Bài viết của Mộc Lan, học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Canada

[MINH HUỆ 28-11-2022] Tôi lớn lên trong một đại gia đình tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Cha mẹ tôi, cô tôi, bác dâu tôi đều tu luyện, còn bác gái tôi lúc tu lúc không. Tôi cảm thấy mình có niềm tin vững chắc vào Đại Pháp, nhưng sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, vì sợ hãi, tôi đã từ bỏ tu luyện, mặc dù tôi vẫn ủng hộ người thân trong gia đình mình tu luyện.

Người thân gặp khổ nạn

Bác dâu tôi qua đời

Khoảng năm 2005, bác dâu tôi đột nhiên bị nhồi máu cơ tim. Bác ấy không đi viện và đã bị cựu thế lực cướp đi sinh mệnh. Vì điều này mà bác trai và con gái của họ đã có những suy nghĩ không tốt về Đại Pháp.

Sau đó, qua những cuộc trò chuyện với chị họ, tôi được biết cô ấy luôn có ác cảm với mẹ mình và điều đó không có cách nào giải quyết được. Trước khi cuộc bức hại bắt đầu, bác dâu bận rộn với việc hồng Pháp và bỏ bê công việc gia đình. Bác ấy bắt bác trai ngủ riêng ở một phòng khác vào ban đêm và bắt con gái (chị họ tôi) ngồi song bàn và thiền định. Khi chị họ tôi không muốn ngồi thiền, bác ấy liền nổi giận. Sau khi chị họ tôi kết hôn, cô ấy đã lập tức ngừng luyện công. Đến giờ cô ấy vẫn không tin vào Đại Pháp và đã chuyển sang Cơ đốc giáo.

Mẹ tôi qua đời

Trong hơn 10 năm tiếp theo, bố mẹ tôi và cô tôi tiếp tục vững tin vào Đại Pháp và bước trên con đường tu luyện.

Cha tôi đã bị bắt giữ phi pháp gần mười lần, và mẹ tôi cũng bị bắt mấy lần. Sau đó, mẹ tôi bị buộc phải rời khỏi nhà, nay đây mai đó. Năm 2016, bố mẹ tôi bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn không giải quyết được, suốt ngày cãi vã. Mẹ tôi thấy sức khỏe yếu đi, nhưng bà không chịu uống thuốc hay đi khám bác sỹ. Ai nói gì mẹ tôi cũng không nghe, cuối cùng, bà đã qua đời bởi bệnh tiểu đường ở tuổi 64.

Dì ba của tôi đã từng ủng hộ Đại Pháp. Dì thường giúp bố mẹ tôi giảng chân tướng cho người thân, bạn bè và giúp họ thoái xuất khỏi các tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Sau khi mẹ tôi qua đời, dì bắt đầu có những suy nghĩ tiêu cực về Đại Pháp và nói xấu môn tu luyện. Thậm chí dì ấy còn đánh và mắng mỏ cha tôi, đổ lỗi cho ông về cái chết của mẹ tôi và buộc tội ông không đưa mẹ tôi đến bệnh viện khi bà đang trong tình trạng nguy kịch. Dì ba rất oán hận cha tôi và luôn đau đáu về cái chết của mẹ tôi.

Khi mẹ tôi qua đời ở tuổi 64, tôi đã rất sốc và khóc rất nhiều. Vào thời điểm đó, tôi đã định cư ở Canada và tôi vẫn chưa quay trở lại tu luyện Đại Pháp.

Cái chết của cô tôi

Cô tôi vẫn kiên trì tu luyện Đại Pháp trong cuộc bức hại, nhưng cô vẫn không thể làm cho chồng mình tin tưởng ​​vào Đại Pháp và cô đã phải chịu rất nhiều khổ nạn trong gia đình.

Trong nhiều năm qua, cô đã bền bỉ đi phát tài liệu chân tướng. Cách đây hai năm, cô bị bắt đến một trại tạm giam. Sau khi được thả, mâu thuẫn của cô với gia đình thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn, cuối cùng, chồng cô đã đuổi cô ra khỏi nhà. Rồi cô bị nghiệp bệnh dày vò và qua đời.

