Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Pháp
[MINH HUỆ 02-09-2022] Khi được đề nghị viết bài chia sẻ tâm đắc tu luyện, tôi rất lo lắng và không biết bắt đầu từ đâu. Nhưng tôi biết đó cũng là một quá trình đề cao tâm tính bản thân bằng cách hướng nội sâu hơn để có thể phơi bày những thiếu sót hiện có của mình.
Tôi biết đến Pháp Luân Đại Pháp vào năm 2000 ở Martinique, và nhanh chóng nhận ra đây chính là môn tu luyện tôi hằng tìm kiếm. Trong những năm đầu tu luyện, tôi tích cực luyện công, học Pháp, tham gia các sự kiện và phát tờ rơi cho người dân và khách du lịch. Tôi cố gắng làm tốt những việc đó vì nghĩ Pháp Chính Nhân gian sẽ bắt đầu trong vài ba năm nữa và cần đạt đến tiêu chuẩn mà Sư phụ đã đề ra cho các đệ tử Đại Pháp. Tôi nhớ rất rõ tâm trạng của mình lúc đó: tích cực, kiên định và luôn buông bỏ mọi thứ để hỗ trợ các hạng mục chứng thực Đại Pháp. Tôi rất vui vì đã đắc Pháp, và cũng cảm ân Sư phụ đã lựa chọn tôi.
Tôi nhận ra Pháp Chính Nhân gian sẽ không diễn ra sớm như mình đã nghĩ, và nhiều năm đã trôi qua. Năm 2011, tôi đến Marseille, Pháp và lập tức tham gia một số hạng mục giảng chân tướng, trong đó hạng mục quan trọng nhất là Shen Yun.
Tôi nhận thấy đôi khi tôi học Chuyển Pháp Luân giống như học thuộc các bảng cửu chương. Trên miệng thì vẫn đọc, nhưng trong tâm lại nghĩ về những việc của người thường, chẳng hạn như nhắc nhở bản thân kiểm tra email, v.v.
Tôi nhận ra mình không còn tâm thái như thuở mới bắt đầu tu luyện, không ngừng tiếp thu từng từ từng từ trong Pháp như miếng bọt biển hút nước. Lúc đó, tôi có thể cảm nhận được sức mạnh và sự huyền diệu của Pháp. Nhưng giờ đây khi tôi học Pháp trực tuyến thì không như thế nữa, mặc dù tôi có cảm giác quen thuộc với Pháp đến mức biết được câu tiếp theo là gì. Tôi tự hỏi tại sao tôi lại mất đi cảm giác hòa tan trong Pháp của thuở ban đầu?
Tôi hướng nội tìm xem điều gì đã khiến tôi phân tâm. Tôi nhận ra đó là sự tích tụ của những thứ của người thường: sở thích, nghệ thuật, gia đình và bạn bè. Mặc dù tôi không quá coi trọng bất kỳ vấn đề cá nhân nào, nhưng khi chúng tích lũy lại thì trở nên rất lớn. Tôi cũng nhận thấy mình không tích cực giảng chân tướng như trước. Hàng ngày tuy gặp nhiều người, nhưng tôi hiếm khi đưa cho họ tờ rơi Pháp Luân Công. Đôi khi cả tuần tôi không phát được một tờ rơi nào. Trước đây, tôi thường giảng chân tướng mỗi khi ra ngoài. Hồi đó, việc này giống như phản xạ tự nhiên.
Hướng nội sâu hơn, tôi phát hiện ra tâm sợ hãi: sợ làm phiền mọi người và sợ bị từ chối. Điều đó là do tâm tự cao và tự tư bị tà ác lợi dụng. Việc chủ động bắt chuyện với người lạ đòi hỏi sự khiêm tốn và thiện tâm, khác với những giá trị mà tôi đã được dạy. Tôi cũng thấy mình có thể làm tốt hơn khi phối hợp với các đồng tu trong việc giảng chân tướng, nhưng lại cảm thấy bất lực khi thực hiện một mình. Việc giảng chân tướng trước công chúng là một thách thức thực sự đối với tôi.
Sư phụ giảng:
“Tất nhiên như tôi đã giảng, người ta đều vì quan niệm của mình chẳng ngay, tâm nơi mình chẳng chính mà [tự] rước lấy rắc rối.” (Bài giảng thứ ba, Chuyển Pháp Luân)
Sau khi tìm ra vấn đề, tôi rất xấu hổ. Tôi đã lấy cớ: “Mình làm việc trong một hạng mục truyền thông Đại Pháp và đang giảng chân tướng trên diện rộng, vì vậy mình không cần phải nói chuyện trực tiếp với mọi người.” Nhưng điều đó không thể chấp nhận được. Tôi cũng nghe thấy một giọng nói: “Đừng lo lắng về những người qua đường đó — họ nên tự tìm các kênh truyền thông Đại Pháp và sẽ được cứu.”
Hiện giờ, tôi phủ nhận quan niệm này, và tự hỏi về trách nhiệm của bản thân đối với chúng sinh. Theo quan điểm của Pháp, tôi có trách nhiệm gì đối với hàng nghìn người qua đường mà tôi gặp hàng ngày, những người chưa được nghe chân tướng? Liệu tôi có tạo ra nghiệp lực từ việc này không? Nếu họ không biết chân tướng, liệu họ có tương lai không? Sẽ có cơ hội khác cho họ không?
Sư phụ giảng:
“Các đệ tử Đại Pháp không được cô phụ trách nhiệm vĩ đại đã được giao phó cho chư vị trong Chính Pháp, càng không được để bộ phận chúng sinh đó phải thất vọng; chư vị đã là hy vọng duy nhất cho việc họ có thể tiến nhập sang tương lai được hay không; vậy nên, tất cả các đệ tử Đại Pháp, học viên mới và cũ, đều phải có hành động; bắt đầu toàn diện giảng thanh chân tướng.” (Hãy vứt bỏ tâm con người, và hãy cứu độ thế nhân, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)
Thể ngộ của tôi về việc “toàn diện giảng thanh chân tướng” là tôi nên giảng chân tướng cho những người mà tôi gặp nơi công cộng và chịu trách nhiệm với họ vì họ đang chờ đợi tôi. Và đó là sứ mệnh khác của tôi ngoài việc tham gia vào hạng mục truyền thông.
Một tuần trước khi bắt đầu viết bài chia sẻ này, tôi đã quyết định ưu tiên giảng chân tướng. Tôi chính lại suy nghĩ, nghĩ rằng hàng ngày mình ra ngoài là để giảng chân tướng, sau đó mới đến những việc khác như gặp gỡ mọi người, hội họp và mua đồ. Hình thành thói quen này không dễ, nhưng Sư phụ đang giúp tôi từng bước thực hiện. Việc học Pháp cũng gia trì cho tôi, và mỗi lần phát chính niệm cũng đều đả thông những chướng ngại cho tôi.
Việc giảng chân tướng trong các cửa hàng khi đi mua sắm là thách thức lớn nhất đối với tôi. Tôi phải vượt qua quan niệm người thường về giai tầng xã hội và tư tâm để đặt Pháp lên hàng đầu. Trong vòng một tuần, tôi cố gắng vượt qua những quan niệm này mỗi ngày, và Sư phụ cũng gia trì cho tôi. Tâm tôi cũng trở nên ngày càng tĩnh lặng hơn khi học Pháp.
Con xin cảm tạ Sư tôn!
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/9/2/448302.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/10/24/204438.html
Đăng ngày 17-11-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.