Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 28-07-2022] Một cư dân thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông đã bị xét xử vào ngày 14 tháng 6 năm 2022 tại một tòa án ở tỉnh Giang Tô lân cận, sau khi bị báo cảnh sát vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Những năm gần đây, bà Vu Lan Phương (55 tuổi) đến ở với con gái ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô để giúp chăm sóc cháu trai. Vào lúc 6 giờ 30 sáng ngày 28 tháng 1 năm 2021, một nhóm cảnh sát đã đột nhập vào nhà con gái bà và bắt giữ bà, và lấy đi các sách Pháp Luân Công và điện thoại di động của bà.

Cảnh sát tuyên bố có người báo rằng đã nhìn thấy tài liệu Pháp Luân Công được phân phát trong phân khu của họ. Thông qua việc tìm kiếm từ các video giám sát, cảnh sát thấy bà Vu đi vào khu vực này và nghi ngờ bà đã phân phát số tài liệu đó.

Sau 36 ngày giam giữ, bà Vu được tại ngoại vào ngày 4 tháng 3 năm 2021. Tiếp đó, cảnh sát đã chuyển hồ sơ của bà lên Viện kiểm sát quận Ngô Giang, viện này đã chuyển hồ sơ của bà sang Tòa án quận Ngô Giang sau khi truy tố bà.

Bà Vu bị đưa ra xét xử tại Tòa án quận Ngô Giang ở Tô Châu vào ngày 14 tháng 6 năm 2022. Những người tham dự phiên tòa bao gồm luật sư của bà, ông Trương Truyền Lợi, chủ tọa phiên tòa Lưu Lệ Bằng, công tố viên Hoàn Tú Phong, hai thẩm phán viên, một thư ký tòa án và bốn chấp hành viên tòa án.

Ban đầu con gái bà Vu được phép vào phòng xử án nhưng sau đó lại bị chủ tọa yêu cầu ra ngoài trong giữa phiên tòa. Ông ta nói rằng cô ấy được liệt kê làm nhân chứng truy tố nên không được vào trong phòng xử án. Con rể của bà Vu cũng bị chặn tại lối vào của tòa án, và chấp hành viên tòa án nói rằng anh cũng có tên trong danh sách nhân chứng truy tố.

Kể lại sự ngược đãi của cảnh sát

Mở đầu phiên xử, chủ tọa phiên tòa hỏi bà Vu trước đó có từng bị truy tố hay không.

Bà Vu đáp: “Hết thảy những gì ĐCSTQ khiến tôi phải chịu đựng đều là bất hợp pháp. Mọi bệnh tật của tôi đều đã khỏi nhờ tu luyện Pháp Luân Công”.

Thẩm phán nói: “Bà chỉ được phép trả lời ‘Có’ hoặc ‘Không’ thôi“.

Bà Vu nói tiếp: “Khi tôi bị bắt vào năm 2000 vì đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, cảnh sát địa phương đã đánh tôi bằng dùi cui cao su, khiến cả hai chân của tôi đầy vết bầm tím”.

Thẩm phán ngay lập tức ngắt lời bà: “Tôi không hỏi bà chuyện này. Điều tôi hỏi là bà có từng bị giam giữ vì tội gây rối trật tự xã hội hay không”.

Bà Vu đáp: “Cảnh sát mới là người vi phạm pháp luật. Tôi không phạm tội“.

Bà Vu tiếp tục kể lại những ngược đãi mà bà đã trải qua sau vụ bắt giữ gần đây nhất. “Năm cảnh sát của Đồn Công an Phong Kiều đã đột nhập vào nhà con gái tôi vào khoảng 6 giờ sáng ngày 28 tháng 1 năm 2021. Không ai trong số họ mặc cảnh phục. Họ còng tay tôi và đưa tôi đến đồn công an. Một cảnh sát đã vặn cánh tay tôi, đẩy tôi vào tường và chụp hình tôi”.

“Họ còng tay tôi vào một chiếc ghế kim loại trong hơn 30 tiếng. Chiếc ghế rất lạnh. [Việc ngồi lâu] khiến chân tôi sưng lên. Tôi không được phép ngủ hoặc đứng dậy để đi lại vận động đôi chân của mình. Cuối cùng, đến khi họ thả tôi ra khỏi ghế khoảng 3 giờ chiều ngày 29 tháng 1, chân và bàn chân của tôi bị sưng phù lên và đi lại rất khó khăn. Tôi phải vịn vào tường và chậm chạp lò dò vào nhà vệ sinh. Mặc dù đã hành hạ thân thể tôi đến như vậy, nhưng cảnh sát vẫn tiếp tục ép tôi hợp tác với họ”.