Người nhà của cô không hiểu chân tướng, thống hận Đại Pháp. Trước khi cô tôi qua đời, họ không đếm xỉa gì đến cô. Trước khi cô mất, chị gái và cháu trai ngoại (con chị gái tôi) đã tới thăm cô. Chị kể với tôi rằng cô bị một căn bệnh giống như bị rắn cắn, vô cùng đau đớn. Trong những ngày cuối đời cô cực kỳ thống khổ, bị thương, không người chăm sóc. Sau đó, cháu trai nói chuyện với tôi, tôi hỏi cháu có hiểu lầm gì với Đại Pháp không? Cháu nói, “Dì à, con không hiểu tại sao bà cô lại không đi bệnh viện, tại sao Pháp Luân Công lại không cho người ta đi viện ạ?” Tôi bèn giải thích cho cháu, cũng nói rõ rằng không phải Đại Pháp không cho mọi người đi viện, đó chỉ là cách lý giải của cá nhân. Tôi không chắc liệu mình có giải khai được khúc mắc của cháu không. Thật may là cả chị gái và cháu trai tôi đều tin rằng Đại Pháp là tốt. Nhưng xét cho cùng, loạt sự việc này trong gia đình tôi đã ảnh hưởng xấu tới Đại Pháp.

Chồng của cô rất ghét cha tôi vì nghĩ rằng chính cha tôi đã dẫn cô bước vào tu luyện. Cha tôi cũng bất cần, khiến ông và em rể không nhìn mặt nhau. Trước kia, tôi và em họ (con gái của cô tôi) cũng hay qua lại gặp nhau, nhưng sau khi cô tôi mất, cô ấy không liên lạc với tôi nữa.

Bác gái tôi bị liệt

Chị gái của cha tôi cũng tu luyện Đại Pháp nhưng lúc tu lúc không. Hiện giờ bác ấy bị bán thân bất toại, nằm liệt giường. Cũng vì điều này, chồng tôi càng không thể tiếp nhận Đại Pháp.

Khổ nạn của chính gia đình tôi

Cha tôi sau đó đã đến Canada để thăm tôi. Tôi đã giúp ông làm thủ tục nhập cư và thường trú tại Canada. Cha tôi rất ích kỷ và khó hòa hợp với chồng tôi. Chồng tôi coi thường cha tôi, cho rằng ông không bao giờ quan tâm đến gia đình, chỉ quan tâm đến bản thân. Hai người thậm chí không thể nói chuyện với nhau.

Trong năm qua, hầu như tất cả răng của bố tôi đều bị rụng. Ông không thể nhai bất cứ thứ gì nên chỉ ăn thức ăn lỏng. Chồng tôi suy đoán rằng bố tôi mắc bệnh tiểu đường nên giục tôi chuyển hết tài sản đứng tên bố sang tên tôi vì sợ bố tôi cũng không chịu đi viện như mẹ tôi và dì tôi, và sẽ sớm qua đời.

Chính trong hoàn cảnh như vậy mà tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp một cách nghiêm túc. Lúc đầu, chồng tôi đã cố gắng hết sức để ngăn cản tôi, nhưng bất chấp sự phản đối của anh ấy, tôi vẫn tiếp tục tu luyện. Nỗi giày vò trong gia đình tôi lúc đó rất lớn. Tôi nghĩ rằng thông qua tu luyện, tôi có thể thay đổi quan điểm tiêu cực của anh ấy về Đại Pháp. Nhưng trong mắt anh ấy, tôi cũng giống như cha, ích kỷ đi theo con đường riêng của mình và ruồng bỏ gia đình.

Anh ấy đã nhiều lần muốn dọn ra ở riêng. Tôi liên tục hướng nội để chính lại bản thân. Với sự giúp đỡ của các đồng tu, tôi tưởng rằng mình đã vượt qua khảo nghiệm về mâu thuẫn gia đình, nhưng không phải vậy.

Mới vài ngày trước, anh ấy đột nhiên lại muốn chuyển ra ngoài sống. Anh ấy bảo rằng có một rào cản giữa chúng tôi mà anh ấy không thể vượt qua, từ khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Anh phàn nàn về một vài điều. Ví dụ, một lần chân anh ấy bị bong gân, nhưng tôi vẫn ra ngoài làm các việc Đại Pháp. Anh ấy cảm thấy tôi trở nên rất lạnh lùng và vô tâm. Anh đổ lỗi cho Đại Pháp về điều đó và nói rằng anh không thể sống với tôi được nữa.

Tôi giảng chân tướng cho anh, nhưng anh không chịu nghe, bảo rằng nhìn vào cách cư xử của cha con tôi là nói lên tất cả, bất cứ điều gì khác tôi nói đều vô nghĩa, rằng tôi và cha tôi không cần cuộc sống gia đình.

