Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 12-08-2022] Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào thập niên 90 khi con gái tôi mới chỉ ba tuổi. Cháu thường ngồi bên cạnh tôi mỗi khi tôi nghe các bài giảng Pháp của Sư phụ.

Có lần cháu chạy đến đứng trước gương ngắm nghía và thốt lên: “Mẹ ơi! Mẹ nhìn con đi! Tóc con xoăn và có màu xanh này”. Tôi chạy đến để xem nhưng không thấy có sự thay đổi nào của con bé trong gương. Nhưng nhìn vẻ mặt nghiêm túc của con gái, tôi hiểu được rằng có lẽ cháu đã nhìn thấy nguyên thần của mình qua thiên mục.

1. Một bông tuyết nhỏ

Sư phụ giảng:

“Đợi tới khi tôi truyền Pháp, những vị Thần đó cũng là đến đây như hoa tuyết rơi. Chính là nhiều như thế.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)

Khi con gái tôi lớn hơn một chút, cháu đã đọc các bài giảng Pháp của Sư phụ và luyện công cùng tôi, đôi khi cháu đi cùng tôi ra ngoài phát tài liệu giảng chân tướng.

Cháu kể cho tôi nghe về giấc mơ Sư phụ đã đưa cháu đến một nơi tuyệt đẹp, giống như thiên đình được mô tả trong phim “Tây Du Ký”: những cánh cửa sổ được làm từ ngọc quý, đinh cửa bằng vàng và cánh cổng ra vào màu đỏ trang trí bằng những chú chim phượng hoàng sơn màu tuyệt đẹp. Màu sắc triển hiện rõ rệt và tinh tế như một thước phim, đâu đâu cũng thấy hình ảnh rồng bay phượng múa. Lâu đài đình các tráng lệ được làm từ vàng, bạc và ngọc bích, trong vườn là những loại cây và hoa quý hiếm tuyệt đẹp. Sư phụ nói đây mới là ngôi nhà đích thực của cháu.

Trong suốt những năm qua, Sư phụ thường dùng những lời của con gái để khích lệ và khai sáng cho tôi, điều này đã giúp ích rất nhiều cho hành trình tu luyện của tôi

2. Con gái tôi xa rời Đại Pháp khi học đại học

Sau khi theo học đại học tại một thành phố khác, do rời xa môi trường tu luyện quen thuộc ở nhà nên con gái tôi đã xa rời Đại Pháp. Cháu tiếp thụ những thói quen xấu từ những người bạn đồng trang lứa và bị ô nhiễm bởi thùng thuốc nhuộm lớn của xã hội ngày nay. Cháu thường xuyên sử dụng điện thoại, dành hàng giờ xem các video trên mạng và thích mua sắm trực tuyến.

Tôi cố gắng nhắc nhở cháu học Pháp và duy trì tu luyện nhưng không những cháu không nghe mà còn nổi nóng và tỏ ra khó chịu khi tôi đề cập đến việc này. Tôi không biết phải làm sao để giúp cháu nên cũng ít đề cập đến việc này. Cháu hoàn toàn bị trầm mê giữa chốn người thường và ngừng tu luyện.

Sau khi học lên cao học, cháu có dấu hiệu bị trầm cảm vì áp lực bài vở quá nhiều. Cháu thường nói những câu như: “Sống để làm gì chứ? Con thà chết còn hơn”.

Con gái tôi đã nuôi dưỡng rất nhiều oán hận đối với tôi. Cháu cho rằng lý do cháu không đủ thông minh, không đủ năng lực và không thành công là do tôi quá nghiêm khắc với cháu trong suốt quá trình cháu trưởng thành. Cháu bực bội vì tôi đã đánh đòn và hay trách mắng cháu khi còn nhỏ. Cháu đổ lỗi cho tôi đã hủy hoại cuộc đời cháu. Cháu thề sẽ căm ghét tôi suốt đời và nói những lời cay nghiệt làm tôi tổn thương.

Mỗi lần nói chuyện với cháu tôi lại uất ức đến rơi nước mắt. Lúc đó, những cảm giác bất bình, phẫn nộ và tức giận của tôi đều nổi lên. Tôi không hiểu sao con gái mình lại có thể vô ơn như vậy. Không những cháu không quý trọng việc tôi đã nuôi nấng, chu cấp và hỗ trợ tài chính cho cháu suốt thời gian học đại học và học lên cao học, mà cháu còn xem tôi là kẻ thù không đội trời chung. Điều khiến tôi lo lắng hơn cả là cháu sẽ tự làm tổn thương bản thân, thậm chí là tự tử…cứ nghĩ đến đây, trái tim tôi như bị thắt lại.

