Từ Pháp Hội chia sẻ kinh nghiệm trên Internet dành cho các học viên ở Trung Quốc lần thứ tám.

Bài viết của một đệ tử Đại Pháp ở Đại Liên, tỉnh Lao Ninh, Trung Quốc

(MINH HUỆ 04-12-2011) Kính chào Sư Phụ tôn kính! Xin chào các bạn đồng tu!

Tôi viết ra một vài kinh nghiệm tu luyện của mình và muốn chia sẻ với các bạn học viên.

Thực tu bản thân trong môi trường gia đình

Tôi năm nay 59 tuổi. Tôi phải làm tất cả việc nhà bao gồm việc đi chợ mua rau, nấu ăn, giặt là, lau nhà, v.v… Chồng tôi thất nghiệp từ vài năm trước và không đi làm kể từ đó. Ông ấy chơi mạt chược cả ngày. Có lần tôi nói đùa với ông ấy, “Anh thật may mắn, anh không phải làm việc gì và dựa vào em để sống.” Ngay lập tức ông ấy nhảy bổ khỏi ghế sofa, ném tờ báo của ông ấy xuống đất và la mắng tôi. Thậm chí ông ấy còn hành xử như thể sắp đánh tôi. Tôi bàng hoàng, nhưng chịu nhẫn nhục. Tuy nhiên, điều tôi nói là đúng sự thật: ông ấy không làm việc gì trong suốt tám năm qua ngoại trừ việc ở nhà, và ông ấy mới chỉ ở độ tuổi ngoài 50. Tại sao ông ấy không thể ra ngoài và kiếm một việc làm? Tôi đã giúp ông ấy kiếm việc làm nhưng ông ấy luôn phàn nàn rằng lương việc đó thấp hay nơi làm việc quá xa nhà. Ông ấy luôn có lý do nào đó để không phải làm việc. Tôi thường tự hỏi mình, “Có phải tôi vẫn còn chấp trước vào lợi ích cá nhân? Có thể tôi đã nợ ông ấy trong kiếp trước.” Tôi biết chịu thống khổ thực sự là một việc tốt. Để tiết kiệm tiền, hàng ngày tôi đi mua thức ăn ở một chợ xa nhà nơi mà mọi thứ rẻ hơn. Sau mỗi bữa tối, ông ấy đi xem TV và không bao giờ rửa bát đĩa. Tôi thậm chí còn tức giận hơn khi ông ấy xin tôi 8,000 nhân dân tệ để trả cho một người mà ông đã vay để chơi mạt chược. Nhìn khuôn mặt buồn rầu của ông, tôi cảm thấy giận dữ và lo lắng.

Đêm hôm đó, tôi không thể ngủ được. Nguyên lý của vũ trụ chính là một người phải trả thứ mà họ đã nợ. Có phải tôi đang bị động tâm bởi số tiền nợ của chồng? Chẳng phải nó nhắm vào chấp trước của tôi hay sao? Sư Phụ giảng trong bài “Giảng Pháp tại Pháp hội thành phố Los Angeles [2006]”:

“…đã là người tu luyện thì nhất định phải dùng phương thức của người tu luyện, dùng tư tưởng của người tu luyện mà suy xét vấn đề, quyết không thể dùng tư tưởng của người thường để suy xét vấn đề. Chư vị gặp phải vấn đề nào thì cũng không phải là giản đơn, không phải ngẫu nhiên, đều không phải là vấn đề người thường, nhất định có quan hệ với tu luyện, có quan hệ với đề cao của chư vị.”

