Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 30-07-2022] Tôi đã trải qua nhiều khổ nạn lớn nhỏ trong suốt hơn 20 năm tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, và tôi đã đề cao tâm tính của mình ở một mức độ nào đó. Nhưng khi tôi bị vu khống, bị sỉ nhục hoặc khi mọi người có thái độ không tốt với tôi, tôi sẽ phải vật lộn mới có thể bình tĩnh đối mặt với mọi việc.

Tôi đã gặp vấn đề này trước khi tu luyện. Nếu tôi sai, ai cũng có thể nói tôi sai, nhưng nếu tôi không sai và có người trách tôi, tôi sẽ phải thanh minh với người đó. Nếu tôi bị lăng mạ hay bị sỉ nhục, tôi càng cần phải giải thích với người đó. Nếu vấn đề không giải quyết xong, tôi sẽ không để yên. Tôi là kiểu người mà mọi người sẽ nói là “tranh luận tới cùng.”

Sau khi tu luyện ngần ấy năm, tôi đã buông bỏ được rất nhiều chấp trước, như nói năng tùy tiện, không để tâm đến những chuyện nhỏ, coi trọng việc không để mất thể diện và danh dự, tự phụ, ích kỷ và đặt mình trước người khác, nhưng tôi vẫn chưa hoàn toàn loại bỏ được những chấp trước này.

Trong giai đoạn cuối cùng của Chính Pháp, Sư phụ Lý từ bi (nhà sáng lập Đại Pháp) đã giúp tôi bằng cách an bài môi trường để tôi buông bỏ những chấp trước này. Tôi làm công việc quét dọn tại một trường học và tôi đã thuê một căn nhà có hai phòng ngủ với một học viên khác. Mỗi người chúng tôi có phòng ngủ riêng, chúng tôi dùng chung nhà bếp và phòng tắm. Người học viên không làm việc, vì vậy thời gian biểu của chúng tôi khác nhau và chúng tôi làm ba việc vào những thời điểm khác nhau. Về cơ bản hàng ngày tôi đã làm ba việc. Tôi sẽ đi làm, về nhà và sau đó ra ngoài giảng chân tướng trực diện.

Cả hai chúng tôi đều không biết sử dụng máy tính, vì vậy hàng tuần tôi đã nhờ học viên này ra ngoài lấy Tuần báo Minh Huệ và các tài liệu mà chúng tôi sử dụng để giảng chân tướng, chẳng hạn như những cuốn sách nhỏ và nhãn dán. Tôi chỉ sử dụng bất cứ đồ gì mà học viên lấy về. Học viên này đã ngoài 60. Bà không có bất kỳ khoản thu nhập nào và chỉ có một số tiền tiết kiệm nhỏ. Ngoài tiền thuê nhà và sinh hoạt phí hàng ngày, bà còn phải trả chi phí đi lại phát sinh hàng tuần từ việc lấy những tài liệu này. Có khi bà ấy phải bắt hai chuyến xe buýt, cả đi và về sẽ tiêu tốn của bà tám nhân dân tệ (khoảng hơn một đô la). Nếu tiết kiệm tám nhân dân tệ đó, bà có thể trả sinh hoạt phí cho cả ngày.

Một ngày nọ, người học viên nói với tôi: “Tôi sẽ không lấy những miếng dán mà chị yêu cầu. Chị có thể tự đi và lấy chúng.” Tôi thực sự không thể hiểu tại sao bà ấy nói điều này. Tôi đã không để tâm đến khả năng chi trả tiền đi lại của bà, tôi đã hiểu lầm và nghĩ rằng bà ấy buồn, vì vậy tôi trở nên không hài lòng với học viên này. Sau đó, một học viên khác đã mang cho tôi một số nhãn dán và giải quyết vấn đề cấp thiết của tôi về việc thiếu nhãn dán giảng chân tướng.

