[MINH HUỆ 22-03-2023] Khi chúng tôi gọi điện thoại để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại cho người dân tại Trung Quốc, chúng tôi thường gặp phải ai đó gác máy khi chúng tôi đề nghị họ thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), hay khi chúng tôi nói về bản chất thực sự của ĐCSTQ. Sau khi đọc Pháp thật nhiều và học hỏi từ kinh nghiệm của các học viên khác trên nền tảng (gọi điện thoại) RTC, tôi đã có được một số nhận thức.
Thay đổi tư duy của mình từ “về tôi” thành “về họ”
Sư phụ Lý Hồng Chí đã giảng:
“Khi thiếu khuyết về trí huệ, thông thường là do chư vị lo lắng quá; đầu não lo lắng cần làm một việc nào đó, thấy nó quá quan trọng, thì liền xuất hiện một chủng chấp trước khác nên tạo thành như thế. Thực ra [đối với] rất nhiều sự việc, chư vị giảng nói với tâm khí bình tĩnh, tâm khí bình hoà, đối đãi một cách có lý trí, chư vị sẽ phát hiện rằng trí huệ của chư vị sẽ tuôn như nước chảy, hơn nữa từng câu từng chữ đều trúng, câu nào cũng là chân lý. Chư vị nếu chấp trước, sốt ruột, có một chủng tâm cuồng nhiệt nào đó, thì trí huệ sẽ mất, bởi vì khi ấy đã bị chui vào ‘con người’ rồi; phải vậy không? Cần gắng tận dụng chính niệm, cần hết sức dùng trạng thái của người tu luyện, thì sẽ thấy hiệu quả tốt đẹp phi thường.” (Giảng Pháp tại Pháp hội vùng đô thị New York [2003], Giảng Pháp tại các nơi III)
Khi tự đối chiếu bản thân với những gì mà Sư phụ Lý (Nhà sáng lập Đại Pháp) đã giảng, tôi thấy rằng mình đã quá lo lắng. Tôi đã trở nên quá chú trọng vào số lượng người mà tôi giúp họ thoái, và tôi chấp trước rất mạnh vào làm các việc. Tôi đã khao khát thành công, có tâm hiển thị và tranh đấu. Tôi muốn khẳng định bản thân và không thể bình tâm nghĩ cho người khác. Tôi luôn cảm thấy mình thiếu trí huệ.
Khi tôi bị bắt vì thỉnh nguyện cho Pháp Luân Đại Pháp tại Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh, tôi đã bị đưa đến một đồn cảnh sát. Những cảnh sát đã hỏi tôi: “Tại sao chị đến Quảng trường Thiên An Môn?” Tôi đáp đại loại là: “Sau khi tu luyện Đại Pháp, sức khỏe của tôi đã cải thiện; tôi biết làm thế nào để thành người tốt hơn; tôi đã có thể chính lại rất nhiều thói quen xấu của mình; tâm tính tôi đã trở nên tốt hơn,” và v.v… Nhưng họ thường đáp lại rằng: “Tại sao học viên các chị tất cả đều nói như vậy? Chị không biết rằng ĐCSTQ không cho phép người ta tu luyện Pháp Luân Công sao?” Khi tôi bị chuyển đến một trung tâm giam giữ, tôi vẫn bị hỏi các câu tương tự và vẫn không thể thuyết phục được họ.
Nhiều năm sau, tôi đã nói chuyện với một học viên từ Canada trên nền tảng RTC. Cô ấy cũng đã đến Quảng trường Thiên An Môn để bảo vệ Pháp Luân Đại Pháp. Khi được hỏi những câu như thế, cô ấy đã nói: “Tôi ở đây vì cảnh sát các vị. Tôi đang đi tìm các vị!” Những viên cảnh sát rất kinh ngạc và hỏi cô ấy tại sao. Cô ấy nói. “Chẳng phải các vị được gọi là cảnh sát của nhân dân sao? Khi người dân có điều muốn nói, các vị phải có trách nhiệm chuyển nó đến nhà chức trách. Nếu con người khi ấy biết Jesus là Thần, thì họ đã không đóng đinh ông lên cây thánh giá.
“Nếu ĐCSTQ biết rằng Pháp Luân Đại Pháp là một môn tu Phật đích thực dạy người ta thành người tốt và không làm chính trị, thì sẽ không có cuộc bức hại này. Các vị có trách nhiệm báo cáo tình hình này lên cấp có thẩm quyền cao hơn. Vì vậy, tôi phải đến để gặp các vị.” Cảnh sát dường như được sáng tỏ vì lý do đó và đã để cô ấy về nhà.