Từ trong Pháp tôi ngộ ra rằng gia đình cũng là một môi trường tu luyện, do vậy nó ắt phải liên quan đến sự đề cao của tôi. Tôi nhắc nhở bản thân rằng Sư Phụ yêu cầu chúng ta luôn luôn cân nhắc tới người khác và tôi nhận ra rằng người mà đã cho chồng tôi vay tiền sẽ lo lắng nếu số tiền đó không được trả lại. Nghĩ tới điều này, ngay lập tức tôi đi rút đủ 8,000 nhân dân tệ ở ngân hàng và để chồng tôi nhanh chóng đi trả lại số tiền đó. Sau khi ông ấy đi khỏi, tôi đã khóc rất nhiều. Tôi luôn sống tằn tiện nhưng lại rất hào phóng với người khác. Tôi phải buông bỏ chấp trước về tiền tài và vật chất. Tuy nhiên sau khi tôi đưa tiền cho ông ấy, tôi lại hay nghĩ về việc tôi đã bị đối xử tệ bạc trước kia như thế nào, đặc biệt khi ông ấy nổi nóng và la mắng tôi. Những ký ức này xuất hiện đi xuất hiện lại trong tâm trí tôi.

Mặc dù tôi đã không cãi vã với ông ấy, nhưng tôi không thể buông bỏ được ở trong tâm. Số tiền 8,000 nhân dân tệ đó đã làm cho tôi coi vấn đề mất và được nhẹ hơn. Sư Phụ giảng trong Chuyển Pháp Luân,

“Như mọi người đã biết, [khi đã] đạt đến tầng La Hán, [thì] gặp sự việc gì cũng không để trong tâm, hết thảy những sự việc nơi người thường đều hoàn toàn không để tâm, đều là vui vẻ thoải mái; chịu thiệt thòi lớn đến mấy, vẫn cứ vui vẻ thoải mái”

Chẳng phải chúng ta muốn tu luyện tới một tầng cao hơn La Hán hay sao? Nếu chúng ta mất đi thứ gì đó, chắc chắn phải có nguyên nhân trong đó.

Ông ấy thường phát hỏa khi bị tôi phê bình. Liệu tôi có vấn đề như vậy hay không? Tôi hướng nội tìm và nhận thấy tôi cũng có vấn đề như vậy. Phản ứng của ông ấy với tôi vào ngày hôm đó chính là đang nhắm thẳng vào cái tâm đó của tôi. Nếu ông ấy không phản ứng mạnh mẽ thì tôi đã không tìm ra vấn đề của chính mình.

Trong hai người chúng tôi thì ông ấy thường là người điềm tĩnh hơn, và tôi có khuynh hướng hay lên lớp và chỉ huy người khác. Chỉ cần ông ấy phê bình tôi một tý là tôi không thể chịu đựng được. Tôi thuộc tuýp người hai mặt, và không đối đãi với bản thân như một người tu luyện khi ở nhà. Tuy nhiên, trước mặt người khác, đặc biệt là những đệ tử Đại Pháp, tôi thường ra vẻ rất tinh tấn và nói năng chiểu theo Pháp. Những người khác cứ nghĩ tôi tu luyện tốt, nhưng thực tế đó chỉ là sự hiển thị và chứng thực bản thân của tôi. Tôi không coi gia đình tôi như một môi trường tu luyện.

Sau khi tôi phát hiện ra những tâm không đúng này, cuộc sống gia đình tôi đã trở nên tốt hơn, và giờ đây chúng tôi tôn trọng lẫn nhau. Khi mâu thuẫn phát sinh, ông ấy nhận đó là lỗi của ông và tôi nhận đó là lỗi của tôi. Đại Pháp thật sự tuyệt vời. Miễn là bạn tu luyện tốt bản thân, môi trường xung quanh sẽ thay đổi. Thái độ của ông ấy đối với Đại Pháp đã thay đổi rất nhiều. Khi có người nói xấu Đại Pháp, ông ấy sẽ chỉ vào người đó và hét lên, “Im ngay! Anh không biết gì về Pháp Luân Công phải không? Nếu anh không biết, đừng có nói bậy bạ.”

Khi bạn đề cao tầng thứ thông qua việc liên tục học Pháp, mọi thứ sẽ thay đổi. Thực sự là bạn có thể vô cầu mà đắc.

“Tu tại tự kỷ, công tại Sư Phụ” (Chuyển Pháp Luân).

