Bài viết của đệ tử Đại Pháp Đài Loan

[MINH HUỆ 15-11-2022]

Kính chào Sư phụ tôn kính!
Chào các bạn đồng tu!

Hiện nay, tôi đang theo học hai lớp vũ đạo ở trường trung học nghệ thuật Điểu Tùng. Tôi muốn chia sẻ với mọi người thể ngộ tu luyện đề cao thăng hoa tâm tính và kỹ năng múa trong khi học múa cổ điển Trung Quốc.

1. Nhận thức chân chính về tu luyện

Từ khi tôi biết nhận thức [về mọi thứ xung quanh], tu luyện đã theo tôi trên mỗi bước đi. Kể từ năm 4 tuổi, mẹ thường ở bên tôi, lúc đó tôi vẫn chưa biết chữ, mẹ đã dạy tôi đọc từng chữ từng câu trong sách “Chuyển Pháp Luân”. Bây giờ nhớ lại, tôi vô cùng biết ơn mẹ đã tạo cơ sở tu luyện cho mình, chắc hẳn khi đó cũng là một khảo nghiệm rất khó khăn đối với mẹ.

Lên tiểu học, mẹ thường chia sẻ tâm đắc tu luyện cho tôi nghe, nhưng khi đó tôi không thích học Pháp luyện công, mỗi ngày học Pháp giống như chạy theo hình thức. Tôi bị tiêm nhiễm những thứ hiện đại của người thường, nghe nhạc theo trào lưu và nói tục. Để cho giống với mọi người, tôi đi theo các bạn cùng lớp, liên tục trượt dốc. Do vậy, lúc đó tôi không nghe lọt tai những lời mẹ nói. Tôi hay trả treo với bố mẹ. Nhưng kỳ thực tôi biết rõ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp rất tốt, cũng biết cái gì mới là thật sự tốt đẹp. Cho nên từ bé, tôi đã quyết tâm khi lên trung học, tôi phải vào trường Điểu Tùng để học múa cổ điển Trung Quốc. Ngay cả khi học tiểu học, dù có bị tiêm nhiễm thói xấu đến đâu, tôi cũng chưa bao giờ thay đổi quyết tâm kiên định này.

Sau khi đến trường Điểu Tùng học múa, tôi mới chợt nhận ra “tu luyện” là gì, không phải mỗi ngày học Pháp luyện công là tu luyện rồi; nếu như chúng ta không làm theo yêu cầu của Sư phụ, không đối đãi với bản thân như người tu luyện, thì có khác chi người thường?

2. Đề cao tâm tính trong khi thực tu

Bước đầu tiên của học múa chính là bài tập “kéo giãn”. Thân thể tôi khá cứng, mỗi ngày đều tập kéo giãn lưng và chân, cho nên ở phòng học lúc nào cũng nghe tiếng tôi kêu khóc. Có một cô giáo yêu cầu rất cao về độ dẻo dai, mỗi lần nghĩ đến mình còn cách xa tiêu chuẩn và không biết cơn đau sẽ kéo dài bao lâu, thì tôi lại thấy bối rối về tương lai. Tuy nhiên, thuận theo tâm tính không ngừng đề cao, tôi chợt phát hiện mình dần dần có thể buông bỏ tâm thái sợ đau và nôn nóng khi tập duỗi chân, bất tri bất giác độ dẻo dai cũng tăng lên!

Có một lần luyện tập nhào lộn, do không cẩn thận nên tôi bị gãy ngón chân, sau đó chân tôi bắt đầu đau dữ dội. Hết giờ học, các bạn đã thay nhau đến hỏi thăm và khuyên tôi đi khám bác sỹ. Các bạn nói nếu thật sự bị chấn thương thì tôi phải xin nghỉ dưỡng. Sau khi nghe mọi người khuyên bảo, tâm tôi bắt đầu dao động, lo lắng nếu bây giờ không đi khám, có khi nào sẽ nghiêm trọng hơn? Có khi nào từ đây về sau, tôi không múa được nữa? Nhưng tôi lập tức thay đổi suy nghĩ, đây chẳng phải là khảo nghiệm sao? Do đó, tôi đã tự nói với chính mình sẽ không sao, và tôi không nghĩ tới cơn đau nữa, kết quả là chân cũng tự nhiên hết đau, tôi lại lên lớp học bình thường. Sau sự việc lần đó, quay đầu nhìn lại, nếu lúc ấy tôi sợ hãi và đi khám bác sỹ, không chừng kết quả kiểm tra sẽ là đứt gân và gãy xương. Từng tư từng niệm của người tu luyện đều là khảo nghiệm lựa chọn tương lai, có lẽ chúng ta vấp ngã giữa đường, nhưng vẫn phải mau chóng đứng lên và đi cho tốt mỗi bước tiếp theo.

