Bài viết của Tiểu Dung, Đệ tử Đại Pháp tỉnh Liêu Ninh
[MINH HUỆ 5-2-2023] Tôi là một đệ tử Đại Pháp sinh vào những năm 1980 ở Trung Quốc Đại lục, và thực sự bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào cuối năm 2019. Tôi biết ơn Sư phụ đã cho tôi cơ hội tu luyện, để tôi, một đệ tử không tinh tấn, có thể bắt kịp thời kỳ cuối của Chính Pháp. Dưới đây, tôi xin được viết lại một vài thể ngộ của bản thân trong quá trình tu tâm và thực tu, để báo cáo với Sư phụ và chia sẻ với các đồng tu.
Buông bỏ quá khứ và trở lại tu luyện
Khi tôi còn nhỏ, một số người thân trong gia đình tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, mẹ tôi cũng tu Đại Pháp vào năm 1998. Lúc đó, tôi đã đọc cuốn “Chuyển Pháp Luân” vài lần, xem các video bài giảng của Sư phụ ở Quảng Châu, và nghĩ về việc tu luyện Pháp Luân Công.
Sau đó, tôi bị cản trở bởi ảo tưởng của xã hội người thường, cùng các quan niệm, nghiệp lực tư tưởng, và không thể hiểu được hình thức tu luyện của Đại Pháp. Tôi mâu thuẫn và đấu tranh, không thể nhận thức một cách lý trí về Đại Pháp, và không thể nhìn thấy các nguyên lý cao hơn của Pháp, vì vậy tôi đã do dự bên ngoài cánh cửa Đại Pháp.
Dẫu vậy, Sư phụ vẫn luôn bảo hộ và điểm hóa cho tôi. Chỉ là ngộ tính kém, khiến tôi phạm phải quá nhiều sai lầm, bỏ lỡ quá nhiều thời gian, và luôn cảm thấy dẫu chạy cũng rất khó đuổi kịp. Sau đó, tôi tự nhủ phải buông bỏ mọi thứ và trân trọng từng ngày khi vẫn còn được tu luyện Đại Pháp.
Sau khi tu luyện Đại Pháp, vừa mới bão luân, tôi đã có rất nhiều tạp niệm. Một lần, tôi gặp mâu thuẫn cần đề cao tâm tính, nhưng không biết làm thế nào. Trong khi bão luân, đủ loại tư niệm chỉ dẫn tôi: Nói với tôi rằng làm thế này sẽ không gây tổn hại cho bản thân, làm thế kia sẽ tránh được khó khăn.
Tôi thầm hỏi Sư phụ: “Sư phụ ơi, con phải làm thế nào? Con phải làm gì đây?” Sau đó, từ trong chiếc đài, tôi nghe tiếng Sư phụ nhấn mạnh 2 từ: “Buông bỏ!” Hai từ này giáng xuống tâm tôi như một cây búa tạ. Trong phút chốc, mọi thứ trong đầu tôi đều tan biến, tan biến theo đúng nghĩa đen. Tôi biết rằng Sư phụ đang ở bên cạnh tôi và bảo tôi “hãy buông bỏ”.
Suy ngẫm về quá khứ của chính mình, phơi bày chấp trước
Trong 2,5 năm kể từ khi bắt đầu tu luyện Đại Pháp, tôi đã ở cùng một môi trường với mẹ tôi (cũng là đồng tu), và có rất nhiều điều đã thay đổi quan niệm của tôi và việc tu bỏ nhân tâm. Thông qua việc học Pháp nhiều hơn, tôi dần dần học được cách thực tu, điều này khiến tôi từng bước trưởng thành và trở nên lý trí.
Lúc đầu, khi nói chuyện với mẹ, kỳ thực tôi đều khoe khoang và hiển thị nặng. Sau khi ngộ ra một chút Pháp lý trong Pháp, tôi rất háo hức được “chia sẻ” với mẹ. Khi nhìn thấy những nhân tâm mà mẹ tôi chưa tu bỏ được phản ánh ra, tôi đã tỏ vẻ coi thường mẹ, và nói thẳng rằng chỗ này chỗ kia mẹ làm chưa đúng, vẫn còn tâm này, tâm kia, dường như tôi đang tu rất tốt và nhìn nhận đúng đắn.
Tôi còn viện cớ rằng đó là vì lo nghĩ cho mẹ, là để giúp bà tu luyện, mà bỏ qua những tâm chấp trước chính tôi cần tu bỏ. Tôi đã không hướng nội theo những gì Sư phụ giảng trong Pháp, mà luôn tu sửa mẹ mình và nhìn vào những thiếu sót của bà.
