Bài viết của Minh Tâm, đệ tử Đại Pháp Trung Quốc Đại lục

[MINH HUỆ 04-11-2022] Lúc mới đắc Pháp, tôi thích đọc nhất là mục “Đề cao tâm tính” (Chuyển Pháp Luân). Có lẽ vì nó dễ hiểu nhất, hơn nữa tôi còn hiểu được: “Tâm tính cao bao nhiêu công cao bấy nhiêu” (Chuyển Pháp Luân) Tất nhiên, sau đó tôi hiểu ra tất cả các mục trong sách Đại Pháp đều không thể thiếu, đều quan trọng như nhau.

Mỗi lần đọc đến câu Pháp: “Chư vị luôn từ bi, lấy Thiện đãi người, làm việc gì đều luôn luôn cân nhắc đến người khác, mỗi khi gặp vấn đề thì trước hết nghĩ rằng: ‘Việc này đối với người khác có thể chịu được không, đối với người khác có phương hại gì không’; như vậy sẽ không xuất hiện vấn đề gì.” (Chuyển Pháp Luân) Tôi thầm nghĩ: Mình nhất định phải làm được như vậy! Tuy nhiên, ở trong hiện thực mới biết, mặc dù Sư phụ đã giảng rõ ràng, nhưng muốn hoàn toàn làm được dường như vẫn rất khó khăn. Không phải là tôi không muốn làm như vậy, mà là đôi lúc rất khó nhận ra liệu mình có làm tổn hại người khác hay không. Vậy nguyên nhân rốt cuộc là gì?

Gần đây trong gia đình phát sinh một việc nhỏ, nó khiến tôi đột nhiên ngộ ra làm sao để đạt tiêu chuẩn “vị tha”, kỳ thực chính là sự chuyển biến về phương thức tư duy: Không được lúc nào cũng đứng ở góc độ bản thân để suy xét vấn đề.

Ngày hôm đó, mẹ phê bình tôi, bà nói có việc tôi chưa làm cho bà. Tôi liền giải thích là tôi đã làm rồi, nhưng mẹ vẫn kiên quyết nói tôi chưa làm, bà còn bảo tôi nói dối. Sau đó, tôi lại muốn giải thích tiếp, nhưng đột nhiên tôi cảnh giác, cớ sao mình muốn giải thích? Có phải là mình không muốn bị người khác nói hay sợ bị oan ức không? Tôi xem xét một chút, đều thấy không phải, vậy nguyên nhân là vì sao? Dường như nó là một kiểu tâm lý muốn làm rõ thực hư.

Đồng thời trong đầu não tôi cũng nổi lên một vấn đề: Sau khi mình làm rõ thực hư, liệu sẽ giúp ích gì cho bản thân? Điều đó có gây phương hại cho người khác không? Nếu mình làm rõ sự thật thì cũng không ảnh hưởng gì đến người khác và đến mình, suy cho cùng nó chỉ là một việc nhỏ trong nhà. Nhưng kỳ thực, người bị ảnh hưởng duy nhất chính là mẹ: Có thể mẹ sẽ nghĩ là mẹ lớn tuổi, hay quên. Vậy chẳng phải mình đã làm tổn thương mẹ rồi sao? Nếu mình biết suy nghĩ cho mẹ thì bây giờ mình nên làm thế nào?

Do đó, tôi bèn nói với mẹ: Nếu thật sự là con chưa làm việc này, liệu mẹ có trách con không? Mẹ tôi nói tất nhiên là có. Tôi lại nói: Vậy lần sau con sẽ chú ý, nhưng việc này cũng có khi là để trừ bỏ tâm oán trách của mẹ đó? Mẹ tôi nghĩ một lúc rồi nói: Phải rồi, có chút chuyện nhỏ mà mẹ cũng trách con, thật sự là tâm oán trách quá nặng.

Như vậy, một mâu thuẫn nhỏ đã biến thành một cơ hội để đề cao tâm tính. Đề cao tâm tính thật sự quá huyền diệu.
Bên trên chỉ là một chút thể ngộ tu luyện cá nhân. Nếu có chỗ nào chưa thỏa đáng, mong quý đồng tu từ bi chỉ chính.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2022/11/4/從一件小事中體會如何做到「為他」-450590.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/12/20/205267.html

Đăng ngày 08-01-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share