Tôi hướng nội nhưng không thể tìm ra vấn đề của mình. Tôi cảm thấy bản thân đã nỗ lực làm rất nhiều việc cho gia đình như nấu ăn, chăm sóc hai con, dọn dẹp nhà cửa, cùng chúng đi chơi, v.v. Tôi hoàn toàn phù hợp với người thường chứ không cực đoan như cha mẹ, và cô tôi.

Tôi cảm thấy thống khổ vì không thể nhận ra mình đã làm sai điều gì, mặc dù trong thâm tâm tôi biết rằng đó chắc hẳn là lỗi của tôi. Tôi hiểu rằng khi học viên Đại Pháp và người thường xảy ra mâu thuẫn, thì nhất định học viên Đại Pháp đã sai.

Tuy nhiên, tôi không biết mình đã làm sai điều gì, nghĩ rằng chồng tôi chắc chắn bị ảnh hưởng bởi những người trong gia đình tôi và tôi không thể làm gì để thay đổi anh ấy. Tôi nghĩ chính cha tôi đã khiến anh có suy nghĩ tiêu cực về Đại Pháp và tôi không thể làm gì để thay đổi cha mình, nhưng chồng tôi nói: “Người anh cưới là em, chứ không phải gia đình em, càng không phải là cha em.”

Tôi hỏi các con tôi liệu chúng có chấp nhận việc bố chúng chuyển đi không: “Nếu bố chuyển đi vì mẹ tu luyện Đại Pháp, liệu con có oán trách mẹ không?” Cả hai con tôi đều nói rằng chúng sẽ không trách tôi vì chúng tin rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt.

Con gái sáu tuổi của tôi nói: “Mẹ ơi, con không muốn bố dọn ra ở riêng đâu, nhưng nếu bố dọn đi thì con cũng không sao đâu ạ.” Tôi cảm thấy được an ủi phần nào vì ít nhất các con cũng hiểu tôi. Song, tôi vẫn khá bối rối: Tôi đang bị khảo nghiệm về phương diện gì? Rốt cuộc, tôi đã sai ở đâu?

Tôi không muốn lưu lại bất kỳ sự hối tiếc nào, và tôi không thể để chồng mình ra đi như thế. Tôi không nên cảm thấy bó tay bất lực, tôi phải tìm ra gốc rễ của vấn đề.

Một mặt, tôi cảm thấy nếu anh ấy chuyển đi, tôi sẽ được tự do làm bất cứ điều gì mình muốn, chẳng hạn như chồng tôi không cho các con đi xem biểu diễn Shen Yun, nếu chồng tôi chuyển ra ngoài, tôi có thể đưa chúng đi xem. Nhưng sâu thẳm trong tim, tôi cảm thấy đó không phải là điều đúng đắn nên làm. Tôi không nên để gia đình tan vỡ chỉ vì tôi đã chọn tu luyện Đại Pháp. Tôi không nên để các con tôi lớn lên mà không có bố, và tôi không nên để chồng tôi dọn ra ngoài vì chẳng phải điều đó sẽ khiến anh ấy bị hủy hoại sao. Đây không phải là ước nguyện của tôi khi tôi bước vào tu luyện. Tôi không được dẫm lên vết xe đổ của cha mẹ khiến người thân và bạn bè hiểu lầm về Đại Pháp. Tôi muốn cứu chồng và người thân của mình.

Những mâu thuẫn trong gia đình tôi đã diễn ra như thế trong ba năm, mà tôi vẫn không nhận ra vấn đề của mình. Các đồng tu nhắc nhở tôi phải quan tâm đến chồng nhiều hơn. Tôi cảm thấy mình đã quan tâm rồi và tôi thực sự không biết mình có thể làm gì hơn nữa, cho đến một ngày khi tôi đọc một bài báo trên mạng nói về việc phụ nữ thời xưa tôn trọng và đối xử với chồng như thế nào.

Có đoạn viết rằng, “Nếu người chồng ốm, người vợ sẽ lo lắng cho chồng cả ngày. Cô sẽ tìm kiếm các phương thuốc và cầu xin thần linh phù hộ cho anh. Cô sẽ giúp anh có được tất cả các phương pháp điều trị để anh được trường thọ. Chỉ có người phụ nữ vụng đần mới không quan tâm gì cả, chớ học theo họ.”

Tôi nhớ chồng tôi đã phàn nàn như thế nào khi tôi ra ngoài làm việc riêng khi chân anh ấy bị bong gân. Ngay lập tức, tôi nhận ra khoảng cách giữa tôi và một người vợ đức hạnh trong văn hóa truyền thống. Tôi nhận ra sự lạnh lùng của mình và cảm thấy mình thực sự sai lầm. Đột nhiên, tôi nhận ra vấn đề của mình. Tôi đã cư xử như một người phụ nữ đần vụng và không để tâm đến sức khỏe của chồng. Làm sao tôi có thể chiếm được trái tim của chồng tôi khi tôi cư xử theo cách đó? Tôi cảm thấy đau xót về hành vi kém cỏi của mình.