Tôi nhận ra rằng khi tôi nói mãi với cảnh sát rằng tôi đã được lợi như thế nào về thân và tâm sau khi tu luyện Đại Pháp, thì đó là từ góc nhìn “về tôi.” Nhưng câu trả lời của học viên đó là từ góc nhìn của cảnh sát. Cô ấy đã cho cảnh sát biết rằng chính là họ có trách nhiệm báo cáo đến cấp trên của họ rằng không nên bức hại Pháp Luân Đại Pháp. Từng câu cô ấy nói đều nhắm trúng điểm đó. Chẳng phải là đã giảng chân tướng về Đại Pháp bằng trí huệ sao?
Nhận thức này đã khiến tôi bị sốc và làm tôi phải suy nghĩ. Tôi từng cho rằng mình có chính niệm, nên đã gạt nỗi sợ hãi sang một bên mà đến Quảng trường Thiên An Môn để chứng thực Đại Pháp. Tôi đã ngay thẳng khi nói chuyện với cảnh sát. Chắc chắn là tôi chưa làm gì sai trái cả. Nhưng cùng lúc đó, tôi đã không thể nhảy ra khỏi cách nghĩ “về tôi” này, và tôi đã coi cảnh sát là “phía tà ác.” Do vậy, tôi càng kháng cự thì càng bị bức hại hơn.
Việc này thực sự đã khiến tôi tự xét lại bản thân mình. Tôi nhận ra rằng tình huống đó cũng tương tự như khi tôi nói chuyện với mọi người trên điện thoại. Nếu chúng ta có thể nghĩ từ quan điểm “về họ,” thì sẽ đạt được tiêu chuẩn của Pháp và khiến đối phương hiểu rõ chân tướng hơn.
Vậy làm thế nào để chúng ta chuyển từ “về tôi” thành “về họ” khi giảng chân tướng? Thể ngộ của tôi hiện nay là việc này cũng tương tự như dạy một lớp học: một giáo viên thay đổi cách tiếp cận của cô ấy từ “giáo viên làm trung tâm” thành “học viên làm trung tâm,” và từ “tôi muốn dạy gì” thành “họ cần nghe gì để học.” Khi chúng ta tiếp cận mọi người, thì việc chuyển từ “chủ quan” thành “khách quan” là một quá trình tu luyện.
Từ “khó khăn” thành “dễ dàng”
Tôi phát hiện lúc mới bắt đầu khi tôi nâng cao nhận thức về cuộc bức hại cho những người lạ rất là khó khăn. Khi tôi nói kiểu như: “Việc thoái xuất khỏi ĐCSTQ sẽ thanh tẩy lời thề độc mà chư vị đã phát ra và đảm bảo chư vị được bình an,” hoặc “ĐCSTQ đã giết 80 triệu người dân qua các cuộc vận động của nó” hay là “ĐCSTQ vẫn đang thu hoạch nội tạng sống, và việc này không thể được chư Thần dung thứ,” thì người nghe đôi khi không hiểu hoặc không tin. Họ sẽ lầm tưởng rằng tôi đang tham dự vào chính trị. Vì thế tôi thường gặp phải những người chửi rủa tôi hoặc gác máy.
Điều khó khăn nhất đối với những người mới bắt đầu gọi điện thoại là nói đến chủ đề thoái xuất khỏi ĐCSTQ. Khi nói chuyện với một người lạ, bạn đột nhiên hỏi: “Anh/Chị có phải là đảng viên ĐCSTQ không?” Nó thường làm đối phương cảm thấy khó chịu. Nhưng thay vào đó nếu chúng ta hỏi: “Anh/Chị không phải là đảng viên ĐCSTQ nhỉ?” Nó có thể làm người ta cảm thấy đỡ nhạy cảm hơn. Vì vậy tôi thường hỏi: “Anh/Chị đã gia nhập Đoàn Thanh niên ở trường cấp hai phải không?” “Khi bắt đầu đi làm, anh/chị chưa vào ĐCSTQ phải không?” Bằng cách này, chúng ta có thể đi đến chủ đề thoái đảng một cách tự nhiên.
