Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 10-08-2022] Tôi là đệ tử Đại Pháp lớn tuổi, đã đắc Pháp được hơn 20 năm. Trong thời kỳ đầu của cuộc bức hại, tôi cùng các đồng tu đã nhiều lần tới Quảng trường Thiên An Môn để chứng thực Pháp, hết lần này đến lần khác bị cảnh sát bắt, bị giam giữ và bức hại. Bài chia sẻ này xin kể về những kỳ tích xảy ra ở trại tạm giam Bắc Kinh năm đó, chúng tôi đã trải qua và chứng kiến các đệ tử Đại Pháp kiên định phản bức hại.
Tại trại tạm giam Bình Cốc: Tuyệt thực mấy ngày cũng không thấy đói
Nhớ lại lúc mới bị bắt đến trại tạm giam Bình Cốc, hơn 20 người bị giam giữ trong một buồng giam. Đệ tử Đại Pháp vừa bước vào liền bắt đầu tuyệt thực phản bức hại. Mỗi ngày cảnh sát đều thẩm vấn một – một. Vì không muốn liên luỵ đến người khác, chúng tôi đều không tiết lộ danh tính. Tôi giảng chân tướng Pháp Luân Công cho người cảnh sát thẩm vấn, nói về việc thân thể tôi khoẻ mạnh và được lợi ích trong những năm qua. Một viên cảnh sát nói: “Tốt như vậy, tôi cũng không mặc cảnh phục nữa, tôi cũng luyện.”
Sau ba ngày tuyệt thực, chúng tôi bắt đầu bị cảnh sát bức thực. Có mấy người giữ đầu và chân tay chúng tôi, không cho cử động, sau đó họ luồn một cái ống rất to qua đường mũi vào dạ dày, cảm giác lập tức muốn nôn mửa và ngạt thở.
Tôi liền mặc niệm thơ của Sư phụ:
“Đại giác bất uý khổ
Ý chí kim cương chú
Sinh tử vô chấp trước
Thản đãng Chính Pháp lộ”Diễn nghĩa:
“Bậc Đại Giác không e ngại khổ
Ý chí vốn hun đúc bằng kim cương
Không có chấp trước vào sống và chết
Đi trên con đường Chính Pháp một cách ung dung thanh thản”(Chính Niệm Chính Hành, Hồng Ngâm II)
Tuyệt thực mấy ngày cũng không có cảm giác đói, tôi thật sự cảm nhận được sự gia trì của Sư phụ và sự siêu thường của Đại Pháp!
Chúng tôi tuyệt thực đến chiều ngày thứ tư, quản giáo đến phòng giam gọi bốn năm cái tên, đều là đánh số, tôi cũng ở trong danh sách. Lúc ấy còn không biết chuyện gì xảy ra, còn tưởng rằng sẽ bị đưa đi vùng Tây Bắc. Hoá ra cảnh sát dùng xe đưa chúng tôi đến nhà ga xe lửa vùng phụ cận, nói: Được rồi, tất cả đều về nhà đi. Lúc đó chúng tôi mới biết, trại giam phóng thích chúng tôi vô điều kiện.
Sau khi ra khỏi trại tạm giam Bình Cốc, vì chúng tôi không mang theo căn cước công dân, nên phải trú một đêm tại nhà tắm công cộng. Một đệ tử Đại Pháp khoảng 60-70 tuổi đến từ Thiên Tân nghe tôi nói không có ý định về nhà, liền lấy 700 tệ còn lại trong túi đưa cho tôi. Bà nói ngày mai sau khi trở về, sẽ đưa chồng quay trở lại Quảng trường Thiên An Môn chứng thực Pháp.
Tôi cùng bốn, năm đồng tu thuê một phòng ở Bắc Kinh, ở đó ba đến bốn tháng, chúng tôi lúc rảnh rỗi thì phát tài liệu, tài liệu do đồng tu địa phương cung cấp. Một hôm chúng tôi phát ở cửa một khu phức hợp, nhìn kỹ mới biết là toà án.
Chúng tôi còn chế tác những biểu ngữ nhỏ, chữ đỏ trên nền vải vàng, trên đó viết “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, các chữ đều được phun màu lên.
Chúng tôi cũng đón tiếp đồng tu từ các nơi tới Bắc Kinh, cùng nhau giao lưu. Khi đó, từng nhóm từng nhóm đồng tu tới, ngoại trừ Tây Tạng, các tỉnh trên toàn quốc đều có; khẩu âm khác nhau, địa phương khác nhau, nhưng đều đồng lòng lên tiếng minh oan cho Pháp Luân Công, minh oan cho Sư phụ. Sau khi giao lưu, các đồng tu cầm biểu ngữ nhỏ đi tới Quảng trường Thiên An Môn.
