Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 09-04-2023] Một học viên Pháp Luân Công đã nhiều lần bị từ chối thăm thân trong thời gian thụ án vì kiên định đức tin của mình kể từ tháng 2 năm 2023.

Ngày 4 tháng 12 năm 2019, bà Kim Hồng (56 tuổi), một cư dân thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã bị bắt vì phân phát lịch có thông tin về Pháp Luân Công. Tháng 9 năm 2020, bà bị Tòa án Quận Thiết Tây kết án 4 năm tù. Đến ngày 18 tháng 3 năm 2021, bà bị chuyển đến Nhà tù Nữ Số 2 tỉnh Liêu Ninh. Bà bị tra tấn tàn bạo ở trong tù vì không từ bỏ đức tin của mình.

Sự tra tấn khiến chân bà bị thương và người nhà thấy bà bước đi khập khiễng khi họ được vào thăm bà lần gần nhất vào tháng 1 năm 2023. Kể từ đó, người nhà đã nhiều lần yêu cầu được vào thăm bà nhưng đều bị từ chối. Theo dự kiến, bà sẽ được trả tự do vào ngày 3 tháng 12 năm 2023.

2023-4-8-jinhong-pohai_01.jpg

Bà Kim Hồng

Tra tấn tàn bạo trong tù

Ngày 7 tháng 7 năm 2021, một người biết về vụ việc của bà Kim đã cấp tốc thông qua Minghui.org đưa tin rằng bà đã bị tra tấn trong hơn 10 ngày, kêu gọi mau chóng liên lạc với gia đình để giải bà. Mười ba ngày sau, gia đình bà đi tới nhà tù và yêu cầu được gặp bà. Lính canh bác bỏ yêu cầu của họ với lý do bà Kim không từ bỏ đức tin.

Tháng 8 năm 2021, Minghui.org nhận được thông tin từ một người trong cuộc khác, thuật lại chi tiết về những tra tấn mà bà Kim phải chịu đựng, bao gồm đánh đập tàn bạo và tấn công tình dục.

Theo nguồn tin bên trong, bà Kim đang bị giam trong Tổ 5 của Khu 1, Nhà tù Nữ Số 2 Tỉnh Liêu Ninh. Bà bị cưỡng chế tham gia các phiên tẩy não từ ngày 21 tháng 4 năm 2021. Bắt đầu từ ngày 4 tháng 5, lính canh yêu cầu bà phải trực ca đêm từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng, nên hầu như bà không có thời gian ngủ. Tuy nhiên bà vẫn phải tham gia các phiên tẩy não vào ban ngày. Chu kỳ này tiếp diễn trong nhiều ngày.

2010-9-26-featurephotos-64--ss.jpg

Minh họa tra tấn: Đánh đập

Các lính canh Lý Tiếu Nhất, Tôn Vĩ Tĩnh, và Vương Tinh chỉ đạo tù nhân Trình Hiển Phượng đánh đập bà Kim trong 3 ngày liên tiếp (từ ngày 7 đến 10 tháng 5 năm 2021) nhằm ép bà từ bỏ Pháp Luân Công. Bà kiên quyết không từ bỏ.

Từ ngày 26 đến ngày 29 tháng 6 năm 2021, bà Kim bị giữ ở Đội 7 nhằm tăng cường bức hại. Một số tù nhân lột trần bà Kim Hồng, bỏ rất nhiều con bọ lên người bà, trói cổ tay bà vào lan can của giường tầng trên và treo bà lên. Họ trói chặt chân bà vào thang giường tầng dưới. Sau đó, họ trùm một cái túi ni lông lên đầu bà và dùng những chai nước đựng đầy nước đập vào đầu bà. Bà Kim gần như chết ngạt và bất tỉnh. Sau đó, một tù nhân véo núm vú của bà, người thứ hai dán băng dính và giật lông mu của bà, người thứ ba đá vào bụng bà và người thứ tư dùng bàn chân đạp vào vùng kín của bà.

Mặc dù bị tra tấn, bà Kim vẫn bị cưỡng chế làm việc vào ngày hôm sau. Để che đi vết thương do bị đánh đập, lính canh Tôn Vĩ Tĩnh yêu cầu bà mặc quần áo dài tay và đeo khẩu trang. Họ cũng sắp xếp bà đi bộ cùng những tù nhân lớn tuổi và khuyết tật, vì vậy người khác không nhận thấy bà đang đi khập khiễng. Sau giờ làm việc, bà lại bị treo người trong buồng giam với chân tay duỗi thẳng. Các tù nhân kéo mạnh tứ chi của bà và đánh vào bụng bà.

