Bài viết của Lý Tĩnh Phi, phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 25-04-2023] Ngày 23 tháng 4, các học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Washington D.C. đã tổ chức một cuộc mít-tinh trước Đại sứ quán Trung Quốc để kỷ niệm cuộc kháng nghị ôn hòa ở Bắc Kinh 24 năm trước. Sau vụ bắt giữ phi pháp các học viên ở Thiên Tân, khoảng 10.000 học viên đã đến Văn phòng Kháng cáo Trung ương tại Bắc Kinh vào ngày 25 tháng 4 năm 1999 để yêu cầu thả các học viên một cách ôn hòa.
Cuộc mít-tinh trước Đại sứ quán Trung Quốc kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại trường kỳ đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, một số nghị sỹ Quốc hội Hoa Kỳ đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc mít-tinh và tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc bức hại.
Các học viên kháng nghị ôn hòa trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington D.C., ngày 23 tháng 4 năm 2023
Các học viên luyện công gần Đại sứ quán Trung Quốc
Sự ủng hộ từ Quốc hội Hoa Kỳ
Ông Chris Smith, Chủ tịch Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc (CECC), cho biết ông đã nghe nói về Pháp Luân Đại Pháp ngay sau Cuộc kháng nghị ôn hòa vào tháng 4 năm 1999. Ông cũng khởi xướng nghị quyết đầu tiên tại Quốc hội Hoa Kỳ để lên án cuộc bức hại.
Phát biểu về cuộc thỉnh nguyện cách đây 24 năm, ông Smith cho rằng chính phủ Trung Quốc nên lắng nghe tiếng nói của người dân. Có rất nhiều học viên Pháp Luân Đại Pháp cũng có nghĩa là có rất nhiều người muốn trở thành công dân tốt hơn. “Tôi là một người có niềm tin mạnh mẽ rằng nhân quyền phải được công nhận rộng rãi để mọi người được đi theo đức tin hoặc tôn giáo của họ khi họ thấy phù hợp”, ông giải thích.
Nghị sỹ Chris Smith, Chủ tịch Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc (CECC)
Cho đến nay, Nghị sỹ Smith đã tổ chức 85 phiên điều trần tại Quốc hội và soạn các dự thảo luật để phản đối hành vi vi phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Vào tháng Hai năm nay, ông đã giới thiệu Đạo luật H.R.1154 – Đạo luật Chấm dứt nạn Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng năm 2023, và đã được Hạ viện thông qua vào ngày 27 tháng 3.
Ông Gus Bilirakis, một nghị sỹ khác của Quốc hội và là người đồng tài trợ cho H.R.1154, cho biết ông đã viết thư cho lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình nhằm thúc giục ông Tập thả các học viên Pháp Luân Đại Pháp đang bị giam giữ. Ban đầu ông chỉ biết một chút về môn tu luyện, nhưng sau khi được bầu vào Quốc hội năm 2007, ông đã biết thêm thông tin về những tội ác tàn bạo ở Trung Quốc.
Nghị sỹ Gus Bilirakis là người đồng bảo trợ của H.R.1154.
“Sự đàn áp tàn khốc của chế độ cộng sản tàn bạo và việc không ngừng bức hại những người thực hành đức tin của họ là sự vi phạm quyền cơ bản nhất trong tất cả các quyền con người – quyền tự do tín ngưỡng. Chúng tôi có nghĩa vụ phải lên tiếng cho những người mà tiếng nói của họ đã bị bịt miệng quá lâu”, Nghị sỹ Bilirakis phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Minh Huệ. “Nếu chúng ta giữ im lặng trước những vi phạm này, chúng ta cũng sẽ làm như vậy trước những mối hiểm họa khác trong xã hội con người”.
“Cộng đồng quốc tế phải tiếp tục gây áp lực để buộc ĐCSTQ phải trao cho người dân các nhân quyền cơ bản, bao gồm quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do ngôn luận và quyền biểu tình ôn hòa”, ông tiếp tục.
Nghị sỹ Rich McCormick
Nghị sỹ Rich McCormick cũng lên án cuộc đàn áp ở Trung Quốc. “Chính quyền cộng sản Trung Quốc vẫn tiếp tục bức hại những người bất đồng chính kiến, các nhóm tôn giáo và các dân tộc thiểu số. Kể từ các cuộc kháng nghị ôn hòa gần 25 năm trước, các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã bị đàn áp bởi chính quyền cai trị Trung Quốc, chế độ này đã sử dụng hình thức tù đày, tra tấn và thu hoạch nội tạng để trừng phạt những người mơ tưởng về một tương lai tự do và hòa bình”, ông nói. “Nước Mỹ sát cánh với các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản trên khắp thế giới, và chúng ta phải tiếp tục rút các ngành công nghiệp, thương mại và nghiên cứu của chúng ta khỏi chế độ hủ bại này.”
Nâng cao đạo đức
Luật sư nhân quyền Trần Quang Thành cho biết ông đang ở Trung Quốc khi cuộc kháng nghị ôn hòa xảy ra vào tháng 4 năm 1999. “Nhiều người dân ở quê tôi đã nói với nhau về sự việc này. Họ cũng nói qua các bản tin trên truyền hình, họ thấy các học viên chỉ đơn giản là ngồi thiền một cách ôn hòa. Đây là nhân quyền cơ bản của họ”, ông giải thích. Ông cho biết nhiều bạn bè của ông đã nhận thức được điều này. Trên thực tế, nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp không chỉ giúp các học viên trở thành công dân tốt hơn, mà còn nâng cao các giá trị đạo đức của xã hội.
