Bài viết của một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-04-2023]

Một người phụ nữ ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam vốn đã bị mù do bị tra tấn trong khi bị giam giữ gần đây lại bị kết án 7 năm tù và bị phạt 20.000 tệ. Bà bị truy tố chỉ vì bà từ chối từ bỏ tín ngưỡng của mình vào Pháp Luân Đại Pháp.

Một thẩm phán của Tòa án quận Tây Sơn đã đến nhà bà Dương Hiểu Minh vào ngày 14 tháng 3 năm 2023 để đưa ra phán quyết. Biết rằng bà Dương đã bị mù và không thể nộp đơn kháng án trên giấy, thẩm phán đã bỏ qua việc nói với bà rằng theo Luật Tố tụng Hình sự, “Các bị cáo không có khả năng kháng cáo bằng văn bản có thể kháng cáo bằng miệng hoặc được hỗ trợ pháp lý trong việc viết đơn.” Thay vào đó, ông ta bảo bà “hãy kháng cáo trong vòng 10 ngày nếu bà không đồng ý với phán quyết.”

42aeaa37948a25dbaab9118682319c87.jpg

eaa7944c4a4136a7ed169f319675728b.jpg

Bà Dương Hiểu Minh

Bà Dương, 54 tuổi, bị bệnh về mắt khi còn nhỏ. Bà làm việc tại Đại học Y khoa Côn Minh bắt đầu từ năm 1984. Hai mắt của bà đã hồi phục hoàn toàn sau khi học Pháp Luân Đại Pháp. Vì bà không chịu từ bỏ tín ngưỡng của mình sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu cuộc đàn áp vào năm 1999, bà đã bị bắt phải phá thai, và chồng bà đã ly dị bà vì sợ bị ĐCSTQ trả thù. Bà đã bị phạt 2 án lao động cưỡng bức từ năm 2001 đến 2008 với tổng thời gian là 5 năm. Hai mắt của bà đã bị thương do bị đánh đập và bà bị mù hoàn toàn vào năm 2012.

Bức hại gần đây nhất

Bị đưa vào trại giam mặc dù có kết quả khám sức khỏe không tốt

Cảnh sát từ Đồn cảnh sát Tông Thư Anh đã gõ cửa nhà bà Dương vào ngày 28 tháng 5 năm 2022. Bà không mở cửa cho họ và cảnh sát đã cạy cửa ra. Họ còng tay bà và khám xét nơi ở của bà mà không có lệnh. Họ tịch thu của bà đồ trang sức, các đồ dùng cá nhân khác và 16.000 tệ tiền mặt. Tại đồn cảnh sát, các cảnh sát đã bắt bà ngồi trên một chiếc ghế kim loại suốt đêm mà không cho bà đồ ăn, thức uống hay cho bà đi vệ sinh. Họ cũng dùng băng dính dán kín miệng bà lại, nhưng đã phải gỡ ra khi bà bị khó thở.

Ngày hôm sau, cảnh sát đưa bà đến Bệnh viện Tân Hoa để kiểm tra sức khỏe để chuẩn bị đưa bà đến trại tạm giam. Mắt trái của bà đã bị đập xuống đất và vết thương chảy máu.

Tại bệnh viện, trong khi các cảnh sát nam giữ bà ở trên giường thì bác sĩ cởi áo và quần của bà rồi tiến hành khám. Kết quả khám cho thấy bà không đủ sức khỏe để bị giam giữ, nhưng các cảnh sát đã đưa bà trở lại đồn cảnh sát thay vì thả bà ra.

Vào ngày hôm sau, các cảnh sát đã trùm đầu bà và đưa bà đến Trại giam Thành phố Côn Minh. Còng tay và cùm chân quá chặt và cứa vào da thịt bà, để lại những vết sẹo vĩnh viễn. Các lính canh tại trại giam đã từ chối nhận bà vì bà có các vấn đề về sức khỏe. Cảnh sát đã đưa bà trở lại đồn và thả bà vào tối ngày 30 tháng 5.

Từ lúc bà bị bắt cho đến khi bà được thả, cảnh sát luôn còng tay bà. Họ cũng không cung cấp cho bà bất cứ thứ gì để ăn, uống, hay cho phép bà sử dụng phòng vệ sinh một lần. Cảnh sát đưa bà về nhà nói với bà rằng bà đã được tại ngoại, nhưng bà không được cung cấp bất kỳ tài liệu chính thức nào. Cảnh sát đã lấy 2.000 tệ trong số 16.000 tệ tiền mặt mà họ tịch thu được để đóng tiền bảo lãnh tại ngoại cho bà. Họ đã trả lại đồ trang sức cho bà nhưng chưa bao giờ trả lại những đồ dùng khác của bà, hay sửa chữa cánh cửa mà họ đã phá.