Vào đêm hôm sau, bà bị còng tay ra sau lưng. Họ ấn đầu bà vào chậu nước rồi kéo lên, lặp đi lặp lại trong hơn 20 phút cho đến khi bà sắp chết.

Hai tù nhân được giao nhiệm vụ theo dõi bà Kim cả ngày lẫn đêm. Bất cứ khi nào bà cố giải thích rõ việc Pháp Luân Công bị bức hại, họ đều bịt miệng bà lại, đôi khi còn dùng chăn để bịt miệng bà.

Lính canh Lý Tiếu Nhất từng nói với bà: “Bà không có nơi nào để tìm kiếm công lý đâu. Không ai quan tâm đến vấn đề Pháp Luân Công. Chỉ cần bà đồng ý ngừng tu luyện, chúng tôi sẽ cho phép bà gặp chồng mình”.

Người chồng sốc khi gần như không thể nhận ra vợ mình

Từ tháng 7 đến tháng 8 năm 2021, gia đình bà Kim nhiều lần đến nhà tù sau khi biết việc bà bị tra tấn. Với sự cương quyết của gia đình, cuối cùng vào ngày 31 tháng 8 năm 2021, họ được phép nói chuyện điện thoại với bà trong 1 phút.

Ngày 22 tháng 9 năm 2021, khi chồng bà Kim được phép gặp mặt bà lần đầu, ông bị sốc vì diện mạo bà thay đổi đền gầy như không thể nhận ra. Trông bà phờ phạc và hốc hác, giọng nói yếu ớt và chân bà bước đi khập khiễng.

Sau chuyến thăm thân, gia đình bà Kim yêu cầu nhà tù thực hiện các biện pháp để bảo đảm sự an toàn cho bà, nhưng không có kết quả.

Quyền thăm thân bị tước đoạt

Do đại dịch năm 2022, nhà tù áp đặt giới hạn cho các lần thăm thân, thậm chí có thời điểm còn ngừng hoàn toàn việc thăm thân trực tiếp. Chồng bà Kim chỉ được phép nói chuyện điện thoại với bà một lần trong năm 2022.

Trước Tết Cổ truyền vào tháng 1 năm 2023, nhà tù cho phép được thăm thân trực tiếp. Khi gia đình bà Kim yêu cầu được vào thăm bà, lính canh chấp thuận yêu cầu với điều kiện họ phải thuyết phục bà từ bỏ Pháp Luân Công. Trong cuộc thăm thân kéo dài 10 phút, người thân rất đau lòng khi thấy bà Kim vẫn đi khập khiễng sau hơn 1,5 năm tính từ lần gần nhất họ gặp nhau.

Ngày 21 tháng 2, khi gia đình trở lại nhà tù để thăm bà theo định kỳ hàng tháng, cảnh sát quan Cát Tuyết Kỳ từ chối họ.

Dưới đây là cuộc trò chuyện của cảnh sát Cát với chồng của bà Kim.

Cát: “Ông đã biết õ nội quy của nhà tù. Bà ấy ở trong đội nghiêm quản và các yêu cầu thăm thân sẽ không được chấp thuận. Hơn nữa, ông đến thăm bà ấy quá thường xuyên. Ông vừa đến thăm bà ấy (tháng trước), hơn nữa lần đó ông cũng không hợp tác để chuyển hóa bà ấy.“

Chồng bà Kim: “Đó là tín ngưỡng của bà ấy. Làm sao tôi quản được. Mà tại sao vợ tôi lại đi khập khiễng?”

Cát: “Bà ấy đã bị như thế này trước khi đến Khu 10. Đây là biểu hiện lão hóa tự nhiên của bà ấy. Có rất nhiều tù nhân ở đây, hôm nay có thể người này đau đầu, ngày mai người khác lại tức ngực. Ông không thể đổ hết lỗi cho chúng tôi vì sự khó chịu của họ.”

Chồng bà Kim: “Một người biết rõ sự tình nói rằng các tù nhân đã tra tấn vợ tôi hòng chuyển hóa bà ấy.”

