Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 30-04-2023] [Ghi chú của biên tập viên: Bà Dương Kim Hoa, quê ở thành phố Lai Tây, tỉnh Sơn Đông, đã đào thoát khỏi Trung Quốc vào ngày 30 tháng 7 năm 2014 để tránh bị bức hại vì đức tin của bà vào Pháp Luân Đại Pháp, còn được gọi là Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Sau khi đọc thông tin không bị kiểm duyệt bên ngoài Trung Quốc, bà Dương nhận ra rằng mình có thể đã là một mục tiêu của ĐCSTQ trong hoạt động mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống. Bà kể lại việc một bác sỹ đã từng rút một lượng lớn máu của bà vào năm 2004, khi bà đang bị giam giữ ở Trung Quốc vì kiên định đức tin của mình. Họ thông báo với bà rằng đó chỉ là một cuộc kiểm tra thể chất, nhưng bà chưa bao giờ nhận được kết quả kiểm tra.

Bà đã làm chứng tại phiên điều trần công khai thứ hai Tòa án Nhân dân Độc lập (còn được gọi là Tòa án Trung Quốc) ở London vào hai ngày 6 và ngày 7 tháng 4 năm 2019. Ngài Geoffrey Nice – cố vấn của Nữ hoàng – chủ trì tòa án, cùng với bảy chuyên gia được giao nnhiệm vụ tiến hành cuộc phân tích độc lập đầu tiên trên thế giới về việc cưỡng bức mổ lấy nội tạng ở Trung Quốc.

Trong báo cáo này, bà Dương đã kể chi tiết hơn về sự bức hại mà bà đã phải chịu đựng khi còn ở Trung Quốc.]

Tên tôi là Dương Kim Hoa, năm nay tôi 51 tuổi. Tôi đã làm việc tại Xưởng Số 1 của Nhà máy sản xuất Quần áo thành phố Lai Tây ở tỉnh Sơn Đông cho đến khi nó phá sản vào năm 2002.

Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 10 năm 1998. Sau khi đọc cuốn sách Chuyển Pháp Luân (các bài giảng chính của Pháp Luân Công), tôi hiểu ra mục đích của của nhân sinh là phản bổn quy chân (trở về với chân ngã của mình) và tôi nên sống chiểu theo “Chân-Thiện-Nhẫn” của pháp môn để trở thành một người tốt hơn và biết suy nghĩ cho người khác hơn. Tôi thấy tiếc nuối vì mình đã không học [Pháp Luân Đại Pháp] sớm hơn và tôi tham gia các điểm luyện công tập thể ở công viên địa phương thường xuyên nhất có thể. Mỗi ngày tôi đều cảm thấy hân hoan.

Đêm ngày 19 tháng 7 năm 1999, một người bạn đã cảnh báo tôi không được đến công viên luyện công vào sáng hôm sau vì anh ấy nghe nói Giang Trạch Dân, lãnh đạo của ĐCSTQ khi đó, đã chính thức phát động chiến dịch tiêu diệt Pháp Luân Công vào nó sẽ bắt đầu từ ngày hôm sau. Bất kỳ ai dám luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công ở nơi công cộng sẽ bị bắt và tống giam.

Cuộc bức hại bắt đầu vào ngày hôm sau (20 tháng 7 năm 1999), tất cả phương tiện truyền thông (TV, đài phát thanh và báo chí) đều đồng loạt đăng tải những tuyên tuyền vu khống Pháp Luân Công. Là một người từng được thụ ích từ Pháp Luân Công, tôi cảm thấy mình phải đi nói với chính phủ rằng pháp môn tu luyện này không giống như những gì được miêu tả trong tuyên truyền kia. Vì nỗ lực nâng cao nhận thức về cuộc bức hại Pháp Luân Công, tôi đã bị bắt tổng cộng 12 lần và nhà tôi bị lục soát 3 lần trong vòng 15 năm sau đó — cho đến khi tôi trốn khỏi Trung Quốc vào năm 2014.

Tôi bị bắt giữ nhiều lần và bị giam ở nhiều nơi khác nhau. Tôi bị giam ở trong Trại tạm giữ thành phố Lai Tây 5 lần, Trại tạm giam thành phố Lai Tây 3 lần và Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Số 2 tỉnh Sơn Đông (còn được gọi là Trại Lao động Cưỡng bức Vương Thôn) 2 lần (tổng cộng 5 năm). Cấp trên của tôi đã từng giam tôi ở nhà kho trong 3 tháng. Trong thời gian bị giam cầm, tôi phải chịu đủ loại tra tấn thể xác và lao động cưỡng bức. Ba lần tôi đã bị bất tỉnh sau khi bị sốc điện.

