Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 14-12-2022] (Tiếp Phần 2)
Một phiên cưỡng chế chuyển hóa khác
Tháng 1 năm 2009, tôi bị đưa trở lại phòng biệt giam trong 2 tuần. Mặc dù lúc đó nhiệt độ ở dưới mức đóng băng, song lính canh lại tắt máy sưởi và chỉ để cho tôi một chiếc chăn rất mỏng. Tôi gần như không thể ngủ được khi nằm trên tấm bê tông trần trụi.
Ngày 30 tháng 8 năm 2010, Nhà tù Lan Châu bắt đầu một phiên chuyển hóa khác đối với tôi. Sau này tôi nghe nói rằng khi một phó giám đốc của Cục Cải tạo Lao động thuộc Sở Tư pháp tỉnh Cam Túc tới Lan Chậu thị sát, ông ta đã triệu tập một cuộc họp và có đề cập đến tôi, nói rằng: “Tôn Triệu Hải còn 11 năm tù, các vị không thể để anh ta được ở đây một cách thoải mái”.
Lần này, mỗi ngày họ chỉ cho tôi 2 chiếc bánh bao và còn cấm tôi ngủ. Việc này xảy ra trong khoảng 2 tháng. Nhiệt độ ở Lan Châu vào ban đêm rất thấp và tôi luôn bị lạnh và đói, người run lên vì lạnh. Bởi tôi không thể tỉnh táo được, nên đôi khi tôi đã nhắm mắt vài phút.
Một đêm nọ, khi tôi đang buồn ngủ và mơ màng, tôi liếc mắt nhìn 2 tù nhân được chỉ định giám sát tôi. Một người nhìn có vẻ rất mệt mỏi muốn ngủ, còn người kia thì mặt mày rũ rượi bơ phờ. Tôi tự trách bản thân: “Mình đang làm gì thế này? Mình đang khiến những người này chịu khổ lây. Nếu tôi thuận theo họ một chút thì sao nhỉ?” Tôi bị dao động trước những xúc cảm người thường và đã đồng ý chép lại một biên bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Sau đó, tôi nghiêm túc suy xét lại bản thân và nhận ra rằng ý chí của mình không đủ kiên định và chính niệm của tôi chưa đủ mạnh mẽ.
Ngày 20 tháng 6 năm 2011, hai người của Sở Tư pháp tỉnh Cam Túc cùng với giám đốc nhà tù và vài người khác đã đến để “nghiệm thu công tác chuyển hóa” các học viên Pháp Luân Công. Họ cố gây sức ép buộc tôi phải lăng mạ Pháp Luân Công và Sư phụ pháp môn. Tôi kiên quyết từ chối và bầu không khí trở nên căng thẳng đến nghẹt thở.
Nhận thấy việc chuyển hóa tôi không có kết quả, giám đốc nhà tù vội chuyển hướng quay sang trách mắng tôi vài câu rồi nhanh chóng kết thúc việc nghiệm thu.
Sau Tết Nguyên đán năm 2012, trước phiên chuyển hóa thứ 3, tôi đã viết tuyên bố để khẳng định lại quyết tâm tu luyện Pháp Luân Công của mình. Ngày 20 tháng 5 cùng năm đó, tôi viết một bản “Nghiêm chính thanh minh” để vô hiệu tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công trước đó tôi đã viết và đưa nó cho giáo đạo viên Miêu.
Sau đó, tôi mới biết rằng Miêu là người mới được chuyển đến đó và ông ta đã tổ chức một cuộc họp với nhân viên của mình, bảo họ không cần làm gì để tẩy não tôi. Hầu hết tù nhân được chỉ định giám sát tôi là người đã hiểu chân tướng, do đó cuộc sống tương đối dễ dàng trong một giai đoạn thời gian cho đến khi khu của chúng tôi được sát nhập với khu 1 vào tháng 6 năm 2014.
Tra tấn trên “ghế cọp”, “giường chết” và bức thực tàn bạo
Cuối năm 2016, giám đốc nhà tù Sở Chí Dũng đã bổ nhiệm Vương Quốc Thần “sát thủ” làm trưởng khu giam giữ của chúng tôi, hòng cố nhanh đạt doanh thu tài chính của bộ phận.