Mâu thuẫn trong cuộc sống cũng thường phát sinh, có một lần tôi và bạn học đang hát, tôi trách bạn hát lạc nhịp, nhưng không ngờ bạn ấy đáp lại: “Tớ hát phải mở lòng mới tốt, cớ sao cậu cứ phải để ý tớ làm chi?” Tôi không nhịn nổi, cãi lộn ầm ĩ với bạn ấy. Sau đó tôi còn kể chuyện này cho các bạn khác nghe, tôi vốn chỉ nói đùa, nhưng sao bạn kia lại nổi cáu. Các bạn khác nghe xong, tỏ vẻ tán đồng, tôi còn thấy hả hê hơn. Sau đó, cô giáo đã biết chuyện, cô tìm hai chúng tôi để giao lưu chia sẻ, hơn nữa cô còn thẳng thắn chỉ ra chấp trước của tôi khi đó. Tôi cảm thấy bạn kia cố chấp cứng đầu; nhưng cô giáo lại nói tôi cũng ngoan cố giống bạn, nếu nhìn thấy chấp trước của người khác, thì tức là bản thân cũng có cái tâm đó, cho nên nó mới biểu hiện ra để mình nhìn thấy. Kể từ đó, tôi mới phát hiện, hóa ra tôi chỉ là giúp người khác tìm chấp trước và giúp người khác tu luyện, chứ bản thân mình không biết hướng nội tìm khi gặp chuyện. Tôi chợt cảm thấy vô cùng xấu hổ. Tôi đã tự nói với mình, phải luôn nhắc nhở bản thân đối đãi với mọi việc giống như một người tu luyện.

Năm lớp 9, do tâm tính đề cao nên tôi đã có bước đột phá lớn về kỹ năng múa, lĩnh ngộ được thân vận, thân pháp, kỹ năng kỹ thuật v.v. Của múa cổ điển. Trước khi đề cao, tôi đã trải qua một đoạn thời gian khá chán nản, luyện động tác không tốt, cảm giác tự ti bám theo khá lâu, tôi cũng không tiếp thu ý kiến của người khác, chấp trước vào ý kiến bản thân, nhìn bên ngoài coi như tôi cũng tiếp thu, nhưng kỳ thực tôi không có để tâm suy xét sửa chữa khuyết điểm. Biểu hiện trong vũ đạo còn rõ hơn, ví như cô giáo nói tôi chỗ nào không tốt, tôi nghe không hiểu và cũng không thèm hỏi lại, cô giáo liên tục nhắc tôi cùng một vấn đề, nhưng tôi vẫn thấy mình sửa chữa nhiều rồi. Về sau, tôi mới nhận ra mình có tâm chấp trước không thích nghe ý kiến của người khác rất mạnh. Trong tu luyện, tôi đã dần dần buông bỏ cái tâm hễ nghe người khác nói liền nổ tung. Kể từ đó, tâm tính và kỹ năng múa đề cao rất nhanh, tôi cũng cố gắng hết sức thay đổi nhiều tật xấu.

3. Gặp trắc trở không nản lòng, đề cao tâm tính, triển hiện vũ đạo Trung Hoa cổ điển truyền thống

Mỗi năm, trường chúng tôi đều tuyển chọn học sinh đại diện tham dự giải đấu cấp huyện, kỳ thi tuyển chọn gồm có một vòng sơ tuyển và một vòng bán kết. Năm đầu của trung học, tôi tự biên đạo một tiết mục vũ đạo và đã đậu vòng sơ tuyển. Một ngày trước vòng bán kết, cô giáo đã trực tiếp nói chuyện với tôi, cô không thể chọn tiết mục vũ đạo của tôi đi tham dự giải đấu cấp huyện, bởi vì nó không có bố cục hoàn chỉnh, không thể đưa lên sân khấu.