Một hôm con trai tôi đột nhiên nói với tôi rằng nó muốn học Đại Pháp. Tôi đưa cho nó cuốn Chuyển Pháp Luân và nó đã háo hức đọc. Trước ngày 20 tháng 7 năm 1999, tôi thường đưa nó đến nhóm học Pháp khi nó vẫn còn là học sinh tiểu học. Sau đó, nó đã bước vào cửa tu luyện Đại Pháp.

Những chiếc răng của tôi

Một chiếc răng cửa của tôi bị rụng và tôi đã đến một phòng nha khoa tư nhân để chữa. Khi bác sĩ đang bịt đầu răng của tôi, ông ấy nhìn thấy lợi của tôi bị viêm và sưng tấy. Còn có cả máu và mủ cộng thêm với việc dây thần kinh bị hở. Ông ấy sợ quá không dám bịt đầu răng và nói rằng làm thế rất nguy hiểm. Tôi không hề động tâm mà nói với ông ấy rằng “Tôi tập Pháp Luân Công. Tôi là một người tu luyện, và mọi thứ sẽ tốt đẹp sau khi tôi trở về nhà và tập công.” Tôi nói với ông ấy về sự tuyệt vời của Đại Pháp, nhưng ông ấy vẫn không yên tâm bịt đầu răng cho tôi. Ông nói rằng một khi bên trong bị viêm nhiễm mà bịt đầu răng vào thì viêm nhiễm có thể lan tới não.

Tôi quả quyết rằng ông ấy cứ việc bịt răng. Ông ấy không còn lựa chọn nào khác và nói rằng, “Bà hãy ký vào đây-bà tự chịu trách nhiệm cho sự an nguy của mình.” Tôi nói,“Xin đừng lo.” Sau khi trở về nhà, tôi lập tức học Pháp.

Thời gian lâu sau, răng của tôi vẫn ổn và không bị sưng hay đau. Dần dần, tôi nghĩ đó là do tôi tu luyện tốt, và tôi sinh tâm hiển thị. Thực tế, sau khi tôi trở về nhà từ phòng khám tối hôm đó, tôi đã bị sốt và bị đau răng. Tôi nằm trên giường và nhẩm đọc luận ngữ trước khi ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau khi tôi thức dậy, mọi thứ lại tốt đẹp Thực sự là Sư Phụ đã chịu đựng thay tôi nhưng tôi lại nghĩ rằng do tôi tu luyện tốt. Dần dần, tôi buông lơi tu luyện và muốn ăn hết thứ này đến thứ khác. Có nhiều thứ mà trước kia tôi không thể ăn vì đau răng, nhưng giờ tôi đã có thể ăn chúng. Một hôm, tôi cảm thấy lạnh toát toàn thân. Răng của tôi đau đến nỗi mà tôi không thể mở mắt ra. Tôi nghĩ rằng nó sẽ ổn khi tôi thức dậy vào ngày hôm sau. Tôi đã hẹn những người bạn cùng lớp cũ đi bơi vào ngày hôm sau. Mặt của tôi không thể bị sưng được vì họ đều biết rằng tôi tu luyện Đại Pháp. Tôi không thể làm ô uế thanh danh Đại Pháp, nhưng tối hôm đó tôi không thể ngủ được. Tôi đã phủ hai lớp chăn lên người mà vẫn cảm thấy rất lạnh. Răng của tôi đau đến nỗi tôi không thể ngậm miệng vào được và liên tục nhỏ rãi. Sáng hôm sau, tôi soi gương. Cả khuôn mặt của tôi sưng lên và tôi không thể mở được miệng ra nhưng tôi vẫn đi tới bể bơi. Các bạn cùng lớp nhìn tôi và hỏi tôi có chuyện gì. Khoảng 2 giờ chiều, vết sưng trở lên tệ hơn và tôi bị sốt. Thậm chí tôi còn không thể nhìn thấy chân của mình. Tất cả họ đều sợ hãi và muốn đưa tôi đến bệnh viện. Tôi nói, ”Không cần đâu. Tôi sẽ về nhà. Chúc các bạn vui vẻ.” Tôi cố chịu cơn đau và trở về nhà với hai bàn tay ôm mặt. Tôi soi gương và thấy mũi của mình bị biến dạng, mí mắt dưới của tôi bị lộn ra ngoài và miệng tôi cũng sưng tấy nghiêm trọng. Tôi lấy tay cậy môi ra và thấy lợi của mình sưng phồng lên và mọi thứ đều bị viêm áp-xe.

