Bài của Joel Chipkar (*)
[MINH HUỆ 29 – 11 – 2011] Xa nhà nửa vòng Trái Đất, tôi nhìn vào gương để xem liệu máy quay trộm có dễ lộ không. Tôi đang ở Bắc Kinh, Trung Quốc, và đã cài một máy quay nhỏ trên dây đeo vai của ba lô. Bắt gặp ánh mắt của chính mình trong gương, trong tâm nhói lên một chút sợ hãi. Bị bắt khi là một gián điệp ở Trung Quốc Đại Lục không phải là tội nhỏ. Họ gán mức tử hình cho những tội còn nhỏ hơn nhiều.
Sau khi đi một quãng đường năm dặm thật nhanh nhưng đầy căng thẳng tới Quảng trường Thiên An Môn, tôi đứng đó kinh ngạc trước quy mô [của Quảng trường]. Thật khó mà hình dung ra cảnh nơi đó toàn là xe tăng và sinh viên. Ngày hôm đó trời sáng sủa và ớn lạnh. Gió bấc lạnh thổi nhẹ vào mặt tôi khi tôi nhìn về phía cột cờ chính. Tôi đứng một mình ở điểm hẹn, băn khoăn liệu họ có thực hiện việc đó không.
Trước khi tôi kịp ý thức được điều đó, hơn 30 người từ hơn mười quốc gia, mang theo quốc kỳ của mình, tập trung lại để thỉnh nguyện chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công. Khi đó, hầu hết họ ngồi thiền trong khi một vài người giương một tấm biểu ngữ vàng kim dài 12 phút (khoảng 3,7m) trưng ra ba chữ tiếng Trung lớn “Chân, Thiện, Nhẫn”. Người qua đường bị sốc. Tôi đứng bất động ghi lại sự kiện này bằng máy camera được giấu kín của mình. Chưa đầy 30 giây sau, xe cảnh sát rít còi từ mọi hướng.
Trong nhiều tháng tiếp theo, thêm nhiều người nước ngoài hơn từ khắp nơi trên thế giới đến Trung Quốc với nỗ lực thức tỉnh người dân Trung Quốc về cuộc bức hại bất công và việc phỉ báng Pháp Luân Công đang diễn ra trên đất nước họ.
Đó là mười năm về trước.
Một cuộc thỉnh nguyện lương tâm
Cuộc thỉnh nguyện được giật tít trên thế giới, và như vậy đã hoàn thành một phần mục tiêu chúng tôi đề ra. Những người mà chưa từng nghe về cuộc bức hại Pháp Luân Công thì bây giờ đã biết về nó. Và nhận thức này là bước đầu hướng tới việc nhiều người hơn nữa yêu cầu chế độ Trung Quốc dừng cuộc bức hại.
Tuy nhiên, chúng tôi đã dụng tâm tạo nên một sự thay đổi ở Trung Quốc. Cuộc thỉnh nguyện của chúng tôi tập trung vào việc nói cho người dân Trung Quốc vốn bị bưng bít thông tin bởi việc phong tỏa truyền thông nhận ra thực tế tà ác đang diễn ra ngay nơi sân nhà bị kiểm duyệt của chính họ và không mù quáng lao theo một cuộc bức hại bất hợp pháp.
Trong mười năm qua, chúng tôi đã dần nhận thức sâu hơn về mức độ khó khăn mà những gì chúng tôi đang theo đuổi.
Trung Quốc có một nền văn minh cổ xưa, phong phú vốn mang lại niềm tự hào sâu đậm và không thể lay chuyển được đối với người dân của họ. Nó được xây dựng trên những lời giáo huấn về lễ, trung, thiện, nghĩa và nổi bật nhất là việc kiếm tìm chân lý. Mỗi một triều đại đều hiểu được tầm quan trọng của tâm linh, và mặc dù mỗi sự thay đổi triều đại đều rất hỗn loạn, sau sự thay đổi đó người Trung Quốc lại sống hàng trăm năm trong mối quan hệ hài hòa.
Thời kỳ thống trị của đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tuy vậy, lại khác biệt so với bất kỳ thời kỳ nào trong lịch sử của Trung Quốc.