Ban đầu Vương tỏ ra rất chừng mực với tôi nhưng nửa năm sau ông ta trở nên rất ác độc sau khi đã củng cố địa vị của mình.
Ông ta kiếm cớ để nhốt tôi vào một căn phòng tối nhỏ, ở đó tôi bị cùm vào “ghế cọp” 12 tiếng và thời gian còn lại trong ngày là bị trói ở trên “giường chết”.
Minh họa tra tấn: Trói trên “ghế cọp”
Minh họa tra tấn: Trói trên “giường chết”
Tôi đã tuyệt thực và 5 ngày sau họ bắt đầu bức thực tôi. Họ luồn một chiếc ống dẫn thức ăn qua lỗ mũi của tôi, sau đó lại kéo nó ra rồi lại đẩy trở lại. Trong dạ dày tôi không có gì và quá trình này vô cùng đau đớn. Tôi cảm thấy như mình đang ghẹt thở và dạ dày tôi quặn đau. Họ tra tấn tôi theo cách này hòng ép tôi phải dừng tuyệt thực.
Minh họa tra tấn: Bức thực
Ba ngày sau, họ cố gắng bức thực tôi lần nữa nhưng mũi của tôi đã chảy máu và họ bảo tôi hãy uống máu của mình. Trên đường về khu giam giữ, tôi đã bị ngất 2 lần. Khi tôi tỉnh lại, họ trói tôi vào giường chết trong hơn 10 ngày. Đội trưởng đến nói chuyện với tôi và ra lệnh cho tôi phải hợp tác với họ.
Không chỉ tôi mà các tù nhân cũng bị giam giữ trong phòng tối và điều này đã hủy hoại họ. Một tù nhân trẻ họ Đỗ đã bị nhốt trong phòng tối trước tôi và cậu ấy bị nhốt ở đó thêm 2 hoặc 3 tháng sau khi tôi được ra ngoài. Tại thời điểm được ra ngoài, cậu đã bị trầm cảm nặng và suy sụp tinh thần.
Một học viên Pháp Luân Công khác là ông Lư Vĩnh Trân, ngoài 60 tuổi, ở thành phố Bạch Ngân bị nhốt trong phòng tối nhỏ trước tôi khoảng 1 tháng.
Ngày 20 tháng 9 năm 2017, khoảng 160 người nước ngoài đến từ Mông Cổ, Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Afghanistan và Pakistan đã bị chuyển đến Nhà tù Lan Châu từ Tân Cương. Bởi có quá nhiều người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ ở đó nên các cơ sở giam giữ và nhà tù địa phương không thể đáp ứng được.
Họ nói rằng kể từ ngày 5 tháng 7 năm 2014, ĐCSTQ đã thực hiện cuộc đàn áp khủng khiếp ở Tân Cương và một số lượng lớn người Duy Ngô Nhĩ đã bị bắt và giam giữ. Họ bị đối xử vô nhân đạo và mỗi ngày đều có người bị đánh đến chết. Chứng kiến sự tà ác của ĐCSTQ, hầu hết họ đều tin rằng Pháp Luân Công là một pháp môn tu luyện chân chính.
Năm 2019, Vương Quốc Thần bị chuyển đến khu 9 mới được thành lập. Ở đó ông ta tiếp tục sự tàn bạo của mình. Ông ta từng còng tay một tù nhân lại, xịt nước cay nóng vào người anh ấy và sử dụng dùi cui điện để sốc điện, khiến mặt anh ấy bị biến dạng. Trong khi Vương đang là giáo đạo viên ở khu 5, ông ta đã xúi giục tù nhân tra tấn tàn bạo các học viên Pháp Luân Công Vương Hữu Giang, khiến học viên Vương bị liệt và sau đó đã qua đời.
Bị lính canh đánh gãy xương sườn
Sau khi Vương chuyển tới khu mới, một người họ Mã đã trở thành trưởng khu của chúng tôi. Cuối tháng 12 năm 2019, giáo đạo viên Trương đã khóa cửa nhà vệ sinh nam trong nhà xưởng để ngăn mọi người sử dụng nhà vệ sinh.
Ông ta còn rêu rao trong nhà xưởng “Đúng, tôi là một tên lưu manh đây, thì sao chứ!” có hơn 300 người đang bị cưỡng bức lao động không công ở đó.