Cát: “Tuyệt đối không có chuyện này, không thể nào. Hoàn toàn không có tra tấn ở đây. Chúng tôi không dung thứ nếu điều đó xảy ra. Chúng tôi đã tốt nghiệp đại học và có trình độ học vấn cao. Hãy yên tâm. Chúng tôi có camera giám sát ở mọi nơi trong nhà tù, và không có điểm mù. Có rất nhiều lời đồn đoán trên mạng ngày nay. Hôm nay nói thế này, hôm sau lại nói thế khác. Làm sao ông có thể tin chúng được? Nếu thế sau này chúng tôi không thể làm việc của mình được nữa. Sẽ không cho phép thăm thân đối với những người bị đưa vào đội nghiêm quản. Bà ấy phải cải tạo.”

Chồng bà Kim: “Chúng tôi sẽ đệ đơn khiếu nại quyết định này.”

Cát: “Ông có thể nộp đơn khiếu nại. Nhà tù chúng tôi ủng hộ điều đó.”

Sau đó, hai cảnh sát lại nói với chồng bà Kim rằng ông tuyệt đối không được vào thăm bà trong ngày hôm đó.

Chồng bà Kim nói: “Chúng tôi từ xa đến đây. Tại sao không cho chúng tôi được gặp bà ấy?“

Cát trả lời: “Bởi bà ấy không nhận tội và không chấp nhận chuyển hóa. Bà ấy thuộc đội nghiêm quản. Theo quy định nhà tù, bà ấy không được phép thăm thân.”

Chồng bà Kim nhắc: “Nhà tù của các vị quản lý phạm nhân. Những người từ chối chuyển hóa hoặc nhận tội được pháp luật bảo vệ.”

Cát đáp: “Nhà tù có quy tắc của nhà tù. Vợ ông có rất nhiều sự tự do ở đây. Nó giống như bên ngoài. Không ai kiểm soát bà ấy cả. Bà ấy thậm chí không phải lao động chân tay.”

Trước khi rời đi, chồng bà Kim đề nghị Cát và các lính canh khác đối xử tử tế với vợ ông.

Ngày 28 tháng 3, chồng và con trai của bà Kim lại đến nhà tù để yêu cầu được vào thăm, nhưng vẫn bị từ chối.

Một lính canh nói: “Thăm thân là quyền của các vị, nhưng nhà tù có quy định của nhà tù. Chúng tôi phải đánh giá dựa trên biểu hiện của bà ấy. Các vị có thể đăng ký thăm thân trong ngày Tết và các ngày lễ. Nhưng ngày thường thì không được.”

Gia đình yêu cầu được xem văn bản của các quy tắc này. Một lúc sau, đội trưởng Lý thuộc Đội 10 mang một tập tài liệu đến và nói với gia đình: “Văn bản này được văn phòng cấp tỉnh của chúng tôi ban hành vào tháng 4 năm 2022, đề cập rằng nếu một tù nhân ở trong đội nghiêm quản, người đó sẽ không được phép thăm thân hay nhận thư từ.”

Dưới đây là cuộc hội thoại của chồng bà Kim với đội trưởng Lý.

Chồng bà Kim: “Có nghĩa là hơn nửa năm nữa thì tôi vẫn không thể gặp vợ tôi à?”

Lý: “Tôi đã nói rõ với ông rồi. Nếu có bất kỳ ngày lễ quan trọng nào, giám thị sẽ sắp xếp một chuyến thăm. Tôi đã cho ông cơ hội gặp bà ấy vào Tết Cổ truyền (vào tháng 1 năm 2023) rồi”.

Chồng bà Kim: “Tại sao bà ấy lại bị vào đội nghiêm quản?”

Lý: “Bởi vì biểu hiện của bà ấy và do không chịu nhận tội. Bà ấy không hợp tác với chúng tôi trong mọi vấn đề.”

Chồng bà Kim: “Tôi không nhận ra tài liệu (do văn phòng cấp tỉnh của nhà tù cấp). Luật Nhà tù ban hành rồi, chiếu theo Điều 48 Luật Nhà tù thì chúng tôi được phép vào thăm.”

Đội trưởng Lý: “Luật nhà tù là luật chung. Khi đề cập đến việc quản lý trong mỗi nhà tù thì đều có những quy định riêng. Chúng tôi có thể thống nhất áp dụng một điều luật trên cả nước không? Luật nhà tù chỉ đưa ra phương hướng chung.”

Chồng bà Kim: “Điều này không được đề cập trong Luật Nhà tù.”

Lý: “Tôi đang nói về việc nghiêm quản. Nhìn đi, đối với những người ở mức giám sát thì vẫn được phép thăm thân hàng tháng. Nếu tù nhân đó thuộc diện quản lý lơi lỏng, họ có thể được thăm thân hai lần một tháng. Nhưng với mức nghiêm quản thì sẽ không có cuộc thăm thân nào.“

Chồng bà Kim: “Luật nhà tù quy định về quyền khiếu nại.”

