Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 25-04-2023] Ngày 27 tháng 8 năm 2022, 15 cư dân ở quận Bắc Lâm, thành phố Tuy Hóa, tỉnh Hắc Long Giang bị bắt giữ, trong đó 13 người bị nhắm mục tiêu vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Hai người còn lại là thân nhân có liên quan.
Trong số 13 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ, 7 người đã bị kết án. Không có thân nhân nào của các học viên được thông báo về các phiên tòa xét xử hoặc nhận được bản án chính thức.
Ông Trương Liên Khánh bị kết án 3,5 năm tù và hiện đang bị giam ở trong Nhà tù Hô Lan. Vợ ông, bà Lưu Quế Anh, bị kết án 1,5 năm và bị chuyển tới Nhà tù Nữ Tỉnh Hắc Long Giang. Con trai của họ, anh Trương Phượng Minh (32 tuổi) bị kết án 1,5 năm và thụ án ở trong Nhà tù Bắc An.
Bà Bạch Á Quyên, chủ một tiệm giặt ủi và tiệm may, đã bị kết án 3 năm tù. Bà bị chuyển tới Nhà tù Nữ tỉnh Hắc Long Giang vào ngày 30 tháng 3 năm 2023. Không lâu trước khi bị bắt, bà đã trả một năm tiền thuê cửa hàng. Hiện tại chồng bà đang phải chịu áp lực rất lớn để duy trì hoạt động của cửa hàng.
Bà Trịnh Lan Cần, một giáo viên nghỉ hưu ngoài 70 tuổi, đã được bảo lãnh tại ngoại sau khi bị bắt. Đến tháng 3 năm 2023, bà bị bắt trở lại Trại tạm giam Thành phố Tuy Hóa và bị kết án 1,5 năm tù, sau đó bị chuyển đến Nhà tù Nữ Tỉnh Hắc Long Giang vào ngày 21 tháng 4. Sức khỏe của bà hiện đang bị suy giảm và thị lực mờ đi. Gia đình bà phải chi rất nhiều tiền để cố gắng tìm cách giải cứu cho bà.
Hiện vẫn chưa có thông tin về thời hạn tù của bà Quách Quân Hà và bà Lang Thúy Hương (hai học viên còn lại).
Thông tin về các vụ bắt giữ khác
Dưới đây là 15 cư dân ở quận Bắc Lâm (gồm 13 học viên và 2 thân nhân) bị bắt giữ trong ngày 27 tháng 8 năm 2022.
1 gia đình 3 người
Gia đình ông Trương bị cảnh sát theo dõi khi đang cùng nhau dán áp phích Pháp Luân Công. Cảnh sát bắt giữ họ sau khi họ trở về nhà. Em gái của bà Lưu (cũng tu luyện Pháp Luân Công) bị bắt khi đến thăm họ. Cảnh sát cũng lục soát nhà bà và tịch thu 2 cuốn sách Pháp Luân Công.
4 người trong một gia đình mở rộng
Sau khi bà Bạch bị bắt, cảnh sát cũng đưa cha, chồng và người dì của bà, bà Chu Tú Hoa, đến đồn công an để thẩm vấn. Cả 3 người thân của bà Bạch đều được thả trong ngày. Cha và chồng bà Bạch không tu luyện Pháp Luân Công.
Người mẹ qua đời 1 tháng sau khi con gái bị bắt giữ
Sau khi bị bắt đến đồn công an, bà Lưu Liên Ba rơi vào tình trạng hôn mê và được đưa đến bệnh viện. Bà đã được thả vào buổi tối. Người mẹ già 83 tuổi của bà Lưu cũng nằm trong danh sách bắt giữ của cảnh sát. Vì không tìm thấy bất kỳ tài liệu Pháp Luân Công nào tại chỗ ở của bà, cảnh sát bỏ đi mà không bắt giữ bà. Nhưng do quá sợ hãi trước cuộc đột kích, bà qua đời 1 tháng sau đó.
7 học viên khác
7 học viên khác cũng bị bắt trong cùng ngày, bao gồm bà Trịnh, bà Quốc và bà Lương (đã đề cập ở trên) và bà Lý Diễm Huệ, bà Lưu Hiểu Mẫn, bà Vương Thu Diễm và bà Diêu Quyên. Bà Lưu, bà Vương và bà Diêu bị giam tại Trại tạm giữ Thành phố Tuy Hóa và được thả 15 ngày sau đó. Bà Trịnh được tại ngoại, nhưng lại bị bắt giam vào tháng 3 năm 2023.
Bí mật kết án 7 học viên
Gia đình ông Trương Liên Khánh, bà Bạch Á Quyên, bà Trịnh Lan Cần, bà Quách Quân Hà, bà Lang Thúy Hương và bà Lý Nghiên Huệ bị giam giữ ở trong trại tạm giam Thành phố Tuy Hóa. Viện Kiểm sát Thành phố Hải Luân phê chuẩn việc bắt giữ họ vào ngày 20 tháng 9 năm 2022. Sau đó, bà Lý được trả tự do và được miễn truy tố.
Tòa án Thành phố Hải Luân lên lịch xét xử 7 học viên còn lại vào ngày 28 tháng 12 năm 2022, nhưng phải hủy bỏ do sự bùng phát COVID-19 tại địa phương. Sau đó thẩm phán bí mật kết án các học viên mà không thông báo cho gia đình họ.
Các vụ bắt giữ theo nhóm và kết án được thực hiện theo lệnh của Trương Quân Dũng được bổ nhiệm vào ba vị trí phó bí thư của Ủy ban Thành phố Tuy Hóa, bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật và kiêm hiệu trưởng Trường Đảng Thành phố Tuy Hóa vào năm 2018.
Từ tháng 4 năm 2022, cảnh sát đã theo dõi và tăng cường giám sát các học viên. Chiến dịch này, được gọi là “Bách nhật hội chiến” (Cuộc chiến 100 ngày), nhằm ngăn chặn các học viên lên tiếng trong thời gian diễn ra Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10 năm ngoái. Khi một học viên bị phát hiện phân phát tài liệu giảng chân tướng, cảnh sát tăng cường giám sát học viên đó để truy tìm và nhắm tới tất cả các học viên có liên hệ với họ.
Bài liên quan:
Thành phố Tuy Hóa, tỉnh Hắc Long Giang: Ít nhất 11 học viên Pháp Luân Công bị bắt trong một ngày
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/4/25/459177.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/5/2/208334.html
Đăng ngày 11-06-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.