Tôi nhớ đến một câu trong bài thơ của Sư phụ:

“Tẩu hồi truyền thống lộ thông thiên” (Tái tạo, Hồng Ngâm V)

Diễn nghĩa:

“Quay về truyền thống là con đường rộng mở lên trời.”

Tôi đã dùng quan niệm và hành vi hiện đại để chỉ đạo tu luyện của mình, và đây là rào cản mà tôi đã không thể vượt qua. Tôi đã tìm ra nguyên nhân căn bản của những mâu thuẫn giữa tôi và chồng. Không phải vì tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, mà vì tôi đã không còn xem trọng chồng.

Chúng tôi từng có một cuộc hôn nhân rất hạnh phúc bởi tôi luôn tôn trọng anh ấy. Tôi yêu anh ấy, hiểu anh ấy và ủng hộ anh ấy. Trong mắt tôi, anh hoàn hảo về mọi mặt. Cuộc hôn nhân của chúng tôi hạnh phúc vì nó dựa trên nền tảng lành mạnh, ổn định và phù hợp với các giá trị truyền thống.

Nhưng sau khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, anh ấy đã điên cuồng ngăn cản tôi, vì vậy thẳm sâu trong lòng, tôi đã mất đi sự tôn trọng đối với anh. Mặc dù tôi không nói ra nhưng tôi luôn bác bỏ những việc anh ấy làm. Tôi không thể tôn trọng cách suy nghĩ của anh ấy, và tôi đánh giá anh ấy bằng sự hiểu biết của mình, nghĩ rằng tôi đúng còn anh ấy sai.

Mọi sự hy sinh mà tôi thực hiện đều dựa trên một tư tâm rất lớn: “Tôi sẽ khiến anh thay đổi!” Giờ đây, tôi nhận ra rằng đó là thái độ rất tranh đấu và không thiện. Suy nghĩ của tôi quá tự cao, tôi không thể thay đổi bất cứ ai mà chỉ có thể thay đổi chính mình. Khi tôi hiểu ra điều này và nhận ra rằng vấn đề nằm ở tư tưởng hiện đại của mình, tôi trở nên nhẹ nhõm bởi tôi đã biết mình sai ở đâu.

Tối hôm đó, tôi đã nói với chồng về suy nghĩ của mình và chân thành xin lỗi anh ấy. Tôi cũng đọc bài báo cho anh ấy nghe và giải thích cho anh hiểu nó đã giúp tôi nhận ra vấn đề của mình như thế nào. Anh ấy lắng nghe rất chăm chú. Sau đó, tôi nói với anh rằng tôi sẽ tôn trọng sự lựa chọn của anh. Cuối cùng, anh ấy quyết định không chuyển ra ngoài nữa.

Tôi đã rất xúc động. Tôi nhận ra sâu sắc rằng khi tôi dùng tư tưởng nam nữ bình đẳng hiện đại để cư xử với chồng, nhiều xung đột lớn đã nảy sinh giữa chúng tôi. Tôi đã không thể hiện sự săn sóc, nhu hòa và tôn trọng chồng như một người vợ nên có, vậy thì hiển nhiên anh ấy sẽ rất khó chịu với tôi. Bất kể tôi đã làm gì, anh ấy đều không đánh giá cao, bởi vì suy nghĩ của tôi đã bị biến dị. Khi tôi nhận ra những suy nghĩ của mình là không đúng và bắt đầu chính lại bản thân, tôi cảm thấy vô cùng thoải mái và dễ chịu.

Tôi cảm thấy đau lòng khi nhớ lại tình trạng tu luyện của những người thân của mình khi họ còn sống. Bị ảnh hưởng bởi văn hóa ĐCSTQ, người dân Trung Quốc đã phát sinh những quan niệm sai lệch. Nhiều học viên đã liễu giải Đại Pháp bằng những suy nghĩ và quan niệm hiện đại, điều đó tạo ra những rào cản khó vượt qua cho họ và có tác động tiêu cực đến Đại Pháp.

Trên đây chỉ là nhận thức ở tầng thứ có hạn của tôi. Có điều gì không phù hợp với Pháp, xin các đồng tu từ bi góp ý.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả.Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/11/28/452256.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/12/8/205082.html

Đăng ngày 29-12-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share