Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp ở bên ngoài Trung Quốc

[MINH HUỆ 04-10-2022] Con xin kính chào Sư phụ! Chào các bạn đồng tu!

Lần đầu tiên khi tôi tham gia dịch bài cho trang web Minh Huệ, tôi cũng đang tham gia các hạng mục khác. Tôi dần dần nhận ra rằng ngay cả khi tôi dồn tất cả năng lượng của mình sau giờ làm việc, tôi vẫn chỉ có rất ít thời gian dành cho việc dịch bài nếu tôi vẫn tham gia các hạng mục khác.

Tôi cố gắng cân bằng khối lượng công việc giữa dịch bài cho Minh Huệ và các hạng mục khác, nhưng tôi đã phải đấu tranh với việc cống hiến bao nhiêu thời gian và năng lượng cho dịch bài. Tại thời điểm đó, phòng nhân sự công ty tôi yêu cầu tôi tăng khối lượng công việc – từ làm việc bán thời gian sang làm việc toàn thời gian. Công ty nói rằng công việc bán thời gian chỉ có hiệu quả khi không đủ việc làm. Họ cũng nói rằng quản lý một nhóm với nhiều người làm việc bán thời gian thường kém hiệu quả và nhiều khó khăn.

Tôi nhận ra rằng không có gì là ngẫu nhiên. Tôi hướng nội và xem xét tại sao tôi lại muốn tham gia nhiều hạng mục. Đó có phải vì không có đủ bài cho tôi dịch? Ngược lại, chúng tôi lại quá vội vàng để hoàn thành bài dịch được giao sao cho đúng thời gian. Vậy thì tại sao tôi lại muốn làm công việc của những hạng mục khác trong khi tôi có rất nhiều bài để dịch? Khi tôi xem xét bản thân mình sâu hơn, tôi nhận ra rằng đó là vì tôi không có đủ niềm tin vào hạng mục Minh Huệ. Vì nhóm dịch rất bí mật, vì thế tôi không thể biết được đã có bao nhiêu người đọc các bài tôi dịch hoặc liệu việc tôi làm có tác dụng trong cứu người hay không. Chính vì tôi không có sự tin tưởng vào ý nghĩa to lớn của hạng mục này và thường xuyên lo lắng rằng nếu tôi không tham gia các hạng mục khác, tôi có thể rớt lại phía sau trong Chính Pháp.

Sư phụ giảng:

“Đệ tử Đại Pháp làm gì cũng nhất định phải hết sức thiết thực, để tâm vào đó mà làm, đừng quan tâm thời gian, không cần suy nghĩ nhiều thế, chư vị nhất định phải tận tâm tận lực làm cho tốt những gì chư vị nên cần làm, thì toàn thể việc đó sẽ làm được tốt.” (Giảng Pháp ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới [2014])

Tôi nhận ra chấp trước của mình, thấy mới tin, điều đó đến từ văn Đảng và thuyết vô Thần. Sau khi nhận ra chấp trước này, tôi quyết định thanh trừ nó và hoàn toàn đặt tâm vào việc dịch bài cho Minh Huệ. Tất nhiên tôi sẽ làm hết sức nếu hạng mục nào đó cần tôi, nhưng tôi đã quyết định không tham gia các hạng mục dài hạn, trừ khi tôi có ít bài dịch.

Tôi dần dần quyết tâm tập trung dịch bài cho Minh Huệ. Từ khi quyết tâm, mỗi ngày, chỉ cần tôi có thể sử dụng máy tính, tôi đều dịch các bài chia sẻ.

Ban đầu không dễ dàng chút nào. Khi tôi ra ngoài hỗ trợ mọi người các hoạt động giảng chân tướng và trở về nhà muộn, tôi không muốn dịch bài. Suy nghĩ của tôi là tôi đã vừa giảng chân tướng rồi, đó là một trong ba việc Sư phụ yêu cầu chúng ta làm.

Tôi tự nhủ với bản thân rằng tôi sẽ không đi theo lối suy nghĩ này, vì có thể nó không phải là chân ngã của tôi. Thay vào đó, tôi tìm xem điều gì đã thúc đẩy suy nghĩ không muốn dịch bài sau một ngày dài làm các hoạt động Đại Pháp khác. Tôi nhận ra rằng một cách vô thức, tôi thường nhẩm tính trong đầu xem ngày hôm đó tôi đã làm được bao nhiêu việc thứ ba. Tôi nhận ra rằng đằng sau suy nghĩ đó là tư tưởng đối đãi với ba việc như một bài tập làm thêm. Khi có suy nghĩ đó, liệu tôi có coi bản thân mình như một lạp tử của Pháp không? Đó không phải đến từ tâm lý vị tư của cựu vũ trụ hay sao?

