Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 31-05-2022] Bà Chu Vân (ngoài 50 tuổi) vốn đã hồi phục sức khỏe nhờ tu luyện Pháp Luân Công, nhưng sau khi ĐCSTQ điên cuồng bức hại pháp môn này vào năm 1999, bà đã bị bắt và giam cầm phi pháp. Năm 2020, tại thời điểm mãn hạn tù sau 6 năm bị cầm tù vì kiên định đức tin, bà đã bị rối loạn tâm thần do bị cưỡng chế sử dụng thuốc và tra tấn ở trong tù. Hiện cư dân thành phố Hồ Lô Đảo, tỉnh Liêu Ninh này không còn năng lực lao động, phải nhặt ve chai kiếm sống, thậm chí có lúc bà còn ăn cả thức ăn thừa vứt trong thùng rác.

Bà Chu đã trải qua một cuộc sống đầy thăng trầm trong hơn 20 năm qua. Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1989, bà trở thành kỹ sư thiết kế và có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Nhưng sức khỏe của bà lao dốc sau khi sinh con năm 1992. Bà không còn sức để làm việc và phải dựa vào thuốc để duy trì sự sống. Năm 1997, bà bắt đầu học luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân cổ xưa, và nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

Tuy nhiên, chỉ hai năm sau, cuộc sống hạnh phúc mà bà mới có lại đã nhanh chóng kết thúc khi ĐCSTQ phát động đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999. Bà bị kết án 1,5 năm lao động cưỡng bức sau khi đến Bắc Kinh để nói lời công đạo cho Pháp Luân Công vào tháng 10 năm 2000.

Trong thời gian ở trong trại lao động, bà Chu bị tẩy não cường độ cao và liên tục bị yêu cầu từ bỏ Pháp Luân Công. Đôi khi bà bị cấm ngủ và buộc phải ngồi xổm hoặc ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ trong nhiều tiếng.

Bởi bà vô cùng kiên định đức tin vào Pháp Luân Công, các nhà chức trách đã kéo thời hạn của thêm 5 tháng và trả tự do cho bà vào tháng 9 năm 2002. Tuy nhiên, bà không được về nhà mà bị đưa đến một trung tâm tẩy não do nơi làm việc của bà dựng lên, và bị giam ở đó thêm một tháng. Sau đó, bởi vẫn không từ bỏ Pháp Luân Công, bà đã bị đuổi việc. Do áp lực từ cuộc bức hại, chồng bà cũng ly dị bà.

Sau này bà Chu kết hôn với ông Hoàng Lập Trung (cũng là một học viên Pháp Luân Công) vào năm 2006. Thật không may, ông đã bị bắt vào tháng 8 năm 2008 và bị bức hại đến chết trong tù hai năm sau đó, vào tháng 10 năm 2010, ở tuổi 45.

Bà lại một lần nữa mất đi gia đình. Năm 2014, bà bị bắt một lần nữa và sau đó bị kết án 6 năm tù, điều này khiến bà suy sụp tinh thần.

Vụ bắt giữ và án tù gần đây nhất

Ngày 24 tháng 7 năm 2014, cảnh sát trưởng Trần Ngọc Long của Đội An ninh Nội địa thành phố Hồ Lô Đảo dẫn theo một nhóm cảnh sát kéo đến nơi ở của bà Chu và dùng thang để leo vào nhà bà ở tầng sáu và bắt giữ bà. Năm học viên khác là bà Vương Anh Tư, bà Cốc Phượng Lệ, ông Hình Gia Thu, bà Trương Thú Anh, và ông Cao Tác Khuê cũng bị bắt giữ trong ngày hôm đó.

Tòa án quận Liên Sơn ở thành phố Hồ Lô Đảo đã tổ chức một phiên xét xử vụ án chống lại sáu học viên vào ngày 21 tháng 9 năm 2015. Công tố viên Lý Thanh Diễm buộc tội các học viên “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật” (một cái cớ tiêu chuẩn được chính quyền sử dụng để khép tội các học viên Pháp Luân Công) và dùng các sách và tài liệu Pháp Luân Công đã tịch thu làm bằng chứng truy tố họ.

Bốn luật sư đã thay mặt thân chủ của họ không nhận tội. Họ chỉ ra rằng thân chủ của họ có quyền tự do tín ngưỡng và họ không vi phạm bất kỳ luật nào khi sở hữu tài liệu Pháp Luân Công. Hơn nữa, tất cả các bằng chứng truy tố, đặc biệt là sách và đĩa CD, phải là hiện vật và phải được trình bày trước tòa theo như yêu cầu của pháp luật. Tuy nhiên công tố viên chỉ cung cấp hình ảnh của các đồ vật đó, do đó, tất bằng chứng truy tố này đều vô hiệu.

Các luật sư cũng phân tích rằng công tố viên đã không chỉ ra các bị cáo đã phá hoại việc thực thi pháp luật bằng cách nào để gây ra thiệt hại, và rằng quyền tự do tín ngưỡng của thân chủ của họ được Hiến pháp bảo vệ và họ hoàn toàn không nên bị truy tố.

Tất cả sáu học viên đều bác bỏ cáo buộc và yêu cầu được tha bổng. Thẩm phán đã hoãn phiên tòa và đưa ra phán quyết bốn ngày sau đó: Bà Chu bị kết án 6 năm, bà Vương 4,5 năm, ông Hình 3,5 năm, bà Trương 3 năm, bà Cốc 1,5 năm, và ông Cao 1 năm 3 tháng.