Kể từ khi nắm quyền cai trị Trung Quốc vào năm 1949, ĐCSTQ đã biến dân chúng của mình thành kẻ thù bằng cách tiến hành vô số các chiến dịch chống lại họ và bằng cách khiến dân chúng chống đối nhau nhằm chệch đi sự chú ý vào nạn tham nhũng của chính chế độ này. Kết quả là gần 80 triệu người dân đã chết một cách không tự nhiên.
Đảng đã tạo ra hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác: nạn đói lớn của năm 1950 được tạo ra bởi chế độ này trong suốt thời kỳ gọi là “Đại Nhảy Vọt”, Cách Mạng Văn Hóa kinh hoàng kết thúc vào giữa những năm 70 nhắm vào và hủy diệt toàn bộ hệ thống tinh thần tiềm ẩn khả năng đưa quyền lực vào tay dân chúng, cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989, cuộc bức hại Pháp Luân Công đang tiếp diễn, v.v. Kết quả là, mỗi gia đình ở Trung Quốc có ít nhất một người thân phải đối mặt việc bị ĐCSTQ bức hại. Ngoài ra, một phần do không ngớt bị khủng bố, nhiều người Trung Quốc mù quáng lao theo ĐCSTQ và tuyên truyền của nó.
Tình trạng đạo đức tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc
Trung Quốc của ĐCSTQ trở thành một nơi mà người ta bị buộc phải sống không có tự do tín ngưỡng, nơi mà mọi người sợ phát ngôn sai ở nơi công cộng vì lo sợ bị bắt và tra tấn, và nơi mà việc nghĩ đến những người khác, đứng lên vì nguyên tắc đạo đức, và hành động chính trực bị thay thế bằng tâm sợ hãi, tật đố, ích kỷ, và sự thờ ơ lãnh đạm.
Người Trung Quốc chứng kiến hàng ngày việc bắt bớ phi lý, ngược đãi, phân biệt đối xử và xóa bỏ nhân tính của các nhóm người trên khắp Trung Quốc: các cuộc tấn công nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng, các đợt trừng trị thẳng tay đối với nhà thờ Cơ Đốc giáo và đức cha Thiên Chúa giáo, việc bịt miệng và giam giữ các luật sư nhân quyền, sự bất công áp đặt lên những người bị phá hủy nhà để làm giàu cho các quan chức địa phương, các mối đe dọa đối với các bậc cha mẹ nhằm chấm dứt việc phản đối về việc con cái thiệt mạng khi trường học bị đổ sập trong trận động đất Tứ Xuyên — danh sách này dài vô tận.
Trong mười hai năm qua, xã hội Trung Quốc cũng chứng kiến việc bắt bớ, tra tấn, và sát hại các học viên Pháp Luân Công. Hàng chục nghìn học viên bị giam giữ đã bị sát hại bởi các bệnh viện công để cung cấp nhiên liệu cho nền du lịch cấy ghép tạng nhiều tỷ đô la của chế độ này.
Càng ngày càng thấy rõ ảnh hưởng của những tại họa này đối với cái khung đạo đức của xã hội.
Tôi đã xem một thước phim trên YouTube về một em bé hai tuổi đi lang thang không có cha mẹ ở bên trên một con phố ở Trung Quốc nơi em bị xe tải đâm hai lần và nằm hấp hối trên đường. 18 người đi qua mà không dừng lại hay giúp đỡ. Vì tiền, các nhà sản xuất Trung Quốc bán sữa nhiễm độc, thức ăn trẻ em nhiễm độc, các loại thuốc được pha loãng hay bị hỏng, và ván lát tường bị nhiễm bẩn cho người tiêu dùng.
Nhìn đến tương lai
Mỗi sáng Chủ Nhật, mẹ tôi và tôi cùng nhau tập các bài công pháp Pháp Luân Công ở một công viên gần nhà. Thỉnh thoảng, trong khi ngồi thiền tôi mở mắt và nhìn thân hình mảnh mai ở tuổi 70 khi bà ngồi trong tư thế chuẩn, mắt của bà hơi nhắm khẽ cùng với vẻ mặt tươi cười. Bà trông thật thanh thản. Tôi nhớ lại thời những trận đánh lộn và tính nóng nảy làm tan nát gia đình vốn không mấy hạnh phúc của chúng tôi. Với tôi nó quả như một phép màu kỳ diệu làm thế nào mà chưa đầy một năm môn tập luyện tinh thần có vẻ đơn giản này đã mang đến sự êm đềm cho cuộc sống của gia đình tôi.
