Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc
[MINH HUỆ 19-04-2023] Vì giữ vững đức tin của mình vào Pháp Luân Công, một cựu chiến binh ở thành phố Hán Trung, tỉnh Thiểm Tây, đã bị kết án tù nặng và số năm công tác vốn đủ điều kiện hưởng lương hưu của ông đã bị chính quyền tùy tiện cắt giảm hơn một nửa.
Năm 2022, khi ông Tăng Triều Hoa nộp đơn xin trợ cấp hưu trí sau khi vừa đến tuổi hưu năm 60 tuổi, chính quyền đã trả lại các khoản đóng góp mà gia đình ông đã đóng vào tài khoản lương hưu thay cho ông trong thời gian ông thụ án 7 năm oan sai và sửa 42 năm công tác của ông thành 20 năm. Hiện ông chỉ nhận được 1.200 Nhân dân tệ mỗi tháng, số tiền này hầu như không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt cơ bản cho ông và mẹ ông (bà cụ đã ngoài 80 tuổi).
Ông Tăng phục vụ trong quân đội từ năm 1980 đến năm 1988. Sau khi giải ngũ, ông tìm được việc làm tại một nhà máy hóa chất địa phương, nhưng không lâu sau đó bị cho thôi việc. Ông làm những công việc lặt vặt để nuôi sống gia đình và năm 2006 ông bước vào tu luyện Pháp Luân Công. Những căn bệnh vai đông lạnh, viêm khớp và các bệnh khác phát triển khi còn trong quân đội của ông ấy đã sớm biến mất.
Vào năm 2008, ông Tăng chuyển đến Tây An (thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây) và bắt đầu kinh doanh ở đó. Ngày 20 tháng 4 năm 2013, ông bị bắt khi đang đến gặp một học viên Pháp Luân Công địa phương. Cảnh sát tát vào mặt khi bắt ông đứng với hai chân dang rộng. Sau đó, họ chụp lên đầu ông một chiếc mũ trùm đầu màu đen và đưa ông đến đồn công an.
Sau khi trói ông vào ghế cọp, cảnh sát đã đấm ông như đấm bao cát. Mũi và miệng ông chảy máu. Cảnh sát lau sạch vết máu và tiếp tục đánh đập ông toàn thân. Sau 4 tiếng đánh đập, họ còng tay ông ra sau lưng với một tay kéo qua vai để nối với tay kia được kéo ngược lên từ phía sau. Việc còng tay kéo dài nửa tiếng đồng hồ và cơn đau rất dữ dội.
Minh họa cảnh tra tấn: còng tay sau lưng
Minh họa cảnh tra tấn: ghế cọp
Trong khi đó, một nhóm cảnh sát khác đã đột kích vào nhà ông Tăng và tịch thu hơn 40 cuốn sách Pháp Luân Công, 1 máy tính, đĩa DVD, 6 điện thoại di động, 1 máy ảnh, các thiết bị MP3 và MP4, tài liệu thông tin về Pháp Luân Công cùng 7.000 Nhân dân tệ tiền mặt.
Tháng 9 năm 2014, Tòa án Quận Liên Hồ đã kết án ông Tăng 7 năm tù. Bốn học viên khác bị bắt cùng với ông cũng bị kết án. Bà Lý Hoa bị kết án 9 năm, bà Khấu Xảo Vân bị kết án 5 năm, và bà Kim Vinh cùng cô Vương Quyên Tú mỗi người bị 4 năm tù.
Ngày 8 tháng 4 năm 2015, ông Tăng bị chuyển đến Nhà tù Vị Nam (còn được gọi là Nhà tù Số 2 Tỉnh Thiểm Tây). Hòng ép ông từ bỏ Pháp Luân Công, mỗi ngày lính canh đã biệt giam và bắt ông phải đứng từ sáng sớm đến nửa đêm, sự tra tấn này kéo dài suốt 2 tuần. Bàn chân của ông sưng phù và ông không thể gập đầu gối, việc đi lại gặp khó khăn.
Lính canh còn cưỡng chế ông xem những video bôi nhọ Pháp Luân Công và làm việc ít nhất 12 giờ một ngày không công và không nghỉ cuối tuần.
Vì đã quá đỗi đau buồn trước bản án của con mình, cha của ông đã lâm bệnh và qua đời vào năm 2016 mà không được gặp con trai lần cuối. Em trai của ông cũng bị chấn thương và tử vong vì một căn bệnh đột ngột ngay sau khi cha của họ qua đời. Để ngăn con trai và con gái tuổi thiếu niên của họ bị liên lụy đến cuộc bức hại, vợ của ông Tăng buộc phải ly dị ông. Một mình bà cũng vất vả nuôi con khôn lớn. Mẹ của ông Tăng, khi đó đã gần 80 tuổi, đã vất vả đi gần 200 dặm đến Tây An để thăm con trai ở trong tù.
Năm 2021, sau khi được trả tự do, ông Tăng hy vọng sẽ dành nhiều thời gian hơn cho mẹ mình, nhưng việc lương hưu bị cắt giảm đã khiến ông phải bắt đầu làm việc trở lại.
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/4/19/458965.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/5/9/208442.html
Đăng ngày 15-06-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.