Khi đó, tôi không biết phải tu luyện như thế nào, và không thể nắm bắt được những suy nghĩ xấu phản ánh trong tâm trí của mình. Thậm chí tôi còn thuận theo, mà không thể nhận ra chúng. Dù mẹ tôi nói bất cứ điều gì, trong tâm tôi dường như luôn có một giọng nói chờ sẵn để đối ngược lại với bà.
Tôi là con một trong nhà, lại lớn lên dưới sự tẩy não của văn hóa Đảng. Cha mẹ tôi thuộc thế hệ đã trải qua Cách mạng Văn hóa và đoạn tuyệt với văn hóa truyền thống.
Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi rất áp đặt, tính tình lại hung bạo. Bà là người có tiếng nói quyết định trong gia đình, mọi việc đều phải theo ý bà. Tôi rất sợ mẹ, sợ nếu không cẩn thận sẽ làm mẹ nổi giận. Tôi đã làm nhiều điều trái ý mình, còn mẹ lại làm nhiều việc mà lẽ ra tôi phải tự làm.
Mẹ tôi coi thường bố tôi, nhưng bố tôi lại trút hết cảm xúc và áp lực này sang tôi. Ông luôn cằn nhằn, mắng mỏ tôi thậm tệ. Tôi chưa bao giờ được ông khẳng định hay tán thành.
Hướng nội tu bản thân, buông bỏ nhân tâm
Chính những trải nghiệm trên đã khiến tôi cảm thấy rất tự ti khi trưởng thành, và bộc lộ nhiều suy nghĩ theo quán tính tiêu cực, dễ buông xuôi, trong giao tiếp xã hội luôn nóng lòng nhận được sự đồng tình của người khác, luôn muốn hiển thị để chứng tỏ bản thân.
Tâm ỷ lại của tôi rất mạnh, nhiều việc không chịu dụng tâm, không chịu động não, không có chính kiến và dễ dàng thuận theo ý người khác. Tôi sợ đối mặt với những khó khăn và rắc rối, sợ bị bàn tán và coi thường.
Biểu hiện trong người thường chính là: luôn muốn chứng tỏ mình giỏi về mọi mặt, mặc dù mọi việc đều được lên kế hoạch chu đáo, nhưng lại thường bỏ dở giữa chừng, đầu voi đuôi chuột. Khi bản ngã, quan niệm, v.v… bị tấn công, tôi nhất định sẽ tranh luận đúng sai với người khác, và muốn người khác phải thuận theo ý mình.
Trong khi liên tục học Pháp, tôi bắt đầu hướng nội tu bản thân. Tôi có thể nhận thức được những chỗ bản thân không phù hợp với Pháp, cảnh giác và nắm bắt được những ý nghĩ xấu trong đầu mình. Tôi tự hỏi vì sao mình lại có những ý nghĩ này? Nó đến từ đâu? Mỗi khi đào sâu, tôi mới thấy đằng sau đó là tâm tật đố bất bình và tâm oán hận.
Mặc dù bề ngoài tôi và mẹ rất hợp nhau, nhưng trong sâu thẳm tâm mình tôi luôn nghĩ rằng rất nhiều lỗi lầm mà tôi mắc phải sau khi bước vào xã hội là do mẹ tôi gây ra.
Bởi vì khi tôi còn nhỏ, mẹ không cho tôi làm bất cứ điều gì, bà không biết cách dạy dỗ tôi, khiến tôi có nhiều quan niệm sai lầm. Tôi đổ tất cả trách nhiệm này cho bà, và nghĩ rằng đó là lỗi của bà. Bất mãn với môi trường gia đình và bất an trong lòng sinh ra tâm đố kỵ và oán hận với mẹ, dẫn đến biểu hiện dai dẳng nói trên trước mặt bà.
Dần dần, tôi có thể nhận ra rằng tôi có tất cả những nhân tâm mà mẹ tôi đã thể hiện ra, bà đang chỉ cho tôi thấy, để tôi tu luyện bản thân mình. Ví dụ, tôi thấy mẹ tôi thường sai bố tôi làm này, làm kia, bèn nghĩ đây chính là tâm ỷ lại của bà.
Tôi tự hỏi mình: “Vì sao lại để tôi nhìn thấy điều này?” Khi hướng nội, tôi thấy rằng tâm ỷ lại của mình còn mạnh hơn. Biểu hiện chính là động một chút là gọi “Mẹ ơi, giúp con”.