Tại trại tạm giam Hoài Nhu: Còng tay ấn nhẹ liền rơi ra
Tết năm 2001, tôi cùng một đồng tu nữ một lần nữa đi tới Quảng trường Thiên An Môn lên tiếng minh oan cho Pháp Luân Công. Sau khi bị cảnh sát bắt, bị giam ở trại tạm giam Hoài Nhu – Bắc Kinh, chúng tôi ở đó tuyệt thực 12 ngày, ba lần bị bức thực. Cảnh sát bỏ vào cháo ngô rất nhiều muối, bốn phạm nhân giữ lấy chúng tôi rồi rót vào. Sau đó miệng tôi vô cùng khát, phải uống rất nhiều nước. Mặc dù vậy cũng không làm lay chuyển ý chí kiên định của đệ tử Đại Pháp.
Một lần, cảnh sát để các đệ tử Đại Pháp đứng trong sân. Trên sân toàn là tuyết, cảnh sát bắt chúng tôi tháo giày đứng chân trần trên tuyết. Cảnh sát còn kéo cổ áo một nữ đồng tu hơn ba mươi tuổi, đút vào trong quần áo cô ấy rất nhiều tuyết, khiến cô ấy lạnh run lên, sắc mặt trắng bệch. Cảnh sát bắt tôi cởi giày, tôi không cởi, nói: “Lạnh thế này, sao anh không cởi đi!” Anh ta đá tôi ngã xuống đất. Cảnh sát lại bắt chúng tôi khom lưng duỗi tay lên cao, tôi không làm theo, lại bị cảnh sát đánh.
Về sau chúng tôi lại bắt đầu tuyệt thực. Lúc bị bức thực, tôi không phối hợp. Cảnh sát còng tay tôi, đẩy ra sân cho lạnh cóng. Tôi đứng trong tuyết, không được mặc áo khoác, chỉ mặc quần áo lót. Tôi bị đẩy ngồi xuống mặt tuyết. Tôi bắt đầu lạnh run lên, tôi nghĩ: Ta không lạnh, ta có Sư phụ. Vừa nghĩ như thế, liền thật sự không lạnh nữa. Cứ như vậy tôi bị đông cứng trong nửa giờ đồng hồ. Sau khi trở về buồng giam, vì đeo còng tay đi nhà vệ sinh rất khó khăn, tôi nói với đồng tu: Tôi muốn tháo còng tay xuống. Lúc này một đồng tu tới ấn nhẹ một cái, còng tay lập tức rơi ra.
Tại trại tạm giam Triều Dương: Cảnh sát không dám động thủ
Tôi lại trở về nơi ở cùng các đồng tu ở Bắc Kinh. Về sau nơi ở bị cảnh sát phát hiện, bốn, năm học viên chúng tôi bị bắt đến trại tạm giam Triều Dương ở Bắc Kinh. Cảnh sát nói: trại tạm giam Triều Dương là trại tạm giam lớn nhất châu Á. Tôi nói: Lớn nhất có gì đáng để tự hào chứ, nó chỉ thể hiện tình trạng trị an của các anh không tốt.
Tại trại tạm giam Triều Dương, tôi ở cùng phòng với một cô gái 18 tuổi. Cô bé một mình đạp xe từ Sơn Đông tới Thiên An Môn, đi qua bao nhiêu ngày bản thân cũng không biết; trên đường đi, qua đêm bên đống củi, chịu cảnh màn trời chiếu đất.
Tại buồng giam khác có một nữ đệ tử Đại Pháp, bị tra tấn cột vào ván gỗ hình chữ đại, không mảnh vải che thân. Trong mùa đông giá rét, cảnh sát mở hết cửa sổ trước sau để cô ấy lạnh cóng, không cho ăn uống, không cho đi vệ sinh. Cô ấy bị trói liền bảy ngày, sau đó cảnh sát buộc phải phóng thích cô ấy vô điều kiện.
Còn có một đồng tu, chân trần bị đưa lên ban công. Cảnh sát kêu các phạm nhân phạm tội hình sự dội nước lạnh lên người cô. Không biết dội trong thời gian bao lâu, nước đều đã đóng thành băng, chân cũng đông cứng trong băng. Thế nhưng đồng tu sau khi trở về buồng giam, sắc mặt hồng hào sáng ngời, còn bốn phạm nhân dội nước đều ngã bệnh. Sau khi hai sự việc này xảy ra và lan truyền khắp nhà giam, lính canh cũng không dám động thủ với đệ tử Đại Pháp nữa.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/8/10/当年发生在北京看守所里的奇迹-446726.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/10/13/204290.html
Đăng ngày 05-05-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.