Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp bên ngoài Trung Quốc
[MINH HUỆ 07-10-2022] Con xin kính chào Sư phụ tôn kính! Chào các bạn đồng tu!
Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được một năm, tôi được đề nghị tham gia dịch các bài viết trên Minh Huệ. Ban đầu, tôi gần như dịch toàn bộ từng câu từng câu trong trong các bài viết tiếng Trung. Sau một vài năm, tôi trở thành một thành viên của nhóm biên tập. Lúc đầu, tôi không thể thích ứng ngay với sự thay đổi này. Viết lách chưa bao giờ là điểm mạnh của tôi, và tôi đã cố gắng né tránh. Lúc đầu, học cách tổng hợp tài liệu và viết bài làm tôi cảm thấy rất vô vọng. Quá trình này thường xuyên khiến tôi căng thẳng và khổ não, khiến tôi không thể tập trung vào nội dung bài báo. Tôi liên tục nghĩ sẽ xin nghỉ hạng mục.
Tôi đã cố gắng hết sức để hoàn thành từng bài viết rồi gửi cho người điều phối. Hầu như lần nào tôi cũng được chỉnh sửa rất nhiều hoặc thậm chí là sửa lại hoàn toàn. Sau đó, điều phối viên cùng tôi xem lại từng chi tiết và giải thích lý do tại sao cần sửa lại. Tôi cảm thấy rất buồn vì thấy mình khó có thể thể đáp ứng yêu cầu của nhóm. Tôi cảm thấy như tôi đang lãng phí thời gian của cô ấy. Tôi cũng không muốn cư xử thô lỗ và nói với cô ấy rằng tôi muốn xin nghỉ, nhưng lại cảm thấy cô ấy đã dành nhiều thời gian như vậy huấn luyện tôi, đột nhiên bỏ dở giữa chừng thật không hay, vậy nên tôi liền kiên trì tiếp tục làm.
Dần dần tôi nhận thấy rằng bất kể quá trình biên dịch bài viết khiến tôi căng thẳng hay thất vọng thế nào, ngay sau khi gửi kết quả của mình đi, tôi cảm thấy sảng khoái và hứng khởi. Tôi tự nhủ: “Cũng không đến nỗi nào, có lẽ mình có thể làm tiếp một bài khác.” Tôi tin rằng, cảm giác căng thẳng và ý muốn từ bỏ hạng mục đã cản trở tôi học hỏi để đề cao kỹ năng viết bài của mình. Khi tôi cố gắng hết sức để hoàn thành bài viết, cảm giác được Sư phụ Lý (người sáng lập Đại Pháp) khuyến khích tôi tiếp tục cố gắng khiến tôi hạnh phúc và nhẹ nhõm. Tôi nhận ra quá trình này đang cải thiện năng lực của tôi. Một ngày nọ, người điều phối viết cho tôi rằng tôi có một bài viết rất tốt. Tôi không thể tin vào mắt mình! Từ hôm đó, tôi quyết định ở lại nhóm biên tập.
Những ngày đầu, tôi thường mong được giao những bài viết ngắn hơn hoặc đơn giản hơn. Suy nghĩ này xuất phát từ chấp trước của tôi vào thành tích, tôi tin rằng càng làm được nhiều bài thì càng tốt. Tôi dần dần cũng nảy sinh ác cảm với các bản tin về cuộc bức hại. Đối với tôi, hầu hết chúng đều tương tự về nội dung, cấu trúc và phương thức bức hại, ngoại trừ việc chúng xảy ra với các học viên khác nhau vào những ngày khác nhau và ở các địa điểm khác nhau. Ngoài ra, khi làm các bản tin về cuộc bức hại, tôi phải cẩn trọng hơn với tính xác thực của các sự kiện, điều này đôi khi đòi hỏi rất nhiều thời gian để xác minh hoặc làm rõ.