Bị tiêm thuốc độc hại khiến tinh thần thất thường khi ở trong tù

Bà Chu bị giam trong Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh. Vì không từ bỏ đức tin của mình, bà đã bị đưa vào một phòng giam đầy những tội phạm nghiêm trọng, hầu hết đều bị kết án chung thân. Lính canh xúi giục họ theo dõi và tra tấn bà. Bất cứ ai “chuyển hóa” thành công một học viên sẽ được phần thưởng là giảm thời hạn bản án. Khi các tù nhân đánh đập bà Chu, bà đã hét lên để cầu cứu. Nhưng lính canh chỉ nói vài câu khiển trách tù nhân chứ không thực sự phạt họ.

Hai tù nhân theo dõi bà Chu 24/24 dù là bà đang ở đâu. Họ không cho phép bà nói chuyện với bất cứ ai. Khi bà Chu bước đi, một tù nhân ở phía trước và người còn lại ở phía sau bà. Khi bà ngồi xuống, họ ngồi áp sát hai bên người bà. Bà cũng bị buộc phải ngồi xổm trên sàn trong phòng vệ sinh khi những người khác đi ngủ sau 9 giờ tối. Nền bê tông ẩm ướt khiến bà không thể ngồi được. Bà liền bắt đầu tuyệt thực để phản đối sự ngược đãi này.

Ba ngày sau, bà buộc phải truyền dịch tĩnh mạch. Website Minghui.org đã có nhiều báo cáo về việc các học viên Pháp Luân Công bị tiêm các loại thuốc không rõ nguồn gốc gây phá hủy hệ thần kinh trung ương và gây rối loạn tâm thần, đặc biệt là tại Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh khét tiếng.

Bà Chu rút kim truyền ra bất cứ khi nào có cơ hội, hoặc đưa cánh tay qua lại để dịch không truyền vào tay bà. Tuy nhiên, lính canh đã phát hiện ra và còng tay bà vào giường để ngăn bà tiếp tục di chuyển.

Bà Chu bắt đầu bị mất trí nhớ sau vài ngày bị truyền dịch qua đường tĩnh mạch như vậy. Bà cười khúc khích một cách ngây dại mà không tự biết, và một khi cười là không dừng lại được. Khi bà bị trói nằm trên giường, lính canh để một cánh tay trần của bà thò ra bên ngoài chăn bông. Trong những đêm đông lạnh giá, cánh tay bà lạnh đến mức khiến bà không thể ngủ được. Sau đó, bà trở nên khờ khạo với đôi mắt lờ đờ.

Sau hơn một năm tuyệt thực, bà vô cùng tiều tụy và chỉ còn nặng 45kg (cân nặng ban đầu của bà là gần 66kg). Bác sỹ nhà tù lo sợ rằng bà có thể chết bất cứ lúc nào và mỗi đêm họ đều kiểm tra xem bà còn sống hay không.

Sau đó, bà được chuyển đến khu bệnh xá của nhà tù. Ở đây bà phải ở trong xà lim cả ngày, kể cả khi bà làm công việc đóng gói tăm bông vào túi nhựa nhỏ. Bà và nhiều tù nhân bị buộc phải dậy lúc 5 giờ 10 sáng và bắt đầu làm việc trước bình minh. Bữa ăn của họ chỉ có rau luộc với những con sâu nổi lềnh bềnh và rất nhạt, không có vị gì. Họ phải mua thêm dưa muối và chao để có một lượng muối cho bữa ăn của họ. Sau bữa tối, họ tiếp tục phải làm việc đến 9 giờ tối.

Ngoài hệ thống giám sát, lính canh cũng đứng ở cửa phòng giam để theo dõi họ. Bà Chu bị tù nhân và lính canh giám sát nghiêm ngặt hơn. Bà không được phép nói chuyện một cách thoải mái với mọi người, đặc biệt là không được phép nói đến Pháp Luân Công.

Tù nhân đã tóm tắt hoàn cảnh trong tù: dậy sớm hơn gà, ăn thức ăn cho lợn, làm việc nhiều hơn trâu, và phải trung thành hơn chó.

Khi bà Chu được thả vào ngày 23 tháng 12 năm 2019, bà không thể tự chăm sóc bản thân. Đầu óc bà không còn minh mẫn và trí nhớ rát kém. Có lần bà đi ra ngoài và không thể tìm thấy đường về nhà. Có người đã nhờ cảnh sát giúp bà về nhà. Bởi mất khả năng lao động, bà phải nhặt ve chai để kiếm sống.

Bà Chu không thể nhớ lại chi tiết những bức hại mà bà đã trải qua khi ở trong nhà tù do trạng thái tinh thần của mình. Theo học viên Hàn Oánh, người từng bị giam trong cùng nhà tù với bà Chu, bà từng nhìn thấy bà Chu chảy nước dãi. Một tù nhân đã từng chỉ tay vào bà Chu và đe dọa bà Hàn: “Bà ta bị như vậy là do thuốc tâm thần. Nếu bà không từ bỏ (Pháp Luân Công), họ cũng sẽ làm khiến bà thành bộ dạng như vậy, và tuyên bố rằng bà bị bệnh tâm thần”.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/5/31/444299.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/7/2/202057.html

Đăng ngày 29-08-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share