Vài ngày trôi qua, học viên này ra ngoài lấy một số miếng dán và sau đó mang đến phòng tôi. Tôi đã nói với bà một cách thiếu suy nghĩ: “Tôi không cần nữa. Tôi có đủ rồi.” Sau khi nói những lời đó, tôi biết rằng mình đã ôm giữ tâm oán hận và đã lệch khỏi Pháp. Tuy nhiên, lời đã nói ra rồi. Tâm oán hận mà tôi không thể kiểm soát này đã tạo ra một rào cản giữa chúng tôi và mối quan hệ của chúng tôi trở nên căng thẳng. Vấn đề dần trở nên nghiêm trọng hơn. Người học viên nói rằng bà bị mất một số tiền, và tôi trở thành đối tượng tình nghi. Công bằng mà nói, là một người tu luyện nên chắc chắn tôi sẽ không lấy tiền của đồng tu, nhưng chuyện này xảy ra nhất định phải có lý do. Tất nhiên người học viên không yêu cầu tôi trả lại tiền cho bà. Nhưng chúng tôi đã sống chung dưới một mái nhà nên bà không thể im lặng khi bà ấy bị mất tiền ngay trong nhà.

Chuỗi sự kiện này chắc hẳn xảy ra do chấp trước của tôi. Mặc dù tôi không tìm ra căn nguyên của vấn đề, nhưng tôi đã thấy chấp trước của mình vào việc ôm giữ tâm oán hận, lợi ích cá nhân và không muốn bị người khác nói xấu.

Sau đó tôi nhớ lại một câu chuyện mà mình đã đọc trên trang Minh Huệ. Nội dung chính của câu chuyện là một bệnh nhân mời thầy thuốc đến nhà trị bệnh. Sau khi bác sỹ ra về, bệnh nhân phát hiện số tiền mình để dưới giường đã biến mất. Bệnh nhân nghi ngờ bác sỹ lấy tiền nên bảo con trai đến nhà bác sỹ để đòi. Vị bác sỹ đã đưa tiền cho con trai của bệnh nhân mà không cố gắng giải thích bất cứ điều gì. Sau đó, bệnh nhân dọn dẹp giường và thấy số tiền này được gói trong chăn. Người bệnh nhân cho con quay lại nhà bác sỹ để trả lại tiền. Khi con trai của bệnh nhân hỏi bác sỹ tại sao lúc trước ông không cố gắng giải thích, bác sỹ trả lời: “Tôi biết rằng cha cậu bị bệnh nặng. Nếu cậu trở về tay không, cha cậu có thể sẽ tức giận và điều đó sẽ khiến bệnh tình của ông ấy trở nên trầm trọng hơn.” Con trai bệnh nhân xúc động quỳ gối trước bác sỹ.

Trong quá khứ, ngay cả một bác sỹ bình thường cũng có thể xem nhẹ khi bị người khác vu oan. Anh ấy có thể nghĩ cho bệnh nhân của mình và sẵn sàng hy sinh tiền bạc của mình. Tôi tu luyện Đại Pháp, vậy tôi càng phải ở trong cảnh giới như vậy. Tôi quyết định lấy tiền và đưa cho học viên. Nhưng người học viên đã từ chối nhận tiền và tỏ vẻ không vui. Tôi tự hỏi tại sao bà ấy vẫn không hài lòng khi tôi đã làm những gì mình nên làm.

Nhiều lần tôi muốn đến gặp người học viên bày tỏ những suy nghĩ của mình với tấm lòng rộng mở để xóa bỏ rào cản giữa hai chúng tôi. Nhưng tôi không muốn bị mất mặt, sợ rằng học viên đó có thể làm xấu hình ảnh của mình, vì vậy tôi đã không cố gắng chia sẻ với bà ấy. Một lần tôi đến cửa phòng bà và định gõ cửa, nhưng đã rụt tay lại. Tôi cho rằng vì chúng tôi đang sống chung dưới một mái nhà, tôi có thể tìm một cơ hội khác để nói chuyện với bà vào một ngày khác. Tôi đi làm rồi giảng chân tướng vào ban ngày và đi làm về rất muộn mỗi tối. Vì vậy, vấn đề này cứ kéo dài cho đến khi trường kết thúc để nghỉ hè.

