Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Los Angeles, Hoa Kỳ

[MINH HUỆ 15-6-2023] Ngày 6 tháng 6 năm 2023, một cư dân ở Los Angeles, California và những người ủng hộ bà đã tổ chức một cuộc mít-tinh trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles, kêu gọi ngay lập tức trả tự do cho em gái và hai cháu trai của bà bị giam giữ ở Trung Quốc vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Bà Khang Thục Chi (Karen) cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế và các tổ chức nhân quyền giúp giải cứu cháu trai của bà là anh Trương Hỗ (33 tuổi), em gái bà Karen (mẹ anh Trương Hỗ) là bà Khương Thục Mai (60 tuổi), và người anh họ 52 tuổi của anh Trương Hỗ, ông Hầu Lợi Quân (có mẹ là bà Khương Thục Cầm (chị gái của bà Karen, đã qua đời vào năm 2020 sau khi bị cầm tù 11 năm vì tu luyện Pháp Luân Công). Cả ba người họ đều sinh sống ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây.

2023-6-14-la-rescue-hou-lijun.jpgBà Khang Thục Chi (ở giữa) kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho cháu trai của bà, ông Hầu Lợi Quân, em gái bà Khang Thục Mai, và con trai của bà ấy, anh Trương Hỗ.

Anh Trương Hỗ và mẹ anh, bà Khang Thục Mai, đã bị bắt vào ngày 31 tháng 10 năm 2022. Tài sản cá nhân của họ, gồm một chiếc xe ô tô, một máy tính và một máy in đã bị tịch thu.

Bà Khương Thục Mai hiện đang bị giam trong Trại tạm giam số 4 thành phố Cổ Giao và anh Trương bị giam tại trại tạm giam Số 1 thành phố Thái Nguyên. Cả hai đều bị tước quyền thăm thân. Việc họ bị bắt và giam giữ đã khiến người cha già 94 tuổi của hai chị em bà Khang rơi vào tình cảnh thê thảm, vì ông cụ phải dựa vào sự chăm sóc của bà Khang và anh Trương.

Sáu tháng sau khi người em họ và dì bị bắt, ông Hầu Lợi Quân cũng bị bắt vào ngày 25 tháng 4 năm 2023 và bị giam ở trong trại tạm giam Số 1 thành phố Thái Nguyên. Ông bị bắt sau khi trải qua hơn 20 năm sống lưu lạc để tránh bị bức hại vì đức tin của mình vào Pháp Luân Công.

Ông Hầu đã tuyệt thực suốt 48 ngày qua kể từ khi bị bắt vào ngày 13 tháng 6. Ông bị bức thực mỗi ngày và đến nay ông đã sụt 25 kg và đang ở trong tình cảnh hiểm nghèo.

Thẩm phán Cao Ái Bình của quận Vạn Bách Lâm đã kết án ông Hầu 10 năm tù không lâu sau vụ bắt giữ ông. Thẩm phán đẩy nhanh quá trình truy tố ông Hầu nhằm nhanh chóng khép lại vụ án của ông từ hơn 20 năm trước, khi ông trốn thoát khỏi sự giam giữ của cảnh sát sau khi bị bắt trong một cuộc bắt giữ theo nhóm vào ngày 1 tháng 10 năm 2002.

Ông Hầu đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp thành phố Thái Nguyên và cơ quan này đã tuyên ông y án. Ông đã bị đưa đến Nhà tù huyện Kỳ và ở đây ông tiếp tục tuyệt thực để phản bức hại.

Bà Karen nói: “Tôi cực lực lên án Đồn Công an Tiểu Tỉnh Dục trong việc bắt giữ cháu trai tôi là Hầu Lợi Quân. Tôi mạnh mẽc yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho cháu tôi. Tôi cũng mạnh mẽ yêu cầu Công an thành phố Cổ Giao trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho em gái tôi là Khang Thục Mai và con trai của Trương Hỗ của cô ấy.”