Vì tôi là một lạp tử trong Pháp, nắm bắt thời gian, tôi phải làm bất cứ việc gì có thể để cứu chúng sinh là lý do tôi có mặt ở đây. Sau khi nhận ra điều này, tôi dịch bài mỗi ngày, dù cho tôi có mệt đến mức nào, chỉ trừ khi tôi ra khỏi thành phố và không thể truy cập Internet. Dịch bài mỗi ngày đã trở thành trách nhiệm, thói quen và một phần trong cuộc sống của tôi.

Mặc dù tập trung vào dịch thuật, tôi không coi đó là lý do để che đậy chấp trước của mình vào tâm an dật và không ra ngoài giảng chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp và cuộc bức hại. Mỗi tuần, tôi tới các điểm du lịch ở địa phương, dù nắng hay mưa, để giảng chân tướng trực diện. Tôi nhận ra rằng việc giảng chân tướng trực diện giúp tôi rất nhiều trong việc dịch thuật. Nhờ nói chuyện với người phương Tây, tôi nhận ra sự khác biệt giữa văn hóa Trung Quốc và văn hóa phương Tây, và sự khác biệt trong lối suy nghĩ của chúng ta. Tôi minh bạch sâu hơn tại sao chúng ta, những người làm công việc dịch thuật, lại không thể dịch từ tiếng Trung sang tiếng Anh một cách máy móc. Chúng ta nên làm mọi việc chúng ta có thể để dịch các bài chia sẻ sao cho người phương Tây có thể hiểu một cách dễ dàng và đón nhận chúng.

Mỗi ngày, trong khi thực hiện thệ ước của mình là dịch các bài trên Minh Huệ và đặt tâm vào làm, tôi không còn viển vông nữa và tiến lên trong tu luyện.

Không còn bị điện thoại khống chế và tu khẩu

Ngày nay, con người đang bị điện thoại di động kiểm soát, cứ như thể là họ không thể làm gì nếu không có điện thoại. Tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi có chấp trước vào điện thoại di động vì tôi không truy cập vào các trang web của người thường hay các mạng xã hội khác. Chỉ khi tôi đặt tâm vào dịch bài cho Minh Huệ, tôi mới phát hiện ra chấp trước ẩn giấu này.

Một đêm, khi đang dịch các bài viết, vì tôi thường xuyên ngừng lại để nghe điện thoại hoặc trả lời các tin nhắn nên hiệu suất rất thấp. Tôi làm việc trong nhiều giờ nhưng gần như không đạt được điều gì. Tôi mệt mỏi và cảm thấy tôi đã không giữ cam kết của mình đối với hạng mục dịch. Tôi nghĩ: “Chiếc điện thoại này chỉ là một thiết bị và công cụ. Là một đệ tử Đại Pháp, hành vi của tôi sao có thể bị lèo lái và kiểm soát bởi một thiết bị liên lạc được?”

Khi nhìn những cuộc gọi đến và cuộc gọi đi, tôi bất ngờ nhận ra rằng phần lớn các cuộc điện thoại của tôi, dù với học viên hay không phải học viên, đều hoàn toàn không cần thiết, và nhiều điều tôi đã nói là không phù hợp. Nhiều cuộc điện thoại với người thường là do chấp trước của tôi vào danh, lợi, tâm hiển thị và tâm muốn can thiệp vào chuyện của người khác thúc đẩy. Nhiều cuộc điện thoại với các học viên bắt đầu bằng việc chia sẻ kinh nghiệm nhưng lại sớm kết thúc bởi những câu chuyện phiếm vô nghĩa.

Đo lường bản thân theo các bài giảng Pháp, tôi nhận ra rằng tôi đã không đạt tiêu chuẩn tu khẩu như Sư phụ đã giảng. Tôi ngay lập tức điều chỉnh lại cách mình sử dụng điện thoại di động khi tôi nhận ra tôi có sơ hở lớn này. Tôi để điện thoại ở chế độ im lặng khi tôi dịch bài và chỉ dùng nó khi tôi đi lại hoặc trong thời gian nghỉ giữa giờ làm. Tôi học thuộc Pháp của Sư phụ liên quan đến vấn đề tu khẩu. Tôi cũng phát chính niệm để thanh trừ những quan niệm, văn hóa Đảng và chấp trước khiến tôi không chú ý đến những gì mình nói.