Tôi quyết định rằng mình không nên vội vàng tìm học viên để chia sẻ. Thay vào đó, tôi nên tĩnh tâm và dành nhiều thời gian để học Pháp, đọc các bài kinh văn của Sư phụ giảng Pháp ở các nơi và Tuần báo Minh Huệ. Nhờ học Pháp nhiều hơn và chia sẻ với các học viên khác, tôi đã tĩnh tâm lại và hướng nội. Tôi nhận ra rằng mình có nhiều chấp trước không dễ tìm và cũng không nhận ra mình có chúng. Tôi đã tìm ra gốc rễ vấn đề đã tạo ra rào cản giữa chúng tôi. Người học viên đã làm mọi việc với thái độ nghiêm túc, tỉ mỉ và chú ý đến từng chi tiết. Tôi làm việc đại khái với một tâm thái tùy tiện. Tôi không quan tâm đến tiểu tiết.

Tôi chỉ luyện bài công pháp thứ nhất, thứ ba, thứ tư và thứ năm trong khi luyện công buổi sáng, và dành thời gian còn lại để học Pháp. Tôi luyện bài công pháp thứ hai vào buổi tối. Tôi thích mở cửa sổ bếp vào buổi sáng để không khí lưu thông. Người học viên đã hoàn thành tất cả năm bài công pháp vào buổi sáng. Vì thời gian luyện công của bà ấy dài hơn, bà có thể cảm thấy hơi lạnh và sẽ đóng cửa sổ lại. Nhưng tôi lại mở cửa sổ mà không suy nghĩ nhiều. Thỉnh thoảng sau khi tôi đi làm, cửa sổ mở cả ngày và một lớp bụi bám trên bếp ga. Học viên đó thường dọn dẹp nhà bếp và nhà vệ sinh. Tôi từng quản lý một cửa hàng thời trang nên việc kiếm tiền nuôi gia đình là trách nhiệm của tôi, trong khi chồng tôi lo việc nhà và những việc lặt vặt khác. Thậm chí tôi còn không biết dùng bếp gas vì chồng tôi chưa bao giờ để tôi nấu một bữa ăn. Tôi đã quen với việc không biết và không có khái niệm làm việc nhà hay dọn dẹp nhà cửa.

Tôi cũng có tâm coi thường người học viên này. Hàng ngày tôi ra ngoài giảng chân tướng trực diện và cho rằng học viên đó có sơ hở trong tu luyện vì bà không thường xuyên ra ngoài giảng chân tướng. Khi học viên này tập trung vào những vấn đề mà tôi không để tâm nhiều, tôi sẽ nghĩ rằng bà ấy thật khó chịu và khó chung sống. Khi không có tâm sợ hãi, tôi sẽ không chú ý đến sự an toàn của các học viên xung quanh mình. Khi lối sống của tôi đơn giản và thô lỗ, tôi sẽ bỏ qua ưu điểm của người học viên là chú ý đến chi tiết và nghĩ cho người khác. Đây thực sự là một sơ hở trong tu luyện. Lý do chúng tôi sống trong mâu thuẫn chính là chỗ này.

Tôi nhận ra rằng nguyên nhân chính của sự không vui vẻ và mâu thuẫn giữa chúng tôi hoàn toàn là do những chấp trước mà tôi chưa buông bỏ được. Việc tôi tu luyện không tinh tấn đã khiến học viên đó phải chịu đựng nhiều, nhưng tôi vẫn tự cao tự đại và cho rằng mình đúng. Đây là một hành động ích kỷ, cho mình là trung tâm, hoàn toàn trái ngược với yêu cầu của Sư phụ, đó là đặt người khác lên trước khi chúng ta làm mọi việc. Làm sao người học viên đó có thể vui khi sống với một người như tôi? Ngay cả khi học viên đó vui vẻ, Sư phụ cũng để tôi nhìn thấy bà trong trạng thái không vui. Tôi có thể loại bỏ những chấp trước của mình như thế nào đây?

