Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc
[MINH HUỆ 29-05-2023] Bà Hoàng Trị Bình, một cư dân ở thành phố Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên, đã được trả tự do vào tháng 3 năm 2023, sau khi mãn hạn 3,5 năm tù vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện thân và tâm cổ xưa đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.
Án tù này của bà Hoàng bắt nguồn từ vụ bắt giữ gần đây nhất của bà vào ngày 9 tháng 9 năm 2019. Bà bị giam ở trong trại tạm giam thành phố Nam Sung và sau đó bị chuyển đến Nhà tù Nữ tỉnh Tứ Xuyên ở thành phố Thành Đô (còn được gọi là Nhà tù Long Tuyền Dịch) vào ngày 29 tháng 4 năm 2021. Sức khỏe của bà rất yếu sau khi bị ngược đãi ở trong trại tạm giam và cảnh sát đã phải chở bà đến nhà tù bằng xe cứu thương với bình dưỡng khí. Khổ nạn của bà vẫn tiếp tục ở trong nhà tù và các lính canh ở đó cũng ngược đãi bà bằng nhiều hình thức khác nhau.
Gia đình bà Hoàng không được phép vào thăm bà trong suốt thời gian 3,5 bà bị giam giữ. Trước lần bị cầm tù gần đây, bà Hoàng đã 3 lần bị kết án lao động cưỡng bức và 3 lần bị giam trong trung tâm tẩy não vì kiên định đức tin của mình.
Ngoài ra, nhà bà cũng bị lục soát ít nhất 10 lần. Bà cũng không phải là người duy nhất trong đại gia đình bị chính quyền nhắm mục tiêu vì tu luyện Pháp Luân Công. Chồng, chị gái và anh rể của bà đều bị bắt nhiều lần vì có cùng đức tin với bà.
Cha của bà bị suy sụp tinh thần và vô cùng đau khổ bởi hai người con gái và hai con rể của ông đều không ngừng bị ngược đãi. Ông đã qua đời vào tháng 4 năm 2004, khi bà Hoàng bị đưa đến trại lao động lần thứ ba.
Sức khỏe chồng bà Hoàng bị suy giảm vì sự bức hại triền miên. Ông qua đời vào ngày 21 tháng 10 năm 2017 và con gái và con trai của họ lớn lên trong sợ hãi.
Cảnh sát đã từng cưỡng chế đưa em gái bà Hoàng đến bệnh viện tâm thần mặc dù bà ấy hoàn toàn khỏe mạnh. Bà bị tiêm thuốc phá hủy hệ thần kinh trung ương khiến bà bị rối loạn tâm thần. Có lúc chồng bà cũng bị giam giữ, khiến đứa con trai nhỏ của họ bị bỏ ở nhà một mình và phải tự lo cho bản thân.
Kết án dựa trên bằng chứng bịa đặt, kháng cáo bị bác bỏ
Sáng ngày 9 tháng 9 năm 2019, khi bà Hoàng đang đi mua hàng tạp hóa tại chợ nông sản, một người bán hàng đã hỏi bà có tiền lẻ hay không. Vừa hay lúc đó bà có mang theo một số tờ 20 nhân dân tệ nên bà nói rằng bà có tiền lẻ. Khi bà và người bán hàng đang đếm tiền thì bất ngờ bị một nhóm người túm lấy tay và giật tiền.
Ban đầu bà Hoàng nghĩ rằng họ là kẻ trộm. Chỉ sau khi họ chở bà đến Đồn Công an Long Môn, họ mới nói rằng họ là người ở Đội An ninh Nội địa Cao Bình. Để gài bẫy bà, cảnh sát đã gây áp lực buộc một số người bán hàng nói bà đã dùng tiền giấy có in thông tin về Pháp Luân Công khi giao dịch với họ. Do sự kiểm duyệt nghiêm ngặt ở Trung Quốc, các học viên Pháp Luân Công đã sử dụng các biện pháp sáng tạo để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, bao gồm cả việc in các thông điệp của Pháp Luân Công trên tiền giấy.
Cảnh sát cũng tìm thấy nhiều loại tiền giấy có mệnh giá khác nhau và cáo buộc bà Hoàng đã lưu hành những tờ tiền này ở chợ nông sản. Trên thực tế, bà chỉ nói chuyện với hai người ở chợ trước khi bị bắt, một người là người bán hàng đã nói chuyện với bà, còn người còn lại là người mà bà đã bắt chuyện khi thấy chân anh ta đang bị thương.