“Một buổi tối nọ, hai cảnh sát đến yêu cầu tôi ký tên vào một tờ giấy, nói rằng là để tăng hình phạt cho tôi. Tôi lắc đầu từ chối ký tên và một trong số họ đe dọa sẽ kết án tù tôi. Do suy kiệt về thể chất và tinh thần, tôi bắt đầu bị đau đầu, chóng mặt, ù tai, buồn nôn, tim đập mạnh và tức ngực”.

“Cháu trai hai tuổi của tôi vì chứng kiến cảnh tôi bị bắt mà sợ hãi đến phát sốt trong ba ngày. Tôi lo lắng cho cháu bé và không thể ăn uống được. Sau đó, một cảnh sát còn đe dọa sẽ bức thực tôi. Tôi rất sợ hãi mỗi khi nghĩ rằng họ sẽ nhét một cái ống vào trong dạ dày của tôi. Tôi chỉ mong sớm ngày được về nhà với người thân của mình”.

Sau đó công tố viên Hoàng đã buộc tội bà Vu phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Bà phản bác rằng không có luật nào hình sự hóa Pháp Luân Công hoặc gán cho nó là một tà giáo. Chủ tọa phiên tòa lại một lần nữa ngăn cản bà nói tiếp.

Sau đó, công tố viên hỏi bà Vu tại sao lại phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Bà trả lời: “Pháp Luân Đại Pháp là cứu người, phát tài liệu là để mọi người minh bạch chân tướng. Hãy ghi nhớ chín chữ chân ngôn ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo’ để được bình an trong đại dịch này”. Chủ tọa phiên tòa Lưu Lệ Bằng đã ngắt lời bà và nói rằng bà không được tuyên truyền những điều này trước tòa.

Sau đó, thẩm phán yêu cầu bà Vu xác nhận liệu các tài liệu Pháp Luân Công được tịch thu từ nhà của con gái bà có phải là của bà hay không. Bà Vu nói: “Những tài liệu này đều là tài sản cá nhân của tôi. Việc tôi sở hữu chúng là hoàn toàn hợp pháp. Tổng cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh cấm đối với các ấn phẩm của Pháp Luân Công vào tháng 3 năm 2011“.

“Thẩm phán nói: ‘Tôi yêu cầu bà chỉ được trả lời ‘Có’ hoặc ‘Không’”.

Bào chữa của luật sư

Công tố viên cho rằng bản cáo trạng dành cho bà Vu được đưa ra dựa trên ý kiến pháp lý do Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ban hành năm 2017, trong đó giải thích Điều 300 Luật Hình sự, nói rằng bất kỳ ai lợi dụng một tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật phải bị truy tố ở mức tối đa mà pháp luật cho phép.

“Bản thân quan điểm pháp lý đó là ​​không có bất kỳ ràng buộc pháp lý nào, bởi cả hai cơ quan này đều không phải là cơ quan lập pháp của Trung Quốc. Do đó, quan điểm pháp lý của hai cơ quan này ​​không thể được coi là luật đã ban hành để các cơ quan thực thi pháp luật chiểu theo”.

Luật sư cũng hỏi bà Vu rằng tại sao bà lại tu luyện Pháp Luân Công. Bà Vu trả lời rằng bà từng mắc nhiều căn bệnh và không có phương pháp điều trị y tế nào có thể giúp được cho bà. Nhưng ngay sau khi theo học Pháp Luân Công, bà đã hoàn toàn khôi phục sức khỏe. Kể từ đó, bà sống theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công để trở thành người tốt hơn, nhưng chỉ vì như vậy mà bà lại bị chính quyền bức hại.

Thẩm phán cắt ngang: “Đừng tuyên truyền Pháp Luân Công nữa. Bà đã nói về nó nhiều lần rồi. Chúng tôi đều biết cả rồi”.