Khi tôi không bị giam giữ, cảnh sát đến sách nhiễu và theo dõi tôi. Điện thoại của tôi bị nghe lén. Tôi buộc phải sống xa nhà tổng cộng 7 năm.

Mẹ tôi bị cưỡng chế giao nộp các sách Pháp Luân Công của bà ngay sau khi cuộc bức hại bắt đầu và do đó bà đã từ bỏ tu luyện. Cảnh sát cũng sách nhiễu bà và bà phải chuyển nhà 3 lần. Sợ bị liên lụy nên các của chị tôi đã cắt đứt quan hệ với tôi.

Hành vi rút máu bí ẩn

Việc rút máu diễn ra vào tháng 10 năm 2004, khi tôi đang bị giam ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Số 2 tỉnh Sơn Đông. Lúc đó tôi 32 tuổi và là người trẻ nhất trong số những người bị giam ở Đội 2. Sáng hôm đó, trưởng nhóm bảo tôi lên xe buýt, tại đây tôi thấy một nam cảnh sát đang đợi tôi. Anh ta không nói cho tôi biết xe buýt đang đi đâu. Các cửa sổ xe đều bị che nên tôi không thể nhìn thấy bên ngoài.

Sau khi xe buýt dừng lại, tôi nhìn thấy một khoảng sân với nhiều căn phòng. Tôi bị đưa đến một căn phòng và một nữ bác sỹ đo huyết áp và nghe nhịp tim của tôi (tôi không thể nhớ mình đã phải trải qua bao nhiêu cuộc khám sức khỏe ở trong trại lao động trước kia). Sau đó tôi bị đưa đến căn phòng thứ hai và một sĩ quan nam ở đó đã ấn mạnh các ngón tay của tôi để lấy dấu vân tay của tôi. Trong căn phòng thứ ba, một nữ bác sỹ khác đã rút từ người tôi được một ống máu to đến nỗi tôi phải giật mình.

Sáng hôm sau, tôi hỏi đội trưởng rằng chuyện gì đang xảy ra trong chuyến xe ngày hôm trước và anh ta nói rằng đó chỉ là một cuộc kiểm tra thể chất. Tôi không bao giờ được cung cấp bất kỳ kết quả nào và dần dần quên nó đi. Thời điểm đó, tôi không hay biết về việc thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ.

Sau khi rời khỏi Trung Quốc vào ngày 30 tháng 7 năm 2014, tôi đã đọc rất nhiều thông tin không bị kiểm duyệt về việc mổ cướp nội tạng sống. Từ đó tôi mới liên tưởng tới cảnh mình từng bị lấy máu và nhận ra rằng mình có thể đã trở thành mục tiêu và nạp vào cơ sở dữ liệu để phục vụ cho việc mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ.

Sự ngược đãi ở trong trại tạm giam

Tôi bị ngược đãi bằng nhiều hình thức ở trong các cơ sở giam giữ khác nhau.

Cưỡng chế tiêm thuốc ở trong bệnh viện tâm thần

Bí thư của Đồn Công an thành phố Lai Tây khi đó là Cẩm Đào. Người này đã gây áp lực buộc gia đình tôi phải đưa tôi đến bệnh viện tâm thần vào ngày 28 tháng 7 năm 1999, chỉ vì tôi đã từ chối viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bệnh viện cưỡng chế tôi uống thuốc tâm thần trước mỗi bữa ăn. Thuốc đó gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng và phá hủy hệ thần kinh trung ương của tôi. Tôi cũng bị buộc phải xem các chương trình truyền hình công kích Pháp Luân Công mọi lúc. Sự đau khổ về thể chất và tinh thần của tôi lúc đó không sao diễn tả hết được. Tôi sẽ không thể vượt qua nếu không kiên định đức tin vào Đại Pháp. Mẹ tôi đã đưa tôi ra ngoài sau 20 ngày, khi bà xoay sở đủ tiền để thanh toán hóa đơn y tế đắt đỏ cho tôi.

Bị giẫm lên đầu bằng ủng ở Nhà tạm trú thành phố Lai Tây

Tôi đã từng bị giam ở trong Nhà tạm trú thành phố Lai Tây. Vào tháng 11 năm 1999, tôi đang học thuộc Pháp (các bài giảng của Pháp Luân Công) thì cảnh sát Ngô ở Đồn Công an Thành Quan nhìn thấy. Anh ta túm tóc, ghì tôi xuống đất và dùng bốt da giẫm lên đầu và người tôi.