Một ví dụ khác là khi tôi bắt đầu cuộc trò chuyện với câu: “Năm con Cọp mà, người ta đều rất hoang mang,” thì một số người ngay lập tức gác máy. Sau đó tôi nhận ra rằng ngữ điệu của tôi rất tiêu cực, và tôi đã đổi nó thành “Năm Dần cuối cùng cũng sắp qua rồi, và tôi hy vọng năm Mão sẽ tốt hơn,” thì ít người gác máy hơn,
Chúng ta làm thế nào để biến việc giảng chân tướng từ “khó” thành “dễ”? Ngoài việc gọi điện thoại nhiều hơn và làm quen với các điểm cần thảo luận, thì một phương pháp hiệu quả là chia nhỏ những vấn đề khó và tập trung vào một điểm trong một khoảng thời gian trước khi chuyển sang điểm tiếp theo. Một khi chúng ta làm tốt điểm đó, thì chúng ta sau đó có thể đi tiếp một cách dễ dàng.
Ví dụ, khi mới bắt đầu nói về “Vụ Tự thiêu ở Quảng trường Thiên An Môn,” tôi đã không thể giải thích được rõ khi có người nghi ngờ. Sau đó khi gọi điện thoại, tôi tập trung vào việc đề cập những điều khó giải thích mà người ta thường có nghi vấn. Sau đấy, tôi đã tổng kết lại các vấn đề và sắp xếp một số điều để nói: thứ nhất, trong vòng một phút, cảnh sát đã đưa đến hơn 20 bình cứu hỏa. Sao họ lại mang theo bình chữa cháy trong khi làm nhiệm vụ? Thứ hai, bọc một bệnh nhân bị cháy trong vải là không phù hợp với thực hành y tế tiêu chuẩn. Không bác sỹ nào tin cả. Cuối cùng, nó được cho là một vụ tự sát, vậy sao mà cái video đó trông rất chuyên nghiệp thế? Không nhiếp ảnh gia nào sẽ tin điều đó. Cảnh sát, bác sỹ, và nhiếp ảnh gia là ba loại nghề nghiệp mà người ta đều quen thuộc.
Chuyển từ “chủ quan” thành “khách quan”
Một số người đã phản hồi lại và nói rằng chúng tôi thường quá chủ quan. Ví dụ, chúng tôi nói thẳng với người ta rằng: “ĐCSTQ là tà ác. Tội ác của nó vô cùng ghê gớm. Trời sắp tiêu diệt ĐCSTQ rồi. Thoái xuất khỏi ĐCSTQ ngay đi.” Tôi đã có được một số nhận thức khi tôi được đào tạo công việc biên tập. Tổng biên tập thường nhấn mạnh rằng trong các bài viết nhằm nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, chúng ta phải khách quan thì mới có tính thuyết phục. Ví dụ, trước khi đi đến kết luận rằng “ĐCSTQ là tà ác”, thì chúng ta phải phơi bày sự thật. Đầu tiên chúng ta cần nói về những điều xấu xa mà ĐCSTQ đã làm, phân tích sự thật, đưa ví dụ, và các trích dẫn khác nữa. Bản thân chúng ta là những biên tập viên, thì chúng ta không thể trình bày ý kiến của chúng ta một cách chủ quan. Trách nhiệm của biên tập viên là chọn lựa sự thật và có các nhận xét để hỗ trợ cho các kết luận của chúng ta. Bằng cách này, báo cáo sẽ có tính thuyết phục.
Chúng ta cũng nên khách quan khi nói với mọi người về bản chất tà ác của ĐCSTQ. Chúng ta có thể bắt đầu cuộc trò chuyện với những gì mà họ quen thuộc. Ví dụ, nếu họ sống qua cuộc thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, chúng ta có thể nói: “Bạn có nhớ phong trào sinh viên ngày 4 tháng Sáu năm 1989 không? Phải chăng các sinh viên đã sai khi đứng lên chống lại tham nhũng? Tuy nhiên, Đặng Tiểu Bình đã ra lệnh bắn vào họ. Người ta đã trích dẫn câu nói của ông ta rằng ‘giết 200.000 sẽ có được 20 năm ổn định.’ Những sinh viên đó là tương lai của Trung Quốc. Nhưng ĐCSTQ thường tự rêu rao là người mẹ của Trung Quốc; sao một người mẹ có thể bắn vào những đứa con của mình chứ? Nói tôi nghe, bạn có nghĩ rằng ĐCSTQ thật xấu xa không?”