Bà Vu tiếp tục nói rằng sau khi cuộc đàn áp xảy ra, bà đã bị cảnh sát địa phương bắt giữ và đánh đập tàn bạo. Bà cũng bị giam trong một trung tâm tẩy não và phải đối mặt với sự sách nhiễu liên tục từ phía chính quyền. Bởi áp lực to lớn, bà đã ngừng tu luyện Pháp Luân Công một thời gian, nhưng sau đó sức khỏe của bà sụt giảm, những căn bệnh vốn đã khỏi nhờ tu luyện lúc này lại tái phát. Trong tâm bà biết rõ ràng Pháp Luân Công là tốt, nhưng lại bị bức ép đến mức phải lên án và vu khống pháp môn này trái với ý nguyện. Điều này đã khiến nội tâm bà vô cùng thống khổ và bị trầm cảm. Sau đó bà quyết định khôi phục việc tu luyện Pháp Luân Công và các triệu chứng bệnh của bà lại nhanh chóng biến mất, cơ thể khỏe mạnh trở lại.

Luật sư nói với thẩm phán: “Thân chủ của tôi chỉ là một công dân bình thường, chỉ muốn thực hành đức tin và duy trì sức khỏe. Luật nào đã bị phá hoại bởi việc bà ấy tập luyện và truyền bá thông tin về Pháp Luân Công? Và bà ấy đã phá hoại nó như thế nào? Tôi yêu tòa tuyên bà ấy trắng án”.

Trong tuyên bố cuối cùng của mình, bà Vu nói rằng Pháp Luân Công đã chịu oan uổng trong suốt những năm qua. Nếu nhiều người tập Pháp Luân Công hơn thì xã hội sẽ là một nơi tốt đẹp hơn rất nhiều và những người công tác trong lĩnh vực thực thi pháp luật sẽ không phải xử lý nhiều tội phạm như vậy mỗi ngày.

Bà nói: “Nếu các vị kết án tôi chỉ vì tôi phát một tập sách nói về Pháp Luân Công nhằm để mọi người biết chân tướng và giúp cho mọi người có thể bình an trong đại dịch, thì về luật hay về lý các vị cũng hoàn toàn sai. Tôi hy vọng tất cả các vị xem xét lại lương tâm của mình. Tất cả các vị đều biết Pháp Luân Công là gì và học viên chúng tôi không làm gì sai cả. Chiểu theo luật thì tôi không có vi phạm pháp luật. Tôi yêu cầu được trắng án“.

Sau phiên tòa, thẩm phán chủ tọa nói với bà Vu rằng ông ta sẽ phải tuyên án bà, vì trước đó bà đã bị án quản chế (mà theo ông ta đó là một hình phạt quá nhẹ). Ông ta cũng ám chỉ rằng bản thân không có tiếng nói, bởi phán quyết là do Ủy ban Chính trị và Pháp luật định đoạt.

Bà Vu nói với thẩm phán chủ tọa: “Tôi tin là khi đối mặt với mệnh lệnh và lương tri, ông vẫn có thể lựa chọn làm theo lương tri.”

Bức hại trong quá khứ

Trước vụ bắt giữ gần đây nhất, bà Vu từng bị chính quyền nhắm mục tiêu nhiều lần trong hai thập kỷ qua vì tu luyện Pháp Luân Công.

Bà bị bắt lần đầu tiên vào năm 2000 vì kháng nghị cho quyền tu luyện Pháp Luân Công, và bị cảnh sát giam giữ và đánh đập.

Ngày 14 tháng 6 năm 2006, trong lúc đang đi công tác tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, bà bị bắt tại khách sạn sau khi cảnh sát Nam Kinh phát hiện bà mang theo sách và tài liệu Pháp Luân Công. Bà đã bị giam giữ 1 năm trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Cú Đông.

Bà bị bắt một lần nữa vào ngày 22 tháng 2 năm 2016 tại cửa hàng của mình. Tòa án Khu phát triển Công nghiệp Công nghệ cao đã kết án bà 3 năm tù với 4 năm quản chế và phạt 5.000 nhân dân tệ.

Thông tin liên lạc của các thủ phạm tham gia bức hại:

Lưu Lệ Bằng (刘丽鹏), thẩm phán, Tòa án quận Ngô Giang: +86-512-63983975
Hoàng Tú Phong (黄秀峰), công tố viên của Viện Kiểm sát quận Ngô Giang: +86-512-63969043
Hoàng Hải Bằng (黄海鹏), cảnh sát, Đồn Công an Phong Kiều: +86-512-65362718
Tương Đại Vĩ (蒋大伟), cảnh sát, Đồn Công an Phong Kiều

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/6/17/445050.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/6/28/201992.html

Đăng ngày 26-08-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share