Thẩm vấn và truy tố vô căn cứ

Sáu tháng sau khi bà được thả, 4 cảnh sát từ đồn cảnh sát Tông Thư Anh đã đưa bà Dương đến Bệnh viện Tân Hoa vào ngày 16 tháng 11 năm 2022 để xét nghiệm COVID-19. Hai tay bà bị còng sau lưng suốt thời gian đó. Cảnh sát sau đó đưa bà đến Viện kiểm sát quận Tây Sơn và thẩm vấn bà mà không giới thiệu bản thân họ là ai. Bà đã im lặng trước những câu hỏi.

Cảnh sát đã quay lại vào đầu tháng 12 năm 2022 để đưa bà bản cáo trạng của công tố viên Trương Kiến Văn thuộc Viện kiểm sát quận Tây Sơn. Một tháng sau, vào tháng 1 năm 2023, cảnh sát đã gửi trát đòi hầu tòa và thông báo với bà rằng vụ việc của bà sẽ bị đưa ra xét xử vào ngày 1 tháng 2 năm 2023 bởi Tòa án Quận Tây Sơn.

Buộc phải hầu tòa và bị kết án

Cảnh sát đã có mặt tại nhà bà Dương vào ngày 1 tháng 2 năm 2023 để đưa bà đến tòa án để xét xử. Bà đã từ chối mở cửa cho họ. Ngay sau đó, bà bắt đầu nghe thấy tiếng khoan và tiếng đập. Sau đó, cảnh sát phá khóa và xông vào. Họ yêu cầu bà đến tòa án để xét xử. Bà từ chối tuân theo. Các cảnh sát đã túm tay chân bà và quẳng bà vào xe cảnh sát. Khi đến tòa án, cảnh sát đặt bà vào một chiếc xe lăn và đẩy bà vào trong.

Bà Dương từ chối chấp nhận luật sư do tòa chỉ định, người đã được chỉ đạo nhận tội thay bà. Thẩm phán vội vàng thông qua thủ tục và hoãn phiên xử. Cảnh sát đưa bà về nhà, vẫn từ chối sửa ổ khóa bị phá hỏng cho bà.

Thẩm phán Chu Đan Đan vào ngày 2 tháng 3 đã tuyên bố kết án bà Dương 7 năm tù với khoản tiền phạt 20.000 tệ. Bà bị buộc tội vi phạm Điều 300 của Luật Hình sự và “sử dụng tổ chức giáo phái để phá hoại việc thực thi luật pháp.”

Kiện cảnh sát

Bà Dương đã nộp đơn kiện Vương Vân, trưởng đồn cảnh sát Tông Thư Anh, vì cấp dưới của ông ta đã hai lần phá cửa, bắt giữ bà trái pháp luật và lục soát nhà bà. Bà yêu cầu những điều sau đây trong đơn kiện của mình:

1. Công tố viên nên lập hồ sơ vụ án và điều tra bị can Vương Vân về các tội xâm phạm chỗ ở riêng của một công dân, khám xét trái phép, giam giữ trái phép, cướp tài sản, cưỡng bức nhận tội bằng cách tra tấn, lạm dụng quyền lực và lợi dụng luật pháp cho lợi ích cá nhân.

2. Người bị tố cáo phải trả lại toàn bộ tài sản cá nhân mà anh ta đã thu giữ trái pháp luật.

3. Người bị tố cáo phải bồi thường thiệt hại về tài chính cho người tố cáo vì đã hai lần phá khóa của bà.

Lời kể của bà Dương về việc bức hại trước đây

Sau đây là lời kể của bà Dương về việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp đã cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của bà như thế nào, và bà đã phải chịu khổ nhiều như thế nào trong 24 năm qua.

Từ nhỏ, tôi đã bị bệnh về mắt, sốt liên tục và viêm khớp dạng thấp. Tôi ngừng đi học sau khi tôi học xong tiểu học. Tôi bắt đầu làm việc tại phòng Tổng hợp của Đại học Y Côn Minh vào tháng 12 năm 1993, chủ yếu tham gia vào việc phân phát sữa cho nhân viên của trường.

Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1995. Nhờ đọc sách và luyện công, tôi đã hiểu được nhiều câu hỏi cả đời của mình, và tôi đã có lại được thị lực hoàn toàn. Tôi thậm chí có thể đọc những chú thích nhỏ trong từ điển. Bệnh viêm khớp của tôi cũng biến mất. Tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng và bình an hơn bao giờ hết.

Sau khi kết hôn vào năm 1998, tôi đã sống cuộc đời mình theo những lời dạy của Pháp Luân Đại Pháp, và gia đình tôi có một cuộc sống hòa thuận. Tôi thuyết phục chồng tôi cho em trai anh ấy, vốn đã lập gia đình nhưng chưa có nhà riêng, đến ở trong một căn nhà của chồng tôi. Tôi tôn trọng bố mẹ chồng, sống hòa thuận với hàng xóm.

