức thư mà không nói gì.

Khi bà Cao gặp Lý 1 tháng sau đó, Lý đã nghiêm mặt và mắng mỏ bà vì đã đưa cho ông ta đọc một bức thư như vậy. Lý cũng không gặp bà trực tiếp bà khi bà cố gắng gặp ông ta nhiều lần sau đó. Mỗi lần như vậy bà phải đợi nhân viên bảo vệ gọi cho Lý để hỏi ông ta có muốn gặp bà hay không. Đôi lúc Lý không bắt máy hoặc từ chối gặp bà.

Giám sát của bà Cao đã nhận được một thông báo văn bản từ cục an sinh xã hội vào ngày 7 tháng 6 năm 2021 về việc đình chỉ lương hưu của bà. Trong thư trả lời chưa từng có tiền lệ này, cục chính thức thừa nhận rằng cục an sinh xã hội tước quyền trợ cấp hưu trí của bà Cao từ tháng 2 năm 2019.

Đầu tháng 5 năm 2022, bà Cao bị một xe hơi đâm vào và mất 1 tháng để hồi phục cái chân bị thương. Lãnh đạo nơi làm việc của bà lại xin các nhà chức trách khôi phục lương hưu của bà nhưng không có tác dụng.

Lý đã nói với nhân viên bảo vệ rằng ông ta không muốn gặp bà Cao khi bà đến cục an sinh xã hội một lần nữa vào ngày 1 tháng 6 năm 2022. Bà đã tự gọi cho Lý nhưng ông ta không bắt máy.

Thời điểm đó, một người phụ nữ đến tìm Lý. Cô ấy gọi điện nhưng ông ta không trả lời. Sau đó cô ấy nhắn tin cho Lý trên WeChat (một nền tảng truyền thông xã hội phổ biến của Trung Quốc) và hỏi lý do tại sao không bắt máy. Lý trả lời rằng ông ta nghĩ đó là cuộc gọi quấy rầy từ bà Cao.

Sau khi cô ấy nói với bà Cao việc này, bà đã nhờ cô ấy đưa cho Lý một số tài liệu kháng cáo. Cô ấy từ chối và đến gặp Lý, người không muốn gặp bà Cao vào hôm đó.

Tháng 12 năm 2022, chồng bà Cao phải nhập viện 2 tuần và sau đó đi tới Cáp Nhĩ Tân (thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang) để kiểm tra thêm. Họ phải vất vả để chi trả viện phí cho ông. Bà lại đến cục an sinh xã hội để tìm cách khôi phục lương hưu của mình, nhưng vẫn không có kết quả.

Lương hưu hàng tháng của chồng bà chưa đến 3.000 nhân dân tệ và họ phải sống rất chật vật.

Tu luyện Pháp Luân Công

Bà Cao từng mắc nhiều chứng bệnh nhưng đã hoàn toàn hồi phục sau khi tu luyện Pháp Luân Công. Sức khoẻ tốt cũng giúp bà công tác tốt hơn trên cương vị giáo sư. Bà được công nhận là một nhà giáo dục xuất sắc ở cả cấp tỉnh (Hắc Long Giang) và Bộ Giáo dục. Bà từng hai lần được trao giải cho công trình nghiên cứu cấp tỉnh.

Thành tích xuất sắc của bà được đăng trên một tờ báo cấp tỉnh với tiêu đề “Một nhà nữ nghiên cứu trẻ tuổi”.

Bà Cao cũng trở nên tốt bụng hơn bởi sống theo Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công. Bà cũng từng giúp đỡ một bé gái 10 tuổi vô gia cư bị cha mẹ bỏ rơi từ khi mới sinh. Bà đã trải qua nhiều khó khăn để giúp đứa bé có bố mẹ nuôi. Câu chuyện của bà Cao đã được đăng trên tờ báo địa phương với tiêu đề “Tình yêu có thể chống lại gió lạnh”.

Những người biết rõ về bà Cao nói rằng họ không thể hiểu tại sao một người tốt và tuân thủ pháp luật như vậy lại bị chính quyền bức hại chỉ vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công.

Thông tin liên lạc của các thủ phạm:

Lý Hồng Nham (李洪岩), giám đốc của văn phòng phúc lợi hưu trí của cục anh sinh xã hội: +86-455-8388369 (văn phòng), +86-18904555557 (di động)

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/7/1/462524.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/7/6/210198.html

Đăng ngày 02-08-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share