Sau khi nghe xong, tôi đã khóc nức nở, không biết phải làm sao, bởi vì tôi rất kỳ vọng được đi dự giải. Tuy nhiên, mọi việc không hề ngẫu nhiên, sau khi hướng nội tìm, tôi đã phát hiện tâm danh lợi của bản thân. Sư phụ giảng:

”Chư vị thấy bệnh trị được rồi, người ta lại gọi mình một tiếng ‘khí công sư’, chư vị [cảm] thấy quả là dương dương tự đắc, khoan khoái vô cùng. Đó chẳng phải tâm chấp trước là gì? Khi trị [bệnh] không được thì gục đầu ủ dột; đó chẳng phải tâm danh lợi đang khởi tác dụng là gì?” (Chuyển Pháp Luân)

Biểu hiện ở vũ đạo cũng giống như vậy, tiết mục được chọn thì sao? Mà không được chọn thì sao? Tôi liền vứt bỏ tâm sĩ diện và tâm danh lợi. Điều quan trọng là đề cao trong quá trình luyện tập, chứ nếu bị tâm chấp trước ràng buộc thì tiến bộ sẽ bị giới hạn.

Nhưng tôi cảm thấy chỉ còn chưa tới một ngày đã đến vòng bán kết, nếu cô đã nói vậy, mà tôi vẫn tiếp tục luyện tập tiết mục tự biên đạo, bất quá chỉ là dậm chân tại chỗ. Vậy nên, tôi đã xin phép cô giáo, buổi sáng trước ngày diễn ra vòng bán kết, tôi sẽ học điệu múa “Mộc Lan” hoàn toàn mới lạ. Khi đó, tôi không suy nghĩ quá nhiều, có vào được bán kết hay không cũng chẳng quan trọng, chỉ cần tôi nỗ lực hết sức làm là được.

Trong một ngày phải hoàn thành tiết mục vũ đạo để biểu diễn trên sân khấu quả thật rất khó, nhưng ở vòng bán kết, toàn bộ giáo viên và học sinh vũ đạo đều đến xem, quả thật áp lực rất lớn. Ngày hôm đó, tôi đã luyện múa từ sáng đến tối. Trong lúc luyện tập, tôi liên tục gặp phải khó khăn, tuy rất mệt nhưng không thể nghỉ ngơi. Đến giờ đi ngủ, tôi cũng ở phòng sinh hoạt chung, mở TV xem đi xem lại tiết mục vũ đạo mà tôi đã thành thục, chỉ mong rằng mình có thể làm hết sức, ít nhất là mang đến cho cô giáo và bản thân mình một tác phẩm rõ ràng hoàn chỉnh, đó cũng là thái độ tôn trọng đối với khán giả và sân khấu.

Thật không ngờ, tôi không ôm giữ hy vọng được chọn, nhưng lại may mắn được thầy cô tuyển chọn. Tuy nhiên, đó chỉ là khởi đầu của bước tiếp theo. Trải qua nhiều lần tập luyện ở trường, mỗi khi tiếp thu bài giảng riêng của cô giáo hướng dẫn, tôi đều thấy sốc hết lần này đến lần khác, cô giáo không nói vòng vo, mà luôn thẳng thắn chỉ ra chỗ thiếu sót của tôi về vũ đạo. Tôi biết cô giáo tin tôi có thể tiếp thu ý kiến, ngoài ra cô chỉ là hy vọng chúng tôi tham dự giải đấu có thể đề cao đến một cảnh giới trong thời gian ngắn nhất.

Trải qua luyện tập gian khổ, đối với mỗi chi tiết trong từng động tác của cô giáo hướng dẫn, mỗi người chúng tôi đều có tiến bộ thần tốc trong thời gian ngắn! Đến ngày thi đấu, trước khi lên sâu khấu, cô giáo đã nói với tôi: “Em nỗ lực cho đến hôm nay, chính là để trợ Sư chính Pháp vào thời khắc này, hãy dũng cảm mà múa, tận hưởng vũ đài của mình nhé!” Vào thời khắc bước lên sân khấu, tôi gần như tiến nhập vào thế giới của Mộc Lan; đó là một quá trình từ lúc ở nhà dệt vải, lo lắng cho cha, đến khi do dự không biết có nên thay cha tòng quân hay không, rồi đến cảnh cuối thay cha ra chiến trường và gánh vác trọng trách cho nước nhà; hết thảy đều theo tiết tấu âm nhạc, cảm xúc lên xuống. Tiết mục vũ đạo Mộc Lan này cần biểu đạt tấm lòng hiếu thảo đối với cha và tấm lòng trung thành đối với đất nước, làm toát lên mỹ đức truyền thống của Trung Quốc thời xưa, đây mới là múa cổ điển Trung Quốc chính thống. Khi đó, tôi cũng minh bạch một đạo lý, tôi học vũ đạo, không chỉ đơn giản là sở thích cá nhân, mà nó còn là gánh vác sứ mệnh phục hưng nghệ thuật truyền thống, không phải để chứng thực bản thân, năng khiếu bẩm sinh mà Sư phụ ban cho tôi là để hồng dương văn hóa truyền thống và khơi dậy thiện niệm của thế nhân.