Tôi tranh luận với ông ta: “Đi vệ sinh là nhu cầu cơ bản nhất của con người. Ông đang làm quá đà không cho phép chúng tôi sử dụng nhà vệ sinh”. Tôi tranh luận thêm một chút trước các tù nhân khuyên tôi quay lại chỗ ngồi của mình. Khoảng 10 phút sau, tôi lại tới nhà vệ sinh nam lần nữa. Lúc này Mã vẫn ở đó nhưng cửa nhà vệ sinh đã được mở khóa.
Ngày hôm sau, Mã dẫn theo 5 hoặc 6 lính canh đến tiến hành kiểm tra an ninh tất cả mọi người trong nhà xưởng. Tôi nói tôi muốn nói chuyện với ông ta.
Mã nói: “Anh có thể nói chuyện với tôi, nhưng trước hết anh phải ngồi xổm xuống để nói chuyện với tôi như một phạm nhân.”
Tôi không không để ý tới những gì ông ta nói nên ông ta xô tôi vào văn phòng của mình và đẩy mạnh tôi xuống bàn. Tôi cảm thấy như lưng của mình bị gãy và cơn đau vô cùng khủng khiếp. Khi ông ta buông tay, tôi đã ngã lăn ra đất. Tôi vịn vào chiếc ghế ở kế bên và cố gắng đứng dậy, nhưng không thể vì lưng của tôi rất yếu.
Đến khi tôi lấy lại sức, tôi quát ông ta: “Ông đúng là một tên lưu manh, một kẻ cặn bã”. Ông ta cùng sáu lính canh bắt đầu đấm và đá tôi. Sau đó, ông ta yêu cầu hai tù nhân đưa tôi quay lại nhà xưởng và còng tay tôi ra phía sau vào một cây cột. Tôi đã bị để ở đó cho tới 6 giờ tối. Vụ đánh đập khiến tôi gãy hai chiếc xương sườn. Tôi không thể thở bình thường và cảm thấy vô cùng đau đớn mỗi khi thở. Chân của tôi cũng bị tím đen lại.
Minh họa tra tấn: Đánh đập tàn bạo
Lính canh tháo còng tay tôi và bảo các tù nhân khác giúp đưa tôi trở lại phòng giam. Tôi phải chịu đựng những cơn đau khủng khiếp trong khi làm việc ở xưởng mỗi ngày. Phải mất gần một tháng mới hết đau. Trong giai đoạn này, tôi không thể hít thở sâu và bất kỳ cơn ho nhẹ nào cũng làm cho tôi đau nhói đến ngạt thở.
Bởi tôi không thể ngồi xổm trong khi điểm danh, đội trưởng mới họ Giả đã còng tay tôi lại. Sau đó, anh ta ra lệnh cho các tù nhân khác cùm tôi ở trong nhà xưởng vào ban ngày và cùm vào một bên giường sau giờ làm. Điều này tiếp diễn cho gần đến Tết Cổ truyền. Vào ban đêm, tôi phải tìm cách để mở khóa còng tay cho mình.
Tôi bắt đầu gặp vấn đề về răng vào năm 2017 và khi được trả tự do tôi chỉ còn lại 3 chiếc răng do tụt nướu răng.
Giành được tự do
Vì các ca nhiễm COVID bùng phát, lính canh tù thay phiên nhau tránh xa nhà tù. Một tuần trước khi tôi được thả, lính canh phụ trách trung đội của tôi đến gặp tôi và nói giám đốc nhà tù đã thông báo với họ rằng các lãnh đạo của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Cam Túc (UBCTPL) muốn nói chuyện với tôi trước khi tôi được thả.
Họ nói rằng chỉ cần tôi đồng ý “chuyển hóa” thì sẽ không còn vấn đề gì nữa cả, còn nếu không, tôi có thể không được tại ngoại hoặc không được phép trở về quê nhà ở Hắc Long Giang.
Tôi nói với họ rằng tôi không chấp nhận sự cưỡng bức “chuyển hóa” này và sau đó họ không nói thêm gì nữa.
Vào ngày được trả tự do, tôi không gặp bất kỳ ai của UBCTPL cả, mà lại có ba người từ quê nhà Giai Mộc Tư của tôi tới đón–một người là cảnh sát an ninh nội địa, một người là của Cục Tư pháp và người còn lại của UBCTPL địa phương.