Bà Karen nói rằng sau khi ông Hầu bị bắt, cảnh sát địa phương không đưa ra bất kỳ văn bản chính thức nào về vụ bắt giữ hoặc giam giữ ông, hoặc cho phép gia đình ông vào thăm. Bà nói rằng lính canh của trại tạm giam Số 1 thành phố Thái Nguyên đã bức thực ông Hầu 3 lần trong 1 ngày. Bởi sự bức thực vô cùng tàn nhẫn và gây đau đớn, nên bà rất lo lắng cho cháu mình.

Sự bức hại ông Hầu

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, vô số học viên và thân nhân của họ đã phải đối mặt với việc bắt bớ, sách nhiễu, giam giữ và tra tấn không ngừng, bao gồm cả gia đình họ Khang. Trong số họ, ông Hầu và mẹ ông, bà Khương Thục Cầm, đã bị bức hại nặng nề nhất.

Ông Hầu, cựu nhân viên bảo vệ tại Ngân hàng Công thương Thái Nguyên, đã bị bắt giữ lần đầu tiên vào ngày 21 tháng 7 năm 1999, khi ông đến chính quyền tỉnh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Ông bị giam giữ ở trong trại tạm giam quận Bắc Thành.

Tháng 1 năm 2000, ông Hầu lại bị bắt khi đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện. Ông bị đưa trở lại Thái Nguyên và bị kết án 2 năm lao động cưỡng bức sau 1 tháng bị giam trại tạm giam quận Nam Thành.

Hòng ép ông Hầu từ bỏ Pháp Luân Công, lính canh chỉ cho phép ông ngủ 2 tiếng mỗi đêm và bố trí tù nhân giám sát ông. Lính canh đốt tóc, đánh đập, chửi mắng và bắt ông lao động không công. Chỉ qua vài ngày, ông tiều tụy hẳn đi.

Ông Hầu và mẹ của ông bị bắt trong một vụ bắt giữ hàng loạt 64 học viên địa phương vào ngày 1 tháng 10 năm 2002. Trong số đó, 23 học viên đã bị kết án tù và nhiều người khác đã lĩnh án lao động. Bà Khương bị kết án 11 năm tù. Bà và 5 học viên khác sau này đã qua đời do bị bức hại.

Lương Chí Cường và Tần Phong của Đồn Công an Vạn Bách Lâm đã đưa ông Hầu đến văn phòng của họ vào sáng ngày 20 tháng 10 năm 2002. Họ còng tay ông ra sau lưng rồi nhấc bổng ông lên và quăng mạnh ông xuống sàn bê tông.

Ông Hầu bắt đầu tuyệt thực vào ngày 20 tháng 10 năm 2002. Sáu ngày sau, các cảnh sát Trịnh Vĩnh Sinh, Thường Bân Lễ và Trương Kiến Cương đã sốc điện ông bằng những chiếc dùi cui điện 180.000 vôn trong thời gian dài. Hứa Phú Quốc của Đồn Công an Vạn Bách Lâm cũng tham gia vào vụ tra tấn.

Bà Karen kể lại: “Cảnh sát đã lột quần áo của cháu tôi, đè cậu ấy xuống nền bê tông và đặt 3 chiếc ghế lên người cậu ấy để đảm bảo cậu ấy không cựa quậy được. Sau đó, họ không ngừng sốc điện cậu ấy từ đầu đến chân, kể cả vùng kín. Cảnh sát Lương Chí Cương hét lên: ‘Hãy sốc điện vào mắt nó và khiến nó đui mù!’”

Do bị sốc điện, đầu và mặt của ông Hầu nổi đầy những vết phồng rộp lớn. Vết thương trên đầu ông chảy máu và phần mặt bên trái của ông bị bỏng nặng. Trong vài ngày kết tiếp nó vẫn không ngừng chảy ra dịch mủ màu vàng. Đầu và mặt của ông cũng bị biến dạng. Ông yếu đến độ không thể đứng dậy nổi và bắt đầu mất ý thức. Cả căn phòng nồng nặc mùi thịt cháy khét.

Sau khi trời tối, cảnh sát trói tay và chân ông Hầu vào một chiếc ghế sắt và đưa ông đến trại tạm giam quận Vạn Bách Lâm vào lúc nửa đêm. Do vết thương quá nghiêm trọng, nên ban đầu lính canh đã từ chối tiếp nhận ông. Sau đó, cảnh sát hướng dẫn trại tạm giam ghi lại tình trạng của ông Hầu, để miễn trừ trách nhiệm của họ về thương tích của ông, trước khi các lính canh đồng ý nhận ông. Khi ông Hầu bị đưa đến phòng giam, tất cả tù nhân ở đây đều sốc khi thấy ông bị thương nặng như vậy.