Sau khi nhận ra điều này, tôi luôn chú ý quản chặt cái miệng của mình. Mỗi khi muốn gọi “Mẹ” là tôi lập tức kìm lại và tự nhủ: “Đây chính là cái tâm ỷ lại và tâm lười nhác bảo tôi nói, nó không phải là tôi. Tôi là người tu luyện, phải biết nghĩ cho người khác, nhất định phải tự mình làm.“
Mẹ tôi làm việc gì cũng nói “nhanh, nhanh, nhanh”, tôi nghĩ bà là người thiếu kiên nhẫn. Hướng nội tìm, tôi sửng sốt khi thấy rằng mình cũng có tâm háo thắng trong công việc, không chú ý đến chất lượng, hơn nữa nếu không có tiến triển sẽ nản chí. Suy nghĩ tiêu cực theo quán tính sẽ nhảy ra: Tôi có thực sự giống như những gì cha tôi nói làm gì cũng chẳng nên không? Và lại dấy lên lòng oán hận với cha mình.
Sau khi những mỹ đức truyền thống như Trung, Hiếu, Liêm, Sỉ bị cắt đứt bởi những quan niệm sai lầm do văn hóa đảng hình thành, tôi không những không cảm thấy biết ơn cha mẹ mình trong quá khứ mà ngược lại, còn căm ghét và đổ lỗi cho họ. Điều này thực sự rất không nên.
Tôi biết rằng tôi nên buông bỏ tất cả quá khứ và loại bỏ những quan niệm không đúng đắn, không thể hễ gặp chuyện là lại đi theo lối mòn của con người, bị cựu thế lực lừa gạt.
Cho dù trong quá khứ, tôi và mẹ có nhân duyên gì đi chăng nữa, thì kiếp này chúng tôi đã có thể trở thành đồng tu, tôi thực sự biết ơn mẹ đã không từ bỏ việc thức tỉnh tôi, là Sư phụ đã an bài cho chúng tôi giúp đỡ nhau, cùng nhau đề cao trong một môi trường, vì vậy tôi phải trân trọng điều này.
Giúp đỡ nhau cùng đề cao
Khi ở cùng với mẹ tôi, tôi thấy rằng trạng thái tu luyện của bà lúc lên lúc xuống. Bà thường mê mờ khi học Pháp, đổ tay khi phát chính niệm, và ngủ gật khi luyện công. Tôi thực sự muốn giúp mẹ vượt qua quan này. Nhưng một thời gian sau, tôi cũng xuất hiện trong trạng thái chủ ý thức yếu ớt giống như mẹ mình.
Tôi thấy rằng bất cứ khi nào tôi tìm ra những chấp trước của mình, nỗ lực trấn áp và đẩy lùi chúng, thì trạng thái tu luyện của mẹ tôi sẽ tốt hơn. Điều này khiến tôi thức tỉnh, phải tìm ra sơ hở của bản thân ở đâu, tránh bị tà ác lợi dụng sơ hở.
Tôi đào sâu tìm bản thân thì thấy rằng khi giúp mẹ vượt quan, tôi vẫn có tâm tự cho mình là đúng, và chấp trước vào những quan niệm sai lầm được hình thành trong người thường. Vì trước đây tôi đã quen với cuộc sống thoải mái, nên luôn tìm cớ để bản thân được thảnh thơi, sợ phiền phức, thị phi. Tôi còn tự nhủ rằng đây là “thuận theo tự nhiên”, mà không làm được việc chủ động suy xét vấn đề một cách thanh tỉnh.
Đây là biểu hiện vì sao tôi dễ dàng từ bỏ chủ ý thức của mình. Tôi sợ bị nói và bị coi thường, còn cảm thấy rằng mình biết nghĩ cho người khác và rất tốt bụng, cũng như sợ gặp mâu thuẫn. Kỳ thực, đó là biểu hiện của chấp trước muốn tìm kiếm sự hài hòa và sợ gặp phải xung đột.
Trong quá trình tu luyện, tôi có biểu hiện không nghiêm túc trong tu luyện và không kiên định. Mọi việc mà một người tu luyện gặp đều không phải là chuyện nhỏ, đều cần suy nghĩ về nó một cách nghiêm túc và bình tĩnh, và làm theo yêu cầu của Pháp.
Tuy nhiên, hầu hết tôi đều đi chệch hướng và mắc kẹt vào đúng sai trên bề mặt của sự việc. Khi phát hiện ra vấn đề, không phải lúc nào tôi cũng chú ý tu bỏ, mà chỉ bận tâm và quyết tâm lúc đó, sau đó lại làm qua quýt cho xong.