Sau khi ngụy tạo bằng chứng chống lại bà Hoàng, cảnh sát đã chở bà về nhà bằng ô tô dân sự. Họ tìm thấy chìa khóa nhà của bà trong túi và tự ý mở cửa nhà bà. Họ tịch thu từ nhà bà hàng chục cuốn sách Pháp Luân Công, ảnh chân dung của Sư phụ (Nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp), một máy in, một máy tính xách tay, một máy tính bảng, một số máy nghe nhạc MP3 và hơn 30.000 nhân dân tệ tiền mặt.
Cảnh sát cũng gọi điện cho các cảnh sát ở khu dân cư của bà Hoàng để chứng kiến “bằng chứng” chống lại bà. Cảnh sát sau đó đã dùng vũ lực để chụp ảnh và thu thập vân tay và dấu chân của bà. Vào ban đêm, họ lái xe đưa bà đến trại tạm giam thành phố Nam Sung. Lính canh từ chối nhận bà vì bà không ký vào biên bản thẩm vấn. Trần Chu Quân, đội phó của Đội An ninh nội địa Cao Bình, đã gây áp lực ép trại giam phải tiếp nhận bà.
Bà Hoàng đã bị đưa ra xét xử tại Tòa án quận Cao Bình vào ngày 3 tháng 9 năm 2020. Các con của bà và một số người thân của bà có mặt tại đó. Hai luật sư của bà đã biện hộ vô tội cho bà.
Trong phiên tòa, các luật sư của bà lập luận rằng không có luật nào ở Trung Quốc hình sự hóa Pháp Luân Công và thân chủ của họ không nên bị truy tố chỉ vì thực hiện quyền tự do tín ngưỡng theo Hiến pháp. Các luật sư cũng chỉ ra bốn trong số năm người bán hàng bị ép phải làm nhân chứng chống lại bà Hoàng đã không chứng minh dược rằng bà đã trao đổi tiền giấy với họ. Cảnh sát của đội an ninh nội địa tuyên bố họ có một đoạn video quay cảnh bà Hoàng ở chợ vào ngày hôm đó, nhưng không có đoạn video nào được chiếu trước tòa.
Bà Hoàng đã chuẩn bị phần bào chữa của mình, nhưng không rõ vì lý do gì mà bà không thể nói trong suốt phiên tòa. Bà chỉ có thể viết, gật đầu hoặc lắc đầu. Thẩm phán đã chỉ đạo thư ký tòa án đọc lời bào chữa thay cho bà. Tuy nhiên, người này đã dừng lại sau khi đọc được một vài câu, vì bà Hoàng đã viết trong phần mở đầu rằng bà chiểu theo Pháp lý “ Chân-Thiện-Nhẫn” của Pháp Luân Công để làm một người tốt.
Sau khi thẩm phán ra lệnh cho thư ký ngừng đọc phần biện hộ của bà Hoàng, bà đã nhiều lần viết một tin nhắn gửi cho thư ký, yêu cầu anh ta đọc toàn bộ phần biện hộ của bà, nhưng thẩm phán không cho phép. Khi phiên xét xử kết thúc, bà đã viết cho gia đình mình: “Tôi vô tội và lịch sử sẽ chứng minh tất cả“.
Không lâu sau phiên tòa, bà Hoàng bị kết án 3,5 năm tù và phạt tiền 10.000 nhân dân tệ. Bà Hoàng đã nộp đơn kháng cáo và tòa trung cấp địa phương đã mở một phiên tòa trực tuyến vài ngày sau đó để công bố phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu của bà. Tuy nhiên, bà Hoàng không hề hay biết về điều này và tòa án đã ra lệnh cho ngân hàng nơi bà mở tài khoản phải chuyển 10.000 nhân dân tệ để đóng tiền phạt cho bà. Chỉ sau khi chuyển khoản xong, tòa án mới nói trại tạm giam để cho bà xem biên lai và bảo ký tên vào đó.
Sự ngược đãi ở trong trại tạm giam thành phố Nam Sung
Có một lần lính canh Lý Giang Hà thông qua camera giám sát phát hiện một tù nhân đang ngồi khoanh chân và đang nói chuyện với bà Hoàng. Lý đã gọi tù nhân này đến văn phòng của mình và hỏi có phải bà Hoàng đang dạy cô ta tập các bài công Pháp Luân Công hay không. Tù nhân này cố gắng tránh trả lời trực tiếp câu hỏi. Sau đó lính canh Lý hỏi bà Hoàng rằng có phải bà có dạy tù nhân đó tập các bài công pháp của Pháp Luân Công không. Một lần nữa, lính canh Lý không nhận được câu trả lời đúng ý. Tuy nhiên, lính canh Lý đã yêu cầu trưởng đội tù nhân ra lệnh cấm bà Hoàng không được nói chuyện trong 1 tháng và bà sẽ bị trừng phạt nếu cố gắng nói chuyện với bất kỳ ai.