Học Pháp là quan trọng nhất
Thông qua việc học Pháp liên tục, ác cảm này của tôi biến mất lúc nào không hay. Có nhiều bài báo có nội dung tương tự. Ví dụ, các bài chia sẻ của các học viên thường nói về quá trình làm ba việc, vượt quan và đề cao tâm tính của họ. Hầu hết tin tức về các sự kiện hồng truyền và giảng thanh chân tướng đều nói về các cuộc diễu hành, mít-tinh và dựng các quầy giảng thanh chân tướng Pháp Luân Đại Pháp tại các sự kiện khác nhau. Tôi hiểu là mặc dù các bài báo có thể có định dạng giống nhau, nhưng thái độ và chính niệm của người dịch sẽ mang lại cách trình bày và năng lượng khác nhau. Quan trọng nhất là các bài viết tiếp cận được nhiều nhóm độc giả khác nhau. Cần đảm bảo tính xác thực và cần chuyển tải chi tiết một cách chính xác để có thể thức tỉnh nhiều người hơn. Đây cũng là biểu hiện của Thiện và Nhẫn. Một nghệ sĩ Shen Yun sẽ không nghĩ rằng nội dung của buổi diễn này và buổi diễn tiếp theo giống nhau, và muốn khán giả của buổi tiếp theo được thức tỉnh bằng cách xem video của buổi diễn trước.
Trước khi bắt tay vào bài mới, tôi thường tĩnh tâm học Pháp để có tâm thái phù hợp để viết bài. Tôi đặt mình vào vị trí của người học viên bị bức hại khi đọc bản tiếng Trung. Tôi cảm thấy không thể chấp nhận được hành động của thủ phạm và suy ngẫm về cách diễn đạt từ ngữ sao cho người đọc hiểu rõ hơn về mức độ tàn ác của cuộc bức hại và sự cay đắng mà các học viên phải chịu đựng. Trong khi dịch các bản tin về sự kiện, tôi hiểu rằng, để tổ chức các sự kiện khác nhau, các học viên đã liên tục phó xuất thời gian, năng lượng và nguồn lực của họ. Các chi tiết và hình ảnh của các sự kiện là quý giá và có giá trị tư liệu. Quá trình này giúp tôi nhận ra rằng, tôi có tâm chấp trước vào những điều mới mẻ và thú vị, và tôi không thích sự lặp lại và những việc thường ngày.
Các bài báo dài về cuộc bức hại khiến tôi căng thẳng. Bên cạnh việc cần nhiều thời gian để hoàn thành, những bài báo về chủ đề này cũng đòi hỏi phải chú ý nhiều hơn đến tính liên tục và logic, nghĩa là phải lưu tâm đến rất nhiều chi tiết. Đôi khi nó liên quan đến dữ liệu số. Trong thời gian này, tôi liên tục nhận được các bài báo siêu dài về cuộc bức hại. Mỗi khi cảm thấy căng thẳng, tôi bình tâm lại và tự hỏi bản thân, “Tại sao tôi lại cảm thấy như vậy? Sinh kế của tôi có phụ thuộc vào nó không? Tôi có phải hoàn thành công việc trong vài giờ nữa hay là tôi cảm thấy mình không thể từ chối nhiệm vụ được giao?” Tất cả các câu trả lời đều là “không”. Tôi nhận ra rằng đã đến lúc tôi phải loại bỏ can nhiễu này và tiếp tục nâng cao năng lực của mình.
Tôi bắt đầu kiềm chế một cách có ý thức cảm giác khó chịu khi được giao những bài dài. Trước khi bắt đầu làm việc, tôi đọc Pháp để củng cố chính niệm của mình. Dần dần, cảm giác tiêu cực đó yếu dần. Một lần điều phối viên hỏi tôi rằng liệu tôi có thoải mái khi được giao nhiều bài báo dài về cuộc bức hại như vậy không. Tôi nói không sao, miễn là không gấp. Một biên tập viên đã có phản hồi tích cực về một trong những bài báo của tôi nói rằng cần phải có một bài tổng quan như vậy mới thuyết phục được người đọc. Một lần tôi nhận được một bài viết dài gần 20 trang và suy nghĩ đầu tiên của tôi là “Bài báo dài thế này có thông tin gì đặc biệt đây? Mình phải xem xem thế nào.“ Tôi rất vui vì số trang không còn khiến tôi thay đổi tâm trạng nữa. Sau khi tôi hoàn thành bài báo đó, tôi đã nhận được phản hồi tích cực.
Chiếc răng đau phơi bày chấp trước của tôi
Cách đây vài tháng, tôi đã cắn phải hạt sạn trong khi ăn và tôi bị đau đớn vô cùng. Tôi đã không đến nha sĩ vì tin rằng những chân răng hàm của tôi quá ngắn và chúng chuyển động làm tổn thương các mô xung quanh. Tôi quyết định chịu đựng, tin rằng đó là việc tốt bởi vì nó xảy ra sau khi tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Cơn đau rất khó chịu kéo dài vài tuần và tôi chỉ có thể nhai một bên miệng. Tuy nhiên miệng của tôi không bị sưng, và những khoảnh khắc thực sự đau đớn luôn xảy ra trước khi tôi đi ngủ hoặc vào cuối tuần. Nó không can nhiễu tôi làm việc ở cơ quan hoặc làm việc hạng mục Đại Pháp. Bây giờ nghĩ lại, tôi biết trường hợp của tôi thường là nghiệp bệnh. Tôi biết rằng Sư phụ đã giúp tôi tiêu nghiệp.