Tôi cũng không thể được thực hiện đến cùng một cách có trật tự việc chép và học thuộc Pháp mà bản thân đã lên kế hoạch. Tôi luôn bị gián đoạn bởi can nhiễu, và bị các chấp trước dẫn động. Tôi đã không thể duy trì chính niệm trong một thời gian dài. Những điều này đều do chủ ý thức yếu ớt của tôi gây ra.
Trong quá trình tu luyện, tôi nhận ra rằng tất cả các quan niệm vị tư được hình thành nơi người thường trong các thời kỳ khác nhau là bức tường cao ngăn cản con đường tu luyện.
Trạng thái không đúng của mẹ tôi và tôi cũng khiến tôi nhận ra sự nghiêm túc của tu luyện. Khi chia sẻ, chúng ta phải quý trọng thời gian và tinh tấn không lười nhác. Chúng ta phải học Pháp nhiều hơn và học Pháp thật tốt; luôn luôn giữ chính niệm, không bỏ qua những điều nhỏ nhặt, mọi thứ đều phải đối chiếu với Pháp, dùng Pháp mà đo lường.
Chúng ta phải hoàn toàn phủ nhận an bài của cựu thế lực, không thể tiếp tục chạy theo quan niệm sai lầm của con người, và luôn tự nhắc nhở rằng mình là một đệ tử Đại Pháp. Khi suy xét vấn đề phải giữ được chủ ý thức thanh tỉnh, bảo trì chính niệm.
Khi chấp trước phản ánh ra trong suy nghĩ, lời nói hay hành vi, chúng ta phải kịp thời phân biệt và loại bỏ chúng, để chúng không có cơ hội trở mình trong Pháp, bị suy yếu và loại bỏ từng tầng, từng tầng.
Phần kết
Khi còn niên thiếu, tôi từng manh nha có suy nghĩ muốn tu luyện, vì chấp trước vào cuộc sống tốt đẹp nơi con người, nhưng không nhìn thấy bất kỳ hy vọng nào trong hiện thực. Chỉ khi buông bỏ chấp trước căn bản này, tôi mới thực sự bước vào cánh cửa tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.
Tôi từng sinh tâm oán hận và đổ lỗi cho gia đình mình và sự thiếu giáo dục của cha mẹ về những trải nghiệm và lỗi lầm không như ý của tôi. Trong quá trình tu luyện, khi tôi buông bỏ những thứ không tốt này, tâm tôi cũng trở nên nhẹ nhõm hơn. Chỉ khi nhìn thấy thiếu sót của bản thân, mới có thể thực sự hiểu và bao dung với người khác, đề cao đạo đức và thăng hoa cảnh giới tinh thần.
Khi bắt đầu tu luyện, tôi đã khóc, cố nhẫn chịu trong tư thế song bàn, và đọc thuộc Pháp của Sư phụ: “Cật khổ đương thành lạc” (Lấy chịu khổ làm vui) (Khổ Kỳ Tâm Chí, Hồng Ngâm). Nhìn cơ thể đau đớn và run rẩy, tôi thầm nghĩ: “Đau thế này, vui sao được?” Phải đến khi buông bỏ quan niệm hậu thiên “chịu khổ là việc xấu”, tôi mới thực sự trải nghiệm được sự mỹ diệu khi ngồi đả tọa.
Bây giờ tôi vẫn còn đau, nhưng tôi đang mỉm cười. Nỗi đau này là niềm hạnh phúc được chịu đựng, được tu luyện, mà mọi thứ trên đời đều không thể sánh được.
Chỉ khi buông bỏ, mới có thể thực sự đắc được. Lúc này tôi muốn nói với Sư phụ: Con vẫn còn rất nhiều chấp trước của người thường và quan niệm vị tư, nhưng con thực sự muốn buông bỏ tất cả, theo Sư phụ trở về nhà, làm một đệ tử chân tu của Ngài.
Thể ngộ tu luyện của tôi vẫn còn nông cạn, những chỗ không phù hợp với Pháp, mong đồng tu từ bi chỉ ra và sửa giúp.
Bản quyền các tác phẩm đăng trên Minh Huệ Net thuộc sở hữu của Minh Huệ Net. Nếu đăng lại phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở phía trước tác phẩm (“Theo Minh Huệ Net đưa tin, …”), sau đó ghi chú đường dẫn đến bản gốc của Minh Huệ Net. Nếu đăng lại cho mục đích thương mại, vui lòng trao đổi với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/2/5/放下才会真正的得到-455163.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/3/27/207832.html
Đăng ngày 11-06-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.