Vì trại tạm giam chật kín tù nhân, lính canh chia các tù nhân thành các nhóm và bắt họ thay phiên nhau ngủ. Mỗi nhóm chỉ được ngủ 3-4 tiếng đồng hồ rồi rời khỏi giường để cho nhóm khác nghỉ. Khi không ngủ vào ban đêm, các tù nhân bị yêu cầu phải đi lại trong hành lang. Lính canh Lý nói rằng bất kỳ tù nhân nào dám nói chuyện với bà Hoàng thì đều sẽ bị cấm ngủ vào ban đêm hoặc không được ăn thịt vào bữa trưa. Nhiều tù nhân than vãn lính canh Lý thật vô lý và lố bịch.
Bà Hoàng từ chối học thuộc quy định của trại tạm giam nên bị cấm ngủ vào ban đêm và chỉ được phép ăn cơm không (không có thịt hoặc rau) trong mỗi bữa ăn.
Một lần khác, bà Hoàng bị yêu cầu lau sàn nhà. Lúc đó đang là mùa hè và không có điều hòa hoặc quạt nên cảm thấy ngột ngạt đến mức suýt ngất xỉu. Sau đó, bà phải cởi áo tù ra để giải nhiệt. Một lính canh đã nhìn thấy những gì đã xảy ra qua camera giám sát và ra lệnh cho bà chép lại nội quy của trại tạm giam 30 lần. Bà từ chối tuân theo và lính canh ngay lập tức nói rằng bà chỉ có thể ăn cơm cho đủ bữa và không cho mua nhu yếu phẩm hàng ngày. Lính canh cũng ra lệnh cho các tù nhân khác lấy đi tất cả những thứ thiết yếu mà bà đã mua trước đó, bao gồm cả giấy vệ sinh. Trong hơn 1 tháng, lính canh không cho phép bất kỳ ai chia sẻ nhu yếu phẩm hàng ngày với bà. Ai trái lệnh sẽ bị cấm ngủ một đêm.
Bà Hoàng đã phải sử dụng những vỏ hộp sữa mà những người khác vứt đi để lau sau khi đại tiện. Bà cũng phải bới thùng rác và nhặt những chai dầu gội đã qua sử dụng vẫn còn cặn dầu gội để gội đầu và giặt quần áo.
Lính canh vẫn một mực yêu cầu bà viết một bản tuyên bố thừa nhận rằng bà đã sai. Tuy nhiên, bà từ chối và nói sẽ khiếu nại họ. Sau khoảng 1 tháng bế tắc, giám đốc Vương ra lệnh ngừng trừng phạt bà. Khiếu nại của bà không thể gửi ra khỏi trại tạm giam vì lính canh từ chối đưa chúng cho các cơ quan hữu quan.
Lính canh cũng bắt tất cả các tù nhân ngồi xổm trên sàn để gấp khăn tắm thành những ô vuông nhỏ. Bất kỳ ai không gấp được thành các ô vuông hoàn hảo sẽ không được ngủ vào ban đêm hoặc bị cấm ăn các món thịt. Những người vô tình giẫm lên khăn tắm cũng phải bị phạt như vậy.
Bà Hoàng không được phép luyện công (tập các bài công pháp của Pháp Luân Công) trong thời gian bị giam giữ, lại thêm việc bị ngược đãi đã khiến sức khỏe của bà bị hủy hoại. Kết quả là, bà cảm thấy chóng mặt và rất yếu, đồng thời bác sỹ còn phát hiện tim bà không được cung cấp đủ máu.
Sự ngược đãi ở trongtù
Bà Hoàng tiếp tục bị ngược đãi bằng nhiều hình thức sau khi bị đưa vào Nhà tù Nữ tỉnh Tứ Xuyên vào ngày 29 tháng 4 năm 2021.
Biệt giam ngay khi vừa bị bỏ tù
Ngay khi bị đưa và tù, bà Hoàng lập tức bị đưa vào nơi mà các tù nhân đặt biệt danh là “Khu 4 của quỷ”. Bà bị giam trong phòng biệt giam và có hai tù nhân giám sát bà cả ngày lẫn đêm. Một tù nhân tên Tạ Tĩnh, nguyên là một cựu quan chức chính quyền bị kết án vì tội tham nhũng, và một người khác là Lưu Văn Trân, vốn là một kẻ buôn bán ma túy. Hai người này cưỡng chế bà Hoàng phải cởi bỏ quần áo và mặc đồng phục tù nhân ngay khi bà vừa bị đưa đến đó.