Vì chúng tôi không thể mua vé máy bay vào ngày hôm đó, họ đã đưa tôi vào một khách sạn địa phương ở Lan Châu. Ba người đón tôi hỏi tôi có kế hoạch gì cho tương lai không.
Tôi trả lời: “Lính canh nhà tù chắc hẳn đã nói với các anh về tôi.”
Một trong số họ nói: “Vậy là anh vẫn tu luyện Pháp Luân Công?”
Tôi đáp: “Đúng vậy, tôi vẫn sẽ tu luyện”. Họ không nói thêm gì và về phòng của mình nghỉ ngơi.
Ngày hôm sau, tôi đã đi dạo cùng người nhân viên của UBCTPL. Anh ta hỏi tôi về trải nghiệm của mình khi luyện Pháp Luân Công và tại sao tôi bị kết án tù nặng như vậy. Sau khi tôi nói với anh ta về việc đã xảy ra với mình, anh ta nói rằng ĐCSTQ sẽ không bao giờ nới lỏng cuộc đàn áp Pháp Luân Công và khuyên tôi không được tham gia vào việc chèn sóng truyền hình nữa. Tôi không trả lời anh ta mà thay vào đó nói với anh ta về việc tôi đã được thụ ích ra sao khi tu luyện Pháp Luân Công.
Đến tối, tôi lên máy bay và bắt tàu từ Cáp Nhĩ Tân về Giai Mộc Tư. Họ thông báo cho các em của tôi tới đón ở lối ra và bảo tôi phải mau chóng làm thủ tục để đăng ký hộ khẩu và thẻ căn cước.
Lời kết
Trong cuộc bức hại tàn khốc đối với các học viên Pháp Luân Công kéo dài hơn 23 năm qua thì tôi đã phải trải qua 21 năm ở trong tù ngục. Tôi bị đánh đập, sỉ nhục và đủ mọi hình thức hành hạ đẫm máu và vô nhân đạo nhằm buộc tôi từ bỏ đức tin của mình. Nó có đau khổ không? Có chứ, nhưng so với sự may mắn của tôi khi đắc được Pháp Luân Đại Pháp mà Sư tôn quảng truyền, so với sự từ bi khổ độ của Sư tôn thì những khổ đau kia của tôi quả thực là quá nhỏ bé.
Bị giam giữ oan sai 19 năm trong Nhà tù Lan Châu là một trải nghiệm đau khổ tột cùng. Tôi mất hết tự do và cảnh giới tư tưởng của tôi so với những người xung quanh mà tôi tiếp xúc là bất đồng. Không ngôn từ nào có thể diễn tả nỗi sự tịch mịch mà tôi đã trải qua và không ai có thể chia sẻ cùng tôi sự cô độc này.
Khi tôi không thể học Pháp và luyện công, tôi sẽ nhẩm đọc kinh văn và thơ của Sư phụ mà tôi có thể nhớ. Tôi kiên định tin rằng: Những gì tôi làm là đúng đắn, là chính và điều này là chính tín của tôi đối với Pháp Luân Đại Pháp.
Tôi nhớ vài câu thoại trong tiểu thuyết Tây Du Ký: “Đông thổ nan sinh, chính Pháp nan cầu, nhân thân nan đắc, toàn thử tam giả, thiện mạc đại yên” (Tạm dịch: Thật khó để được sinh ra ở Đông thổ (Trung Quốc), thật khó để cầu được chính Pháp, thật khó để đắc được thân người; Nếu có được cả ba điều này thì người đó may mắn đến nhường nào!).
Học viên Pháp Luân Công buộc phải bỏ lại gia đình và sự nghiệp dưới áp lực cao độ của cuộc đàn áp cũng như mạo hiểm cả tính mạng để giảng chân tướng, nhưng thực tế là họ đang cố gắng cứu người ra khỏi tay ma quỷ. Tôi từng nói với lính canh tù rằng: “Thiện đãi học viên Pháp Luân Công, thì chính là các vị đang thiện đãi chính bản thân mình!”
(Hết)
Bài liên quan:
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/12/14/453091.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/1/7/206079.html
Đăng ngày 21-03-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.