Sau đó, chúng ta có thể nói về các phong trào khác của ĐCSTQ mà trong đó 80 triệu người Trung Quốc đã bị giết chết, vụ tự thiêu, và việc thu hoạch nội tạng sống từ các học viên Đại Pháp. Khi kết luận, tôi hỏi: “Bạn còn nói ĐCSTQ tốt nữa không?” Đối mặt với những sự thật đó, người ta thường nói: “ĐCSTQ thật quá xấu. Tôi sẽ thoái xuất khỏi nó.”
Tôi từng hay nói: “Trời sẽ diệt ĐCSTQ.” Đó là chủ quan. Thay vào đó, tôi nói: “Trong nhiều cuộc diễu hành ở hải ngoại, tôi thường nhìn thấy các băng rôn với các thông điệp như: ‘Trời sẽ tiêu diệt ĐCSTQ’ và “Chỉ khi nào không có ĐCSTQ, thì mới có một Trung Quốc mới.’ Bạn có nghĩ rằng chúng đại biểu cho quan điểm của người dân thế giới hay không?” Nếu chúng ta khách quan, thì đối phương sẽ dễ chấp nhận điều chúng ta nói hơn.
Ngoài ra, thay vì sự chủ quan và chúng ta tự đưa ra các kết luận, chúng ta thường có thể đặt các câu hỏi để giúp đối phương suy nghĩ và rút ra kết luận của chính họ. Ví dụ, chúng ta có thể hỏi: “Tại sao nhiều người lại ăn mừng khi Giang Trạch Dân (cựu Tổng bí thư Đảng) qua đời? Việc này sau đó có thể dẫn đến chủ đề tham nhũng của Giang Trạch Dân. Chúng ta có thể đưa ra các ví dụ về ĐCSTQ tham nhũng đến thế nào và hỏi: “Bạn có nghĩ ĐCSTQ tốt khi mà nó tham nhũng như vậy không?” Chúng ta cũng có thể hỏi: “ĐCSTQ đã tiến hành quá nhiều các phong trào chính trị khủng khiếp, giống như Đảng cộng sản Liên Xô. Bạn có nghĩ đến một ngày ĐCSQT sẽ tan rã như Đảng cộng sản Liên Xô hay không?” Điều này tránh cho chúng ta đưa ra kết luận chủ quan.
Tìm kiếm điểm chung
Chúng tôi thường gặp những người có xuất thân và quan điểm khác nhau. Do đó, điều rất quan trọng là chúng ta cần tìm ra điểm chung trong lúc lắng nghe quan điểm của họ. Cho dù đối phương có quan điểm tiêu cực về Pháp Luân Đại Pháp, chúng ta phải tránh bài bác họ. Bằng cách này, chúng ta có thể tránh rơi vào tranh đấu và gia tăng tranh cãi về một vấn đề duy nhất. Chúng ta có thể cứ để cuộc hội thoại tiếp tục, trao đổi ôn hòa và tương tác. Cách tiếp cận này có thể rút ngắn khoảng cách giữa hai phía và tạo được cơ hội tốt hơn để cứu chúng sinh. Đây cũng là biểu hiện của việc buông bỏ tự ngã và nghĩ cho người khác trước. Dưới đây là một vài ví dụ.
1) Khi gặp phải người cứng đầu và thích tranh luận, đầu tiên chúng ta có thể khẳng định với họ bằng cách nói: “Bạn là một người có suy nghĩ và có quan điểm của riêng mình. Tôi thực sự tôn trọng những người có suy nghĩ độc lập.” Sau đó, chúng ta có thể dùng ngữ điệu thảo luận và hạ thấp vị thế của chúng ta xuống trong lúc cố gắng không áp đặt tư tưởng của chúng ta lên đối phương, “Chúng ta hãy nói về điều đó và bạn có thể thấy liệu những gì tôi nói có hợp lý không.”
2) Khi đối diện với một cá nhân tuyên bố rằng họ là một kẻ xấu, chẳng hạn như là thành viên băng đảng, chúng ta có thể khẳng định với anh ta rằng: “Bạn chống lại sự bất công. Để so sánh, thì ĐCSTQ đã giết đến 80 triệu người Trung Quốc mới thực sự là một băng đảng.” Với sự khẳng định này đối phương sẽ bị sốc và thường đồng ý thoái xuất khỏi ĐCSTQ.
3) Khi đối mặt với người có vẻ không lý trí và chửi rủa chúng ta, chúng ta cần nhớ rằng những người này thường là thẳng thắn và thường nhận ra là họ sai sau khi họ đã trút giận xong. Tôi nói với họ: “Tôi hiểu những lo ngại của bạn. Hãy nói chuyện về chúng. Tôi tin bạn là một người lý trí, và có quan điểm của riêng mình. Tôi tôn trọng những người suy nghĩ độc lập.” Sau đó, tôi có thể nói những điểm mà tôi muốn nói.