Tôi lấy tay che miệng của mình lại, tôi sợ phải hít hơi vào vì nó làm cho răng của tôi vô cùng đau đớn. Trong tâm tôi gọi thầm Sư Phụ và không cầm được nước mắt. Tôi không nên đối xử với sự từ bi của Sư Phụ một cách tùy tiện như vậy, và không nên coi đó là một chuyện nhỏ. Sau khi tôi đi bịt răng, tôi đã ăn tất cả các loại đồ ăn mà tôi nhìn thấy. Tôi nghĩ đến bữa tối ngay sau khi tôi nấu xong bữa trưa. Tôi cố gắng nấu các loại thức ăn khác nhau. Tôi lãng phí thời gian vào việc mua sắm, nấu nướng và ăn uống, quên mất rằng mình là một người tu luyện. Sư Phụ muốn chúng ta tranh thủ làm ba việc, nhưng tôi lại buông thả bản thân và sơ hở của tôi đã bị cựu thế lực dùi vào.

Ngay lập tức tôi ngồi xuống và phát chính niệm để giải thể sự can nhiễu và bức hại của cựu thế lực, “Sư Phụ, đệ tử của Ngài đã sai. Từ nay trở đi, con sẽ sửa đổi bản thân khi con tìm ra thiếu sót của mình.” Tôi cảm thấy khá hơn khi thức dậy vào sáng hôm sau. Vết sưng tấy đã biến mất, mắt mũi của tôi đã trông bình thường trở lại. Chồng của tôi nói, “Anh thật sự ngạc nhiên. Bệnh đó xảy đến thật nhanh, và biến mất cũng thật nhanh. Hôm qua thật là kinh khủng nhưng hôm nay mọi thứ lại ổn rồi.”

Hơn nữa, tôi còn có tâm hiển thị rất mạnh mẽ. Một chiếc răng bị rụng ra nhưng một chiếc mới mọc lên thay vào chỗ đó. Tôi nghĩ rằng tôi tu luyện tốt. Tôi thường nói với người khác rằng Đại Pháp thật siêu thường và không gì là không thể miễn là tôi tu luyện tốt. Tôi nói với họ rằng tôi có răng mới mọc ngay cả khi tôi đã ngoài 50 tuổi. Khi được người khác khen, tôi cảm thấy rất vui và tâm hoan hỷ của tôi nổi lên. Không lâu sau đó, tôi bị rụng một chiếc răng khác và một chiếc mới lại bắt đầu mọc lại. Nhìn vào đầu chiếc răng mới nhú, tôi thường sờ vào nó và muốn nó mọc nhanh hơn. Tuy nhiên, nó đã biến mất trở lại vào trong lợi. Tôi biết đó là để loại trừ chấp trước của tôi. Tu luyện là việc nghiêm túc – chúng ta ở đây là để chứng thực Pháp chứ không phải chứng thực bản thân. Sẽ xuất hiện vấn đề một khi niệm của chúng ta khởi lên không chính.

Đây là một vài kinh nghiệm tu luyện của tôi. Tôi biết nó vẫn còn xa so với những tiêu chuẩn mà Sư Phụ yêu cầu. Chúng ta cần tinh tấn hơn nữa và hoàn thành thệ ước lịch sử trợ Sư Chính Pháp của chúng ta.

_______________________________________

Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2011/12/4/明慧法会—在现实生活中 的两段实修经历-249510.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2011/12/14/130093.html

Đăng ngày: 21-12-2011, bản dịch sẽ được chỉnh sửa trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share