Tôi đã có hai cơ hội để làm việc thoải mái và kiếm nhiều tiền hơn, nhưng tôi đã từ chối vì điều đó trái với tín ngưỡng của tôi. Một lần phòng tổng hợp của trường đại học xây một ngôi nhà nhỏ ở một nơi xa, từ đó tôi có thể phân phát sữa. Bằng cách này, tôi không phải làm việc ngoài trời và có thể kéo dài thời gian làm việc của mình. Tuy nhiên, tôi không muốn gây bất tiện cho khách hàng của mình và khiến họ phải đi cả quãng đường dài để lấy sữa. Tôi đã tiếp tục đi phát sữa trước cổng trường, dù mưa hay nắng.

Một lần khác, nhãn hiệu sữa do tôi làm đại diện dần mất thị trường, và thấy tôi có nhiều năm kinh nghiệm và lượng khách hàng lớn, giám đốc một công ty cạnh tranh đã đưa ra mức lương hậu hĩnh để tôi chuyển sang bán sữa của công ty ông ấy. Tôi đã từ chối lời đề nghị đó vì tôi đã làm việc với cùng một công ty trong một thời gian dài và không muốn phản bội lòng tin của công ty dành cho tôi.

Bị bắt phá thai, giam giữ và ly hôn vì không từ bỏ Pháp Luân Đại Pháp

Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp bắt đầu vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, tôi đã nói với đồng nghiệp và cấp trên của mình về cuộc bức hại tàn bạo và vạch trần tuyên truyền của ĐCSTQ. Nhà trường đã thành lập một đội đặc biệt, với người quản lý tôi lúc đó là Tần Đức Dũng là một thành viên, để bức hại tôi. Họ bắt tôi phải phỉ báng môn tu luyện và người sáng lập, và từ bỏ tu luyện. Khi tôi từ chối yêu cầu đó, họ đe dọa sẽ cắt lương hưu của bố tôi và tước đi công việc của chồng tôi. Họ bắt người cha già của tôi quỳ trước mặt tôi và cầu xin tôi từ bỏ tín ngưỡng của mình.

Hai tuần sau khi tôi được xác nhận là có thai, Tần ra lệnh cho cấp trên của chồng tôi nói với anh ấy rằng nếu tôi không phá thai, anh ấy sẽ bị mất tư cách đảng viên ĐCSTQ và bị sa thải. Sợ bị liên lụy, chồng tôi đưa tôi đến bệnh viện và bắt tôi phá thai vào ngày 7 tháng 1 năm 2000.

Cảnh sát đã bắt tôi vào ngày 24 tháng 2 năm 2000 khi tôi đến thăm một người bạn, và giam giữ tôi trong trường đại học qua đêm. Ngày hôm sau, một người quản lý ở trường hỏi tôi có còn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp không, tôi nói với ông ấy rằng tôi không làm gì sai và không nên bị đối xử như vậy. Họ đã đưa tôi đến một trại giam trong 15 ngày vì tội “gây rối trật tự xã hội.”

Ở trại giam tôi phải hái ớt cả ngày và không thể nghỉ ngơi nếu không hoàn thành công việc. Tôi cũng phải trả 6 tệ mỗi ngày tiền thức ăn. Sau đó, họ chuyển tôi đến một trung tâm đào tạo cảnh sát trong 6 ngày nữa, và tính phí cho gia đình tôi 100 tệ mỗi ngày. Chồng tôi đề nghị ly hôn vì không chịu được áp lực nữa. Cuộc bức hại đã khiến tôi mất chồng và con.

Một ngày nọ, Tần ra lệnh cho tôi đến trường đại học, và ông ta nhân cơ hội đó lục soát chỗ ở của tôi, và tịch thu các quyển sách Pháp Luân Đại Pháp của tôi. Cha tôi ở nhà một mình và cảm thấy bị xúc phạm và kinh hãi. Đổ lỗi cho tôi đã gây ra nỗi khổ cho ông, ông lao đến trường đại học và đánh tôi.

Bị lao động cưỡng bức 2 năm và tống tiền

Một cảnh sát từ Phòng An ninh Quốc gia thuộc Sở Cảnh sát Ngũ Hoa đã bắt tôi vào ngày 29 tháng 12 năm 2001 và lục soát nơi ở của tôi. Tôi bị giam tại Trại giam Ngũ Hoa trong một tháng trước khi bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Nữ tỉnh Vân Nam trong hai năm. Trường đại học bảo bố tôi trả 18.024 tệ để họ có thể giữ hồ sơ làm việc liên tục của tôi trong thời gian tôi ở trong trại lao động. Hóa ra đó là một lời nói dối, và trường chỉ hoàn trả 5.000 tệ khi tôi khiếu nại.