Ban đầu, tiếng chuông điện thoại reo liên tục làm tôi phân tâm, và tôi cầm điện thoại để xem ai gọi. Một số người phàn nàn rằng tôi không trả lời điện thoại. Nhưng sau khi tôi đề cao tâm tính, và khi tôi tu khẩu tốt, tôi không còn phải nhận những cuộc điện thoại vô nghĩa nữa.

Liên lạc giữa tôi với các bạn đồng tu và bạn bè cũng không bị ảnh hưởng chút nào. Hơn nữa, tâm tôi càng trở nên thanh tịnh và thuần khiết hơn khi tôi loại bỏ các chấp trước của mình, tu khẩu và đo lường bản thân dựa trên Pháp. Tôi cũng càng tập trung hơn khi tôi học Pháp, luyện công và phát chính niệm. Tôi chỉ muốn làm nhiều việc dịch bài hơn và yên tĩnh tập trung làm việc. Bởi vì suy nghĩ của tôi là có trách nhiệm với hạng mục nên việc tu luyện của tôi đề cao rất nhiều.

Minh bạch việc liệu có nên viết lại các bài chia sẻ tiếng Trung hay không

Nhóm của chúng tôi đã có thảo luận về việc liệu có nên viết lại các bài chia sẻ gốc bằng tiếng Trung khi chúng tôi dịch chúng hay không. Tôi muốn nói về quá trình tôi thể ngộ về vấn đề này.

Khi học dịch thuật tiếng Anh ở trường đại học, tôi đã được học các nguyên tắc trung thực, diễn đạt tốt và trôi chảy. Trong nhiều năm, tôi chỉ nhớ về nguyên tắc trung thực. Tôi tin rằng chúng ta nên dịch từng từ từng từ.

Vì thế, khi dịch bài, ngay cả khi bản tiếng Trung có chỗ cần điều chỉnh, tôi vẫn dịch nó một cách một cách cứng nhắc. Tôi nghĩ: “Đó không phải là trách nhiệm của tôi. Tác giả đã viết theo cách này, tùy người đọc có thích hay không.” Theo cách suy nghĩ này, trong những năm đầu, tôi thường không đồng ý với những thay đổi của người biên tập vì tôi cho rằng họ đã thay đổi từ của bản gốc.

Một lần, tôi nhận một bài viết sử dụng rất nhiều tiếng địa phương. Tôi không hoàn toàn hiểu tác giả đang cố gắng diễn đạt điều gì. Tôi không biết nên làm gì, do đó tôi đơn thuần sử dụng phần mềm dịch để hoàn thành nó và gửi đi. Bài viết được người phát hành lựa chọn, và họ nói rằng họ đã phải dịch lại toàn bộ. Sau khi tôi nghe được nhận xét đó, tôi biết mình đã làm không tốt. Nhưng tôi vẫn không phục, nghĩ rằng tôi chẳng làm gì khác được. Tác giả đã viết như vậy rồi.

Vẫn không phục, tôi chia sẻ câu chuyện với con tôi, cháu được sinh ra và lớn lên trong văn hóa phương Tây. Sau đó tôi phiên dịch bài viết từng từ từng từ một, giống như khi tôi dịch bài. Con tôi nhìn tôi với một khuôn mặt ngỡ ngàng và liên tục nói: “Thật là khó hiểu.” Con tôi còn không muốn nghe nữa. Sau đó tôi đọc cho cháu nghe bài dịch đã được sửa lại, và cháu nói: “Chính là như vậy. Rất tuyệt ạ.”

Tôi học được nhiều điều từ bài học này. Tôi bắt đầu nghĩ về việc tại sao chúng ta cần dịch. Dù đối tượng độc giả nhắm đến của chúng ta thuộc loại nào, thì mục đích cuối cùng của chúng ta là giúp họ minh bạch chân tướng.

Dịch thuật không đơn giản là việc chuyển các từ từ tiếng Trung sang tiếng Anh. Nếu là như thế thì chúng ta có thể dùng các phần mềm dịch thuật. Thay vào đó, chúng ta nên làm cầu nối giữa hai nền văn hóa để chuyển tải nội dung ý nghĩa của bản gốc một cách rõ ràng nhất.

Kể từ ngày hôm đó, tôi bắt đầu gộp những câu bị lặp lại, tổng hợp một số đoạn văn, hoặc loại bỏ những chi tiết không cần thiết để làm rõ nội dung. Tôi đọc lại bản nháp một vài lần. Tôi hy vọng độc giả của chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái khi đọc những kinh nghiệm của các học viên.

