Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 21-5-2023] Một người phụ nữ ở thành phố Chu Châu, tỉnh Hồ Nam đã bị giam giữ kể từ khi bị bắt cách đây 2 tháng vì đức tin vào Pháp Luân Công. Bà đã bắt đầu tuyệt thực cách đây 1 tháng và hiện đang bị bức thực.

Bà Dụ Dĩnh Chúc (49 tuổi) từng làm việc tại Nhà máy Luyện kim Thành phố Chu Châu. Ngày 29 tháng 3 năm 2023, bà bị bắt và đưa tới Trường Sa (cách khoảng 25 km) và giam qua đêm. Chiều hôm sau, bà bị đưa vào Trại tạm giam Số 4 Thành phố Trường Sa.

Cảnh sát nói rằng họ hiềm nghi bà Dụ đã tham gia vào một hoạt động do các học viên Pháp Luân Công địa phương tổ chức từ hơn 10 năm trước. Bà nói rằng bản thân không hay biết gì về hoạt động này và cũng không biết những học viên mà cảnh sát đề cập. Bà hỏi liệu có phải cảnh sát dàn dựng chuyện này để gài bẫy bà hay không. Để phản bức hại, bà đã bắt đầu tuyệt thực cách đây 1 tháng và đã nhiều lần bị đưa đến bệnh viện để bức thực.

Bức hại trong quá khứ

Kể từ khi cuộc đàn áp bắt đầu vào năm 1999, bà Dụ đã nhiều lần bị sách nhiễu vì kiên định đức tin của mình và từng 3 lần phải thụ án trong trại lao động với tổng thời hạn gần 8 năm.

Bản án lao động đầu tiên (3 năm)

Tháng 12 năm 2000, bà Dụ đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công và bị bắt giữ. Ban đầu, bà bị giam tại một trại tạm giam và sau đó là một bệnh viện tâm thần ở tỉnh Liêu Ninh lân cận, trước khi bị đưa trở lại Chu Châu. Bà bị kết án 2 năm trong Trại Lao động Cưỡng bức Bạch Mã Lũng vào tháng 3 năm 2001 và bị tùy tiện gia hạn thêm 1 năm 18 ngày vì bà không từ bỏ Pháp Luân Công.

Lính canh trong trại thường xuyên đánh đập, biệt giam và tiêm thuốc hủy hoại thần kinh cho bà Dụ. Bà đã bị treo lên bằng cổ tay hai lần, lần đầu trong 4 ngày và lần tiếp theo trong 8 ngày. Hễ bà nhắm mắt, bà sẽ bị đánh đập. Cả hai lần bà đều bất tỉnh và được đưa đến phòng khám để hồi sức.

2004-9-11-dalian-cuff--ss.jpg

Minh họa tra tấn: Kéo căng và cấm ngủ

Bà Dụ đã ​​tuyệt thực để phản bức hại và bị truyền tĩnh mạch (IV). Sau đó bà cảm thấy rất mệt mỏi và buồn ngủ. Bà cũng tìm thấy chất dịch màu hồng rỉ ra trên đồ lót của mình. Sau 4 ngày, bà từ chối truyền tĩnh mạch.

Bà được trả tự do vào ngày 14 tháng 1 năm 2004.

Bản án lao động thứ 2 (2,5 năm)

Bà Dụ đã quay trở lại làm việc sau khi được trả tự do, nhưng cảnh sát vẫn không ngừng sách nhiễu và theo dõi bà. Năm tháng sau, bà lại bị bắt vào ngày 8 tháng 6 năm 2004 và bị đưa đến trại tạm giam Số 1 Thành phố Chu Châu.

Phòng 610 lấy lý do rằng bà không từ bỏ Pháp Luân Công để phạt bà thêm 1,5 năm thụ án trong Trại Lao động Cưỡng bức Bạch Mã Lũng. Ba ngày sau khi bị đưa vào trại, bà được thông báo rằng thời hạn thụ án của bà thực ra là 2,5 năm và do người thư ký đã đánh máy nhầm thời hạn bản án của bà ở trên thông báo.

Từ ngày 19 đến ngày 27 tháng 1 năm 2005, bà Dụ bị biệt giam và bị cưỡng chế đứng cả ngày lẫn đêm. Bất cứ khi nào bà nhắm mắt, tù nhân giám sát bà sẽ xúm lại đánh đập. Bà ấy cũng không được cung cấp bất kỳ đồ ăn nào trong lúc bị phạt đứng. Bàn chân của bà bị sưng vù và đầu óc choáng váng.

Ngày 14 tháng 3 năm 2006, bà bắt đầu tuyệt thực một lần nữa và lại bị kéo dài thời hạn gần 4 tháng. Bà được trả tự do vào ngày 23 tháng 3 năm 2007.

Bản án lao động thứ 3 (1 năm)

Bà Dụ lại bị bắt vào ngày 9 tháng 4 năm 2008. Cảnh sát kẹp chân bà bằng gậy tre và treo bà lên. Bà bị đưa đến trại tạm giam Huyện Lễ Lăng vào ngày hôm sau. Sau đó đến ngày 7 tháng 5 năm 2008, bà bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Bạch Mã Lũng để thụ án 1 năm.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/5/21/461098.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/5/31/209648.html

Đăng ngày 22-06-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share