Lý: “Đúng thế, các vị có quyền khiếu nại.”

Chồng bà Kim: “Nhưng tôi cá là các vị sẽ coi kháng cáo chính là không nhận tội?”

Lý: “Chúng tôi không kiểm soát chặt chẽ bà ấy chỉ vì bà ấy không nhận tội. Biểu hiện của bà ấy không tốt. Chúng tôi có cần phải giải thích tất cả điều luật cho gia đình không?”

Chồng bà Kim: “Đã 2 năm rồi mà chân của vợ tôi vẫn khập khiễng.”

Lý: “Bà ấy không yêu cầu chăm sóc y tế và không muốn điều trị. Làm sao chúng tôi có thể ép buộc bà ấy? Quá trình điều trị của chúng tôi như sau: nếu bà ấy cảm thấy không khỏe, bà ấy viết đơn và chúng tôi sẽ đưa bà ấy đến bệnh viện nhà tù hoặc bệnh viện bên ngoài để điều trị. Bà ấy chưa bao giờ nói cảm thấy không khỏe.”

Chồng bà Kim: “Còn hơn nửa năm nữa là mãn hạn tù. Các vị có thể đảm bảo bà ấy khỏe mạnh khi được trả tự do không?”

Lý: “Làm sao tôi có thể hứa với ông được? Bà ấy đang ở trong tù. Tôi chỉ có thể nói sẽ không có chuyện gì xảy ra với vợ ông khi chúng tôi đang giám sát bà ấy. Còn về sức khỏe của bà ấy, làm sao tôi có thể đảm bảo được gì?”

Chồng bà Kim: “Chúng tôi từ xa đến. Lần trước các vị không cho chúng tôi vào thăm, lần này cũng không cho.”

Lý: “Tôi đã đưa cho ông quy định. Ông không thể không tuân thủ theo quy định. Dù là hôm nay ông đi cùng luật sư thì cũng không thể vào thăm được.”

Chồng bà Kim: “Luật Nhà tù quy định rằng chúng tôi có thể gặp.”

Lý: “Chúng tôi làm mọi thứ theo văn kiện của chúng tôi. Tôi chỉ là một cảnh sát cấp thấp. Tôi làm việc theo những gì văn bản quy định.”

Chồng bà Kim viết đơn khiếu nại ngay tại đó, yêu cầu giám định thương tật của bà. Ông yêu cầu truy cứu trách nhiệm những người làm tổn thương và ngược đãi bà Kim, yêu cầu nhà tù bồi thường cho bà và buộc các nhân viên hữu quan phải chịu trách nhiệm về việc lạm dụng quyền lực để tước đoạt quyền tự do tín ngưỡng của công dân.

Đội trưởng Lý tiếp nhận đơn kháng cáo và nói: “Tôi chắc chắn sẽ đệ trình đơn khiếu nại, nhưng việc có chấp thuận hay không là tùy thuộc vào ban quản lý nhà tù. Trong việc này tôi không có quyền. Tôi mới bắt đầu quản lý bà ấy và tôi không nắm rõ tình hình trước kia của bà ấy. Nếu bà ấy đi khám bác sỹ, chúng tôi sẽ là người dẫn bà ấy đến bác sỹ chứ không phải các vị. Tuy nhiên, các vị phải đảm bảo bà ấy tự nộp đơn xin gặp bác sỹ. Chúng tôi thực hiện theo nguyện vọng của bà ấy.”

Chồng bà Kim: “Tôi không được phép nói chuyện với vợ tôi, vậy làm thế nào bảo bà ấy nộp đơn được?”

Lý: “Chẳng phải tôi vừa nói rằng ông có thể đến thăm bà ấy vào những dịp lễ tết sao?”

Chồng bà Kim: “Tôi có thể gọi điện cho bà ấy được không?”

Lý: “Ông có thể gọi vào ngày lễ.”

Chồng bà Kim: “Tôi lo lắng cho sự an toàn của vợ tôi.”