3. Mọi thứ xoay chuyển

Tôi biết rằng trạng thái của con gái là không đúng và chính tôi cũng vậy. Đôi khi tôi xử sự giống như người thường, thậm chí đôi khi còn tệ hơn.

Sư phụ giảng:

“Việc gì cũng không hề ngẫu nhiên, đều có nhân tố hai phương diện, [nếu] không phải tới khảo nghiệm chư vị, thì là trợ giúp chư vị; hai phương diện chính-phản; chư vị hãy nghĩ đi, không có ngẫu nhiên.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York kỷ niệm 25 năm Đại Pháp hồng truyền [2017])

Tôi thầm nghĩ: “Không phải ngẫu nhiên mà con gái tôi rơi vào trạng thái như vậy, sự việc này là để tôi tu luyện và đề cao. Nhưng tôi phải làm gì đây?” Tôi nhận ra mỗi lần con gái gọi điện là tôi lại phàn nàn. Đây chẳng phải là tâm oán hận sao, tôi đang oán hận điều gì.

Tôi thực sự sốc khi phát hiện ra bản thân có tâm oán hận rất sâu. Tôi bực bội với mẹ chồng vì bà chiều chuộng cháu trai hơn cháu gái và bà không giúp tôi trông con. Tôi oán hận chồng vì luôn đứng về phía mẹ mình, tôi oán hận con gái vì cháu không biết trân trọng những gì tôi làm cho cháu. Cuối cùng thì tôi cũng nhận ra, những lời phàn nàn liên tục của cháu phản ánh tâm oán hận của chính tôi. Đây là điểm hóa nhắc nhở tôi phải buông bỏ nhân tâm này.

Tôi hạ quyết tâm phải trừ bỏ hoàn toàn tâm oán hận. Tôi gọi điện cho con gái và chân thành xin lỗi cháu: “Trước đây mẹ đã làm nhiều việc sai. Mẹ không nên trách mắng và đánh con khi con còn nhỏ. Mẹ đã khiến con phải chịu tổn thương. Mẹ xin lỗi!”

Từ đó trở đi, tôi tập trung vào việc tu luyện để loại bỏ tâm oán hận, nhưng không dễ gì làm được, nhất là khi phải đối diện với khảo nghiệm. Đôi lúc tưởng như tâm oán hận của tôi đã không còn, nhưng nó lại xuất hiện trở lại sau vài ngày. Bất cứ khi nào tôi cảm thấy bất bình về ai đó hoặc điều gì đó là con gái tôi lại gọi điện phàn nàn. Mỗi lần như vậy, tôi ngộ ra mình cần phải hướng nội tìm và tu khứ chấp trước ngoan cố này.

Tôi dần buông bỏ được tâm oán hận với chồng và mẹ chồng. Tuy vậy, con gái tôi đôi khi vẫn gọi điện phàn nàn. Nên tôi tiếp tục đào sâu hơn nữa và hướng nội. Tôi thấy mình có tâm oán hận với cả những người khác, tôi cố gắng tu khứ hết thảy chấp trước này.

Quá trình này cứ lặp đi lặp lại suốt một thời gian dài, sau mỗi lần vượt qua tôi lại thấy tâm tính mình đề cao lên. Khi tôi nghĩ đến ai đó từng khiến tôi bị tổn thương, tôi không còn thấy khó chịu mà tâm thật bình thản. Tôi chân thành cảm ơn họ vì đã giúp tôi tiêu trừ nghiệp lực và tôi không còn oán hận nữa.

Ngay khi tôi có ý nghĩ rằng bản thân đã vượt qua được khảo nghiệm này thì một hôm, con gái tôi lại gọi điện phàn nàn về tôi. Lần này thái độ của cháu thậm chí còn gay gắt hơn với ngữ khí đầy căng thẳng, cháu coi tôi là kẻ thù lớn nhất và sẽ loại bỏ tôi ra khỏi cuộc đời cháu mãi mãi.

Sau khi chúng tôi nói chuyện, tôi lập tức phát chính niệm: “Không thế lực tà ác nào được phép lợi dụng con gái để can nhiễu tôi. Tôi là có Sư phụ quản, nếu tôi còn bất kỳ thiếu sót nào cũng sẽ được Đại Pháp quy chính”.

