Bài viết của Đạo Minh

[MINH HUỆ 16-06-2022] Một đồng tu mà tôi quen đã ngừng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp sau khi cuộc bức hại xảy ra vào năm 1999. Vài năm sau, nhờ sự giúp đỡ của các đồng tu khác, cô ấy đã quay trở lại tu luyện. Cô ấy nói với tôi rằng vấn đề của cô là học Pháp không đầy đủ.

Vài năm sau, trong một buổi chia sẻ, cô ấy lại một lần nữa nói rằng vấn đề của bản thân là không học Pháp đầy đủ. Nhiều năm trôi qua, tôi phát hiện ra rằng “bản thân học Pháp không đầy đủ” đã trở thành câu cửa miệng của cô ấy. Cô ấy sẽ dùng cách nói đó để chứng tỏ rằng mình đã làm được việc người tu luyện cần làm, cụ thể là hướng nội, thế nhưng cô ấy vẫn không thể khắc phục được vấn đề mặc dù bản thân đã nhận ra.

Đừng chỉ dừng lại ở việc xác định tâm chấp trước của bản thân

Cũng có một vài học viên vội vã kể ra một loạt những tâm chấp trước của mình trước khi các đồng tu khác kịp chỉ ra những chỗ thiếu sót đó. Họ rất giỏi nhận ra những tâm chấp trước của mình, nhưng họ chưa bao giờ cố gắng để thay đổi bản thân, thậm chí sau rất nhiều năm tu luyện.

Sư phụ đã giảng trong Pháp cho chúng ta rằng hướng nội là một Pháp bảo, nhưng chúng ta không thể tìm ra chấp trước rồi để tại đó, chúng ta phải tu bỏ và diệt trừ chấp trước.

Khi chúng ta hướng nội tìm chấp trước, điều đó không đồng nghĩa việc chúng ta tu luyện tốt hay có thể dùng nó như một cái cớ bao che cho bản thân để tránh phải lắng nghe nhận xét từ những người khác.

Mục đích hướng nội tìm bất thuần

Một số học viên không chịu hướng nội tìm cho tới khi không còn cách nào khác. Họ mắc kẹt trong tu luyện và đối diện với mâu thuẫn không thể giải quyết trừ khi họ chính lại bản thân mình. Trong tình huống này, mục đích hướng nội của họ không thuần tịnh, họ hướng nội vì muốn giải quyết vấn đề của mình.

Ví dụ, khi các học viên thấy con cái hoặc cháu của mình gặp khổ nạn, họ sẽ nỗ lực hướng nội tìm và nói rằng bản thân họ làm chưa tốt, nếu không người thân của họ sẽ không gặp khổ nạn như vậy. Mục đích của họ khi đó lại là mong muốn con cái có cuộc sống yên ổn, chứ không phải để đề cao trong tu luyện của bản thân.

Một đồng tu đã mất toàn bộ số tiền tiết kiệm vì con của bà đã lấy và tiêu hết số tiền đó, thế nhưng bà ấy vẫn tiếp tục cố gắng dành dụm tiền lương hưu của mình để đưa cho con, thậm chí còn nói rằng con bà đã giúp bà tiêu nghiệp. Bà ấy tu luyện tinh tấn và mong muốn rằng mình chịu khổ như vậy sẽ giúp con bà có cuộc sống tốt hơn. Đó chính là tâm chấp trước của bà nhưng bà ấy cứ mãi luẩn quẩn để trốn tránh nhân tâm thực sự đó.

Một vấn đề tồn tại phổ biến mà chúng ta thường thấy ở các học viên là khi bị nghiệp bệnh một thời gian dài, họ thường cố gắng hướng nội một cách tuyệt vọng. Trong trường hợp này, mục tiêu tu luyện của họ không phải để thực sự đề cao tâm tính mà mục đích chính là để tiêu trừ nghiệp bệnh.

Mục đích chân chính của hướng nội là để nhìn ra tâm chấp trước và thanh lý chúng. Chỉ khi chúng ta thực sự tu luyện bản thân mới có thể liên tục đề cao cảnh giới của mình.

Hướng nội nửa vời

Tôi biết một đồng tu không bao giờ để tâm đến việc tìm ra gốc rễ sâu xa của những tâm chấp trước. Bất cứ khi nào đối diện khổ nạn, anh ấy cũng đều hướng nội nhưng khi hỏi anh ấy thì anh nói: “À, đó chỉ là nhân tâm.”

“Còn gì nữa không?”

“Có, tâm vị tư.”

Nếu gặng hỏi tiếp, học viên ấy sẽ mất kiên nhẫn:

“Chẳng phải chấp trước nào cũng đều là nhân tâm sao. Tất cả chỉ có vậy.”

Loại cố gắng hướng nội nửa vời này sẽ chẳng đem đến kết quả gì. Nếu chúng ta không quan tâm đến việc tìm ra gốc rễ sâu xa của tâm chấp trước thì sẽ rất khó để thanh trừ chúng.

Bản thân tôi cũng đã từng như vậy. Ngay cả khi tôi làm sai, tôi vẫn sẽ tranh luận và giải thích, làm gì cũng được trừ việc thừa nhận mình đã sai.

Nhờ học Pháp không ngừng và tu bỏ nhân tâm, tôi dần dần nhận ra rằng tất cả những gì tôi muốn là bảo vệ cái tôi vị tư, trong tiếng Hán, “tư” và “tử” là chữ đồng âm. Tôi đã nhận thức được một cách thanh tỉnh rằng nếu tôi tiếp tục bám vào cái “tư” này, nó sẽ dẫn đến “tử lộ.”

Càng ngày tôi càng tu luyện thành thục hơn. Bất cứ khi nào hướng nội tìm chấp trước, tôi không chút do dự và lập tức thanh lý chúng. Tôi không cho phép chúng tồn tại dai dẳng năm này qua năm khác.

Tôi không dám nói rằng mình có thể thanh trừ các chấp trước chỉ trong một lần nhưng tôi có thể cảm nhận được rằng bất cứ khi nào tôi thanh lý chúng, và khi một chấp trước tương tự xuất hiện, tôi có thể xử lý chúng với một tâm thế khác. Việc nó xuất hiện lặp đi lặp lại vẫn thường xảy ra nhưng tôi khích lệ bản thân không nản lòng, rút ra những kinh nghiệm từ sai lầm và bài học và kiên định thực hiện cho dù nó khó đến đâu. Thông thường tôi sẽ có thể vượt qua nếu học Pháp thật nhiều.

Tu luyện là một quá trình rèn luyện lặp đi lặp lại, và đến cuối cùng sẽ luyện xuất ra được vàng ròng.

Trên đây là những thể ngộ tại tầng thứ của bản thân. Vui lòng chỉ ra những gì chưa phù hợp.

Ghi chú của Ban Biên tập: Bài viết này thể hiện nhận thức cá nhân của tác giả ở trạng thái tu luyện hiện tại, xin chia sẻ cùng quý đồng tu để chúng ta “Tỉ học tỉ tu” (Thực tu, Hồng Ngâm).

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/6/16/444916.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/7/12/202209.html

Đăng ngày 13-10-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share