4. Tu bỏ tự ngã, phát huy sức mạnh chỉnh thể

Trong quá trình tu luyện, tôi nghĩ bản thân đã buông bỏ tâm chấp trước rồi, nhưng lúc khảo nghiệm đến nữa, tâm chấp trước kia vẫn bị phình to, cảm giác giống như vượt quan hết lần này đến lần khác, Sư phụ sẽ để cho tôi nhận ra hết thảy các tâm, qua mỗi lần khảo nghiệm lại bỏ đi từng chút từng chút. Đối với tôi mà nói, có một số quan niệm đã hình thành sau khi học múa, ví như tôi rất muốn đứng gần vị trí chính giữa, bởi vì mỗi lần xem biểu diễn, mắt thường chú ý nghệ sĩ múa chính. Sau khi nỗ lực, tôi hy vọng phó xuất của mình sẽ có hồi báo, nhưng sau đó tôi phát hiện kiểu “nỗ lực” này là chấp trước biến tướng, động cơ ở đằng sau gian khổ không đủ trong sáng, học tập nghiêm túc là bổn phận mà một học sinh nên làm, còn thành quả thu được là điều Sư phụ ban cho. Nhất định phải dùng tâm thuần chính nhất mới có thể triển hiện ra múa cổ điển thuần chính, chứ không phải kiểu nỗ lực tranh lấy danh lợi truy cầu của người thường.

Hàng năm, trường Điểu Tùng đều tổ chức biểu diễn, mỗi lần tham gia biểu diễn đều giúp chúng tôi đề cao rất nhiều. Đối với chúng tôi mà nói, biểu diễn là tất cả mọi người đồng tâm hiệp lực nghĩ cho chỉnh thể, trên sân khấu lúc nào cũng phối hợp với nhau. Năm nay, có một tiết mục múa bát Mông Cổ, nhóm múa có mười người, tôi là một trong số đó. Ấn tượng sâu sắc nhất là, có một buổi đã diễn xong phân nửa tiết mục, thật không ngờ lúc chuẩn bị ở hậu trường, có một chị không cẩn thận đánh rơi chiếc bát xuống đất, do đó chị ấy không kịp lên sân khấu. Chúng tôi ở trên sân khấu không ai hay biết, chỉ biết là trên sân khấu thiếu mất một người, mọi người đều căng thẳng và hốt hoảng, làm rơi chiếc bát đội trên đầu xuống sàn sân khấu; nhưng không ngờ, khi tôi còn chưa biết chuyện gì xảy ra, mọi người xung quanh liền nhỏ tiếng nói: “Cố lên!” Ngay sau đó, chín người chúng tôi ở trên sân khấu, lặng lẽ thay nhau bù đắp vào vị trí trống để khán giả không nhìn thấy sai sót. Lúc ấy, tôi cảm nhận sâu sắc, cho dù là đứng trước sân khấu hay ở sau hậu trường, tất cả mọi người đều nghĩ cho chỉnh thể, dốc hết sức để biểu diễn trên sân khấu.

Một thời gian trước, trong buổi chia sẻ trên lớp, cô giáo nêu thí dụ về ưu khuyết điểm của từng người với các bạn học trong lớp, cô nói tôi rất nghiêm túc suy xét vấn đề mà cô chỉ ra, nhưng hình như thiếu quan tâm giúp đỡ các bạn khác. Tôi hướng nội tìm thật lâu, mới phát hiện trước đây tôi chỉ biết bản thân luyện tốt là được, không nghĩ tới chuyện đi giúp người khác. Nhờ đó, tôi đã có bước đột phá lớn. Bây giờ nhìn thấy vấn đề của bạn, tôi liền chủ động giúp đỡ, dựa vào trải nghiệm bản thân để giúp các bạn chỉnh sửa động tác, lâu dần các bạn cũng chủ động hỏi tôi nếu gặp vấn đề. Sau khi chuyển biến tâm thái, tôi nhận thấy hoàn cảnh cũng có biến hóa kỳ diệu, mọi người đều bắt đầu chủ động giúp đỡ lẫn nhau. Trước đây, mọi người vẫn luôn cắm đầu khổ luyện, rất ít khi ngước nhìn các bạn xung quanh để cùng nhau cố gắng. Kể từ khi chủ động giúp đỡ lẫn nhau, tôi phát hiện những điều đắc được vượt xa những gì mình đã phó xuất! Tôi không còn nghĩ cá nhân mình múa tốt là được, thay vào đó tôi sẽ đề cao cùng chỉnh thể.