Không có chuyện nhỏ trong tu luyện, nhưng tôi thực sự đã có một cú ngã lớn vì vấn đề có vẻ nhỏ nhặt này. Khi tôi không đặt tâm vào tu luyện qua những việc nhỏ, nhiều việc sẽ tích lại và những chấp trước trở nên lớn hơn, mâu thuẫn trở nên sâu sắc hơn. Đại Pháp đã loại bỏ những chấp trước trong tâm tôi và giúp tôi tìm ra mấu chốt, điều mà tôi đã không thể phát hiện ra trong quá trình tu luyện. Cuối cùng tôi đã hiểu vấn đề nằm ở tầng thứ tu luyện của mình. Nhưng ngay khi tôi đề cao tâm tính của mình dựa trên Pháp, người học viên đó đã chuyển đi. Tôi đã không giúp được người học viên chút nào và thậm chí không nói một lời chúc tốt đẹp nào. Tôi cảm thấy tiếc nuối, xấu hổ, vì vậy từ trong tâm tôi đã phát ra một niệm: Xin lỗi học viên! Tôi gửi đến bà những điều tốt đẹp nhất!

Đề cao hơn nữa cả tâm lẫn thân

Sư phụ đã nhìn thấy tôi có tâm muốn tu luyện tinh tấn và làm tốt ba việc, nên Ngài đã an bài cho tôi một công việc với thời gian khá linh hoạt. Tôi chỉ cần làm việc cả ngày vào cuối tuần và làm ca chiều vào các ngày trong tuần. Tôi làm công việc dọn dẹp trong một trường học, vì vậy chúng tôi được nghỉ lễ. Tôi trân trọng những giây phút quý giá này để tăng cường học Pháp. Trong ca buổi chiều, khi chúng tôi không làm việc, tất cả các đồng nghiệp khác sẽ xem điện thoại di động trong khi tôi học Pháp. Nhờ học Pháp, tôi có thể phát chính niệm và luyện công với sự tập trung cao độ mà không có bất kỳ tạp niệm nào. Thỉnh thoảng tôi có thể đạt được trạng thái tĩnh rất nhanh khi luyện bài công pháp thứ hai và thứ năm. Khi phát chính niệm, tôi cảm thấy như mình được bao quanh bởi trường năng lượng, mặt và lưng tôi nóng lên. Ngoài ra, bằng cách luyện năm bài công pháp hàng ngày, cơ thể tôi đã trải qua những biến đổi phi thường.

Khi nghe tin cha già lâm trọng bệnh, tôi quyết định đến chăm sóc ông trong những ngày cuối đời. Các anh tôi chăm sóc ông nhiều ngày như vậy đều rất mệt, tôi nên để họ nghỉ ngơi. Tôi đã trông chừng cha suốt bảy ngày đêm không ngủ. Làm xong mọi việc ma chay, tôi không thấy khó chịu hay mệt mỏi gì. Khi những người thân trong làng của chúng tôi đến dự tang lễ, họ đã nhìn thấy tinh thần và thể chất tuyệt vời của tôi nhờ tu luyện Đại Pháp. Một số người thân chưa thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các tổ chức liên đới đã đồng ý thoái. Tôi có một người chú là Đảng viên. Kể từ khi cuốn Cửu Bình được xuất bản, bất cứ khi nào gặp ông, tôi đều giảng chân tướng và khích lệ ông ấy thoái ĐCSTQ. Nhưng ông luôn lắc đầu. Nhưng lần này, khi tôi vừa nhìn ông và chưa kịp mở miệng, ông đã bước đến chỗ tôi, vỗ vai, giơ ngón tay cái lên và nói to: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chú đã thoái Đảng!”

Sau khi về nhà sau đám tang, tôi đã làm việc không ngừng nghỉ cả ngày. Khi các đồng nghiệp của tôi nghe về những gì đã xảy ra và thấy rằng tôi không có bất kỳ dấu hiệu mệt mỏi nào, họ đều nói: “Những người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp thật khác biệt. Chính phủ thực sự không nên mất công bức hại nữa!”

Nhờ học Pháp nhiều hơn, căn bệnh viêm họng nghiêm trọng mà tôi mắc phải hơn 20 năm qua đã hoàn toàn biến mất. Trước đây, khi ra ngoài giảng chân tướng vào buổi sáng, tôi luôn phải mang theo một chai nước và cổ họng của tôi vẫn cảm thấy khô và đau khi tôi ra về vào buổi chiều. Năm nay, thỉnh thoảng tôi cũng mang theo một chai nước, nhưng cổ họng tôi không còn cảm thấy khó chịu nữa.