Bà Karen kể lại: “Từ đó cháu tôi bị đau thận dữ dội. Bác sỹ cho biết cháu bị suy tim và suy thận và đưa ra hai thông báo về tình trạng nguy kịch của cháu”.

Sau 105 ngày tuyệt thực, ông Hầu đã tìm được một cơ hội trời cho để trốn thoát khỏi trại tạm giam và sống lưu lạc trong 20 năm tiếp theo trước khi ông bị bắt trở lại gần đây.

Cái chết của bà Khang Thục Cầm

Mẹ của ông Hầu, bà Khang Thục Cầm là giáo viên của Trường Trung học 45 thành phố Thái Nguyên. Thời gian rảnh, bà làm điều phối viên tình nguyện cho điểm luyện công ở Thái Nguyên. Sau khi cuộc bức hại bắt đầu, bà đã bị giam giữ 3 lần và bị kết án 1 năm trong trại lao động trước khi bị bắt lần cuối vào tháng 10 năm 2002.

Trong khi ông Hầu trốn thoát khỏi bị giam giữ vào năm 2002, bà Khương bị kết án 11 năm trong Nhà tù Nữ tỉnh Sơn Tây, nơi bà bị sốc điện bằng dùi cui điện, cấm ngủ và bị bức hại bằng thuốc hướng thần.

Do bị tra tấn kéo dài, chân của bà Khương bị sưng phù nghiêm trọng và bà không thể co gập chúng lại, khiến bà đi lại vô cùng khó khăn. Để gia tăng sự đau khổ cho bà, tù nhân đã mở cửa sổ vào mùa đông và để gió lạnh lùa vào người bà. Bà cũng bị bỏ đói dài ngày.

Cuối cùng khi bà Khang được trả tự do sau khi sống sót qua 11 năm ngục tù, cảnh sát vẫn tiếp tục theo dõi cuộc sống hàng ngày của bà. Họ không chỉ bố trí nhân viên cộng đồng theo dõi mà còn cài đặt các thiết bị nghe lén ở trong nhà bà.

Hiệu trưởng Tôn Xuân Ngạn của Trường Trung học 45 thành phố Thái Nguyên và chủ nhiệm văn phòng trường học là Trương Hiểu Bân đã đình chỉ lương hưu của bà Khương trong hơn 10 năm, khiến bà và gia đình rơi vào tình cảnh tài chính khó khăn.

Không chống chọi nổi trước cuộc bức hại, bà Khương đã qua đời vào năm 2020. Cái chết của bà giáng một đòn nặng nề vào chồng bà, người đã bị đột quỵ và mất khả năng lao động.

Bà Karen nói: “Trong suốt lịch sử, công lý luôn luôn chiến thắng. Những kẻ bức hại người tốt sớm muộn gì cũng sẽ bị đưa ra trước công lý. Tôi kêu gọi tất cả cảnh sát và những người công tác trong các cơ quan tư pháp hãy ngay lập tức ngừng tham gia vào cuộc bức hại và thả ba thành viên gia đình tôi ra!”

Danh tính và thông tin liên lạc của các thủ phạm bức hại:

Dương Xuân Sinh (杨春生), trưởng khu 15 của Nhà tù Cẩm Châu: +86-15303545699
Trương Chí Minh (张志明), chính ủy của Nhà tù Cẩm Châu
Cao Ái Bình (高爱平), thẩm phán của Tòa án quận Vạn Bách Lâm: +86-13835853588

(Thông tin liên lạc của các thủ phạm bức hại khác có trong bản gốc tiếng Trung).

Bài liên quan bằng tiếng Anh:

Shanxi Man Arrested After 20 Years of Displacement, on Hunger Strike for Over a Month

Bài liên quan bằng tiếng Trung:

被迫流离失所20年-侯利军被劫持到山西男子监狱

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/6/15/462014.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/6/17/209917.html

Đăng ngày 02-07-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share