Lý: “Tôi vừa mới tiếp quản đội này và tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với bà ấy trước kia. Tôi hứa với ông rằng tôi sẽ gửi đơn khiếu nại của ông lên cấp trên.“

Trung tâm dịch vụ nhà tù thông đồng với nhà tù

Chồng bà Kim đến trung tâm dịch vụ nhà tù bên trong nhà tù để gửi đơn khiếu nại nhà tù vì từ chối quyền thăm thân của ông. Nam cảnh sát trực ban giải thích với ông: “Khi nhà tù mở cửa trở lại sau đại dịch, tù nhân đều bị kiểm soát chặt chẽ. Ông đã biết về quy định quản lý nghiêm ngặt rồi. Nó được ban hành bởi cục cấp tỉnh.”

Chồng bà Kim yêu cầu được xem quy định đó, nhưng người này nói anh ta không thể tùy tiện cho xem tài liệu mà chỉ có thể đọc cho ông nghe. Hai người đã có cuộc đối thoại sau đây.

Chồng bà Kim: “Vợ tôi sẽ được trả tự do vào cuối năm nay. Chúng tôi sợ bà ấy sẽ còn bị tra tấn trong vài tháng tới.”

Cảnh sát: “Có camera giám sát ở khắp nơi (trong nhà tù). Chúng tôi là vì dân mà chấp pháp.”

Chồng bà Kim: “Chân vợ tôi vẫn còn tập tễnh. Bà ấy thậm chí còn không đi khám bác sỹ. Tôi không thể tin anh được. Tôi chỉ có một mong ước đơn giản là cuối năm nay bà ấy được bình yên vô sự trở về nhà.”

Cảnh sát: “Không ai có thể bảo đảm điều này. Chẳng phải vị đội trưởng vừa rồi đã nói với ông rồi sao? Lấy gì để đảm bảo? Bà ấy nhất định sẽ trở về nhà an toàn.”

Chồng bà Kim: “Không phải bà ấy hoàn toàn khỏe mạnh khi đến đây sao? Nhưng bây giờ bà ấy đang đi khập khiễng. Anh thậm chí còn nói chính bà ấy không muốn gặp bác sỹ. Anh bảo tôi tin thế nào được?”

Một thành viên khác trong gia đình đi cùng chồng bà Kim hỏi viên sỹ quan số điện thoại liên lạc của công tố viên quản lý nhà tù. Anh ta từ chối cung cấp và muốn xác minh danh tính của người thân đó.

Anh ta hỏi: “Ông có phải là người thân của bà ấy không? Tôi chỉ nói chuyện với người thân của bà ấy thôi.”

Người thân bà Kim trả lời: “Có quy định như vậy sao? Nó được ghi ở đâu? Bộ phận của anh mở cửa cho công chúng. Mọi người dân đều có thể gửi đơn khiếu nại.”

Viên cảnh sát cũng đe dọa chồng bà Kim phải suy nghĩ kỹ trước khi làm bất cứ điều gì, nhằm tạo áp lực buộc ông phải từ bỏ việc tìm kiếm công lý cho bà Kim.

Đơn xin công khai thông tin của chính phủ

Chồng bà Kim biết Điều 7 của “Luật Nhà tù” quy định quyền của các tù nhân phải được đảm bảo, và Điều 14 quy định lính canh không được phép thực hiện các hành vi phi pháp xâm phạm quyền hợp pháp của các tù nhân. Theo “Luật Nhà tù”, mặc dù bà Kim đang bị cầm tù, nhưng không ai được phép xúc phạm hoặc tước đoạt hay hạn chế các quyền khác của bà ấy vì không nhận tội. Điều 48 “Luật Nhà tù” quy định phạm nhân có quyền gặp thân nhân, người giám hộ trong thời gian chấp hành án phạt.

Dựa trên “Ý kiến ​​của Bộ Tư pháp về việc tăng cường tính công khai trong các vấn đề của nhà tù năm 2015” (Bộ Tư pháp [2015] Số 7) (sau đây gọi tắt là là “Tăng cường công khai các vấn đề của nhà tù”) và “Quy định công khai thông tin của chính phủ”, ngày 25 tháng 2 năm 2023, chồng bà Kim nộp “Đơn đăng ký công khai thông tin của chính phủ” cho Mã Kiêu, đại diện theo pháp luật của Nhà tù Nữ Số 2 Liêu Ninh và Cao Trường Sinh, đại diện theo pháp luật của Cục Quản lý Nhà tù tỉnh Liêu Ninh. Ngày 31 tháng 3, ông nộp một đơn khác cho Sở Tư pháp tỉnh Liêu Ninh.