Các lính canh trong trại lao động đã tra tấn và tẩy não tôi. Sau một năm rưỡi, tôi được trả tự do vào năm 2003 để thi hành 6 tháng còn lại ở bên ngoài. Khi tôi đi làm trở lại, nhà trường chỉ trả cho tôi 66,14 tệ (chưa đến 10 đô la Mỹ) mỗi tháng.

Ba năm bị tra tấn trong trại lao động cưỡng bức cai nghiện ma túy

Người đứng đầu văn phòng ĐCSTQ trong trường đại học đã đến gặp tôi tại nơi làm việc cùng với hai cảnh sát mặc thường phục vào ngày 1 tháng 2 năm 2005 và ra lệnh cho tôi ký vào một thông báo về án phạt lao động cưỡng bức 3 năm vì tội “gây rối trật tự xã hội”. Sau khi tôi từ chối ký tên, hai cảnh sát đã đánh tôi và đưa tôi đến Trại Lao động Cưỡng bức Cai nghiện Ma túy thành phố Côn Minh.

Trong 3 năm trong trại lao động, vì tôi từ chối từ bỏ Pháp Luân Đại Pháp, các lính canh đã sốc điện tôi bằng dùi cui điện, bức thực tôi, tấn công tình dục tôi, không cho tôi ngủ và đánh đập tôi tàn bạo. Hai mắt tôi bị hỏng, và hai chân và lưng tôi bị thương do bị tra tấn. Đôi khi tôi phải đứng yên 17 giờ mỗi ngày trong nhiều ngày liên tiếp. Một buổi tối, các lính canh đã xúi giục những tù nhân khác hành hung tôi. Họ đá tôi và đầu tôi lại đập xuống sàn bê tông. Sau đó hai mắt tôi đau và không mở được. Tôi đã bị mất thị lực ở bên mắt trái và thị lực bên phải của tôi bị mờ. Đến năm 2012, tôi đã bị mù hoàn toàn.

Phòng nhân sự của trường đại học đã gửi cho tôi một thông báo vào cuối tháng 12 năm 2005 trong khi tôi vẫn đang ở trong trại lao động, nói rằng tôi đã bị sa thải.

Hai người nghiện ma túy đã đánh tôi. Tôi bị thương nặng và phải khâu vài mũi vào ngày 1 tháng 5 năm 2006. Tôi đã tuyệt thực để phản đối bạo lực đối với tôi. Thay vì giải quyết các vấn đề của tôi, ban quản lý trại đã trả thù tôi. Trưởng phòng huấn luyện đã nhiều lần trói hai tay tôi và đá tôi vào vùng háng khiến bụng dưới của tôi bị sưng lên nghiêm trọng và tôi bị mất kinh trong nhiều tháng. Một lính canh đã sốc điện tôi bằng dùi cui điện, và hai lòng bàn tay tôi bị sưng lên trong một tháng. Họ cũng bức thực tôi bằng nước muối đậm đặc.

Tôi được trả tự do vào tháng 3 năm 2008. Không có việc làm, tôi phải phụ thuộc vào khoản lương hưu ít ỏi của bố tôi, lúc đó đã gần 80 tuổi. Ông đã đề nghị cộng đồng sắp xếp một công việc cho tôi, nhưng không lâu sau khi tôi bắt đầu làm công việc lao công trong trường đại học, tôi đã bị mù và không thể làm việc được nữa.

Vụ kiện để nhận lại công việc bị bác bỏ

Tôi đã khiếu nại lên Ủy ban Trọng tài Tranh chấp Lao động ở quận Tây Sơn vào năm 2012 để thu hồi quyết định sa thải tôi của trường đại học. Tôi muốn trường đại học cấp lại số tiền lương đã giữ lại của tôi khi tôi ở trong trại lao động, và hoàn trả phần còn lại của số tiền mà họ đã bắt bố tôi phải trả, bao gồm cả thời gian tôi ở trong trại lao động và tiền lương mà họ đã đình chỉ đối với tôi.

Tôi cũng đã nộp đơn kiện lên Tòa án quận Tây Sơn đối với hiệu trưởng của trường đại học, Giang Nhuận Sinh. Thẩm phán đã bác bỏ trường hợp của tôi, nói rằng trường hợp của tôi là vấn đề quản lý hành chính và chính sách nội bộ.

Báo cáo liên quan:

Kunming Medical College Breaks Up A Falun Dafa Practitioner’s Marriage and Forces Her to Have an Abortion

After Two Labor Camp Terms and Forced Abortion, Blind Woman Tried for Her Faith in Falun Gong

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/4/27/459271.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/5/16/209364.html

Đăng ngày 12-06-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share