Gần đến kỳ nghỉ hè, nhà trường yêu cầu chúng tôi dọn dẹp quy mô lớn theo nhóm hai người mỗi buổi. Là một học viên, tôi đã tình nguyện thực hiện nhiệm vụ sớm. Tôi luôn chăm chỉ làm việc, đến sớm, về muộn. Tôi và đồng nghiệp đã làm được 2/3 tổng khối lượng công việc dọn dẹp, chúng tôi đã nhận được lời khen ngợi từ lãnh đạo nhà trường và trưởng nhóm. Vào ngày cuối cùng, họ yêu cầu 2 người làm ca sáng và 2 người làm ca chiều. Chúng tôi lại xung phong làm ca sáng, vì ca sáng cần phải làm nhiều việc hơn. Nửa giờ trước khi kết thúc ca làm việc, nhóm trưởng tới. Cô ấy vẫn chưa tới phòng nghỉ mà đã hào hứng hét lên ngoài hành lang bảo cả hai chúng tôi thay đồ và về nhà. Cả hai chúng tôi đều nói rằng chúng tôi sẽ về khi hết giờ. Nhưng trưởng nhóm giục chúng tôi về. Chúng tôi nghĩ rằng vì không còn nhiều việc phải làm và trưởng nhóm đã bảo chúng tôi ra về, chúng tôi nên về. Chúng tôi đã thay đồ và về nhà.

Ngày hôm sau, một số đồng nghiệp đã nói với chúng tôi: “Hôm qua, trưởng nhóm đến và thấy rằng cả hai chị đã rời đi. Cô ấy thực sự tức giận và liệt kê vô số khuyết điểm của chúng tôi trước mặt nhiều người.” Trưởng nhóm sau đó bước vào phòng giải lao, đập bàn lớn tiếng trách mắng chúng tôi, nói rằng cả hai chúng tôi đều rất quá đáng. Cô ấy nói rằng mình quá tốt và rằng cả hai chúng tôi đã lợi dụng lòng tốt của cô ấy. Cô ấy nói rằng chúng tôi đã rời khỏi nơi làm việc mà không thông báo cho cô ấy. Tôi liên tục xin lỗi, nhưng trưởng nhóm đã hét lớn vào mặt tôi, “Đặc biệt là chị, chị liên tục mắc phải những lỗi như vậy!”

Tôi hơi mất cảnh giác và cảm thấy bị xúc phạm. Cô ấy đã yêu cầu chúng tôi về sớm, vậy tại sao bây giờ cô ấy lại nói điều này? Kể từ ngày vào làm việc ở đây, tôi đã xung phong làm tất cả những công việc nặng nhọc, bẩn thỉu và chưa bao giờ đi muộn hay về sớm. Tôi muốn tranh luận và thanh minh cho mình, nhưng tôi nhớ lại rằng mình là một người tu luyện, vì vậy tôi đã ngăn mình không phản ứng lại cô ấy. Tôi nhanh chóng hướng nội và nhớ lại rằng mình đã không giữ vững tâm tính khi bị học viên hiểu lầm. Lần này nhất định phải vượt qua khảo nghiệm thật tốt, không thể nói lại.

Với ý niệm này, tâm tôi trở nên tĩnh lại. Không nói gì thêm, cả hai chúng tôi lao vào công việc và đã hoàn thành công việc vốn dành cho gần bốn người. Trưởng nhóm vui mừng. Cô ấy bước đến chỗ tôi, gọi tên tôi một cách thân thiện, chỉ vào trái cây trên bàn và nói: “Rửa tay đi. Hai trái cây này dành cho chị.“ Tôi biết rằng Sư phụ đã thấy rằng tôi đã làm đúng và giữ vững tâm tính nên Ngài đã khích lệ tôi.

Tôi thực sự trải nghiệm rằng học Pháp thật nhiều và tốt là nền tảng bảo đảm cho tôi tu luyện tinh tấn và làm tốt mọi việc.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/7/30/440906.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/1/4/206021.html

Đăng ngày 20-03-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share