Bức thực trong Trại tạm giam Thạch Cảnh Sơn ở Bắc Kinh

Trong khi bị giam ở trong Trại tạm giam Thạch Cảnh Sơn, tôi bị bức thực vào ngày 14 tháng 6 năm 2000 vì tôi tuyệt thực để phản kháng. Họ đưa tôi ra khỏi phòng giam và giữ tôi trên giường ở hành lang. Một số lính canh giữ tay chân của tôi và hai nữ bác sỹ nhét một cái ống vào miệng tôi rồi bức thực tôi bằng nước muối. Chỉ khi miệng tôi chảy máu họ mới dừng tay lại.

Còng tay, quất roi và sốcđiện sau khi bị bắt vào năm 2000

Tôi bị bắt ở Bắc Kinh vào ngày 19 tháng 7 năm 2000 và bị đưa đến Đồn Công an công viên Ngọc Uyên Đàm. Ở đó cảnh sát còng tay tôi vào một cái cây trong công viên suốt 3 tiếng đồng hồ. Tối hôm đó, họ chuyển tôi đến Trại tạm giam thành phố Thạch Gia Trang ở tỉnh Hà Bắc lân cận.

Ngày hôm sau, một lính canh còng tay tôi và đưa tôi đến phòng thẩm vấn rồi xích còng tay vào lưng ghế. Đêm hôm đó, một lính canh khác trói nửa thân trên của tôi vào lưng ghế và hai chân tôi vào băng ghế. Sau đó, anh ta quấn một sợi dây điện quanh đầu ngón tay và ngón chân của tôi và sốc điện tôi 3 lần. Lần nào tôi cũng ngất đi và sống sót được là nhờ niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo.”

Vào ngày thứ ba (21 tháng 7), đội trưởng đội tù nhân đã đánh tôi bằng roi da suốt 20 phút không nghỉ. Loại roi này gây đau đớn tột cùng nhưng không để lại vết thương ngoài da. Sau đó tôi bị đưa trở lại Bắc Kinh và bị giam tại Văn phòng Liên lạc thành phố Lai Tây ở Bắc Kinh. Vào ngày 1 tháng 8 năm 2000, cảnh sát Thẩm Đào và Liễu Quảng Hoành ở thành phố Lai Tây tới Bắc Kinh đón tôi và áp giải tôi trở lại Trại tạm giữ thành phố Lai Tây.

Tra tấn sau vụ bắt giữ năm 2002

Tôi bị bắt vào ngày 12 tháng 4 năm 2002 và bị giam ở trong Trại tạm giam Đại Sơn ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. Ngày 8 tháng 5 năm 2002, cảnh sát Thẩm Đào, Tùy Quốc Cần và Trương Lỗ Ninh đã còng tay tôi và chuyển tôi đến Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Số 2 tỉnh Sơn Đông. Tôi bị giam ở đó tới tháng 11 năm 2006.

Vì tôi từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, nên họ thường biệt giam tôi. Tôi không nhớ mình đã phải chịu sự ngược đãi này bao nhiêu lần. Mỗi lần như vậy, tôi không được phép ngủ, không được ăn, không được sử dụng nhà vệ sinh cho đến khi được thả khỏi phòng biệt giam.

Tôi bị giam ở trong trại lao động trong 1.570 ngày và mỗi ngày tôi đều phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ trong thời gian dài. Mông của tôi loét ra và mưng mủ, nhưng họ vẫn bắt tôi tiếp tục ngồi như vậy.

Kể từ khi bị bắt vào ngày 12 tháng 4 năm 2002 cho đến ngày tôi được trả tự do vào tháng 11 năm 2006, tôi bị cưỡng bức làm việc không công ở cả trong trại tạm giam và trại lao động, bao gồm dán túi xách, làm hộp bút chì và bút bi, đan áo len, may vá, kết cườm trên quần áo, khâu thú nhồi bông nhỏ, cắt chỉ quần áo, bện nút dây trang trí Trung Quốc, làm thảm, khâu màn, gấp hộp bánh trung thu, cuộn dây và làm các đồ trang trí khác nhau bằng keo độc hại.

Bài liên quan:

London: Bằng chứng chứng minh nạn thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ tại Phiên tòa công khai của Tòa án Trung Quốc

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/5/25/461198.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/6/3/209704.html

Đăng ngày 27-06-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share