Họ ép bà phải đọc và xem các tài liệu phỉ báng Pháp Luân Công suốt cả ngày. Tuy nhiên, bà kiên quyết từ chối từ bỏ đức tin của mình nên họ đã bắt bà ngồi xổm bằng một chân mà không được thay đổi tư thế hoặc bắt bà ngồi bất động trên một chiếc ghế đẩu cao khoảng 2,5 cm trong thời gian dài. Họ gọi hai hình thức tra tấn này là tra tấn “mềm” vì nó không gây thương tích bên ngoài nhưng thường khiến các nạn nhân cao tuổi bị ngất xỉu hoặc gãy xương.
Bà Hoàng cũng bắt phải nói những lời xúc phạm bản thân và Pháp Luân Công trước khi được phép sử dụng nhà vệ sinh. Ngoài ra, trong mùa hè, mấy ngày bà mới được đánh răng rửa mặt một lần.
Thủ đoạn liên lụy
Lính canh cũng sử dụng thủ đoạn “liên luỵ” để khiến một số tù nhân chống lại nhau. Họ thành lập các nhóm từ 3 đến 6 tù nhân và bất cứ ai không tuân theo các quy tắc của nhà tù hoặc mệnh lệnh của lính canh thì cả nhóm sẽ bị phạt.
Thông thường, những học viên Pháp Luân Công như bà Hoàng bị coi là không hợp tác vì họ từ chối từ bỏ đức tin của mình. Sau đó, lính canh sẽ tước đi cơ hội được cộng điểm để giảm án của mọi người trong nhóm. Do đó một số tù nhân đã lăng mạ Nhà sáng lập Pháp Luân Công và đổ tội cho các học viên là không tốt vì khiến họ không được giảm án.
Trên thực tế, thường phải mất ít nhất 1 năm để các đơn xin ân xá giảm án được chấp thuận, ngay cả khi các tù nhân được phép cộng điểm cho mục đích giảm án. Các đơn xin giảm án đó phải được nhà tù xem xét và chấp thuận, sau đó phải được sự chấp thuận của viện kiểm sát trước khi tòa án đưa ra quyết định cuối cùng.
Tẩy não
Trưởng bộ phận giáo dục Liêu Quỳnh Phương ra lệnh cho các học viên Pháp Luân Công viết tuyên bố từ bỏ đức tin và đọc to tuyên bố của họ trước mặt các học viên khác và bà ta ghi âm lại chúng.
Mỗi chiều thứ Ba, tất cả các học viên và người giám sát của họ đều buộc phải nghe Liêu phỉ báng Pháp Luân Công và Nhà sáng lập pháp môn. Mặc dù bà ta và các lính canh khác đã nhận được các tài liệu giảng chân tướng Pháp Luân Công và nhiều cuộc điện thoại từ các học viên bên ngoài nhà tù, nhưng họ từ chối ngừng tham gia cuộc bức hại vì tư lợi của bản thân. Họ thậm chí còn đưa ra một câu hỏi để bôi nhọ Pháp Luân Công vào các bài kiểm tra chính trị bắt buộc hàng năm mà các tù nhân phải thực hiện.
Cưỡng bức lao động
Tù nhân phải thức dậy vào lúc 6 giờ sáng hàng ngày. Họ chỉ có vài phút để ăn sáng và người già và người ốm yếu thường gặp khó khăn trong việc kết thúc bữa ăn đúng giờ.
Sau đó mọi người bị yêu cầu phải lao động từ 7 giờ sáng đến trưa và tiếp tục làm việc sau bữa trưa vào lúc 1 giờ chiều. Họ không được phép trở lại phòng giam của mình cho đến gần 8 giờ tối. Tiếp đó là đủ loại cuộc họp và lớp học. Đến 10 giờ tối họ mới được phép đi ngủ. Những người không hoàn thành chỉ tiêu công việc phải tiếp tục làm việc cho đến 11 giờ đêm hoặc muộn hơn.
Một số người bên trong cho hay, mỗi bộ phận trong nhà tù có thể thu về hàng triệu nhân dân tệ mỗi năm bằng cách bán các sản phẩm do các tù nhân làm ra. Lính canh được trả lương và thưởng cao hơn nhiều so với nhân viên bình thường tại các doanh nghiệp lớn của nhà nước. Lao động cưỡng bức chủ yếu là may quần áo và sản xuất các bộ phận của các sản phẩm điện tử. Tất cả quần áo đều được gắn nhãn Nhà sản xuất quần áo Tân Giang ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên.
Trước khi được trả tự do, mỗi tù nhân đều bị yêu cầu cầu ký tên vào tất cả các loại giấy tờ, bao gồm cả một bản thỏa thuận hứa không tiết lộ tiết lộ những gì xảy ra ở bên trong nhà tù.
Bài liên quan:
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/5/29/461392.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/6/8/209791.html
Đăng ngày 29-06-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.