5. Thể ngộ về tu bỏ tâm tật đố

“Tâm tật đố” cũng thường phản ánh trong cuộc sống của tôi. Trước đây, tôi thường xuyên cảm thấy, ngày nào mình cũng nghiêm túc tập múa, trong khi có một số bạn không phải ngày nào cũng luyện tập, vậy mà cô giáo lại thường xuyên khen ngợi họ. Nhiều bạn cũng có suy nghĩ giống như tôi. Chúng tôi nghiễm nhiên cho rằng cô giáo thiên vị. Trong quá trình mọi người liên tục học Pháp, giao lưu chia sẻ đốc thúc lẫn nhau và hướng nội tìm, chúng tôi đã đọc đến đoạn Pháp sau:

”Ai có điều tốt mà biểu lộ ra, thì người khác lập tức [ganh tỵ] tật đố đến mức khó chịu; ở trong đơn vị [công tác] hoặc ngoài đơn vị mà được thưởng, hay được điều gì tốt thì về không dám nói năng gì, [e rằng] người khác biết sẽ thấy bất bình trong tâm.” (Chuyển Pháp Luân)

Tôi phát hiện, khi nhìn thấy người khác có chỗ nào tốt, tâm tật đố của tôi rất dễ biểu hiện ra ngoài. Quá trình buông bỏ tâm chấp trước cũng đầy khó khăn. Sau khi khảo nghiệm qua đi, tôi nghĩ mình đã vượt quan xong rồi, nhưng lúc gặp lại vấn đề, tôi thấy tâm tật đố vẫn còn. Khi đó, tôi cảm thấy rất tự ti, tôi nghĩ liệu mình có phải thuộc dạng tu không tốt hay không, đồng thời tôi cũng muốn che giấu tâm chấp trước để người khác không nhận ra. Tuy nhiên, sau đó tôi thấy mình làm vậy cũng không đúng, không những không phơi bày và buông bỏ tâm chấp trước vốn có, mà còn dung dưỡng tâm sợ hãi và tâm sĩ diện, sợ nhìn thấy chấp trước của bản thân, sợ bản thân tu không đủ tốt. Đồng thời, tôi quá để tâm người khác sẽ nhìn mình thế nào. Tu luyện chẳng phải là trong lúc không biết mình đã tu cao đến đâu, “vẫn dựa vào Ngộ mà viên mãn” (Vì sao không được thấy, Tinh Tấn Yếu Chỉ) hay sao? Do đó, tôi phải buông bỏ những tâm người thường này, đồng thời làm được “vô cầu nhi tự đắc” (Giảng Pháp tại Pháp hội Sydney [1996]).

6. Lời kết

Trong tu luyện, lúc gặp phải khảo nghiệm, tôi thường bị vấp ngã nhiều lần, quá trình đứng dậy luôn rất khó khăn, nhưng mỗi lần như vậy, tôi đều vô cùng biết ơn Sư phụ, Ngài đã thay tôi an bài những quan nạn này, giúp tôi moi lên nhiều tâm chấp trước ẩn giấu, sau khi vượt quan, tôi cũng cảm thấy mình đã trút bỏ một số vật chất nặng nề. Trên chặng đường sắp tới, tôi vẫn sẽ kiên trì tín Sư tín Pháp và đi từng bước thật tốt.

Nếu có chỗ nào thiếu sót, mong quý đồng tu từ bi chỉ chính. Đệ tử cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn các đồng tu!

(Bài chia sẻ tại Pháp hội Giao lưu tâm đắc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp Đài Loan năm 2022)

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2022/11/15/台灣法會-在學習古典舞中昇華舞藝、提高心性-451874.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/11/19/204819.html

Đăng ngày 09-12-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share