Đêm hôm đó, lần đầu tiên con gái gọi điện xin lỗi tôi và nói rằng cháu đã sai, cháu không nên nói những lời làm tổn thương tôi như vậy.

4. Con gái tôi quay lại tu luyện Đại Pháp

Kể từ đó, con gái tôi đã ít phàn nàn hơn nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận được tâm trạng của cháu không được tốt, đôi khi cháu còn rất tự ti và tiêu cực. Không ít lần tôi nói với cháu: “Chỉ cần con chịu khó học Pháp và kiên định tu luyện bản thân thì suy nghĩ của con sẽ thay đổi và con sẽ có cách nhìn khác về thế giới này”. Cháu nói rằng sẽ làm như vậy nhưng sau một thời gian thì tình trạng lại trở về như cũ. Tôi lúng túng và tự hỏi nguyên nhân nằm ở đâu.

Một ngày nọ, tôi đọc được một bài chia sẻ trên trang web Minh Huệ đã khiến tôi rất cảm động. Chắc hẳn Sư phụ đã an bài để tôi đọc được bài viết này vì rất lâu mà tôi vẫn chưa ngộ. Tôi khuyên con gái thay đổi nhận thức, còn tôi thì sao, tôi đã thay đổi nhận thức của mình chưa? Mặc dù tôi không thích dùng từ “trầm cảm” để chỉ tình trạng của con gái mình nhưng tôi lại thừa nhận nó, thế chẳng phải tôi thừa nhận cháu bị bệnh hay sao? Tôi khuyên cháu hãy học Pháp và chỉ có học Pháp tốt mới có thể giúp cháu thoát khỏi tình trạng này. Đó chẳng phải cũng là chấp trước, chẳng phải tôi muốn lợi dụng Đại Pháp để chữa bệnh cho con gái hay sao?

Tôi chợt nhận ra: Trạng thái của con gái tôi là do quan niệm của tôi sai và đó là vấn đề của tôi. Con gái tôi không bị “trầm cảm”, mà đang trải qua quá trình tiêu trừ nghiệp lực tư tưởng. Trạng thái đó của cháu đơn thuần chỉ là biểu hiện trên bề mặt của quá trình này. Mọi thứ sẽ quay trở lại khi chúng đến cực hạn và là dấu hiệu cho thấy nghiệp tư tưởng của cháu sắp được tiêu trừ. Việc này là hảo sự.

Ngày hôm sau con gái tôi gọi điện, nói rằng cháu cảm thấy ổn và đã tiếp tục học Pháp. Vài ngày sau cháu gọi lại cho tôi với vẻ phấn khích: “Mẹ ơi, con đã trở lại, con đã quay lại tu luyện Đại Pháp”. Tôi hạnh phúc đến mức không cầm được nước mắt.

Sự việc này diễn đạt chính xác Pháp Sư phụ giảng:

Quan niệm chuyển

Bại vật diệt”. (Tân Sinh, Hồng Ngâm)

Diễn nghĩa:

“Cái xấu diệt

Hiển quang minh”. (Tân Sinh, Hồng Ngâm)

Tôi cũng ngộ ra Sư phụ luôn dõi theo và bảo hộ các đệ tử Đại Pháp trẻ tuổi.

Lời kết

Qua khổ nạn này tôi đã rút ra được bài học: Thứ nhất, chúng ta phải tuyệt đối tín Sư tín Pháp. Ngay cả khi con gái tôi ở trạng thái tồi tệ nhất, còn tôi là người lo lắng nhất và sắp suy sụp tinh thần, tôi vẫn tự nhủ “Tôi có Sư phụ quản, tôi chỉ tuân theo an bài của Sư phụ”. Suy nghĩ này khiến nỗi lo lắng trong tôi tan biến và tâm tôi có thể bình tĩnh trở lại. Thứ hai, chúng ta phải luôn hướng nội vô điều kiện và tu chính mình chứ không phải tìm cách thay đổi người khác. Cho dù con gái tôi cư xử tệ bạc đến đâu tôi cũng không nên phán xét vì tôi không tu cho cháu mà đang tu chính mình.

Khi nhìn lại bản thân đã vượt qua khổ nạn này như thế nào, tôi thực sự cảm thấy cách cư xử và trạng thái của con gái tôi đều là để tôi tu luyện bản thân. Cháu đã giúp tôi đề cao và tôi nên chân thành cảm ơn con gái.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/8/12/447518.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/10/14/204304.html

Đăng ngày 20-01-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share