Dưới đây là đề nghị của ông:

1) Công khai danh tính của (những) người ban hành lệnh từ chối liên lạc giữa bà Kim với gia đình (bao gồm gọi điện thoại, gặp trực tiếp và gọi video), đưa ra lý do từ chối và thông tin về những người thi hành công vụ;

2) Công khai việc bà Kim bị coi là “tội phạm bị nghiêm quản” và cơ sở pháp lý cho việc nghiêm quản;

3) Công khai nguyên nhân gây ra vết thương ở chân của bà Kim (đi khập khiễng, kéo dài 1,5 năm);

4) Công khai việc nhà tù có chấp thuận việc điều trị y tế cho bà Kim hay không, và nếu có, thì công khai hồ sơ bệnh án và giấy chứng nhận y tế của bà;

5) Liệu trưởng khu có biết về tình trạng thể chất của bà Kim hay không, và liệu bà ta có báo cáo về thương tật của bà Kim cho cấp trên hay không;

6) Công bố các kênh về cách nộp đơn khiếu nại các lính tù của Nhà tù Nữ Số 2 Liêu Ninh vì vi phạm các thủ tục pháp lý.

Vì chồng bà Kim không nhận được bất kỳ phúc đáp nào sau 20 ngày, ông tiếp tục gửi “Đơn đề nghị tái xem xét hành chính” cho chính quyền Liêu Ninh.

Tiếp tục nỗ lực tìm kiếm công lý

Đồng thời, chồng bà Kim gọi điện cho Viện Kiểm sát Ngoại ô Thành phố Thẩm Dương để khiếu nại về việc ông bị từ chối quyền thăm thân.

Nhân viên tiếp điện thoại trả lời: “Trước tiên, ông cần liên lạc với nhà tù để hỏi tại sao lại bị từ chối thăm thân. Nếu ông thắc mắc về câu trả lời của họ, ông có thể nộp đơn yêu cầu xem xét lại. Nếu ông không hài lòng với việc xem xét lại, thì có thể đến cục quản lý nhà tù để yêu cầu xem xét lại. Nếu sau khi cục quản lý trại giam xem xét mà vẫn chưa hài lòng thì có thể đến Ủy ban Kỷ luật của Cục Quản lý Nhà tù tỉnh để trình báo cáo.”

Chồng bà Kim hỏi: “Bây giờ tôi gọi cho ông để báo cáo về tình huống này. Ông có thể giúp chúng tôi xử lý không?“

Sau đó, chồng bà Kim gọi điện cho Cục Quản lý Nhà tù Liêu Ninh để báo cáo và yêu cầu được gặp bà hàng tháng để biết chắc rằng bà vẫn an toàn.

Ông nói: “Quy định của nhà tù nói rằng chúng tôi có thể thăm thân mỗi tháng một lần. Lính canh đưa ra tài liệu của nhà tù và nói các quy định ấy được áp dụng trong nhà tù. Nhà tù không thể viện lý do này đến lý do khác để ngăn cản tôi đến thăm. Nhà tù có thể đảm bảo an toàn cho vợ tôi không? Bà ấy bị đưa vào đội nghiêm quản và không được phép thăm thân vì không nhận tội. Bà ấy chỉ đơn giản là thực hành tín ngưỡng của mình, nhưng bà ấy ại bị kết án vì điều đó. Nhà tù chỉ nên canh chừng để đảm bảo bà ấy không bỏ trốn. Nếu bà ấy nói mình có tội nhưng trong tâm không thừa nhận, vậy thì bắt bà ấy nhận tội có ích lợi gì? Chẳng phải Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nói đảng bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của người dân sao?”

Người nhân viên trả lời: “Chúng tôi giữ hồ sơ khiếu nại của ông và sẽ kiểm tra với nhà tù sớm nhất có thể. Sẽ có người của nhà tù liên lạc với ông.”

Khi chồng bà Kim yêu cầu nhanh chóng giải quyết vấn đề, nhân viên nói: “Chúng tôi sẽ giúp các vị xác minh sớm nhất có thể.”

Không rõ liệu sở có cung cấp thông tin cập nhật nào cho chồng bà Kim sau cuộc gọi hay không. Ông cho biết sẽ tiếp tục bảo vệ quyền lợi của vợ mình cho đến khi bà được trở về nhà an toàn.

Bài liên quan:

Người phụ nữ Liêu Ninh bị tra tấn tàn bạo ở trong tù

Tỉnh Liêu Ninh: Một người phụ nữ bị tra tấn ở trong tù vì không từ bỏ đức tin của mình

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/4/9/458629.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/5/8/208419.html

Đăng ngày 15-06-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share