Vẻ bình thản trên khuôn mặt mẹ tôi hoàn toàn tương phản với nét mặt sửng sốt của những người Trung Quốc trên Quảng trường Thiên An Môn vào ngày hôm đó.
Họ đã quên rằng thuở ban đầu Pháp Luân Công đã được tặng thưởng và ngợi ca bởi ĐCSTQ vì những lợi ích mà nó mang lại cho người dân Trung Quốc. Thậm chí nó còn được tán dương bởi Cục Công An vì “mang tinh thần chống tội phạm trở lại với Trung Quốc”. Chẳng được bao lâu cho đến khi sự phổ biến của Pháp Luân Công có thể là mối đe dọa đối với nhà nước đã đồi bại và nỗi lo sợ rằng quyền lực sẽ vào tay dân chúng.
Mãi cho đến năm 2006 khi toàn thế giới cuối cùng có được câu trả lời rõ ràng về lý do tại sao ĐCSTQ tiếp tục đàn áp Pháp Luân Công. Ông Chen Yonglin, một quan chức đại sứ quán Trung Quốc cấp cao ở Australia đã từ nhiệm và tuyên bố: “Đảng Cộng Sản Trung Quốc luôn dựa vào bạo lực, lừa dối, và chủ trương thuyết vô thần để duy trì quyền lực của nó. Họ không thể hiểu được những nỗ lực hòa bình nhằm bảo vệ tự do tín ngưỡng của các học viên Pháp Luân Công. Bây giờ, họ thấy họ không thể để nhân dân biết được những gì đã được làm đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc”.
Ngày hôm nay, hàng triệu người trên thế giới trân quý những lời dạy của Pháp Luân Công và trọng tâm của giá trị đạo đức mà nó mang đến cho cuộc sống của họ. Đó là điều gì đó mà Trung Quốc vô cùng cần đến.
Mười năm sau, các cuộc thỉnh nguyện của chúng tôi được kết hợp bởi rất nhiều hành động từ những học viên và người dân cùng chia sẻ quan điểm.
Hàng triệu học viên ở nội địa Trung Quốc tiếp tục vận hành các xưởng gia đình nơi mà họ in các truyền đơn và tờ bướm để phân phát cho những người đồng hương của họ. Bên ngoài Trung Quốc, các học viên Pháp Luân Công đã tạo ra những bức tường lửa đích thực để phá vỡ sự phong tỏa Internet của chế độ Trung Quốc. Cùng với dòng thông tin mới này trên 100 triệu người Trung Quốc ở trong và ngoài Trung Quốc đã tuyên bố thoái khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó.
Hàng nghìn quan chức chính phủ từ các quốc gia trên khắp thế giới đứng lên ủng hộ Pháp Luân Công. Hàng triệu người trên khắp thế giới ký tên thỉnh nguyện và viết thư kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại phi pháp và mang những kẻ chịu trách nhiệm ở Trung Quốc ra trước công lý.
Mặc dù đã mười năm qua đi, vậy mà cảm giác như chỉ mới ngày hôm qua. Tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực khi tôi phóng nhanh trên một chiếc xe kéo chạy qua Bắc Kinh trở về khách sạn trong khi Quảng trường Thiên An Môn mờ dần ở phía sau. Tôi chỉ có một câu hỏi duy nhất là: Chúng ta thành công hay đã thất bại?
Mười năm sau, tôi cảm thấy vô cùng vinh dự được tham gia vào một phong trào tiếp tục dũng cảm đứng lên đối mặt với chế độ độc tài để bảo vệ những người khác.
Xuyên suốt lịch sử, thiện và ác diễn ra trong những câu chuyện kinh hoàng và đầy cảm hứng. Ranh giới đã được vạch rõ nhiều lần không đếm xuể. Ngày hôm nay, chúng tôi giữ chặt trong trái tim mình một mong muốn rằng càng ngày sẽ càng có thêm nhiều người đứng về bên chính nghĩa.
(*): Joel Chipkar là người môi giới bất động sản và là luật sư nhân quyền sống ở Toronto, Canada. Xem đoạn video mà Chipkar ghi được tại https://en.minghui.org/html/articles/2001/11/26/16209.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2011/11/29/129752.html
Đăng ngày: 21– 12– 2011. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.