Trong quá trình ấy, tôi cũng phát hiện ra rất nhiều văn hóa Đảng trong mình mà tôi không nhận thức ra trước đó. Ví dụ, tôi nhận ra rằng phần lớn các từ hoặc chi tiết mà những người biên tập xóa đi là những lời nói sáo rỗng. Tôi cũng nhận ra rằng biên tập viên thường dùng chính những sự thật để diễn đạt ý nghĩa và viết lại những suy đoán mơ hồ, ví dụ các từ “nghĩ” và “cảm thấy.” Khi tôi cố gắng hiểu lý do tại sao họ lại thay đổi những điều đó, tôi nhận ra tâm nghi hoặc và suy nghĩ tiêu cực của văn hóa Đảng. Tôi rất vui vì nếu không tôi có thể đã không nhận ra những khía cạnh của văn hóa Đảng mà tôi có.

Thanh trừ giả tướng nghiệp bệnh trong khi dịch bài

Thi thoảng tôi lại nghe tin một học viên qua đời. Tất cả các hạng mục đều cần thêm người và quá nhiều người vẫn chưa được cứu. Do đó, mất một học viên là một tổn thất to lớn. Tôi muốn chia sẻ với các bạn cách tôi thanh trừ giả tướng nghiệp bệnh vài năm trước với hy vọng nó sẽ hữu ích với mọi người.

Một vài năm trước, tôi bị một con muỗi cắn ở chân bên phải. Lúc đầu tôi không để ý. Trong ba ngày, nốt cắn bắt đầu đỏ khiến chân của tôi sưng lên, từ đầu gối đến ngón chân. Vào buổi sáng ngày thứ ba, tôi thức dậy trong đau đớn và nhận ra rằng chân của tôi đã sưng to đến mức tôi không thể ngồi được vì đau.

Tôi nghĩ: “Mình có nên gọi đó là bệnh không?” Sau đó tôi nhanh chóng phủ nhận suy nghĩ này, tự nhủ với bản thân rằng đó không phải chân ngã của tôi và tôi không bao giờ nghe theo nó. Tôi tự nhủ đã đến lúc thức dậy và luyện công rồi. Nhưng khi tôi di chuyển một chút, chân và toàn bộ cơ thể tôi lại đau ghê gớm. Cơn đau nhẹ đi khi tôi nằm xuống, nhưng dường như tôi không thể đứng lên hay thậm chí ngồi xuống.

Tôi nghĩ: “Liệu Sư phụ có an bài cho đệ tử không thể luyện công được không? Hoàn toàn không. Bởi vì đó không phải an bài của Sư phụ, tôi nên làm những gì một học viên cần làm.”

Tôi từ từ ngồi dậy, đứng dậy và di chuyển sang mép giường và luyện bài công pháp số hai. Mỗi cử động giống như hàng triệu nhát dao cắt vào chân và các ngón chân của tôi. Sau khi tôi luyện xong, điều kỳ diệu đã xảy ra. Cơn đau không thể chịu nổi ấy đã đột nhiên biến mất. Tôi nhìn chân và thấy chúng vẫn còn sưng, nhưng không đau chút nào nữa.

Tôi quỳ xuống trước hình của Sư phụ với nước mắt tuôn rơi. Tôi biết Sư phụ lại một lần nữa chịu đựng cơn đau to lớn này cho tôi. Tôi đã nói: “Con xin cảm tạ Sư phụ đã chăm sóc cho con. Con sẽ không để Sư phụ thất vọng. Con nhất định sẽ vượt qua khổ nạn này.”

Ngày hôm đó, tôi đã đi làm và làm các việc nhà như thường lệ. Cùng lúc đó, tôi cố gắng hết sức không nghĩ về cái chân của mình. Tôi dành từng giây từng phút để liên tục phát chính niệm hoặc nhẩm các bài thơ trong Hồng Ngâm. Tôi cũng hướng nội để tìm ra những sơ hở của mình và thanh trừ chấp trước của bản thân khi tôi nhận ra chúng.

Tối hôm đó, tôi vẫn di chuyển và ngồi một cách khó khăn vì chân tôi vẫn rất sưng. Ngay khi tôi đang cân nhắc liệu có nên nói với người trưởng nhóm về việc này và xin nghỉ một vài ngày hay không, thì tôi được chỉ định dịch một bài báo cáo khẩn cấp.

Tôi biết tôi không nên tìm lý do cho bản thân để không làm việc gì đó, bởi vì đây là sứ mệnh của tôi. Do đó tôi không chần chừ và tối hôm đó tôi đã làm việc tới khuya để hoàn thành bài viết.