Mặc dù chính quyền ĐCSTQ đã phỉ báng cuộc kháng nghị ôn hòa ngày 25 tháng 4 là một “cuộc nổi dậy”, ông Trần cho hay điều đó hoàn toàn vô nghĩa. “Các học viên chỉ tập hợp ôn hòa ở đó để nói lên ý kiến của họ. Đây là quyền cơ bản của công dân Trung Quốc”, ông nói tiếp. “ĐCSTQ đã nhắm mục tiêu vào nhiều nhóm người khác nhau trong suốt thời gian qua.”
Được đón nhận trên khắp thế giới
Trong cuộc mít-tinh trước Đại sứ quán Trung Quốc vào ngày 23 tháng 4, học viên Triệu Tĩnh nhớ lại những gì bà đã nhìn thấy trong cuộc kháng nghị cách đây 24 năm. Mặc dù vụ việc đã được giải quyết một cách ôn hòa và các học viên bị giam giữ ở Thiên Tân đã được thả, nhưng bà đã bị đuổi khỏi trường đại học ngoại ngữ, nơi bà đang theo học vào thời điểm đó. Ngoài việc bị tạm giam và thẩm vấn, bà còn bị giam giữ tại một trung tâm tẩy não và bị đưa đến một trại lao động. Cuối cùng, bà buộc phải rời xa gia đình. Đây là lý do tại sao bà đã kêu gọi giúp đỡ để chấm dứt tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Trung Quốc.
Học viên Trịnh Bảo Hà cho biết, bất chấp cuộc bức hại đang diễn ra ở Trung Quốc, Pháp Luân Đại Pháp và những lợi ích của môn tu luyện đối với tinh thần và sức khỏe đã được đón nhận ở hơn 100 quốc gia. Cuốn sách chính Chuyển Pháp Luân cũng đã được dịch ra ít nhất 50 ngôn ngữ. Pháp Luân Đại Pháp và nhà sáng lập, Đại sư Lý Hồng Chí, cũng đã nhận được hơn 4.000 giải thưởng và sự công nhận từ các chính phủ trên khắp thế giới.
Bên trong Trung Quốc, ngày càng có nhiều người dân thức tỉnh sau khi các học viên không ngừng giảng chân tướng và làm rõ sự thật về những tuyên truyền phỉ báng của ĐCSTQ trong 24 năm qua. Đặc biệt là sau khi Cửu bình (Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản) xuất bản vào năm 2004, hơn 400 triệu người Trung Quốc đã thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó là Đoàn Thanh niên và Đội Thiếu niên Tiền phong.
Cho mọi người biết về cuộc bức hại
Erik Meltzer, huấn luyện viên kỹ thuật tại một công ty truyền thông, xuất thân từ một gia đình Do Thái ở Philadelphia, Pennsylvania. Kể từ năm 2000 khi còn là học sinh trung học, Meltzer đã tìm kiếm thông tin trên mạng và tìm thấy Pháp Luân Đại Pháp. Sau khi đọc Chuyển Pháp Luân, ông rất hứng thú và bắt đầu tu luyện.
Ông Erik Meltzer, giảng viên kỹ thuật của một công ty truyền thông
Phát biểu tại cuộc mít-tinh trước Đại sứ quán Trung Quốc, ông Meltzer cho biết ông muốn nói với ĐCSTQ rằng Pháp Luân Đại Pháp giúp mọi người có được sức khỏe tốt và đem lại các giá trị truyền thống. Môn tu luyện cũng giúp ổn định xã hội và mang lại lợi ích cho đất nước. Ông kêu gọi ĐCSTQ sớm chấm dứt cuộc đàn áp, nếu không, chế độ này sẽ sụp đổ nhanh hơn trong tương lai gần.
Một học viên khác, Duane Harper, nghe nói về môn tu luyện lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2000 trong một lễ hội của người Mỹ gốc Phi. Là một học viên tu luyện được hơn 20 năm, ông Harper đã chứng kiến nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn cải biến nhiều người trở nên tốt hơn như thế nào.
Ông cũng rất tiếc khi biết các học viên ở Trung Quốc không thể tự do thực hành đức tin của họ. Các hình thức bức hại bao gồm giam giữ, tra tấn, lao động cưỡng bức, và hơn thế nữa. Lính canh còn ném các học viên nữ vào buồng giam của các tù nhân nam để buộc họ phải từ bỏ đức tin của mình. Ông Harper đã tham gia nhiều hoạt động khác nhau để nâng cao nhận thức về sự tàn bạo ở Trung Quốc.
Nâng cao tinh thần xã hội
Chuyên gia về Trung Quốc, ông Hạ Bân
Ông Hạ Bân, một chuyên gia về Trung Quốc, cho biết năm nào mọi người cũng tập hợp ở đây để kỷ niệm Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa năm 1999. Khi thời gian trôi qua, ngày càng có nhiều người Trung Quốc nhận ra rằng những gì các học viên Pháp Luân Đại Pháp làm có liên quan mật thiết đến tất cả mọi người trong xã hội.
Vào ngay lúc này, nhiều người vẫn đang bị ĐCSTQ ngược đãi bởi các vấn đề như các khu dân cư bị phá hủy, tình trạng tranh chấp đất đai, trợ cấp hưu trí. Những gì các học viên tìm kiếm là quyền tự do tín ngưỡng và khôi phục lợi ích chung, điều này rất quan trọng đối với xã hội nói chung.
Ông cho hay cuộc mít-tinh này rất quan trọng bởi vì, ngoài việc kỷ niệm một sự kiện lịch sử, nó còn truyền cảm hứng cho mọi người về lòng can đảm dám đứng lên bảo vệ các nguyên tắc cơ bản trong cộng đồng của họ.
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/4/25/459186.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/4/27/208247.html
Đăng ngày 01-05-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.