4) Khi gặp phải người không thể phân biệt giữa ĐCSTQ với Trung Quốc, và nói rằng anh ta yêu nước, tôi thường thể hiện ngay từ đầu trong cuộc nói chuyện rằng tôi cũng yêu nước, điều này giúp giảm bớt rất nhiều nghi ngờ: “Chúng ta đều là người Trung Quốc. Tôi yêu Trung Quốc và văn hóa Trung Hoa, nhưng tôi không yêu chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản không phải là Trung Quốc; Marx – tổ tiên của nó là một kẻ tin vào Satan.”
Tiếp tục cải thiện và đột phá
Tôi rất xúc động mỗi khi xem Shen Yun. Những kỹ năng suất sắc của các nghệ sỹ, cùng với trạng thái tu luyện thuần tịnh của họ làm khán giả cảm động sâu sắc, là những điều làm các buổi trình diễn thành một đại lộ có năng lượng rất mạnh để cứu độ chúng sinh. Đằng sau sự thành công là quá rình luyện tập gian khổ của các nghệ sỹ. Người thường có câu rằng: “Một phút trên sân khấu bằng 10 năm ở ngoài sân khấu.” Đây cũng là nguyên tắc cho việc giảng chân tướng. Chúng ta cũng cần tinh tấn mài giũa các kỹ năng của chúng ta.
Chúng ta đối mặt những người khác nhau với những “nút thắt” khác nhau trong tâm trí họ cần chúng ta tháo gỡ. Những bản thảo được chuẩn bị cho chúng ta không thể đề cập được tất cả các “nút thắt” này. Hàng ngày chúng ta cần suy ngẫm và chỉnh sửa các vấn đề cần nói. Cần phải liên tục kiểm tra từ ngữ và ngữ điệu nào là phù hợp với phong cách của mỗi người. Chúng ta cũng cần học hỏi từ kinh nghiệm của các đồng tu. Nhưng chúng ta phải cố tránh chỉ làm theo các đồng tu khác một cách máy móc, là điều thường khiến chúng ta nói kém lưu loát hơn.
Sau khi tham gia gọi điện thoại một thời gian dài, chúng ta có thể rơi vào một trạng thái trì trệ chỉ làm cùng một việc theo thói quen, và chúng ta không đề cao nữa. Thay vào đó, chúng ta cần làm việc này với cả trái tim mình và hãy cố gắng tìm ra nguyên nhân khi chúng ta gặp phải ai đó gác máy hay không muốn nghe.
Sư phụ Lý đã giảng:
“Tu tại tự kỷ, công tại sư phụ” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)
Nếu chúng ta có mong muốn đề cao, Sư phụ sẽ giúp và khai ngộ cho chúng ta. Nhiều đồng tu trong nhóm gọi điện thoại đã có những trải nghiệm kỳ diệu này.
Tôi từng gặp tình huống khi một cá nhân đồng ý thoái khỏi ĐCSTQ rồi, nhưng sau đó tôi tiếp tục nói, thì họ ngừng bằng việc gác máy trong khi tôi vẫn đang nói. Một học viên đã nhắc tôi: “Chị nên chắc chắn rằng cuộc gọi thực sự kết thúc rồi. Sẽ là tốt nhất nếu chị nhận được phản hồi.” Sau đó tôi nghe lại đoạn ghi âm để cố gắng tìm vấn đề là gì. Tôi nhận ra rằng sau khi giúp được người ta thoái xuất khỏi ĐCSTQ, thì tôi lại quá hào hứng muốn nói hết các vấn đề đã được chuẩn bị một cách tự cao mà phớt lờ cảm giác và phản ứng của họ.
Khi chúng ta gặp trở ngại trong việc giảng chân tướng, chúng ta nên dành một chút thời gian tìm xem liệu chúng ta có quá tự cao, quá chủ quan, hay quá mạnh mẽ hay không. Chúng ta hãy buông bỏ các quan niệm của mình và thay đổi từ “điều tôi muốn nói” thành “họ có thể hiểu được bao nhiêu”. Đó cũng là một quá trình tu luyện để buông bỏ tự ngã.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/3/22/457591.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/4/14/208062.html
Đăng ngày 09-06-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.