Tôi không mong đợi khi tôi gửi bài dịch đó xong, tôi lại được giao một bài dịch khẩn cấp khác. Ngày qua ngày, trong vài tháng, người trưởng nhóm của tôi liên tục giao cho tôi dịch các báo cáo có ấn định thời gian và nhiều bài dịch cấp bách khác, hầu như mỗi ngày đều như vậy. Mặc dù tôi đang trải qua khổ nạn nhưng tôi thực sự đã làm nhiều hơn bình thường.

Sau khi tôi vượt qua khổ nạn và nhìn lại, tôi nhận ra rằng dịch bài cho Minh Huệ đã liên tục giúp tôi vượt qua việc muốn nghỉ ngơi và chán nản. Các bài dịch hàng ngày của tôi nhắc nhở tôi về trách nhiệm và sứ mệnh của đệ tử Đại Pháp và gia tăng chính niệm.

Khi tôi thực sự muốn từ bỏ, việc cam kết dịch bài nhắc nhở tôi rằng tôi là một đệ tử Đại Pháp trong thời kỳ Chính Pháp, và tôi đang tu luyện không chỉ cho bản thân mình. Khi tình huống trở nên vô vọng, tôi nghĩ: “Nếu hôm nay tôi chết, người trưởng nhóm của tôi thậm chí còn không biết điều đó! Cô ấy sẽ vẫn đợi giao bài dịch cho tôi. Cô ấy có thể sẽ lo lắng và sốt ruột! Nếu cô ấy phải đợi vài ngày trước khi chỉ định bài này cho một thành viên khác trong nhóm, thì tin tức này sẽ không còn giá trị. Thế thì báo cáo này chẳng phải vô nghĩa hay sao?”

Việc cam kết dịch bài giúp tôi nhận ra nghiệp bệnh mà tôi đang trải qua thực ra chỉ là giả tướng và từ đó giúp tôi hoàn toàn đột phá nó.

Đôi chân sưng tấy của tôi nặng nề như thể chúng chứa đầy chì. Cảm giác yếu đuối và kiệt sức là có thật, mặc dù tôi liên tục nói với chính mình rằng chúng chỉ là giả tướng.

Một ngày sau khi tan làm, tôi chạy tới trạm xe buýt để đón xe buýt. Sau khi lên xe, tôi đột nhiên nhận ra rằng tôi vội vàng chạy đến trạm xe buýt mỗi ngày sau khi tan làm vì tôi muốn về nhà sớm hơn để dịch bài. Vào lúc đó, tôi bất chợt đột phá được tư tưởng người thường của mình. Theo quan niệm người thường, liệu chân tôi có càng sưng hơn sau một ngày dài làm việc không? Nhưng khi tâm tôi chỉ nghĩ về việc dịch bài, cái cảm giác mệt mọi ấy đã biến mất.

Không bất ngờ, rằng tôi hồi phục ngay sau khi tâm tôi chuyển biến. Chỉ ngay sau khi vượt qua khổ nạn này, thì đợt dịch bài bận rộn mới dừng. Người trưởng nhóm của tôi đã ngừng giao cho tôi những bài dịch giới hạn thời gian. Tôi không biết làm thế nào để bày tỏ sự biết ơn của tôi đối với an bài và từ bi vô hạn của Sư phụ.

Tôi vô cùng cảm ơn hạng mục dịch bài Minh Huệ và sự nhẫn nại vô hạn của các bạn trưởng nhóm và biên tập. Tôi thường nghĩ rằng tất cả chúng ta đã từng phát thệ nguyện trước khi đến thế gian rằng chúng ta sẽ dùng mọi cách để hỗ trợ lẫn nhau trong thời khắc cuối cùng then chốt này.

Kết luận

Hạng mục dịch bài Minh Huệ đã giúp tôi học cách phối hợp và khiêm tốn hơn. Tôi liên tục tìm những lỗi sai của mình và cố gắng làm tốt hơn vào lần sau. Tham gia vào hạng mục dịch bài Minh Huệ giúp tôi hiểu kiên định tu luyện là gì.

Gửi tới các bạn đồng tu, hãy trân quý cơ hội mà Sư phụ đã ban cho chúng ta, khi được trở thành một phần của Minh Huệ. Đừng buông lơi, bất kể đôi khi công việc của chúng ta có vẻ lặp đi lặp lại. Hãy nhắc nhở nhau tu luyện tinh tấn vào thời khắc then chốt này của lịch sử. Tất cả chúng ta hãy chân tu, nỗ lực hết mình và hoàn thành thệ nguyện.

Con xin cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn các bạn đồng tu.

(Bài chia sẻ tại Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm tu luyện Minh Huệ 2022)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/10/4/450222.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/10/8/204210.html

Đăng ngày 11-12-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share