Một ngày nọ, tôi hết đau và muốn đến gặp nha sĩ. Trước khi gọi cho nha sĩ, tôi nhận được tin nhắn của một học viên nói rằng ngày hôm đó không giao bài cho tôi. Ngay khi tôi vừa mừng thầm vì có thời gian đến gặp nha sĩ, người học viên đó hỏi tôi có sẵn sàng làm một bài báo thể loại khác không. Tôi gần như có thể nghe thấy Sư phụ nói rằng nếu tôi có thời gian đến gặp nha sĩ, thì có lẽ tôi cũng có thời gian để làm bài. Thế là tôi ngồi làm bài báo đó như bình thường.
Học Pháp liên tục đã giúp tôi đề cao thể ngộ của mình về nghiệp bệnh. Nhiều năm trước, tôi đến thành phố khác đón Giao thừa và đêm đó răng tôi bị đau. Không có hiệu thuốc nào mở cửa, cũng không biết tìm bác sĩ ở đâu. Tôi nhớ mình đã hét lên trong phòng khách sạn của mình. Mãi một lúc sau tôi mới mua được một lọ thuốc giảm đau, mà không giúp ích gì cả. Người dược sĩ nói với tôi rằng cô ấy chưa bao giờ nhìn thấy má ai bị sưng. Sau lễ, tôi đi nhổ răng. Nhiều ngày đau răng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tôi. Kể từ đó trở đi, ngay cả sau khi tôi trở thành một học viên Đại Pháp, mỗi khi bị đau răng là tôi liền biến thành người thường và tự thuyết phục bản thân đi gặp nha sĩ. Từ đó, đau răng đã trở thành khảo nghiệm khiến tôi không thể vượt qua và vì vậy tôi tiếp tục bị khảo nghiệm. Số lượng răng phải trồng trong miệng tôi đã tăng lên theo năm tháng.
Sư phụ giảng rằng:
“… trước những ma nạn bản thân gặp phải trong quá trình tu luyện, thì có thể ngộ được rằng bản thân là người tu luyện hay không, có thể lý giải [theo Pháp] hay không, có thể tiếp thụ [Pháp] hay không, trong quá trình tu luyện có thể chiểu theo Pháp mà hành xử hay không. Có người có làm thế nào mà giảng họ cũng không tin, vẫn [chỉ tin vào] những lợi ích thiết thực nơi người thường. Họ vẫn ôm giữ những quan niệm cố hữu mà không bỏ, làm cho [họ] không thể tin [vào Pháp]”. (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)
Lần này, tôi cố gắng chịu đựng chiếc răng đau trong vài tháng. Cuối cùng cũng hết đau, trừ khi tôi cố tình cắn vào nó để tự làm mình đau. Tôi không muốn tiếp tục bị khó chịu và đã đến gặp nha sĩ. Sau khi kiểm tra, nha sĩ nói với tôi rằng chiếc răng đã bị nứt làm đôi, và hỏi tôi làm sao chịu đựng được cơn đau trong thời gian dài như vậy. Cô ấy nhổ nó ra và chẻ chiếc răng ra làm đôi bằng một cái nhíp trước mặt tôi. Tôi biết rằng tôi vẫn sợ đau, nhưng tôi không còn dùng quan niệm người thường để nhìn nhận chiếc răng đau nữa.
Tôi vẫn còn nhiều chấp trước, và nhiều lần tôi đã không ước thúc bản thân dựa trên Pháp. Tuy nhiên, tôi tin rằng Sư phụ sẽ giúp tôi loại bỏ những chấp trước của mình nếu tôi tiếp tục học Pháp, phát chính niệm và giảng chân tướng. Con xin cảm tạ Sư phụ! Cảm tạ Pháp Luân Đại Pháp và các đồng tu trên Minh Huệ Net.
Xin vui lòng chỉ ra những điểm chưa phù hợp trong bài chia sẻ trên.
(Bài chia sẻ tại Pháp hội Minh Huệ năm 2022)
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/10/3/450213.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/10/7/204188.html
Đăng ngày 23-11-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.